Astrology.vn - Như hoa sen từ dưới bùn ngoi lên khỏi bùn, trồi lên khỏi nước, có nụ hoa và phải nở tròn tỏa mùi thơm ngát mới đầy đủ giá trị. Tóm lại bài này nhắc nhở chúng ta, cả tăng và tục, ai cũng có thể tu được và ai cũng phải cố gắng hành được cho đến ngày đạo quả viên thành.

 

Giảng (tiếp…)

“Huống là thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nếu muốn vượt khỏi vòng quanh lục đạo, chỉ có con đường tắt Nhất thừa. Cần tìm chánh kiến, chớ tin tà sư. Ngộ rồi mới là vào cửa, hành được mới hay thoát tục. Bước bước đạp đến đất thật, đầu đầu đều đội hư không. Khi dùng thì muôn cảnh toàn bày, buông đi thì mảy bụi chẳng lập. Vượt đến chỗ không còn tương quan sanh tử, cơ liễu ngộ quỉ thần nhìn chẳng ra.” Đây là Ngài nói đến chỗ cao siêu của đạo.

“Huống là thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nếu muốn vượt khỏi vòng quanh lục đạo, chỉ có con đường tắt Nhất thừa.” Thân người khó được, mà chúng ta ngày nay đã được thân người, đó là điều hết sức quí. Phật pháp khó nghe, mà nay chúng ta được nghe pháp Phật, đó là điều quí thứ hai. Vậy chúng ta phải làm gì? Nếu muốn ra khỏi vòng quanh của lục đạo luân hồi, chỉ có con đường tắt Nhất thừa. Trong kinh Pháp Hoa dạy Nhất thừa tức là Phật thừa. Nhất thừa là chỉ Tri kiến Phật, mỗi chúng sanh sẵn có, vậy ai cũng có Tri kiến Phật, hay nói theo nhà Thiền là có tánh giác, hay là Bản lai diện mục, nếu xoay lại liền thấy liền được, nên gọi là con đường tắt. Không phải tu để đời này có phước sanh lên cõi trời, rồi tu nữa cho đến trăm ngàn muôn kiếp sau mới thành Phật, đó là con đường quanh. Vậy phải trở lại mình tìm cho ra tánh giác hay Tri kiến Phật của mình, đó là con đường tắt nhất.

“Cần tìm chánh kiến, chớ tin tà sư.” Ngài khuyên người Phật tử cũng như Tăng Ni, khi tu cần phải tìm những bậc thầy có chánh kiến, chớ tin những thầy tà. Thầy chánh kiến có hai: Chánh kiến đối với Phật pháp và chánh kiến đối với Thiền tông. Có chánh kiến đối với Phật pháp tức là người thâm hiểu Phật pháp đúng như thật, không dạy thiên lệch một bên. Tỉ dụ như không dạy chúng ta chấp về hình thức sự tướng, cũng không dạy chấp về lý tánh, không nghiêng bên nào gọi là chánh kiến. Đạo Phật là đạo dạy chúng ta đi đúng trung đạo, nghĩa là không mắc kẹt bên này bên kia. Nếu kẹt một bên là thiên kiến, không phải chánh kiến. Còn chánh kiến nhà Thiền là chỉ những người đã giải ngộ hoặc đại ngộ, thấy được nơi mình có tánh Phật, hoặc nhận được bản lai diện mục của mình không còn nghi ngờ. Được những bậc ngộ đạo chỉ dạy, mình mới tiến đến giác ngộ, đó là chánh kiến. Tà sư là những người dạy lệch, không đúng chánh pháp, như trong kinh Phật dạy thế này, người ở chùa lại dạy thế khác. Thí dụ trong chánh pháp, những bộ kinh dạy người sơ cơ như kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Di Giáo, Phật cấm Tăng không được coi tướng bói số v.v... Nhưng hiện nay khi có Phật tử vào chùa, thầy lại xem tướng bói số cho, đó là tà, trái lời Phật dạy. Thế nên chúng ta tu phải biết chọn lựa, nếu không rất dễ lạc đường tà, lạc đường rồi chúng ta nói tu mà rốt cuộc lại đi trong chỗ mờ mịt tối tăm.

“Ngộ rồi mới là vào cửa, hành được mới hay thoát tục.” Đây nói cao siêu hơn. Người tu Thiền ngộ đạo rồi gọi là vào cửa. Như Lục Tổ nhân nghe  một câu trong kinh Kim Cang, liền ngộ đạo. Ngộ rồi Ngài đến chỗ Ngũ Tổ trình kệ, Tổ cho vào cửa. Từ đó về sau Ngài cố gắng tu hành và ngộ một lần nữa mới là người thoát tục. Vì thế nếu có duyên tốt, chúng ta ngộ được tâm thể trong sáng hằng hữu nơi mình là được vào cửa của người tu Thiền. Nhưng phải “hành được mới hay thoát tục”, tức là từ đó về sau chúng ta không còn bị những tướng giả dối bên ngoài chi phối, lại hằng sống với cái chân thật, đó là hành được, ngay đó là thoát tục. Hành được như thế thì:

“Bước bước đạp đến đất thật, đầu đầu đều đội hư không.” Người sống được với thể chân thật thì mỗi bước đi không rời bản tâm thanh tịnh, đến nơi nào đầu không bao giờ rời hư không, nghĩa là chân và đầu không rời thể chân thật. Nói cách khác đến đâu lúc nào cũng không rời thể thật, mới gọi là thoát tục. Người được như vậy thì có diệu dụng:

“Khi dùng thì muôn cảnh toàn bày, buông đi thì mảy bụi chẳng lập.” Nghĩa là khi ứng dụng thì muôn cảnh toàn bày, bỏ đi thì không dính một mảy bụi. Khi xưa các Ngài ngộ đạo rồi, sống được với thể chân thật thì trí tuệ rất nhạy bén, cần dùng phương tiện gì để tiếp độ chúng sanh, các Ngài dùng không thiếu, nên nói: Khi dùng thì muôn cảnh toàn bày. Khi không cần thì buông đi, không dính một mảy bụi, trong lòng hoàn toàn thanh tịnh. Đó là diệu dụng của người đã sống được với đạo.

“Vượt đến chỗ không còn tương quan sanh tử, cơ liễu ngộ quỉ thần nhìn chẳng ra.” Người ngộ đạo như vậy mới vươn lên, vượt ra đến chỗ không còn vướng mắc sanh tử. Thật ra sanh tử là một lẽ đương nhiên, như chúng ta có thân chắc chắn phải có tử. Nếu ngộ đạo rồi không còn tương quan sanh tử, nghĩa là sao? Vì người ngộ đạo thấy rõ sanh tử do đâu mà có, nên nhân tạo sanh tử không còn chi phối được nữa, đó gọi là không tương quan sanh tử. (Không phải ngộ đạo rồi thành tiên sống hoài như thế gian tưởng). Tuy có tử nhưng không bị nhân lôi kéo phải sanh trở lại, nên ngang đó làm chủ được sanh tử. Sống được như vậy thì quỉ thần cũng không thấy được tâm. Cho nên nói:

“Cơ liễu ngộ quỉ thần nhìn chẳng ra.” Tại sao? Quỉ thần thấy tâm mình là khi chúng ta có vọng tưởng. Tôi nói để quí vị kinh nghiệm, khi đi tới nơi nào gọi là linh thiêng, quí vị tưởng cái gì thì nó biết, còn hết tưởng thì nó không biết. Thí dụ như chuyện cầu cơ, chúng ta khởi nghĩ cầu một người mất trở về, tưởng đến người nào thì quỉ thần thấy tâm mình nên nó gạt. Thật ra người mất đã đi thọ sanh nơi khác rồi, đâu còn lẩn quẩn ở đây để chúng ta cầu về. Như vậy quỉ thần thấy được tâm là khi chúng ta khởi tưởng, vọng tưởng là mầm dẫn chúng ta đi trong sanh tử đời sau. Trong kinh thường dạy khi gần nhắm mắt chúng ta phải nhiếp tâm niệm Phật, hoặc nhất tâm hướng về kinh điển, hoặc làm chủ được mình như tu Thiền, không khởi niệm. Thế là thoát được sanh tử hay là tự do đi trong sanh tử. Niệm là nhân đưa mình đến sanh tử, vậy niệm là tướng quỉ thần nhìn thấy được.

“Là phàm là thánh đồng vào đường này, hoặc oán hoặc thân cùng chung một lỗ mũi. Thật ngộ như thế, còn kẹt giữa đường. Thôi nói tam huyền hướng thượng, cốt rõ một câu rốt sau. Hãy nói hiện nay cái gì là ‘một câu rốt sau’?”

            Non xanh chốn ấy nhìn trời rộng,

            Sen đỏ nở rồi nghe mùi thơm.

Đến đây ngài Trần Thái Tông nhắc lại chúng ta, người ngộ rồi luôn luôn sống với đạo, tâm không bị ngoại cảnh chi phối, đối với người ấy là phàm là thánh cũng đồng một đường, đường này không phải đường tử mà là đường không sanh tử. Nghĩa là thánh cũng tâm thể đó, phàm cũng tâm thể đó. Nhận ra tâm thể gọi là thánh, chưa nhận ra gọi là phàm. Thánh hay phàm đều có tâm thể, cho nên đồng một đường.

“Hoặc oán hoặc thân cùng chung một lỗ mũi.” Mỗi người có lỗ mũi riêng, tại sao nói: oán thân cùng một lỗ mũi? Vì nhà Thiền thường dùng lỗ mũi để biểu trưng cho cái chân thật hiện hữu tối quan trọng của con người, ở ngay trước mắt mà không thấy. Chúng ta thấy mặt, thấy mũi của người khác mà không thấy rõ mặt mũi mình, nhìn kỹ chỉ thấy một chút ở đầu mũi thôi, nếu nhìn vào gương thì thấy bóng chớ đâu thấy lỗ mũi thật. Thế nên mũi ở trên mặt mà chúng ta không thấy, nó luôn luôn hiện hữu nhưng dường như ít khi thấy nó. Đối với thân này, mũi là mạch sống tối thượng, miệng ngừng ăn ngừng uống được đôi ngày, nhưng mũi ngừng thở được bao lâu? Ngừng thở là tắt thở chết ngay. Cũng như vậy, tâm thể là cái chân thật hiện hữu, là thể tối thượng của con người, song chúng ta chưa bao giờ thấy biết. Đừng nghĩ rằng cái không thấy không biết là không có, nó luôn luôn hiện hữu, nhưng vì chúng ta không chịu hồi quang phản chiếu thì làm sao thấy được! Thế nên người tu muốn thấy cái chân thật của mình, tất phải hồi quang phản chiếu. Cái chân thật được tượng trưng như lỗ mũi, phải chịu khó nhìn xuống mới thấy, nếu ngó ra ngoài chẳng thấy nó đâu. Chúng ta phải hiểu cho thật kỹ những lời nhắc nhở này, bất cứ hạng người nào, dù kẻ thân hay người oán cũng đều có lỗ mũi, cũng đều có mạng sống chân thật như nhau, không phải người này có người kia không. Cho nên nói “cùng chung một lỗ mũi”, tức là ai cũng có mạng sống như nhau, mạng sống đó là tâm thể thanh tịnh hay tánh giác của mình.

“Thật ngộ như thế, còn kẹt giữa đường.” Ngộ đúng như vậy vẫn còn kẹt giữa đường, vì sao? Vì người ngộ đạo giống như người đứng xa nhìn thấy một ngọn núi, thấy thật rõ, biết ngọn núi cao thấp, có những tảng đá lớn nhỏ v.v... Thấy ngọn núi nhưng chưa phải là người đến núi. Người ngộ chưa phải là người đến nơi, nên nói “còn kẹt giữa đường”, thấy được mà chưa đến được. Ngài Trần Thái Tông nói những câu không phải con người thường nói được!

“Thôi nói tam huyền hướng thượng, cốt rõ một câu rốt sau.” Tam huyền tam yếu là chủ đích của Tông Lâm Tế, những điều này rất cao siêu. Giờ đây cốt rõ “một câu rốt sau”.

“Hãy nói hiện nay cái gì là ‘một câu rốt sau’?” Ngài liền làm hai câu thơ rất tài tình:

            Thanh sơn đê xứ kiến thiên hoạt,

            Hồng ngẫu khai thời văn thủy hương.

Dịch:

            Non xanh chốn ấy nhìn trời rộng,

            Sen đỏ nở rồi nghe mùi thơm.

Nếu người đứng dưới giếng nhìn lên, trời chỉ lớn bằng miệng giếng, đứng trên đất bằng nhìn, trời rộng hơn, nhưng khi lên đến ngọn núi, tức là vượt hết mọi ngăn che thì chúng ta nhìn trời càng rộng hơn nữa, nên nói: “Non xanh chốn ấy nhìn trời rộng.”

“Sen đỏ nở rồi nghe mùi thơm”: Khi hoa sen chưa nở, tuy nhìn thấy hoa, nhưng chưa có mùi thơm. Khi hoa nở tròn đầy, hương mới cùng khắp.

Cũng như vậy, câu rốt sau là câu vượt lên trên tất cả những chướng ngại, như ngọn núi xanh cao ngất. Khi ấy chúng ta mới thấy tâm thể thênh thang rộng lớn. Thấy như vậy chỉ là mới ngộ thôi, nhưng chưa thưởng thức được cái cao siêu quí báu của nó. Giống như hoa sen từ dưới bùn trồi lên khỏi mặt nước, có hình dáng nụ hoa, nhưng chưa có mùi thơm. Phải đợi hoa nở mới có mùi hương thơm ngát. Người tu cũng vậy, dù có tỉnh ngộ vượt ra khỏi vòng tầm thường, tưởng như mình đã tỉnh giác, nhưng còn phải tu hành một thời gian cho công phu viên mãn mới được quả xuất thế. Đừng nghĩ mình ngộ là được quả ngay, đó là không đúng. Vậy câu rốt sau có nghĩa là đạt đến chỗ cứu kính viên mãn. Nếu mới ngộ đạo là còn kẹt giữa đường, chỉ nên mừng phân nửa thôi. Bao giờ đi đến tận nơi cuối cùng, mới mừng trọn vẹn, hiểu như vậy mới khỏi lầm lẫn. Nhưng hiện nay có một số người hiểu lầm, khi có tỉnh ngộ thì nói hay quá, cái thấy của mình so lại với kinh điển đều trúng hết không sai chút nào, tưởng như mình là thánh cứ lo nói hoài, rốt cuộc thành thánh nói chớ không phải thánh thật, đó là bệnh mà những người tu sau này hay mắc phải. Thế nên khi tu thấy đạo rồi, chúng ta cần phải hành cho đến chỗ cứu kính viên mãn.

Qua bài “Rộng khuyên phát tâm Bồ-đề”, chúng ta thấy ngài Trần Thái Tông quả là một ông vua kỳ đặc, đang ngồi trên ngai vàng trị vì muôn dân mà tu được, ngộ được và cố gắng tu để giải thoát, thật quá hy hữu. Nhớ lại chúng ta là một thầy tu, một cô ni, có bận rộn chăng là chút việc làm vườn làm rẫy, có thấm vào đâu, chỉ lo chuyên tu mà thôi. Thế mà chúng ta tu không ra gì, nghĩ có hổ thẹn với nhà vua này không? Các cư sĩ Phật tử cũng vậy, nếu có bận rộn lo cho gia đình một vợ vài ba con, so với nhà vua lo cho muôn dân, người cư sĩ tại gia bận rộn bao nhiêu mà nói tu không được. Lỗi tại mình không quyết tu, nếu chúng ta quyết chí tu hành thì chắc chắn sẽ tu được.

Nói tóm lại trong bài “Rộng khuyên phát tâm Bồ-đề”, ngài Trần Thái Tông muốn khuyên mọi người phát tâm cầu giác ngộ, nên tuần tự giải bày hướng dẫn chúng ta:

1. Trước tiên Ngài so sánh vàng bạc của báu với thân mạng con người, chính thân người mới thật là quí. Nhưng thế gian có nhiều người mê muội, quên thân để tìm vàng bạc. Thật ra vàng bạc chỉ là vật bên ngoài, chính thân này mới là gốc của sự sống, cho nên thân quí hơn vàng bạc.

2. Kế đến, thân mạng tuy quí song so với đạo thì đạo còn quí hơn. Vì thân này có rồi phải hoại, đạo là bất hoại nên cao cả hơn. Như đức Phật Thích-ca khi xưa quên thân để cầu đạo. Bên Nho giáo có ngài Nhan Hồi, bên Lão giáo có ông Tử Cơ, cũng vì cầu đạo mà quên thân. Người xưa coi nhẹ thân mà quí trọng đạo.

3. Sau đó Ngài dẫn chứng làm sao biết đạo là quí? Như những người làm vua, làm quan, làm tướng vẫn đi hỏi đạo với các Thiền sư. Như vậy nếu đạo không quí làm sao người đi cầu học.

4. Cho đến các loài vật nghe đạo còn ngộ còn tu, huống nữa là con người không ham tu, không mộ đạo sao? Đây là Ngài nhắc nhở đánh thức chúng ta, đã được làm người lại được học đạo, phải nỗ lực cố gắng tu hành, chớ để thiệt thòi.

5. Cuối cùng Ngài chỉ cho người tu muốn đạt được kết quả viên mãn, là phải đi con đường tắt nhất, tức là phải hồi quang phản chiếu, chính mình là gốc để tìm ra đạo, không chạy ra bên ngoài. Biết hồi quang phản chiếu thì ai cũng có tánh giác như nhau, ai cũng có thể tu được, vì đạo là bình đẳng không có riêng tư. Nếu tu được, có ngộ chút ít cũng đừng tự mãn, vì đó mới là nửa đường, còn phải ráng đi cho đến chỗ cuối cùng. Như hoa sen từ dưới bùn ngoi lên khỏi bùn, trồi lên khỏi nước, có nụ hoa và phải nở tròn tỏa mùi thơm ngát mới đầy đủ giá trị. Chúng ta cũng phải tu tiến như vậy cho đến chỗ cứu kính viên mãn.

Tóm lại bài này nhắc nhở chúng ta, cả tăng và tục, ai cũng có thể tu được và ai cũng phải cố gắng hành được cho đến ngày đạo quả viên thành.

 

Khóa Hư Lục – Rộng Khuyên Phát Tâm Bồ Đề (links): [ 1 ] - [ 2 ] - [ 3 ] - [ 4 ] - [ 5 ]

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [4]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [3]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [2]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [1]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [3]