Astrology.vn - Hương này trồng từ rừng giới, tưới bằng nước định, chặt từ vườn tuệ, vót bằng đao giải thoát. Chẳng do sức người rìu búa, hình thế xuất tự thiên nhiên. Đốt lên từ lò báu tri kiến, kết đài mây sáng rỡ. Khi bay khắp chốn ngạt ngào, tan ra đầy trời thơm phức. Vừa lúc rạng đông, thắp hương cúng dường.
Cúi mong, phương tây mặt trăng vừa lặn, hướng đông vầng nhật hiện dần. Chiếu phạn họp dòng thanh tịnh, cõi không lễ bậc thánh hiền. Mong thấu lòng thành, kính dâng hương báu.
Hương này, trồng từ rừng giới, tưới bằng nước định, chặt từ vườn tuệ, vót bằng đao giải thoát. Chẳng do sức người - rìu - búa, hình thế xuất tự thiên nhiên. Đốt lên từ lò báu tri kiến, kết đài mây sáng rỡ. Khi bay khắp chốn ngạt ngào, tan ra đầy trời thơm phức. Vừa lúc rạng đông, thắp hương cúng dường.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyệt đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Đất tâm mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
PHÁT NGUYỆN
Nguyện mây hương hoa này
Khắp cả mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật,
Tôn Pháp, chư Bồ-tát,
Vô lượng chúng Thanh văn
Và tất cả Thánh Hiền.
Vừa rời đài Quang minh
Qua cõi nước vô biên
Trong vô biên cõi Phật
Nhận dùng làm Phật sự.
Xông khắp các chúng sanh
Đều phát tâm Bồ-đề.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
TÂU BẠCH
Kính bạch, mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Soi đuốc tuệ nơi đường tối, thả thuyền từ trong biển khổ.
Trộm nghe, canh gà vừa qua, bóng thỏ mới lặn. Khói mù nơi sông núi chớm tan, xe ngựa xa gần đều chuyển động. Tiếng mai hoa trên lầu vừa tàn, chén trúc diệp trước song mới tỉnh. Mày liễu thập thò bày nắng sớm, mặt hoa e thẹn đọng sương mai. Gặp khi bừng sáng, thương kẻ ngu mê. Trong đêm giấc mộng đã lờ mờ, sáng đến tâm hồn còn rộn rịp. Mắt tai đuổi theo thanh sắc, mũi lưỡi dính mắc vị hương. Nhà lửa hằng cam thiêu đốt, sông ái mải chịu đắm chìm. Mặc dù sáng nay ông thức giấc, cũng như người đang ngủ đêm qua. Chẳng lo sanh già bệnh chết đuổi gấp, chỉ chăm vợ con tiền của buộc ràng.
Các Phật tử! Gốc thân chẳng bền, cành mạng khó yên. Mọi người trên đầu đội trời, khó khỏi mắt sáng rơi đất. Một sớm chợt sẩy tay, muôn kiếp thân khó được. Cần phải mau mau gieo giống lành, chớ có khư khư cầu quả ác. Người người sớm tỉnh, mỗi mỗi siêng tu. Chuyên tâm lễ Vô thượng Từ Dung, chạm mắt thấy Đại quang minh tạng.
Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ buổi sáng.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Giảng
“Cúi mong, phương tây mặt trăng vừa lặn, hướng đông vầng nhật hiện dần. Chiếu phạn họp dòng thanh tịnh, cõi không lễ bậc Thánh Hiền. Mong thấu lòng thành, kính dâng hương báu.
Hương này trồng từ rừng giới, tưới bằng nước định, chặt từ vườn tuệ, vót bằng đao giải thoát. Chẳng do sức người rìu búa, hình thế xuất tự thiên nhiên. Đốt lên từ lò báu tri kiến, kết đài mây sáng rỡ. Khi bay khắp chốn ngạt ngào, tan ra đầy trời thơm phức. Vừa lúc rạng đông, thắp hương cúng dường.”
“Cúi mong, phương tây mặt trăng vừa lặn, hướng đông vầng nhật hiện dần” tức là mặt trăng vừa lặn, hướng đông mặt trời từ từ lên.
“Chiếu phạn họp dòng thanh tịnh.” Phạn, chữ Hán là phạn nhưng thường đọc là phạm. Phạm là thanh tịnh. Chư Thiên do tu hạnh thanh tịnh được gọi là Phạm Thiên, nên phạm là chỉ hạnh thanh tịnh. Chiếu phạn họp dòng thanh tịnh tức là trên chùa, trước bàn Phật trải chiếu, những người tu trong sạch họp lại, quì trên chiếu bắt đầu lễ Phật dâng hương.
“Cõi không lễ bậc Thánh Hiền, mong thấu lòng thành, kính dâng hương báu”: Trong cõi hư không, kính lễ tất cả bậc Thánh Hiền ở mười phương, mong thấu suốt được lòng chân thành của mình kính dâng hương quí báu này. Hương báu này là hương gì?
“Hương này trồng từ rừng giới, tưới bằng nước định, chặt từ vườn tuệ, vót bằng đao giải thoát”: Hương cúng dường Phật là giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương. Vậy hương này không phải là hương thế tục mà là hương do giới, định, tuệ, giải thoát tạo thành.
“Chẳng do sức người rìu búa, hình thế xuất tự thiên nhiên, đốt lên từ lò báu tri kiến”: Hương này không phải do rìu búa chặt đem về xay ra rồi kết lại thành hương, hương này là hương sẵn có tự thiên nhiên, thắp lên từ lò báu tri kiến của chính mình.
“Kết đài mây sáng rỡ, khi bay khắp chốn ngạt ngào, tan ra đầy trời thơm phức”: Kết những đài mây sáng rỡ bủa khắp các nơi, hương bay đến đâu, mùi thơm đều ngạt ngào, lúc tan ra khắp cả trời đều thơm phức.
“Vừa lúc rạng đông thắp hương cúng dường.” Chư Tăng Ni hay Phật tử đốt hương cúng Phật không phải chỉ nặng về hương thế gian, như hương trầm hay các mùi hương khác mà đây là hương giới, định, tuệ, giải thoát, đó là hương quí nhất, không gì sánh được. Hương thế gian thuận theo gió, còn hương giới, định, tuệ, giải thoát, nơi nào cũng đến được nên dâng hương quí báu này cúng Phật.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
“Trầm thủy rừng thiền hương sực nức” là hương trầm thủy trồng trong rừng thiền, mùi thơm sực nức. Rừng thiền chỉ cho định.
“Chiên-đàn vườn tuệ đã vun trồng” là mùi thơm chiên-đàn trồng trong vườn trí tuệ. Vườn tuệ là chỉ cho tuệ.
“Đao giới vót thành hình non thẳm”: dùng giới làm đao vót hương này thành giống như một hình núi cao.
“Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng”: hương này là hương định, hương tuệ, hương giới từ tâm phát ra nên cúng dâng Phật mãi mãi không cùng.
Trong Khoa Nghi Sám Hối chúng ta dùng bài dâng hương này.
KỆ DÂNG HOA
Đất tâm mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
“Đất tâm mở ra, hoa nở rộn” tức là đất tâm vừa mở thì thấy hoa nở rộn rã bên ngoài, hoa rộn rã nở từ đất tâm của mình so với trời mưa hoa thì hoa trời thơm không bằng nên nói: “trời có mưa hoa vẫn kém thơm”. Hoa cúng Phật từ nơi tâm quí hơn là hoa trời rải xuống, vì hoa trời vẫn còn là hoa phàm tục nên thơm không bằng hoa từ đất tâm của chúng ta.
“Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật”: từng cành hoa, từng đóa hoa dâng cúng Phật.
“Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi”: hoa của đất tâm dầu gió nghiệp muôn đời thổi cũng không lay động, không rơi rụng, còn hoa thế gian chỉ vài hôm là rụng hết, đó là điểm đặc biệt.
PHÁT NGUYỆN
Nguyện mây hương hoa này,
Khắp cả mười phương cõi,
Cúng dường tất cả Phật,
Tôn Pháp, chư Bồ-tát,
Vô lượng chúng Thanh văn
Và tất cả Thánh Hiền.
Vừa rời đài Quang minh,
Qua cõi nước vô biên,
Trong vô biên cõi Phật,
Nhận dùng làm Phật sự.
Xông khắp các chúng sanh,
Đều phát tâm Bồ-đề.
Bài phát nguyện này nguyện mây hương hoa của mình dâng cúng sẽ bay khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tất cả Pháp, tất cả Bồ-tát, tất cả chúng Thanh văn và những vị Thánh Hiền. Các ngài vừa rời đài Quang minh qua vô biên cõi nước trong vô biên cõi Phật, nhận dùng hương hoa này để làm Phật sự. Hương hoa này xông khắp các chúng sanh đều phát tâm Bồ-đề. Như vậy hương hoa này nguyện cúng dường tất cả chư Phật, chư Bồ-tát, cả pháp của Phật cho đến hàng Thanh văn Hiền Thánh, nói gọn là cúng dường tất cả Tam Bảo. Lại cũng cúng dường các vị Bồ-tát, từ đài Quang minh của các ngài, hóa thân làm Phật sự khắp vô biên cõi, các ngài nhận hương hoa này để làm Phật sự lợi ích cho chúng sanh. Lại nguyện hương hoa này xông khắp tất cả, chúng sanh nào nghe mùi hương hoa này đều phát tâm Bồ-đề.
Tóm lại chúng ta thấy bài nguyện chia làm ba phần: Phần thứ nhất là nguyện cúng dường Tam Bảo.
Phần thứ hai là nguyện cúng dường tất cả những vị đi làm Phật sự.
Phần thứ ba là nguyện hương hoa này xông ướp cho mọi người đều phát tâm Bồ-đề.
TÂU BẠCH
“Kính bạch mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư, soi đuốc tuệ nơi đường tối, thả thuyền từ trong biển khổ.
Trộm nghe canh gà vừa qua, bóng thỏ mới lặn. Khói mù nơi sông núi chớm tan, xe ngựa xa gần đều chuyển động, tiếng mai hoa trên lầu vừa tàn, chén trúc diệp trước song mới tỉnh. Mày liễu thập thò bày nắng sớm, mặt hoa e thẹn đọng sương mai. Gặp khi bừng sáng thương kẻ ngu mê. Trong đêm giấc mộng đã lờ mờ, sáng đến tâm hồn còn rộn rịp. Mắt tai đuổi theo thanh sắc, mũi lưỡi dính mắc vị hương. Nhà lửa hằng cam thiêu đốt, sông ái mải chịu đắm chìm. Mặc dù sáng nay ông thức giấc cũng như người đang ngủ đêm qua. Chẳng lo sanh già bệnh chết đuổi gấp, chỉ chăm vợ con tiền của buộc ràng.”
Ngài tâu bạch: “Kính bạch mười phương Đại Giác...” Đại Giác là chỉ đức Phật. Hùng Sư là thầy hùng, cũng là Phật. Trước điện thờ Phật thường khắc chữ Đại Hùng bảo điện, tức là điện thờ bậc Đại Hùng. Đức Phật đã thắng bao nhiêu trận giặc mà gọi Ngài là Đại Hùng? Hùng là anh hùng là người thắng giặc ngoài biên cương, còn Phật ngồi im lìm dưới cội bồ-đề sao lại gọi là anh hùng? Đó là một ý nghĩa chúng ta phải hiểu cho tường tận. Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt.” Ngoài mặt trận người thắng một vạn quân đáng gọi là anh hùng chưa? - Là anh hùng.
Song đức Phật bảo: Không bằng thắng mình, thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Như vậy thắng người ngoài chưa phải thật anh hùng. Người yếu, chúng ta mạnh thì chúng ta thắng họ, nhưng thắng được chính mình mới thật là anh hùng. Tại sao? Từ xưa biết bao vị anh hùng phải chịu thua nữ sắc hay sự nóng giận của chính họ v.v... Ví dụ như Lữ Bố, một võ tướng ở Trung Hoa, được xem là anh hùng nhưng phải chịu thua sắc đẹp của Điêu Thuyền... nghĩa là không tự thắng được trước sự cám dỗ của nữ sắc. Chỉ có đức Phật, trước bao nhiêu cám dỗ nào tài sắc, nào danh lợi v.v..., Ngài đều thắng hết, đó mới thật là anh hùng. Thế nên đối với người tu, anh hùng là phải thắng mình. Tự thắng mình thiên hạ có thấy không? Hẳn là khó thấy nên không được người đời kể công, không được ghi trong lịch sử, chỉ tự mình biết thôi. Thắng mình, nghe dường như dễ nhưng thật không phải dễ. Vì những ma quân ẩn núp khó thấy, gặp cơ hội liền hiện ra nên chiến thắng rất khó. Bao nhiêu người tu hành đã nghĩ rằng: Từ đây về sau giữ gìn đừng nóng giận, đừng tham lam v.v... nhưng bất chợt có ai nói khích một câu, niệm giận ở đâu đùng đùng kéo đến kềm chế không kịp, thế là thua. Làm kẻ bại trận thì dễ, làm kẻ thắng trận thật gian nan! Lại như bình thường chúng ta tự nhủ phải giữ không để lòng tham dấy động, nhưng khi gặp sự quyến rũ của tài sắc danh lợi, bất chợt lòng tham dấy khởi, thế nên thắng được nó không phải là việc giản đơn.
Đối với người tu được đến nơi đến chốn rồi, trong kinh có câu: “xuất gia giả phi tướng tướng chi sở năng vi”, nghĩa là người xuất gia không phải là tướng võ tướng văn có thể làm được. Tại sao? Tướng võ đánh thắng trận về thì được phong chức lại được người tán thưởng v.v... còn thắng ma quân không ai tán thưởng, thắng trong im lìm nên khó khuyến khích chúng ta mạnh mẽ được. Viên tướng cố gắng thành công, khi về được thưởng, được lên chức, như vậy sự cố gắng đó do động cơ tham danh lợi thúc đẩy nên dễ làm. Lại nhiều người thắng người khác là do họ tức giận, họ hận thù nên họ hành động mạnh mẽ. Đó là tham, sân thúc đẩy họ. Người xuất gia thành công là do động cơ thức tỉnh giác ngộ không phải do tham sân. Người tu chỉ do trí tuệ mà thắng giặc ma quân nên việc làm hết sức khó. Tuy quan văn quan võ làm được nhiều điều hay giúp nước an dân, nhưng đối với người học đạo thì chưa bằng. Vì người học đạo phải dùng hết khả năng, trí tuệ để chiến thắng mình, chiến thắng trong âm thầm, chỉ khi thành Phật mới được mọi người hoan hô, chớ còn là phàm Tăng phàm Ni thì chưa được. Vì hôm nay thắng chưa chắc ngày mai lại thắng, thắng trận nào mừng trận ấy chớ chưa phải là toàn thắng, nên không ai hoan hô mà cũng không dám khoe, vì e rằng hôm sau lại thua người ta sẽ cười cho. Như thế Tăng, Ni là chiến sĩ trong âm thầm, không ai biết, nhưng nếu làm được điều đó mới gọi là bậc Hùng Sư. Tóm lại lời tâu bạch này mong đức Phật đem đuốc trí tuệ của Ngài soi cho các chúng sanh đang trong đường tối tăm được biết lối ra và cũng cầu xin Ngài thả chiếc thuyền từ bi vào biển khổ cứu độ muôn loài.
“Trộm nghe: Canh gà vừa qua, bóng thỏ mới lặn.” Canh gà tức là canh tư. Canh tư vừa qua, mặt trăng mới lặn.
“Khói mù nơi sông núi chớm tan, xe ngựa xa gần đều chuyển động”: Khuya khoảng ba giờ sương mù lần lần tan, thức giấc thì nghe xe ngựa ở các nơi bắt đầu chuyển động.
“Tiếng mai hoa trên lầu vừa tàn, chén trúc diệp trước song mới tỉnh”: Đây là dùng điển tích. Mai hoa nói đủ là mai hoa thanh lấy từ chữ “Mai hoa dẫn” là tên một ca khúc cổ điển do ống sáo biểu diễn trong khi vui mừng chúc tụng. Ca khúc này nói đủ là “Giang thành mai hoa dẫn”.
Trúc diệp là tên một thứ rượu khi nấu có thêm gia vị của lá trúc nên gọi là “trúc diệp tửu”. Nói cho dễ hiểu là tiếng sáo, tiếng nhạc trên lầu vừa tàn, chén rượu trước song mới tỉnh, tức là tiệc tùng vui ca nhạc vừa dứt.
“Mày liễu thập thò bày nắng sớm” là chỉ những cây liễu ở trước chùa thập thò bày nắng sớm.
“Mặt hoa e thẹn đọng sương mai.” Ngài diễn tả rất nên thơ, các đóa hoa trước sân chùa còn đọng lại những hạt sương buổi sớm.
“Gặp khi bừng sáng thương kẻ ngu mê”: Khi mình thức tỉnh mới thương những người còn đang ngu mê.
“Trong đêm giấc mộng đã lờ mờ, sáng đến tâm hồn còn rộn rịp”: Trong đêm khuya ngủ mê nằm mộng, những cảnh mộng lờ mờ không rõ, sáng dậy thì tâm hồn còn nhớ, còn hiện ra những cảnh mộng đêm hôm nên tâm hồn còn rộn rịp. Đêm đã mê mà sáng cũng còn đeo đẳng cái mê đó!
“Mắt tai đuổi theo thanh sắc, mũi lưỡi dính mắc vị hương.” Khi sáng ra, chúng ta mắt đuổi theo sắc, tai đuổi theo thanh, mũi lưỡi dính mắc hương vị... Như sáng mắt nhìn trước chùa thấy hoa nở thì khen hoa đẹp, thấy hoa tàn thì chê hoa rụng; lại nghe người chung quanh nói chuyện thì đuổi theo thanh; đến chuẩn bị làm bếp thì đuổi theo hương vị. Thế là sáng ra các căn luôn dính mắc các trần.
“Nhà lửa hằng cam thiêu đốt”: Chúng ta bị thiêu đốt trong nhà lửa mà cam chịu chớ không chạy ra. Kinh Pháp Hoa nói: “tam giới vô an du như hỏa trạch” là ba cõi không an như trong nhà lửa, nhưng chúng ta không chịu chạy ra, bằng lòng vui chơi trong nhà lửa, khi nào bị đốt cháy sẽ hay.
“Sông ái mải chịu đắm chìm”: Thương con rồi đến thương cháu, thương chắt... hết một đời chìm trong sông ái, không ra khỏi.
“Mặc dù sáng nay ông thức giấc, cũng như người đang ngủ đêm qua”: Hiện giờ đã sáng rồi, thức dậy đi đây đi kia, làm các việc nhưng vẫn trong mê, không thức tỉnh thì chẳng khác người ngủ mê trong đêm hôm qua.
“Chẳng lo sanh già bệnh chết đuổi gấp, chỉ chăm vợ con tiền của buộc ràng.” Sanh già bệnh chết đuổi gấp tới mà cứ lo làm sao có tiền của nhiều, vợ con no ấm không nghĩ gì đến việc tu hành.
“Các Phật tử, gốc thân chẳng bền, cành mạng khó yên. Mọi người trên đầu đội trời, khó khỏi mắt sáng rơi đất. Một sớm chợt sẩy tay, muôn kiếp thân khó được. Cần phải mau mau gieo giống lành, chớ có khư khư cầu quả ác. Người người sớm tỉnh, mỗi mỗi siêng tu. Chuyên tâm lễ Vô thượng Từ Dung, chạm mắt thấy Đại quang minh tạng.”
“Các Phật tử, gốc thân chẳng bền, cành mạng khó yên”: Thân là gốc không bền, mạng sống như cành lá, không yên ổn, bền lâu.
“Mọi người trên đầu đội trời, khó khỏi mắt sáng rơi đất.” Ai đi đứng đầu cũng đội trời. Mắt sáng rơi đất chữ Hán gọi là nhãn quang lạc địa, chỉ cho cái chết. Toàn câu có nghĩa là đầu đội trời rồi cũng phải chôn dưới đất, không ai tránh khỏi.
“Một sớm chợt sẩy tay, muôn kiếp thân người khó được.” Thí dụ một người sáng trèo lên cây cao, lỡ trợt tay rớt xuống thì xong một đời, một phen sẩy tay là đã mất thân mạng rồi, không biết khi nào được thân người nữa.
“Cần phải mau mau gieo giống lành, chớ có khư khư cầu quả ác”: Chúng ta cần phải gấp tạo nhân lành, đừng ôm ấp giữ chặt quả ác.
“Người người sớm tỉnh, mỗi mỗi siêng tu.” Khuyên mỗi người phải sớm tỉnh để siêng tu hành.
“Chuyên tâm lễ Vô thượng Từ Dung”: Từ Dung là hình dáng hiền lành của đức Từ Phụ. Từ bi của Phật không ai bì nổi, không ai hơn được nên gọi là Vô thượng. Vô thượng Từ Dung là chỉ đức Phật.
“Chạm mắt thấy Đại quang minh tạng”: Lễ Phật rồi trước Phật mình thấy được kho Đại quang minh tức là tâm thể sáng suốt sẵn có của chính mình. Ngoài thì chúng ta lễ Phật, nơi mình thì thấy được nguồn gốc sáng suốt muôn đời của mình.
“Đệ tử chúng con kính tưởng thời này lấy làm khóa lễ buổi sáng.” Tâu bạch rồi bắt đầu sám hối.
Ngài Trần Thái Tông chia sáu căn, mỗi căn sám hối một thời. Thời sáng là sám hối về mắt.
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - KỆ CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (12): TỰA - KHOA NGHI SÁU THỜI SÁM HỐI
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (11): LUẬN VỀ NIỆM PHẬT
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (10): LUẬN GƯƠNG TUỆ GIÁO
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (9): LUẬN VỀ GIỚI-ĐỊNH-TUỆ