Astrology.vn - Bao nhiêu phiền não dấy khởi đều do chấp thân và cảnh là thật. Nên ai chạm tới thân thì bực bội oán thù, ai tước đoạt cảnh mình ưa thích thì tức tối. Nếu biết rõ thân chúng ta mấy mươi năm rồi cũng tan hoại, cảnh bên ngoài là tạm bợ giả dối thì phiền não không còn, ba nghiệp dẹp sạch, thế mới là người tỉnh giác.

 

 

Dịch

SÁM HỐI TỘI CĂN THÂN

            Chí tâm sám hối,

            Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,

            Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

            Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm

            Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.

 

NGHIỆP CĂN THÂN LÀ:

            Tinh cha huyết mẹ, chung hợp nên hình;

            Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp.

            Chấp cho là thật, quên mất pháp thân;

            Sanh dâm, sát, trộm, bèn thành ba nghiệp.

NGHIỆP SÁT SANH LÀ:

            Luôn làm bạo ngược, chẳng khởi nhân từ;

            Giết hại bốn loài, đâu biết một thể.

            Lầm hại cố giết, tự làm dạy người;

            Hoặc tìm thầy bùa, đem về ếm đối.

            Hoặc làm thuốc độc, để hại sanh linh;

            Chỉ cốt hại người, không hề thương vật.

            Hoặc đốt núi rừng, lấp cạn khe suối;

            Buông chài bủa lưới, xuýt chó thả chim.      

            Thấy nghe tùy hỉ, niệm dấy tưởng làm;

            Cử động vận hành, đều là tội lỗi.

NGHIỆP TRỘM CẮP LÀ:

            Thấy tài bảo người, thầm khởi tâm tà;

            Phá khóa cạy then, sờ bao mò túi.

            Thấy của Thường trụ, lòng dấy khởi tham;

            Trộm của nhà chùa, không sợ thần giận.

            Không những vàng ngọc, mới mắc tội to;

            Ngọn cỏ cây kim, đều thành nghiệp trộm.

NGHIỆP TÀ DÂM LÀ:

            Lòng mê nhan sắc, mắt đắm phấn son;

            Chẳng đoái liêm trinh, riêng sanh lòng dục.

            Hoặc nơi đất Phật, chánh điện phòng Tăng;

            Cư sĩ gái trai đụng chạm đùa giỡn.

            Tung hoa ném quả, đạp cẳng kề vai;

            Khoét ngạch trèo tường, đều là dâm nghiệp.

            Những tội như thế, vô lượng vô biên;           

            Đến lúc mạng chung, đều vào địa ngục.       

            Gái nằm giường sắt, trai ôm cột đồng;

            Muôn kiếp tái sanh, lại chịu tội báo.

            Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;        

            Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH

            Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật,

            Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.

            Mở rộng tâm từ bi vô lượng,

            Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM TÙY HỈ

            Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,

            Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.    

            Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,

            Bồ-đề chân tâm không lui sụt.

            (Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

            Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,

            Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.

            Nguyện đem công đức đến quần sanh,

            Nương thắng nhân này thành Chánh giác.

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

            Một nguyện mạng căn chóng thành tuệ,

            Hai nguyện thể tướng biến thành chân,

            Ba nguyện gieo mình cầu đại pháp,

            Bốn nguyện vào lửa ngộ thâm nhân.

            Năm nguyện đốt thân đền Phật đức,

            Sáu nguyện chẻ tủy đáp ơn thầy,

            Bảy nguyện xin đầu trọn chẳng tiếc,

            Tám nguyện móc mắt cũng là thân.

            Chín nguyện thoa hương không có thích,

            Mười nguyện cắt thịt chẳng sanh sân,

            Mười một nguyện đời đời không đắm trước,

            Mười hai nguyện kiếp kiếp lìa tục trần.

 

KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY

            Muôn tiếng vừa im bặt,

            Canh ba trống điểm hồi.

            Chim cuốc kêu thảm thiết,

            Giấc mộng mải mê say.        

            Cam trong hòe làm kiến,

            Trở thành cá trên ao.

            Không thể xem trăng mọc,

            Chỉ luyến ái trong hoa.

            Quên mất nhà muôn dặm,

            Còn tham giấc ngủ thừa.

            Chẳng biết thân là huyễn,

            Mê muội đến bao giờ.

 

 

Giảng

SÁM HỐI TỘI CĂN THÂN

            Chí tâm sám hối,

            Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,

            Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

            Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,

            Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.

Đây là lời sám hối tổng quát của các căn để nhắc rằng từ thuở nào đến giờ chúng ta đã quên mất bản tâm, không biết con đường chánh, vì vậy mà lẩn quẩn trong ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Sở dĩ như thế là vì sáu căn chúng ta sai lầm tạo nghiệp. Nay chúng ta phải sám hối những lỗi trước đã làm, mới có thể tránh được những lỗi sau này.

NGHIỆP CĂN THÂN LÀ:

            Tinh cha huyết mẹ, chung hợp nên hình;

            Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp.

            Chấp cho là thật, quên mất pháp thân;

            Sanh dâm, sát, trộm, bèn thành ba nghiệp.

Thân hình chúng ta do tinh cha huyết mẹ hợp thành, trong đó năm tạng trăm hài kết lại cùng nhau. Năm tạng là: tâm, can, tì, phế, thận, trăm hài là chỉ các đốt xương. Thật ra khi ngồi tu, chúng ta nhìn lại thân này thật buồn cười. Nó chỉ là một cái sườn bằng xương, cột dính lại bằng những sợi gân, rồi tô đắp bằng máu thịt, bên ngoài bọc một lớp da, gọi đó là thân. Thân người là sự kết hợp như vậy, lại “chấp cho là thật, quên mất pháp thân”. Vì chấp thân mình là thật, nên sanh ra các tội, nào là dâm, sát và trộm tạo thành ba nghiệp.

1.- NGHIỆP SÁT SANH LÀ:

            Luôn làm bạo ngược, chẳng khởi nhân từ;

            Giết hại bốn loài, đâu biết một thể.

Chúng ta luôn luôn làm những điều bạo ngược mà không khởi lòng nhân, thường giết hại bốn loài, đâu biết chúng cùng một thể. Bốn loài là: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, tất cả những loài đó chúng ta đều giết hại, đâu biết rằng về mặt vật chất, chúng cũng từ tứ đại hợp thành không khác gì chúng ta.

            Lầm hại cố giết, tự làm dạy người;

            Hoặc tìm thầy bùa, đem về ếm đối.

            Hoặc làm thuốc độc, để hại sanh linh;

            Chỉ cốt hại người, không hề thương vật.

Tâm ác độc của con người luôn luôn là cố hại. Hoặc là giết lầm, hoặc là cố ý, có khi tự mình giết hay dạy người giết, bằng cách này hay cách khác. Làm bùa làm chú hoặc làm thuốc độc, chỉ cốt hại người cho được, không hề thương tưởng.

            Hoặc đốt núi rừng, lấp cạn khe suối;

            Buông chài bủa lưới, xuýt chó thả chim.

            Thấy nghe tùy hỉ, niệm dấy tưởng làm;

            Cử động vận hành, đều là tội lỗi.

Có khi đốt rừng đốt núi làm cho những con vật bị chết thiêu, hoặc lấp cạn các khe suối làm cho tôm cá chết khô. Ở thế gian khi còn mê lầm, mỗi một ngày sống của chúng ta là mỗi một ngày sát hại sanh linh, nghĩa là chúng ta bồi bổ mạng sống của mình bằng thể xác của những con vật. Trong một bữa ăn dù nhà nghèo đi nữa, nếu chúng ta mua những con cá nho nhỏ, ít ra cũng vài ba chục con để dùng cho ngon miệng. Ngày nào cũng như ngày nấy, đều đều như vậy, thì chừng bao nhiêu con vật đã chết vì mình? Thế là chúng ta chỉ nghĩ tới sự sống của bản thân mà không nhớ đến nỗi khổ đau của chúng. Đó là nói về tội sát sanh.

2.- NGHIỆP TRỘM CẮP LÀ:           

            Thấy tài bảo người, thầm khởi tâm tà;

            Phá khóa cạy then, sờ bao mò túi.   

            Thấy của Thường trụ, lòng dấy khởi tham;

            Trộm của nhà chùa, không sợ thần giận.

            Không những vàng ngọc, mới mắc tội to;

            Ngọn cỏ cây kim, đều thành nghiệp trộm.

Chẳng những trộm của thế gian, mà của chùa nhiều khi những người tham cũng muốn lấy cắp, không sợ các Long thần Hộ pháp quở rầy. Mắc tội trộm, không phải lấy của nhiều mới là trộm, dù cho một cây kim, một trái ớt, không xin mà lấy, cũng là mang tội.

3.- NGHIỆP TÀ DÂM LÀ:

            Lòng mê nhan sắc, mắt đắm phấn son;

            Chẳng đoái liêm trinh, riêng sanh lòng dục.

            Hoặc nơi đất Phật, Chánh điện phòng Tăng;

            Cư sĩ gái trai, đụng chạm đùa giỡn.

            Tung hoa ném quả, đạp cẳng kề vai;

            Khoét ngạch trèo tường, đều là dâm nghiệp.

“Cư sĩ gái trai” là chỉ những người cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tiếng Trung Hoa gọi là Cận sự nam, Cận sự nữ, dịch từ chữ Phạn Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.

Như vậy mê sắc đẹp, không những ở ngoài thế gian, có khi đến chùa những người cư sĩ còn đùa giỡn, có những ý niệm đắm mê nhan sắc, nên tạo nhiều tội lỗi.

            Những tội như thế, vô lượng vô biên;

            Đến lúc mạng chung đều vào địa ngục.

            Gái nằm giường sắt, trai ôm cột đồng;

            Muôn kiếp tái sanh, lại chịu tội báo.

Khi sống do thân này mà tạo ba nghiệp: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gây nên bao nhiêu tội lỗi. Đến khi chết phải đọa vào địa ngục, người nữ thì nằm giường sắt nóng, người nam thì ôm cột đồng cháy đỏ. Khi hết tội, được sanh làm người, lại chịu các quả báo dư thừa.

            Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;

            Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

Những lỗi lầm do thân tạo ra, chúng ta đều phải thành tâm sám hối để tiêu trừ ba nghiệp.

 

CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH

            Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật

            Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.

            Mở rộng tâm từ bi vô lượng,

            Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).

CHÍ TÂM TÙY HỈ

            Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,

            Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.

            Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,

            Bồ-đề chân tâm không lui sụt.

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

            Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,

            Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.

            Nguyện đem công đức đến quần sanh,

            Nương thắng nhân này thành Chánh giác.

(Những đoạn này đã giảng trong các bài trước.)

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

            Một nguyện mạng căn chóng thành tuệ,

            Hai nguyện thể tướng biến thành chân,

            Ba nguyện gieo mình cầu đại pháp,

            Bốn nguyện vào lửa ngộ thâm nhân.

            Năm nguyện đốt thân đền Phật đức,

            Sáu nguyện chẻ tủy đáp ơn thầy,

            Bảy nguyện xin đầu trọn chẳng tiếc,

            Tám nguyện móc mắt cũng là thân.

            Chín nguyện thoa hương không có thích,

            Mười nguyện cắt thịt chẳng sanh sân,

            Mười một nguyện đời đời không đắm trước,

            Mười hai nguyện kiếp kiếp lìa tục trần.

 

Mười hai nguyện này chúng ta đọc lên để thử xem có thành tựu được hay không?

“Một nguyện mạng căn chóng thành tuệ.” Chúng ta nguyện cho mạng căn được chóng thành trí tuệ, gọi là giới thân tuệ mạng, tức là lấy trí tuệ làm mạng, chớ không phải lấy cuộc sống làm mạng.

“Hai nguyện thể tướng biến thành chân.” Nguyện thể tướng vô thường tạm bợ này biến thành thể chân thật, tức là pháp thân.

“Ba nguyện gieo mình cầu đại pháp.” Đây là dẫn sự tích trong kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, kể lại chuyện Bồ-tát đi học đạo. Người hứa dạy đạo bảo: Nếu muốn được dạy pháp Phật thì phải hy sinh thân mình, nhảy xuống dưới hố rồi lên ta sẽ dạy cho. Bồ-tát vì cầu đại pháp mà chấp nhận xả thân không kinh sợ.

“Bốn nguyện vào lửa ngộ thâm nhân.” Bảo nhảy vào lửa cũng nhảy để ngộ được nhân sâu xa.

“Năm nguyện đốt thân đền Phật đức.” Vì đền ơn đức Phật nên dù đốt thân mình cũng không tiếc.

“Sáu nguyện chẻ tủy đáp ơn thầy.” Chỉ cần biết ơn thầy lo tu hành cũng là khó rồi, huống nữa là chẻ tủy. Người xưa phát nguyện mạnh như vậy, chúng ta ngày nay chỉ đọc lời nguyện thôi, chưa chắc làm được.

“Bảy nguyện xin đầu trọn chẳng tiếc.” Dù cho người ta xin cái đầu cũng chẳng tiếc. Như câu chuyện Tổ Sư Tử cho đầu: Vua nước Kế-tân, tay cầm kiếm bén đến hỏi: Ngài thấy năm uẩn đều không chưa? Tổ đáp: Phải, tôi thấy năm uẩn đều không. Vua hỏi: Nếu năm uẩn đều không, cho tôi cái đầu được chăng? Tổ bảo: Năm uẩn đều không, sá gì cái đầu. Tổ cho đầu mà chẳng tiếc.

“Tám nguyện móc mắt cũng là thân.” Dù móc con mắt của mình cũng là thân chớ không có thù. Trong kinh kể lại: Có một vị Tỳ-kheo nguyện xả thân, ai muốn xin phần nào trong thân Ngài cũng cho. Một vị trời hiện thân làm người ngoại đạo tới nói: Tôi muốn xin tròng con mắt của Ngài về làm thuốc. Vị Tỳ-kheo liền móc con mắt đưa cho, người ấy cầm tròng mắt quăng xuống đất, lấy chân chà lên. Vị Tỳ-kheo liền nổi sân, tưởng đâu cho mắt làm thuốc, mà lại chà đạp lên. Người ngoại đạo liền hiện thân trời Đế Thích nói: Như vậy là Ngài chưa thật cho mà không tiếc. Dù móc mắt cho cũng là thân chớ đừng nổi sân.

“Chín nguyện thoa hương không có thích.” Dù cho đem hương thoa thân cũng không thích. Nếu thoa chất gì nhơ nhớp thì chúng ta không bằng lòng, còn đem hương thơm thoa mình, rất khó mà không thích.

“Mười nguyện cắt thịt chẳng sanh sân.” Dù bị cắt thịt nguyện cũng không sân hận. Nhưng chúng ta bây giờ chỉ đụng đau một chút là kêu la, huống nữa là cắt da thịt, làm sao chịu nổi.

“Mười một nguyện đời đời không đắm trước.” Đối với tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, nguyện không bao giờ đắm trước.

“Mười hai nguyện kiếp kiếp lìa tục trần.” Nguyện kiếp kiếp không dính với những gì trần tục.

Đây là mười hai nguyện đối với thân, nếu chúng ta gan dạ nguyện và làm được như vậy, quả là người siêu phàm.

KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY

            Muôn tiếng vừa im bặt,

            Canh ba trống điểm hồi,

            Chim cuốc kêu thảm thiết,

            Giấc mộng mãi mê say.

            Cam trong hòe làm kiến,

            Trở thành cá trên ao.

            Không thể xem trăng mọc,

            Chỉ luyến ái trong hoa.

            Quên mất nhà muôn dặm,

            Còn tham giấc ngủ thừa.

            Chẳng biết thân là huyễn,

            Mê muội đến bao giờ.

 

Bốn câu đầu diễn tả cảnh nửa đêm lúc canh ba.

“Cam trong hòe làm kiến”, tức là cam làm con kiến trong cây hòe. Sự tích như sau: Ngày xưa ở Trung Hoa, có ông Thuần Vu Phần, ngủ trưa dưới gốc cây hòe. Ông nằm mơ thấy mình đến nước Đại Hòe An, làm Thái thú quận Nam Kha hai mươi năm. Ông được vua nước Đại Hòe An gả Công chúa và sanh được năm trai, hai gái, cực kỳ vinh hiển. Sau ông đánh giặc bị thua, Công chúa chết, vua Đại Hòe An đuổi về quê. Ông chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hòe, trên cành hòe phía nam có một tổ kiến. Vì thế nên nói “cam làm kiến trong hòe”. Chúng ta cam say mê trong giấc mộng không chịu thức tỉnh. Cuộc đời chỉ là một giấc mộng dài, không có gì thật, cũng như chàng Thuần Vu Phần hưởng lạc thú trong giấc mộng, giựt mình tỉnh giấc thấy mình nằm dưới gốc cây. Đây là hình ảnh rất buồn. Điển tích này trích trong Nam Kha Ký của Lý Công Tá.

“Trở thành cá trên ao.” Tức là muốn trở thành con cá trên ao. Đây là một sự tích khác.

            Không thể xem trăng mọc,

            Chỉ luyến ái trong hoa.

Nghĩa là chỉ thích làm con sâu trong cái hoa, chớ không muốn được tự do thong thả bên ngoài, cũng như chỉ thích làm kiến trong cây hòe, làm cá trong ao. Vì mê lầm chúng ta đắm trước trong những điều tạm bợ không ra gì, cho nên không thấy được cái đẹp đẽ, cao quí như mặt trăng.

            Quên mất nhà muôn dặm,

            Còn tham giấc ngủ thừa.

            Chẳng biết thân là huyễn,

            Mê muội đến bao giờ.

Chúng ta đã đi xa muôn dặm quên mất gia hương, lại mải say sưa trong giấc ngủ, không chịu thức tỉnh. Chẳng biết thân này là tạm bợ huyễn hóa, lại mê muội chấp cho là thật.

Bao nhiêu phiền não dấy khởi đều do chấp thân và cảnh là thật. Vì thế ai chạm tới thân thì bực bội oán thù, ai tước đoạt cảnh mình ưa thích thì giận hờn tức tối. Nếu biết rõ thân chúng ta mấy mươi năm rồi cũng tan hoại, cảnh bên ngoài là tạm bợ giả dối thì phiền não không còn, ba nghiệp dẹp sạch, thế mới là người tỉnh giác.

Đây là lời nhắc nhở của Phật và Tổ, tất cả chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ thực hành để đường tu của mình được trong sáng và tươi đẹp cho đến ngày giác ngộ viên mãn.

Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:

> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm

> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - (13.6-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG NỬA ĐÊM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.5-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN LƯỠI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.5-1): SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI ĐẦU HÔM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.4-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA