Astrology.vn - Muốn quét sương trên nhà người mà không chịu quét tuyết trên cổng nhà mình? Nên ngài bảo mỗi người hãy ráng đốt đèn nhà mình cho sáng đừng lo đốt đuốc nhà người. Chúng ta không thấy rõ được cái hay dở, tốt xấu của chính mình, nhưng lại có thói quen nhìn người khác để phê bình. Sao không chịu khó nhìn lại?

 

Dịch

SÁM HỐI TỘI CĂN LƯỠI

            Chí tâm sám hối,

            Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,

            Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

            Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,

            Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.

 

NGHIỆP CĂN LƯỠI LÀ:

            Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở;

            Nếm hết các thứ, biết rõ béo gầy.

            Sát hại sanh vật, nuôi dưỡng thân mình;

            Quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú.

            Thịt tanh béo miệng, hành tỏi ruột xông;

            Ăn rồi đòi nữa, nào thấy no lâu.

            Hoặc đến đàn chay, cầu thần lễ Phật;

            Cố cam bụng đói, đợi lúc việc xong.

            Sáng sớm ăn chay, cơm ít nước nhiều;

            Giống hệt người đau, gắng nuốt thuốc cháo.

            Mắt đầy mỡ thịt, cười nói hân hoan;

            Rượu chuốc cơm mời, nóng thay nguội đổi.

            Bày tiệc đãi khách, cưới gả cho con;

            Giết hại chúng sanh, vì ba tấc lưỡi.

            Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm;

            Hai lưỡi bỗng sanh, ác khẩu dấy khởi.

            Chửi mắng Tam Bảo, nguyền rủa mẹ cha;

            Khinh khi Hiền Thánh, lừa dối mọi người.

            Che bai người khác, che giấu lỗi mình;

            Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ.

            Khoe khoang giàu có, lăng nhục người nghèo;

            Xua đuổi Tăng, Ni, chửi mắng tôi tớ.

            Lời gièm thuốc độc, nói khéo tiếng đàn;

            Tô vẽ điều sai, nói không thành có.

            Oán hờn nóng lạnh, phỉ nhổ non sông;

            Tán dóc Tăng phòng, ba hoa Phật điện.       

            Những tội như thế, vô lượng vô biên;

            Ví như cát bụi, đếm không thể cùng.

            Sau khi mạng chung, vào ngục bạt thiệt;

            Cày sắt kéo dài, nước đồng rót mãi. 

            Quả báo hết rồi, muôn kiếp mới sanh;

            Dù được làm người, lại bị câm bặt.

            Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;

Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.                                                               

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH

            Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật

            Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.

            Mở rộng tâm từ bi vô lượng

            Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM TÙY HỈ

            Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,

            Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm,

            Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,

            Bồ-đề chân tâm không lui sụt.

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

            Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,

            Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.

            Nguyện đem công đức đến quần sanh,

            Nương thắng nhân này thành Chánh giác.                                                   

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

            Một nguyện ăn no vị vô thượng,

            Hai nguyện nhả hết vị trần tanh,

            Ba nguyện biện tài trừ các hoặc,

            Bốn nguyện thích nói độ quần sanh.

            Năm nguyện đọc hết kho vô tận,

            Sáu nguyện sông pháp uống cạn khô,

            Bảy nguyện sớm nhận Đại Ngu thổ, (thổ thiệt: le lưỡi)

            Tám nguyện nhanh đồng Lâm Tế thanh (tiếng hét).

            Chín nguyện lưỡi dài cùng Phật phủ,

            Mười nguyện trong sạch như trời xanh,

            Mười một nguyện thế gian không câm ngọng,

            Mười hai nguyện địa ngục hết trâu cày. (cày lưỡi)

(Lễ Tam Bảo một lạy)

           

KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY

            Ngày sáng mất rồi đêm tối đến,

            Đường đêm mờ mịt lại mịt mờ,

            Uổng công đốt đuốc cho người khác,

            Chẳng chịu mồi đèn chính nhà mình.

            Chầm chậm vầng ô vừa khuất núi,

            Từ từ bóng thỏ biển đông lên,

            Chết sống xoay vần đều như thế,

            Sao chẳng qui y Phật Pháp Tăng.

 

 

Giảng

SÁM HỐI TỘI CĂN LƯỠI

            Chí tâm sám hối,

            Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay;

            Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

            Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,

            Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.

 

NGHIỆP CĂN LƯỠI LÀ:

            Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở;

            Nếm hết các thứ, biết rõ béo gầy.

 

“Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở.” Lưỡi chúng ta thích đủ mùi. Vị bùi béo thì ưa, chát đắng thì không thích, để vào lưỡi thì khen món này ngon chê món kia dở. Nhiều khi trên mặt xã giao có những trường hợp nếu không làm giống người thì thấy quê, mà làm theo người thì thấy xấu hổ. Thí dụ như có nhiều người Phật tử nấu thức ăn ngon cúng dường quí thầy, họ hỏi: Thầy dùng món này được không? Theo thế tình muốn vui lòng người làm bếp thì phải nói: À ngon quá! Như vậy mình đã theo vị rồi. Còn nếu chỉ làm thinh hoặc gật đầu một chút thì thấy thiếu lịch sự. Thế nên việc xã giao làm con người xa lần với đạo lý, nghĩa là muốn được lòng người cúng dường thì phải khen, mà khen thì phải nghĩ tới ngon dở, nhưng chúng ta thấy lỗi của lưỡi là “tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở”.

“Nếm hết các thứ, biết rõ béo gầy”: Thức gì cũng ưa nếm, cũng ăn qua cho biết, nên nhiều người vì nghe quán này nấu khéo, quán kia nấu ngon liền rủ nay đi ăn quán này, mai đi ăn quán kia để cho biết hết các thứ và “biết rõ béo gầy”. Thức ăn có mỡ thì biết đó là con vật béo mập, còn thức ăn không mỡ thì biết đó là gầy nên những bệnh của lưỡi kể ra cũng nhiều.

“Sát hại sanh vật, nuôi dưỡng thân mình.” Một con vật chết là nuôi cho mình được một bữa ăn. Đó là nói những con vật khá lớn, còn những con vật nhỏ thì một bữa ăn sát hại không biết bao nhiêu con.

“Quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú.” Cá hay chim thì đem quay, đem rán, cầm thú thì đem nấu hầm. Tất cả những thứ đó là cái ngon miệng, cái sở thích của người đời.

“Thịt tanh béo miệng, hành tỏi ruột xông.” Có thứ thịt nào chưa xào nấu mà không tanh đâu. Nhưng xào nấu rồi thì ăn béo miệng. Lại muốn cho nó được thơm thì thêm hành tỏi. Tanh thì ngon miệng, thơm thì xông trong ruột, khi vô thì thơm đến khi ra thì hôi chịu không nổi.

“Ăn rồi đòi nữa, nào thấy no lâu.” Món gì ngon thì để dành lại, nếu trưa chiều mà không dọn lên thì hỏi: Món hồi sáng đâu rồi? Đó là diễn tả sở thích ăn thịt cá hoặc các loài vật, chim chóc v.v... Đến hoàn cảnh bắt buộc phải đi chùa ăn chay thì:

            Hoặc đến đàn chay, cầu thần lễ Phật;

            Cố cam bụng đói, đợi lúc việc xong.

Phải đi chùa để cầu cúng theo lệnh của cha mẹ, ông bà thì ráng tới, tới thì cam bụng đói để đợi xong việc đặng về nhà ăn cho ngon chớ ở chùa ăn không được.

            Sáng sớm ăn chay, cơm ít nước nhiều;

            Giống hệt người đau gắng nuốt thuốc cháo.

Ăn chay thì gượng ăn thôi, nuốt cơm không trôi, chỉ húp một chút canh cho đỡ dạ, nên cơm ít nước nhiều. Ăn chay giống như là uống thuốc không có gì ngon, vì vậy mà ăn lếu láo để về nhà ăn lại.

            Mắt đầy mỡ thịt, cười nói hân hoan,

            Rượu chuốc cơm mời, nóng thay nguội đổi.

Bữa nào thấy những thức ăn có thịt cá tươi ngon đầy bàn thì cười nói hân hoan, cho nên đến bàn ăn mà vui vẻ là nhờ những thức ăn vừa ý đầy bàn. Nếu đến bàn ăn thấy toàn là những thứ không thích hẳn là không vui chút nào. Trong các bữa tiệc luôn luôn là mời ăn mời uống, đem món nóng lên, đổi món nguội xuống v.v...

            Bày tiệc đãi khách, cưới gả cho con,

            Giết hại chúng sanh, vì ba tấc lưỡi.

Nghĩa là giết lợn bò, gà vịt để làm tiệc, đều gốc từ cái lưỡi ba tấc này (nói theo tấc ta ngày xưa). Đó là diễn tả lỗi thích ăn ngon, không ưa dở của lưỡi.

            Tiếp đến là lỗi hay nói của lưỡi:

            Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm,

            Hai lưỡi bỗng sanh, ác khẩu dấy khởi.

Hoặc nói dối bày điều tức là nói không có lẽ thật, hoặc chuyện như thế này mà thêu dệt tô điểm thành thế khác, hoặc nói hai lưỡi, tới người này thì chê gièm người kia, tới người kia thì chê gièm người này làm cho người hờn giận nhau, hoặc nói những lời dữ, lời hung ác. Từ lưỡi sanh ra bốn tội nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác khẩu.

            Chửi mắng Tam Bảo, nguyền rủa mẹ cha;

            Khinh khi Hiền Thánh, lừa dối mọi người.

Đây là chỉ những đứa con bất tiếu không kể gì cha mẹ, không kể gì Phật pháp nên có những lời nói dữ, khinh chê Hiền Thánh, lừa dối mọi người.

            Chê bai người khác, che giấu lỗi mình;

            Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ.

Bệnh của chúng ta là bệnh chê người khen mình, hoặc giấu lỗi mình, bươi móc lỗi mình. Dù ai hay mấy mà người ta khen trước mặt mình, mình cũng khó chịu, nên có lần tôi nói một câu mà tôi còn nhớ: Nghe người khen bạn mình trước mặt mình mà không đổi sắc mặt, đó là người can đảm. Thí dụ hai người bạn cùng làm một việc mà người xa lạ lại khen bạn mình nức nở, mà không nói đến mình, mình phải can đảm lắm mới giữ được sắc mặt bình tĩnh. Trái lại nếu họ khen mình, chê bạn mình thì chắc mình dễ chịu hơn! Giấu cái dở của mình và bươi móc lỗi người thì người tức bươi lại lỗi mình rốt cuộc cả hai đều xấu. Con người mê muội dễ có hai bệnh này.

            Khoe khoang giàu có, lăng nhục người nghèo;

            Xua đuổi Tăng Ni, chửi mắng tôi tớ.

Nếu mình khá giả thì tới đâu cũng khoe, thấy ai nghèo hèn hơn thì khinh chê, lăng nhục họ. Đối với Tăng Ni thấy chỉ có ăn hại, không có lợi gì, nên tới nhà là đuổi đi. Tôi tớ làm gì không vừa ý thì chửi mắng.

            Lời gièm thuốc độc, nói khéo tiếng đàn;

            Tô vẽ điều sai, nói không thành có.

Lời gièm pha là một thứ thuốc độc. Còn lời nói khéo nói xảo, vuốt ve nghe như đàn êm tai. Những điều đúng phải mà tô vẽ thành trái quấy, việc không mà nói thành có, đó là lối nói tạo cho người hiểu lầm lẽ thật.

“Oán hờn nóng lạnh, phỉ nhổ non sông.” Trời nóng quá cũng tức, lạnh quá cũng không ưa, không biết chuyện thời tiết nóng lạnh là lẽ thường. Phỉ nhổ non sông là có khi mình cũng bực bội tức tối cả núi sông.

“Tán dóc Tăng phòng, ba hoa Phật điện.” Lẽ ra tối đến về liêu phòng im lặng ngủ, nhưng hai ba người dụm lại tán dóc đủ chuyện. Điện Phật là chỗ cung kính trang nghiêm, mà lên đó còn ba hoa nói chuyện ồn náo.

            Những tội như thế, vô lượng vô biên;           

            Ví như cát bụi, đếm không thể cùng.

Tội của lưỡi quá nhiều! Từ ăn uống đến nói năng, lưỡi tạo đủ các tội nhiều như cát bụi đếm không thể hết. Thế nên mỗi ngày đêm chúng ta phải ráng tu hành cho bớt tội lỗi của nghiệp lưỡi.

            Sau khi mạng chung, vào ngục bạt thiệt;

            Cày sắt kéo dài, nước đồng rót mãi.

Sau khi chết rơi xuống địa ngục tên bạt thiệt, nơi đó lưỡi bị kéo dài ra, rồi bị cày bằng sắt cháy đỏ cày lên trên, lại bị nước đồng sôi rót vào trong miệng. Ăn uống như vậy để bù lại vị ngon và lời nói sai quấy ở thế gian.

            Quả báo hết rồi, muôn kiếp mới sanh;

            Dù được làm người, lại bị câm bặt.

Quả báo ở địa ngục hết rồi, phải trải qua bao nhiêu kiếp mới được sanh trở lại làm người. Dù được làm người, do dư báo vẫn bị bệnh câm ngọng. Vì lỗi của lưỡi mà phải chịu khổ trong địa ngục, đến khi trở lại làm người vẫn còn bị khổ ở thế gian.

            Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;

            Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

Hôm nay thành tâm sám hối những lỗi lầm do lưỡi tạo ra cho được sạch hết, và phải luôn nhớ không còn nói những lời tổn phước, tổn đức, gây đau khổ cho nguời và vật.

CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH

            Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật,

            Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.

            Mở rộng tâm từ bi vô lượng,

            Đồng độ chúng sanh lên bờ kia.

CHÍ TÂM TÙY HỈ

            Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,

            Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.

            Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,

            Bồ-đề chân tâm không lui sụt.

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

            Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,

            Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.

            Nguyện đem công đức đến quần sanh,

            Nương thắng nhân này thành Chánh giác.

            Những bài này đã giảng.

CHÍ TÂM  PHÁT NGUYỆN

            Một nguyện ăn no vị vô thượng,

            Hai nguyện nhả hết vị trần tanh,

            Ba nguyện biện tài trừ các hoặc,

            Bốn nguyện thích nói độ quần sanh.

            Năm nguyện đọc hết kho vô tận,

            Sáu nguyện sông pháp uống cạn khô,

            Bảy nguyện sớm nhận Đại Ngu thổ,

            Tám nguyện nhanh đồng Lâm Tế thanh.

            Chín nguyện lưỡi dài cùng Phật phủ,

            Mười nguyện trong sạch như trời xanh,

            Mười một nguyện thế gian không câm ngọng,

            Mười hai nguyện địa ngục hết trâu cày.

 

“Một nguyện ăn no vị vô thượng.” Vị vô thượng là pháp vị. Nghe kinh học đạo đầy đủ gọi là ăn no vị vô thượng.

“Hai nguyện nhả hết vị trần tanh”, nghĩa là phải nhả sạch những vị hôi hám của trần tục. Đó là nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói hung ác, khinh chê cha mẹ, khinh chê Tam Bảo, nói những lời lỗi lầm v.v..., tất cả những vị trần tanh đó phải nhả ra hết.

“Ba nguyện biện tài trừ các hoặc”, nguyện được biện tài vô ngại để trừ các mê lầm cho chúng sanh.

“Bốn nguyện thích nói độ quần sanh.” Nguyện thích nói pháp để độ quần sanh, chớ không phải được biện tài vô ngại rồi vào núi ở một mình, vì như vậy là tiêu nha bại chủng.

“Năm nguyện đọc hết kho vô tận”, là nguyện đọc hết Tam tạng giáo điển không thiếu sót.

“Sáu nguyện sông pháp uống cạn khô”, giáo pháp Phật như con sông lớn, nguyện uống cạn hết giáo pháp.

“Bảy nguyện sớm nhận Đại Ngu thổ.” Thổ là thổ thiệt, tức là le lưỡi. Đây là chỗ tôi nghi vì đọc trong sử không thấy ngài Đại Ngu le lưỡi, mà chỉ có ngài Hoàng Bá le lưỡi thôi, để sau sẽ khảo lại. Ngài Hoàng Bá le lưỡi lúc nào? Khi Ngài định đến Giang Tây thì nghe tin Mã Tổ đã tịch, Ngài mới tìm đến ngài Bá Trượng. Ngài hỏi: Khi ở chỗ Mã Tổ Hòa thượng nhân cái gì mà thấy được đạo? Ngài Bá Trượng thuật lại sau khi bị một tiếng hét đến ba ngày tai còn điếc, từ đó đến nay Ngài không quên. Nghe nói như thế ngài Hoàng Bá le lưỡi. Ngài Bá Trượng nói: Ông nhận như vậy là nhận ở Mã Tổ hay nhận nơi ta? Ngài Hoàng Bá thưa: Nếu con là đệ tử Mã Tổ thì sau này không có con cháu nữa. Như vậy do Tổ Bá Trượng kể lại mà Ngài nhận hiểu nên Ngài là đệ tử của Tổ Bá Trượng. Vậy cái le luỡi là nói lên nhân nghe một câu mà nhận được chỗ đại cơ đại dụng của người xưa.

“Tám nguyện nhanh đồng Lâm Tế thanh”, ngài Lâm Tế hét một tiếng mà ngộ được là căn cơ nhanh chóng, nên nguyện mình được nhanh như tiếng hét của Lâm Tế, vừa hét là ngộ.

“Chín nguyện lưỡi dài cùng Phật phủ.” Trong kinh Di-đà kể đức Phật le lưỡi phủ hết mặt. Tại sao? Theo tinh thần trong kinh dạy: Người không nói dối thì được tướng lưỡi rộng dài. Sở dĩ lưỡi đức Phật le ra phủ tới mí tóc tức là phủ hết mặt vì ba đời Ngài chưa từng nói dối. Lưỡi chúng ta ngắn quá chắc là ít có nói thật. Chín nguyện được như Phật lưỡi  rộng dài phủ trùm tới mí tóc.

“Mười nguyện trong sạch như trời xanh”, nguyện tâm hồn mình trong sạch như bầu trời trong xanh không gợn mây.

“Mười một nguyện thế gian không câm ngọng.” Đây là lợi tha. Biết tu về lưỡi rồi thì nguyện cho tất cả mọi người thế gian cùng biết tu để hết nghiệp nói gian dối, đời sau không mang bệnh câm ngọng.

“Mười hai nguyện địa ngục hết trâu cày”, tức là nguyện không còn ai nói dối nói ác độc để phải đọa vào địa ngục bạt thiệt bị trâu cày trên lưỡi.

Điểm đặc biệt của ngài Trần Thái Tông là nói về căn nào thì có nguyện của căn ấy. Nói về tai có nguyện của tai, nói về mũi có nguyện của mũi, nói về lưỡi thì cũng nguyện cho mình và mọi người được lưỡi như thế nào, khỏi những cái khổ về lưỡi v.v...

KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY

            Ngày sáng mất rồi đêm tối đến,

            Đường đêm mờ mịt lại mịt mờ.

            Uổng công đốt đuốc cho người khác,

            Chẳng chịu mồi đèn chính nhà mình.

            Chầm chậm vầng ô vừa khuất núi,

            Từ từ bóng thỏ biển đông lên.

            Chết sống xoay vần đều như thế,

            Sao chẳng qui y Phật Pháp Tăng.

 

Qua bốn câu đầu bài kệ Ngài nhắc:

Hết sáng đến tối, trên đường mờ mịt lại thêm trời tối mịt mờ. Hai lớp mờ tối, lại lo đốt đuốc cho người mà không chịu mồi đèn nhà mình cho sáng. Kinh Tam Bảo Giám có câu nói tương tự: “Nhân nhân tự tảo môn tiền tuyết, Bất vị tha nhân ốc thượng sương.” Mỗi người tự quét tuyết trên cổng của mình, đừng nghĩ tới sương đóng trên nhà người. Chúng ta có bệnh ngược lại, muốn quét sương trên nhà người mà không chịu quét tuyết trên cổng nhà mình. Thế nên ngài Trần Thái Tông bảo mỗi người hãy ráng đốt đèn nhà mình cho sáng đừng lo đốt đuốc nhà người. Chúng ta không thấy rõ được cái hay dở, tốt xấu của chính mình, nhưng lại có thói quen nhìn người khác để phê bình. Tại sao không chịu khó nhìn lại mình? Biết được cái hay dở tốt xấu của mình có lợi là để chúng ta tu tập. Còn chuyện của người dù thấy nhưng chưa chắc chúng ta làm được gì cho họ. Vậy từ nay chúng ta chịu khó mồi đèn nhà mình, đừng thắp đuốc nhà người nữa.

            Chầm chậm vầng ô vừa khuất núi,

            Từ từ bóng thỏ biển đông lên.

            Chết sống xoay vần đều như thế,

            Sao chẳng qui y Phật Pháp Tăng.

Mặt trời từ từ khuất núi, bóng thỏ từ từ lên, tức là sáng rồi chiều, chiều rồi tối. Như vậy ngày qua đêm lại, hết tháng hết năm. Ngày tháng xoay vần đều đều thì sự vô thường già chết đuổi gấp tới một bên, còn gì nữa mà chần chờ, sao không hướng về Phật Pháp Tăng qui y để tu hành? Đó là lời nhắc nhở của Ngài.

Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:

> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm

> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.5-1): SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI ĐẦU HÔM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.4-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.2-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT