Astrology.vn - Chúng ta thấy cuộc sống của mình lúc nào cũng bất an, hiểm nguy đang chực sẵn, mà ít người nhớ tới. Khi cơn vô thường chợt đến, chúng ta than khóc khổ đau. Nếu là người sáng suốt thì vô thường là chuyện đương nhiên, không có gì phải than van nuối tiếc.
Dịch
Cúi mong, đồng hồ canh ba chuyển, muôn tiếng nhạc lặng im. Chúng tăng hòa hợp trước nghiêm đàn, một nén hương thơm trùm pháp giới. Hương này trời đất sanh thành, công vun trồng chẳng phải một đời, do bảo hộ trăm thần mà được. Cội rễ tốt tươi, mải nhờ mưa pháp thấm nhuần. Thể chất thanh cao, hằng được mây từ che mát. Giống lạ, chớ đem cây thường so sánh, mùi thơm nào phải kẻ phàm hay. Cắm trong lư vàng, mảnh mảnh vừa châm vào ngọn lửa; kết thành lọng báu tầng tầng, bay thẳng tận mây ngàn. Dùng làm lễ nghi trước Phật, mong nêu lòng tin kẻ phàm. Nay lúc nửa đêm, thắp hương cúng dường.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH
Nguyện mây hương hoa này, khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền; vừa rời đài Quang minh, qua cõi nước vô biên, trong vô biên cõi Phật, nhận dùng làm Phật sự, xông khắp các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.
Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.
(một lạy)
TÂU BẠCH
(Lại niêm hương quì bạch)
Kính bạch, mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Duỗi tay vàng tiếp độ quần sanh, phóng sáng ngọc soi cùng các cõi. Trộm nghe, giờ vừa sang tý, đêm đã nửa rồi. Ngọn đèn dĩa bạc đã hầu tàn, đường sá trong thành đều lắng bụi. Mấy trận gió mây sanh muôn dặm; một vầng trăng sáng rọi canh ba. Lưa thưa rừng trúc rây vàng, lấp lánh hoa sân vờn ngọc. Hạc oán lặng thinh nơi trướng huệ, vượn buồn kêu mãi chốn rừng tùng. Xa xôi Sâm, Đẩu trải ngân hà, vắng vẻ quỉ thần khóc đồng nội. Cuốc kêu thống thiết, mộng điệp say mê. Thân huyễn lẻ loi trong rừng rậm, mộng hồn rong ruổi ngàn dặm trường. Cam chịu ma ngủ quấy rầy luôn, đâu biết đuốc trí hằng sáng rực. Ngoài nhà thần phách lạc hồn bay, trong hang quỉ tròng che mắt nhắm. Chỉ thích tham mê ngủ nghỉ, đâu biết nếm vị chân như. Ham ưa một giấc ngon đến sáng, nào ngại trăm năm cơn chết chờ.
Các Phật tử! Phải nhớ bốn rắn bức bách, chớ quên hai chuột gặm mòn. Luân hồi ba cõi chừng nào thôi, quanh quẩn bốn loài bao giờ hết? Đường vãng sanh nên bước, cần vin xe dẫn ra. Nào là chỗ lao quan, quyết định đêm nay phá vỡ. Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ nửa đêm.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Giảng
DÂNG HƯƠNG NỬA ĐÊM
“Cúi mong, đồng hồ canh ba chuyển, muôn tiếng nhạc lặng im. Chúng Tăng hòa hợp trước nghiêm đàn, một nén hương thơm trùm pháp giới. Hương này trời đất sanh thành, công vun trồng chẳng phải một đời, do bảo hộ trăm thần mà được. Cội rễ tốt tươi, mãi nhờ mưa pháp thấm nhuần. Thể chất thanh cao, hằng được mây từ che mát. Giống lạ, chớ đem cây thường so sánh, mùi thơm nào phải kẻ phàm hay. Cắm trong lư vàng, mảnh mảnh vừa châm vào ngọn lửa, kết thành lọng báu tầng tầng, bay thẳng tận mây ngàn. Dùng làm lễ nghi trước Phật, mong nêu lòng tin kẻ phàm. Nay lúc nửa đêm, thắp hương cúng dường.”
Trong bài dâng hương này, ngài Trần Thái Tông diễn tả hương kỳ đặc của tâm thanh tịnh, không phải hương thường của thế gian.
“Đồng hồ canh ba chuyển, muôn tiếng nhạc lặng im. Chúng Tăng hòa hợp trước nghiêm đàn, một nén hương thơm trùm pháp giới.” Đồng hồ đã điểm canh ba, tất cả tiếng nhạc bên ngoài đều im lặng, khi ấy chúng Tăng hòa hợp trước điện Phật thắp hương cúng dường. Nén hương này thơm trùm pháp giới, ở thế gian không có hương nào thơm hơn, đây là chỉ hương của tâm thanh tịnh.
“Hương này trời đất sanh thành, công vun trồng chẳng phải một đời, do bảo hộ trăm thần mà được.” Hương này là hương của tâm thanh tịnh do trời đất sanh thành, phải nhờ sự ủng hộ của chư thần trong nhiều đời nhiều kiếp mới được.
“Cội rễ tốt tươi, mãi nhờ mưa pháp thấm nhuần. Thể chất thanh cao, hằng được mây từ che mát.” Cội rễ của cây hương sở dĩ được tươi tốt là nhờ mưa pháp thấm nhuần. Chính trong khi học kinh nghe pháp là lúc được mưa pháp thấm nhuần, nên hương này thể chất thanh cao, hằng được mây từ che mát.
“Giống lạ, chớ đem cây thường so sánh, mùi thơm nào phải kẻ phàm hay.” Cây hương này là giống lạ, không thể đem so sánh với những loại cây thường. Mùi thơm của hương người phàm không ngửi được, chỉ có những bậc Thánh Hiền mới ngửi được. Vì sao? Vì hương này phát nguồn từ tâm thanh tịnh.
“Cắm trong lư vàng, mảnh mảnh vừa châm vào ngọn lửa, kết thành lọng báu tầng tầng, bay thẳng tận mây ngàn.” Khi thắp cây hương, vừa châm vào lửa, có những tầng khói bay lên tận mây ngàn. Hương này dùng làm gì?
“Dùng làm lễ nghi trước Phật, mong nêu lòng tin kẻ phàm.” Về sự là thắp hương cúng dường Phật, về lý là thắp hương của nội tâm, hương của tâm hồn trong sáng thanh tịnh. “Nay lúc nửa đêm thắp hương cúng dường.”
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH
“Nguyện mây hương hoa này, khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền; vừa rời đài Quang minh, qua cõi nước vô biên, trong vô biên cõi Phật, nhận dùng làm Phật sự, xông khắp các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.
Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.”
(Những đoạn này đã giảng ở trước.)
TÂU BẠCH
(Lại niêm hương quì bạch: Cầm hương quì bạch)
“Kính bạch, mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Duỗi tay vàng tiếp độ quần sanh, phóng sáng ngọc soi cùng các cõi. Trộm nghe, giờ vừa sang tý, đêm đã nửa rồi. Ngọn đèn dĩa bạc đã hầu tàn, đường sá trong thành đều lắng bụi. Mấy trận gió mây sanh muôn dặm, một vầng trăng sáng rọi canh ba. Lưa thưa rừng trúc rây vàng, lấp lánh hoa sân vờn ngọc. Hạc oán lặng thinh nơi trướng huệ, vượn buồn kêu mãi chốn rừng tùng. Xa xôi Sâm, Đẩu trải ngân hà, vắng vẻ quỉ thần khóc đồng nội. Cuốc kêu thống thiết, mộng điệp say mê. Thân huyễn lẻ loi trong rừng rậm, mộng hồn rong ruổi ngàn dặm trường. Cam chịu ma ngủ quấy rầy luôn, đâu biết đuốc trí hằng sáng rực. Ngoài nhà thần phách lạc hồn bay, trong hang quỉ tròng che mắt nhắm. Chỉ thích tham mê ngủ nghỉ, đâu biết nếm vị chân như. Ham ưa một giấc ngon đến sáng, nào ngại trăm năm cơn chết chờ.
Các Phật tử! Phải nhớ bốn rắn bức bách, chớ quên hai chuột gặm mòn. Luân hồi ba cõi chừng nào thôi, quanh quẩn bốn loài bao giờ hết? Đường vãng sanh nên bước, cần vin xe dẫn ra. Nào là chỗ lao quan, quyết định đêm nay phá vỡ. Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ nửa đêm.”
Bài tâu bạch này rất hay về văn chương lẫn ý nghĩa.
“Kính bạch, mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Duỗi tay vàng tiếp độ quần sanh, phóng sáng ngọc soi cùng các cõi.” Đây là lời tâu bạch với đức Phật, đấng Đại Giác, Đại Hùng, Đại Lực. Đức Phật duỗi cánh tay vàng để tiếp độ quần sanh. Như chúng ta thường thấy tượng Phật Di-đà đứng trên đám mây duỗi tay xuống để cứu vớt chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ. Phật Thích-ca và tất cả chư Phật cũng vậy, các ngài lúc nào cũng duỗi tay tiếp đón mà chúng sanh cứ mải mê ngụp lặn không chịu đưa tay.
Khi thuyết pháp, Phật thường phóng hào quang chỗ sợi lông trắng ở giữa chặng mày, gọi là bạch hào, soi sáng tất cả cõi, để nhắc nhở chúng sanh mau thức tỉnh trở về. Duỗi tay vàng là thể hiện lòng từ bi tiếp độ, phóng sáng ngọc là phóng ánh sáng trí tuệ soi đường cho mọi người được tỏ rạng. Đó là tinh thần từ bi cứu khổ của đức Phật.
“Trộm nghe giờ vừa sang tý, đêm đã nửa rồi. Ngọn đèn dĩa bạc đã hầu tàn, đường sá trong thành đều lắng bụi.” Giờ tý canh ba là nửa đêm. Đêm đã về khuya, ngọn đèn bằng dĩa bạc thắp trong nhà sang trọng lần lần tàn lụi. Ngoài đường ngựa xe đều nghỉ nên đường sá lắng bụi.
“Mấy trận gió mây sanh muôn dặm, một vầng trăng sáng rọi canh ba. Lưa thưa rừng trúc rây vàng, lấp lánh hoa sân vờn ngọc.” Mấy trận gió thổi mây bay đi muôn dặm, nhìn lên trời chỉ thấy một vầng trăng sáng rọi xuống lúc canh ba. Rừng tre rừng trúc có những chỗ thưa hở, ánh trăng xuyên qua giống như rây những tia vàng rơi xuống. Ngoài sân ánh sáng trăng lấp lánh, gió đùa hoa như vờn ngọc. Đây là cảnh nửa đêm trăng sáng có vườn trúc lung lay, hoa sân vờn ngọc.
“Hạc oán lặng thinh nơi trướng huệ, vượn buồn kêu mãi chốn rừng tùng.” Con hạc không biết oán hận ai mà đêm khuya lặng thinh không kêu nữa, trong màn trướng người người đều yên giấc. Các con vượn buồn ai mà kêu mãi trong rừng tùng. Đây là diễn tả cảnh buồn đêm khuya.
“Xa xôi Sâm, Đẩu trải ngân hà, vắng vẻ quỉ thần khóc đồng nội.” Trên trời cao, sao Sâm sao Đẩu trải dài trên dải ngân hà. Sâm tức là tên một ngôi sao trong nhị thập bát tú (hai mươi tám vì sao). Đẩu là tên một chùm sao gồm có: Nam Đẩu (sáu ngôi sao), Bắc Đẩu (bảy ngôi sao), Tiểu Đẩu (năm ngôi sao), gọi sao Đẩu phần nhiều là để chỉ sao Bắc Đẩu. Ngoài đồng nội vắng vẻ đìu hiu dường như quỉ thần đang khóc.
“Cuốc kêu thống thiết, mộng điệp say mê. Thân huyễn lẻ loi trong rừng rậm, mộng hồn rong ruổi ngàn dặm trường.” Chim cuốc kêu thống thiết ngoài lùm bụi, nơi phòng người đang say mê trong giấc điệp. Thân huyễn hóa nằm một mình nơi thôn xóm, mà hồn mộng đi xa ngoài ngàn dặm. Thí dụ như đêm khuya thân nằm trên núi, mà mộng hồn đi tới thành phố Sài Gòn.
“Cam chịu ma ngủ quấy rầy luôn, đâu biết đuốc trí hằng sáng rực. Ngoài nhà thần phách lạc hồn bay, trong hang quỉ tròng che mắt nhắm.” Chúng ta cam chịu ma ngủ quấy rầy làm cho say mê, đâu biết rằng ngay khi mê đuốc trí hằng sáng rực nơi mình. Muốn chiến thắng ma ngủ, chúng ta phải thắp lên ngọn đuốc trí, nghĩa là phải chịu khó ngồi dậy đi rửa mặt, tréo chân ngồi kiết già, không được nằm ì nhắm mắt, ma ngủ sẽ làm cho mình mê say tăm tối, hồn phách tản mát dạo chơi. Khi bị tối tăm, nhà Thiền gọi là ở trong hang quỉ. Giả sử đang ngồi thiền nhắm mắt, lâu lâu gật một cái, lúc đó tuy ngồi tại Thiền đường, nhưng chúng ta đang sống trong hang quỉ, nên nói: “trong hang quỉ tròng che mắt nhắm”, nghĩa là khi mắt nhắm tròng mắt bị che bít nên ngủ say sưa như ở trong hang quỉ. Lúc đó chúng ta không còn đàng hoàng tỉnh táo, không còn khôn ngoan làm chủ được mình, thật là đáng buồn. Chúng ta đi tu ai cũng muốn được giác ngộ thành Phật. Vậy chúng ta phải chiến thắng ma ngủ, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, quyết ra khỏi hang quỉ mê mờ u tối.
“Chỉ thích tham mê ngủ nghỉ, đâu biết nếm vị chân như.” Nếu chỉ ham thích ngủ nghỉ, thì không nếm được vị chân như. Được ngồi yên tỉnh táo, hoàn cảnh chung quanh đều im lặng, chính khi ấy chúng ta mới nếm được vị chân như. Còn nằm nhắm mắt ngủ khò, đó là vị say của ma ngủ.
“Ham ưa một giấc ngon đến sáng, nào ngại trăm năm cơn chết chờ.” Câu này thật là buồn. Chúng ta ham mê ngủ nghỉ, nằm xuống đánh một giấc ngon tới sáng, thật là thích thú, nhưng nào ngờ cơn chết đang chực sẵn bên mình. Thế nên ngủ ít, ngủ thiếu để lo giải quyết chuyện sanh tử, nếu mê ngủ hoài thì ai giải quyết cho mình? Đó là lời nhắc nhở để đánh thức chúng ta không nên mê nữa.
“Các Phật tử! Phải nhớ bốn rắn bức bách, chớ quên hai chuột gặm mòn.” Đây là điển tích trong nhà Phật. Bốn rắn bức bách tức là “tứ xà đồng nhiếp”, nghĩa là bốn con rắn nhốt chung trong một cái chậu. Trong kinh Niết-bàn, đức Phật nói: Ngày xưa có một người nuôi bốn con rắn độc chung trong một chậu lớn, chúng không ưa nhau nên cắn lộn mãi, người nuôi phải đem đủ thức ăn và phải điều hòa chúng. Cứ như thế mà lo cho đáo để, đến một hôm cái chậu ngã lăn, mấy con rắn chạy tứ tán, mỗi con một nơi, người nuôi chới với kiếm bốn con rắn khác nuôi nữa. Cứ nuôi như vậy một lần, hai lần đến cả trăm ngàn lần, thật là đáng thương cho người đó vì họ làm việc của dã tràng, ra công sức để làm, kết quả hoàn tay không. Người thích nuôi bốn rắn đó là ai? Là người mê hay tỉnh, ngu hay sáng? Nếu là người sáng suốt, khi bốn con rắn không ưng ở chung mỗi con muốn đi mỗi ngả, mình chỉ cười thôi, cười vì hết nợ, không còn ra công nuôi nấng nhọc nhằn và can ngăn để giảng hòa chúng nữa. Bốn con rắn ấy là: rắn hổ đất, rắn nước, rắn hổ lửa, rắn hổ mây; nếu nhốt chung lại một chỗ, chúng nó cắn lộn lấn áp lẫn nhau cho nên chúng ta phải kiếm đất bỏ vào, lấy nước tưới vào... cả ngày cực khổ, cứ như thế làm suốt đời, suốt kiếp. Thế mà khi bốn rắn sắp ly tán chúng ta lại than van khóc tiếc, thật là dại khờ. Đức Phật dùng thí dụ này để chỉ trong cuộc sống nếu chúng ta cứ theo đuổi giữ gìn thân tứ đại thì uổng đi một kiếp không có lợi ích gì.
“Chớ quên hai chuột gặm mòn.” Đây là câu chuyện trong kinh, Phật dùng để thí dụ: Có người tử tội, nhà vua cho quân lính áp dẫn ra rồi thả hai con voi tới để giày xác, người ấy cắm đầu chạy, hai voi đuổi nà theo. Bất chợt bên đường ông thấy một cái giếng cạn nên vội nhảy xuống để trốn. Dưới đáy giếng có ba con rồng đang phun lửa, ông hoảng sợ vội chụp sợi dây bìm bìm thòng xuống gần bên và phăng lần lên. Khi còn đeo lơ lửng giữa chừng thì chung quanh thành giếng có bốn con rắn độc thè lưỡi ra chực đớp ông. Hết lối thoát ông chỉ còn cách đeo sợi dây chờ chết. Trong khi đó, ở trên miệng giếng lại có hai con chuột, một trắng một đen, chạy qua chạy lại gặm nhấm sợi dây, thật nguy hiểm biết chừng nào! Thế mà bất thần có bầy ong mật bay ngang qua làm rớt năm giọt mật, người tử tội liếm được mật thích quá, say mê quên cả nguy hiểm đang chực sẵn bên mình.
Qua thí dụ trên đức Phật muốn nói lên điều gì? Tất cả chúng ta sanh ra có phải là những người mang án tử hình không? Có sanh thì nhất định có tử, cho nên người tử tội là dụ cho án tử hình của mỗi người chúng ta. Hai con voi đuổi theo là dụ cho hành khổ và hoại khổ. Hành khổ tức là khổ vì vô thường, từng sát-na thay đổi. Hoại khổ tức là khổ vì tan hoại. Hai khổ này theo đuổi thân chúng ta, nên Phật dụ hai con voi rượt đuổi người tử tội. Khi chạy trốn hai voi, người tội lại nhảy xuống giếng gặp ba con rồng đang phun lửa. Ba con rồng là dụ cho tam độc (tham sân si) đang thiêu đốt chúng ta. Muốn tránh ba độc, phải phăng sợi dây leo lên. Đang ở nửa chừng giếng có bốn rắn ló đầu ra chực cắn. Bốn rắn là dụ cho tứ đại, lúc nào cũng tranh giành chống trái lẫn nhau. Người tử tội chỉ còn đeo sợi dây, dụ cho sanh mạng hay tuổi thọ của mình. Hai con chuột chạy qua chạy lại gặm nhấm sợi dây là dụ cho ngày và đêm, ngày qua đêm lại, tuổi thọ của mình mòn dần, đến một hôm nào sợi dây đứt thì rớt xuống giếng tan thân mất mạng. Nhưng lúc đó bất thần có mấy con ong làm rơi năm giọt mật, người tử tội liếm mật say mê quên hết khổ sở hiểm nguy. Năm giọt mật là dụ cho ngũ dục, theo nghĩa thông thường thế gian ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thụy, tức là tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ. Theo nhà Phật, ngũ dục là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Năm dục làm cho chúng ta say mê quên lửng mình đang sống trong nguy hiểm cơ cực tột cùng. Chúng ta phải quyết tâm thoát khỏi hiểm nguy cho kỳ được, đó mới là người thức tỉnh.
Thí dụ trên cho chúng ta thấy cuộc sống của mình lúc nào cũng bất an, hiểm nguy đang chực sẵn, mà ít người nhớ tới. Khi cơn vô thường chợt đến, chúng ta than khóc khổ đau. Nếu là người sáng suốt thì vô thường là chuyện đương nhiên, không có gì phải than van nuối tiếc.
“Luân hồi ba cõi chừng nào thôi, quanh quẩn bốn loài bao giờ hết?” Nếu chúng ta say mê theo năm giọt mật thì luân hồi trong ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới không biết lúc nào thôi, lên xuống trong lục đạo địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, a-tu-la, trời đến bao giờ mới dứt? Đây là câu hỏi làm cho chúng ta thức tỉnh.
“Đường vãng sanh nên bước, cần vin xe dẫn ra.” Đường vãng sanh không phải hiểu theo nghĩa vãng sanh Tịnh độ, mà ở đây muốn nói đến con đường giải thoát, đường này chúng ta phải gấp bước. “Cần vin xe dẫn ra” là nhắc đến phẩm Thí Dụ trong kinh Pháp Hoa. Trong căn nhà lửa đang cháy hừng hực, các con ông Trưởng giả không hề hay biết, cứ say mê vui chơi đùa giỡn, không chịu chạy ra. Ông Trưởng giả thương xót mới tìm phương tiện dẫn dụ các con, đặt ra ba chiếc xe là xe dê, xe hươu, xe trâu. Nhờ ham xe nên chúng nó chạy ra khỏi nhà lửa. Nhưng khi các con chạy ra khỏi, ông Trưởng giả chỉ cho xe trâu trắng trang hoàng lộng lẫy, màn trướng phủ che, tôi tớ hầu hạ... quá sự mơ ước của các con. Đây là để nói chúng ta đang quanh quẩn trong nhà lửa tam giới, muốn thoát ra phải nương ba xe dụ cho ba thừa: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Thật ra chỉ Phật thừa là cứu kính, được tượng trưng bằng xe trâu trắng.
“Nào là chỗ lao quan, quyết định đêm nay phá vỡ.” Lao quan là chỗ ngục tù giam hãm, ngay trong đêm nay chúng ta quyết phá vỡ để vượt ra. Trong nhà Thiền, tông Lâm Tế thường nói đến Tam quan, tức là: Tổ sư quan, trùng quan và lao quan, nghĩa là chúng ta tu hành cốt phải vượt khỏi tất cả cửa ải trở ngăn để đến chỗ giác ngộ viên mãn. Đây là ngài Trần Thái Tông muốn nhắc ngay trong đêm tối đang ngủ ngon này, chúng ta phải gan dạ thức dậy tu hành để vượt khỏi những trói buộc giam hãm chúng ta trong ngục tù tam giới.
“Đệ tử chúng con, kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ nửa đêm.”
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.5-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN LƯỠI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.5-1): SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI ĐẦU HÔM
> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA