Astrology.vn - Mặt trời đúng ngọ rồi phải xế, con người có thạnh ắt có suy. Thân thể chẳng bền lâu, giàu sang khó giữ mãi. Nhanh chóng như nước chảy trên sông, lẹ làng tợ mây qua đỉnh núi. Bình sanh chẳng tạo nhân lành ngày khác ắt về đường khổ. Quyết khởi tin sâu, trừ sạch nghi ngờ. Sớm nở tâm chân chư Phật...
Dịch
Cúi mong, ánh dương rực rỡ, bầu trời chói chang. Nhìn lại ngày cứ trôi qua, đến Phật khấn cầu. Lòng tin tỏ bày dưới tòa báu, thắp nén hương trầm cắm lò châu. Hương này hun đúc bởi tiên thiên, chẳng phải Bồng Đảo châu sản xuất; ngát thơm quả đất, nào do chiên-đàn sanh ra. Danh phẩm hơn cả trầm tiên, mùi vị vượt xa lan xạ. Chỗ tỏa khói lành, bởi lửa tam-muội đốt; mây hương bủa khắp, vốn từ khí nhất nguyên tan. Mỗi mỗi trên đảnh đều thấu triệt, người người trong mũi thảy ngửi mùi.
Đây do Nghi sám hối, làm lễ dâng hương. Nay giờ ngọ thắp hương cúng dường.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH
Nguyện mây hương hoa này, qua đầy mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp, chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền; từ đài Quang minh dậy, qua vô biên thế giới, trong vô biên cõi Phật, thọ dụng làm Phật sự; khắp huân các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.
Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ, mười phương Vô thượng Tam Bảo.
(Lạy một lạy)
TÂU BẠCH
(Lại niêm hương quì bạch)
Kính bạch: Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư, chuyển sáu đạo thành sáu thần thông, nhiếp chín loài về chín phẩm. Trộm nghe: gà xóm gáy trưa, mặt trời đứng bóng. Vòm trời cao ánh dương vừa đến giữa, khắp nơi dương liễu bóng đứng ngay. Nắng giọi sân hoa vờn ngọc, gió đưa rặng liễu lay vàng. Long lanh rực rỡ chiếu dao đài, lấp lánh chập chờn soi thềm ngọc. Lò nghê hương quyện, trời xanh vầng nhật chói chang. Gối tiên giấc nồng, trên gác tía ngày dài đêm ngắn. Hè cao độ thì chảy vàng nứt đá. Đông cực hàn thì sương phủ tuyết rơi. Nắng trưa bụi mù trong sạch, bóng xế mây tối quét tan. Đối cảnh tánh thiên rỗng suốt, đương thời tâm địa sáng ngời. Nơi nơi thảy có quang minh, bước bước trọn không hắc ám.
Chư Phật tử! Mặt trời đúng ngọ rồi phải xế, con người có thạnh ắt có suy. Thân thể chẳng bền lâu, giàu sang khó giữ mãi. Nhanh chóng như nước chảy trên sông, lẹ làng tợ mây qua đỉnh núi. Bình sanh chẳng tạo nhân lành ngày khác ắt về đường khổ. Quyết khởi tin sâu, trừ sạch nghi ngờ. Sớm nở tâm chân chư Phật, chiếu phá thùng sơn chúng sanh.
Đệ tử chúng con kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ buổi trưa.
Tâu bạch rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương ba đời Vô thượng Tam Bảo.
(một lạy)
Giảng
“Cúi mong, ánh dương rực rỡ, bầu trời chói chang. Nhìn lại ngày cứ trôi qua, đến Phật khấn cầu. Lòng tin tỏ bày dưới tòa báu, thắp nén hương trầm cắm lò châu. Hương này hun đúc bởi tiên thiên, chẳng phải Bồng Đảo châu sản xuất; ngát thơm quả đất, nào do chiên-đàn sanh ra. Danh phẩm hơn cả trầm tiên, mùi vị vượt xa lan xạ. Chỗ tỏa khói lành, bởi lửa tam-muội đốt; mây hương bủa khắp, vốn từ khí nhất nguyên tan. Mỗi mỗi trên đảnh đều thấu triệt, người người trong mũi thảy ngửi mùi.
Đây do Nghi sám hối, làm lễ dâng hương. Nay giờ ngọ thắp hương cúng dường.”
“Ánh dương rực rỡ bầu trời chói chang.” Dâng hương vào buổi trưa đúng ngọ, ánh nắng chói chang cả bầu trời.
“Nhìn lại ngày cứ trôi qua, đến Phật khấn cầu.” Nhìn lại những ngày đã qua, ngày qua không dừng một chỗ. Ngày qua, tháng qua, năm qua, tuổi chúng ta theo thời gian không dừng lại. Cái chết gần kề nên đến Phật khấn cầu.
“Lòng tin tỏ bày dưới tòa báu.” Đem lòng tin sám hối tỏ bày dưới tòa báu, tức là tòa đức Phật ngồi.
“Thắp nén hương trầm cắm lò châu”, đem nén hương trầm cắm trong lư hương châu ngọc, vì trên là tòa báu, dưới là lò châu để đối nhau.
“Hun đúc bởi tiên thiên, chẳng phải Bồng Đảo châu sản xuất.” Hương cúng dường Phật hun đúc bởi tiên thiên. Tiên thiên đối với hậu thiên, tiên thiên là trước, hậu thiên là sau. Tức là mùi hương này hun đúc sẵn từ thuở nào, không phải do nơi đảo Bồng lai của các vị tiên sản xuất. Tục truyền chỗ tiên ở gọi là Bồng đảo hay Bồng lai tiên cảnh. Theo truyền thuyết, những đảo thần tiên phần nhiều ở trên biển Bột Hải.
“Ngát thơm quả đất, nào do chiên-đàn sanh ra”, mùi thơm ngát của hương tỏa khắp quả đất, không phải do cây chiên-đàn tạo. Hương cúng dường Phật, là hương từ tâm chúng ta, do giới, định, tuệ phát sanh, không phải hương từ đảo tiên đem lại, cũng không phải từ cây chiên-đàn ra.
“Danh phẩm hơn cả trầm tiên, mùi vị vượt xa lan xạ”, giá trị của hương này hơn cả hương trầm tiên ở nước ta có tiếng là rất thơm.
“Mùi vị vượt xa lan xạ”, nó vượt hơn mùi thơm của hoa lan, hay xạ của loài chồn.
“Chỗ tỏa khói lành, bởi lửa tam-muội đốt”, hương giới, định, tuệ phát ra khói thơm tỏa khắp là do ngọn lửa tam-muội đốt. Tam-muội là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là chánh định.
“Mây hương bủa khắp, vốn từ khí nhất nguyên tan”, nghĩa là mùi hương này bủa khắp cả trời đất, nhưng không phải từ đâu đến mà chính từ tâm thể nhất chân bủa ra, phủ khắp.
“Mỗi mỗi trên đảnh đều thấu triệt.” Ngài nói tất cả chúng ta trên đảnh đầu đều thấu triệt mùi hương đó, tức là phải nhìn tường tận, tột cùng thể nhất nguyên hay khí nhất nguyên đó. “Người người trong mũi thảy ngửi mùi”, ai ai ở trong mũi đều ngửi được mùi hương, đó là hương giới, định, tuệ từ thể nhất tâm ra. Ngài mượn hình tướng thắp hương cúng dường Tam Bảo để nói lên tâm chúng ta là gốc phát ra giới, định, tuệ; giới định tuệ tức là mùi hương bủa khắp tất cả, không do các thứ cây cối hoặc loài vật sanh ra.
“Đây do Nghi sám hối, làm lễ dâng hương”, là do nghi lễ sám hối nên làm lễ dâng hương. “Nay giờ ngọ thắp hương cúng dường.”
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm,
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH
“Nguyện mây hương hoa này, qua đầy mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp, chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền; từ đài Quang minh dậy, qua vô biên thế giới, trong vô biên cõi Phật, thọ dụng làm Phật sự; khắp huân các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.
Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ, mười phương Vô thượng Tam Bảo.”
Các bài này đã giảng trong bài trước.
TÂU BẠCH
(Lại niêm hương quì bạch)
Quì niệm hương
“Kính bạch: Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư, chuyển sáu đạo thành sáu thần thông, nhiếp chín loài về chín phẩm.” Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư đã giảng trong bài trước.
“Chuyển sáu đạo thành sáu thần thông.” Sáu đạo là lục đạo luân hồi. Chuyển lục đạo luân hồi thành lục thần thông. Trong nhà Thiền, sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khéo tu cũng chuyển thành sáu thần thông: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông v.v... Như vậy nguyện Phật thương giúp chúng ta chuyển sáu đường luân hồi sanh tử thành sáu thần thông.
“Nhiếp chín loài về chín phẩm.” Chín loài là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng. Hiểu theo tinh thần đạo Phật, chúng sanh trên thế gian này không phải chỉ có một loài thai sanh như con người hay các loài thú, mà còn có noãn sanh là sanh bằng trứng, thấp sanh là sanh chỗ ẩm ướt, hóa sanh tức không phải do ái dục mà là theo nghiệp hóa sanh, các loài chúng sanh có hình sắc, loài chúng sanh không hình sắc, loài chúng sanh có tâm tưởng, loài chúng sanh không tâm tưởng, rồi cuối cùng có loài chúng sanh không phải có tưởng không phải không tưởng, tức là loài chúng sanh này có tưởng rất là vi tế. Hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng, năm loài này do tu thiền mà được. Trong kinh Phật thường dạy những chúng sanh nào được định sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì sanh cõi trời sắc giới, do đó trong cõi trời sắc giới có sơ thiền thiên, nhị thiền thiên, tam thiền thiên, tứ thiền thiên, tu được tứ thiền trong nhà Phật gọi là phàm phu thiền, vì thiền đó còn luân hồi sanh tử. Những người tu quán về không tưởng, không vô biên xứ, thức vô biên xứ thì sanh cõi trời vô sắc. Những chúng sanh tu thiền mà còn tư tưởng thì sanh cõi trời hữu tưởng. Cõi trời đó không có hình tướng, chỉ còn tư tưởng. Còn những chúng sanh nào không còn tư tưởng thì gọi là sanh cõi vô tưởng rồi tới phi hữu tưởng phi vô tưởng là cao nhất. Qua khỏi chín loài này mới tới Diệt thọ tưởng định, chứng A-la-hán, đó là siêu xuất sanh tử.
Như vậy trên thế gian, theo con mắt nhà Phật, không phải chúng sanh nào cũng có thân nặng nề mấy mươi ký như chúng ta, chúng sanh ở cõi vô sắc làm sao có tướng, hữu tưởng vô tưởng cũng không có tướng, phi hữu tưởng phi vô tưởng cũng vậy. Thế nên những hành tinh không thích hợp với con người, biết đâu lại thích hợp với những loài khác, chớ không phải chúng sanh nào cũng giống hệt chúng ta, nên không thể lấy con người làm tiêu chuẩn nghiên cứu. Nếu hiểu theo nhà Phật thì chắc rằng trên thế giới có nhiều cõi có những chúng sanh khác như vô sắc thì mắt chúng ta đâu có thấy, hay là hữu tưởng, chỉ có tâm tưởng, chúng ta cũng không thấy... Nếu chúng ta muốn tìm biết hết trong vũ trụ này không biết chừng nào mới xong, chỉ mắt Phật mới thấy tường tận.
Chín phẩm tức chín phẩm Liên Hoa (cửu phẩm Liên Hoa) là nói theo tinh thần Tịnh độ. Sanh về Cực lạc có Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm. Mỗi phẩm chia làm ba. Thượng phẩm có Thượng phẩm thượng sanh, Thượng phẩm trung sanh, Thượng phẩm hạ sanh. Trung phẩm có Trung phẩm thượng sanh, Trung phẩm trung sanh, Trung phẩm hạ sanh. Hạ phẩm cũng vậy, có thượng, trung, hạ sanh. Chung tất cả là chín phẩm.
“Trộm nghe: Gà xóm gáy trưa, mặt trời đứng bóng. Vòm trời cao ánh dương vừa đến giữa, khắp nơi dương liễu bóng đứng ngay.” Ngài diễn tả rất cụ thể, “gà xóm gáy trưa” là mười hai giờ trưa nghe gà gáy. “Mặt trời đứng bóng, vòm trời cao ánh dương vừa đến giữa, khắp nơi dương liễu bóng đứng ngay”, dương liễu rọi bóng thẳng xuống không có nghiêng lệch.
“Nắng rọi sân hoa vờn ngọc, gió đưa rặng liễu lay vàng.” Cảnh rất nên thơ, nắng rọi xuống sân hoa rung rinh như vờn ngọc; gió đưa rặng liễu lung lay trong ánh nắng như lay vàng.
“Long lanh rực rỡ chiếu dao đài, lấp lánh chập chờn soi thềm ngọc.” Dao đài là chỗ ở của thần tiên, nghĩa là ánh nắng long lanh rực rỡ soi chiếu như chỗ ở của thần tiên, chập chờn lấp lánh rọi trên thềm giống như thềm ngọc.
“Lò nghê hương quyện, trời xanh vầng nhật chói chang.” Có hai loại nghê: một loại là loài thú giống như sư tử, một loại là cá kình (có bộ ngư ở bên). Thường các lư hương hay chạm hình sư tử hoặc hình cá kình. Lò nghê hương quyện tức là lò hương chạm hình sư tử quyện khói. Trong bầu trời xanh mặt trời soi sáng, ánh nắng chói chang.
“Gối tiên giấc nồng, trên gác tía ngày dài đêm ngắn”: Những vị thảnh thơi trưa nằm trên gác tía kê đầu trên gối ngủ một giấc say, đêm ngủ chưa đủ nên trưa ngủ tiếp. Đó là chỉ người thích ngủ trưa nhiều.
“Hè cao độ thì chảy vàng nứt đá. Đông cực hàn thì sương phủ tuyết rơi”: Đây là tả cảnh ở ngoài Bắc với Trung Hoa hay các nước khác. Còn ở miền Nam hè cao độ chưa đến chảy vàng, nứt đá, đông chỉ có sương chớ không có tuyết. Đây là Ngài tả sức nóng và lạnh của mùa hè và mùa đông.
“Nắng trưa bụi mù trong sạch, bóng xế mây tối quét tan”, trưa nắng nên tất cả những mây mù đều không còn, bóng hơi xế thì mây tối đều tan hết.
“Đối cảnh tánh thiên rỗng suốt, đương thời tâm địa sáng ngời.” Đối với sáu trần hay ngoại cảnh, tánh thiên là tánh sẵn có của chúng ta rỗng suốt, chính ngay lúc đó, tâm địa mình được sáng ngời. Người tu khi đối cảnh phải có tánh sáng suốt, không bị ngoại cảnh ngăn trở, nghĩa là không dính mắc ngoại cảnh. Chúng ta hiện nay đối cảnh thì phàm tình dính mắc, đương thời thì vọng tưởng lăng xăng. Chúng ta phải tu như thế nào để được đối cảnh tánh thiên rỗng suốt, đương thời tâm địa sáng ngời.
“Nơi nơi thảy có quang minh, bước bước trọn không hắc ám”, nơi nào cũng thấy rõ ràng sáng suốt, mỗi bước đều không mờ mịt tối tăm, thế mới thật là người ngộ đạo.
Tóm lại người thâm nhập được lý đạo thì đối cảnh tâm tánh rỗng suốt không bị dính kẹt, ngay khi đó tâm địa sáng ngời không bị phủ che, nơi nơi đều sáng rỡ, bước bước không mịt mờ. Trái lại chúng sanh đối cảnh tâm luôn dính mắc, đương thời niệm khởi lăng xăng, nơi nơi đều mù tối, bước bước thảy rộn ràng. Mê và giác khác nhau như vậy. Nay thử nghiệm xem những người giác chút ít có được như thế này chưa? Nếu chưa được là điều đáng hổ thẹn, phải nên cố gắng. Chúng ta thường nói hành thiền, nghĩa là đi thiền, mỗi bước phải ở trong tỉnh giác. Nếu đi trong mê lầm đó là hắc ám chẳng phải hành thiền. Thế nên người tu phải luôn nhớ đi trong sáng suốt.
“Chư Phật tử! Mặt trời đúng ngọ rồi phải xế, con người có thạnh ắt có suy”, đó là Ngài cảnh giác chúng ta, nhìn mặt trời thấy đúng ngọ, một lát sau đã xế. Như vậy mặt trời lên cao rồi xuống thấp, có giữa trưa phải có xế chiều. Sự sống của chúng ta cũng vậy, thạnh rồi phải suy. Như hiện giờ quí vị hai mươi, ba mươi tuổi, là lúc cơ thể thạnh nhưng rồi sẽ bốn mươi, năm mươi, không dừng một chỗ mà luôn thay đổi. Biết rõ mặt trời có trưa có xế, thân người có thạnh có suy thì khi thạnh phải nghĩ đến lúc suy. Vậy chúng ta phải làm gì? Lo tranh cãi hơn thua hay là cố gắng tu hành không để thì giờ uổng phí?
“Thân thể chẳng bền lâu, giàu sang khó giữ mãi.” Thân chúng ta không bền lâu, rồi cũng sẽ mất; sự giàu sang ở thế gian cũng khó giữ mãi, duyên tốt thì giàu, duyên suy thì nghèo khó.
“Nhanh chóng như nước chảy trên sông, lẹ làng tợ mây qua đỉnh núi”, sự đổi thay nhanh chóng như dòng nước chảy trên sông, lẹ làng như mây qua đỉnh núi. Chúng ta thấy mọi sự vật chuyển biến không dừng, thân chúng ta cũng vậy, chuyển từ trẻ lần đến già không dừng lại một phút giây nào, vậy chúng ta phải khéo lo liệu. Ngài khuyên:
“Bình sanh chẳng tạo nhân lành, ngày khác ắt về đường khổ.” Khi còn sống chúng ta bon chen giành giật không chịu tạo nhân lành nên đến lúc nhắm mắt, bảo đảm sẽ đi trong đường khổ không nghi.
“Quyết khởi tin sâu, trừ sạch nghi ngờ”, vậy chúng ta phải quyết tâm khởi lòng tin sâu về lý vô thường của Phật dạy, trừ sạch hết nghi ngờ để cố gắng tu hành đến nơi đến chốn.
“Sớm nở tâm chân chư Phật, chiếu phá thùng sơn chúng sanh”, hai câu này mang tính cách thiền. Sớm nở tâm chân tức là phải khai thác cho tâm chân thật chư Phật nơi mình được nở ra, đừng để bị tàn lụi. Chiếu phá thùng sơn chúng sanh, thùng sơn là cái gì đen kịt và dẻo dai, chùi không ra, rửa không sạch. Quí vị có mang thùng sơn đó không? Có nhiều người than là cố gắng tu nhưng sao bỏ thói cũ không được, thói cũ là sơn đã dính chùi không ra. Thế thì ai cũng mang một thùng sơn đen kịt. Nay phải làm sao cho cái thùng thủng đi, sơn chảy hết ra, nhà thiền gọi là đập bể thùng sơn. Muốn cho thùng sơn bể chỉ có tâm chân thật chư Phật của mình nở ra, thùng sơn mới bể. Trái lại nếu tâm chân thật nơi mình không nở thì thùng sơn không thể nào lủng đáy được. Do đó khi tu chúng ta phải cố gắng thâm nhập được tâm chân thật của chính mình. Tâm ấy còn gọi là Tri kiến Phật, nếu được phát triển thì thùng sơn phiền não tối tăm sẽ tan nát.
“Đệ tử chúng con kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ buổi trưa.
Tâu bạch rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương ba đời Vô thượng Tam Bảo.”
Khải bạch xong bắt đầu sám hối.
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI SÁNG
> KHÓA HƯ LỤC - (13.1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - KỆ CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (12): TỰA - KHOA NGHI SÁU THỜI SÁM HỐI
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (11): LUẬN VỀ NIỆM PHẬT