Astrology.vn - Mộng phù thế là gì? Con phù du ở trên mặt nước, sớm mai có mặt, chiều tối chết, cuộc đời tạm bợ giống như đời con phù du. Cuộc sống của chúng ta là giấc mộng trong cõi tạm. Thế thì có gì đáng ưa thích. Nhưng chúng ta đang mê, mở mắt thì ham mộng phù thế nên Ngài nhắc chúng ta đừng say mê cái tạm bợ, mộng ảo...
Dịch
Cúi mong, lửa đom đóm điểm không, đèn thuyền chài rọi nước. Bạn tịnh trên đàn đều tới, trong lò mới thắp tín hương. Hương này, sản phẩm chẳng ở Lạc Sơn, chủng loại không phải trầm thủy. Đâu bởi Thần Long dâng cúng, chính do Bồ-tát cất dành. Trong rừng Ngưu đầu khó so bì, nơi vườn Kê thiệt suy tôn bậc nhất. Gươm tuệ chặt, vót bằng đao giới rất mực thanh kỳ; nước định rửa, lửa tam-muội đốt mùi thơm ngào ngạt. Đâu chỉ đàn tràng ngửi được, mọi nơi khắp chốn đều thơm. Một nén hương xông nhiều đời nghiệp sạch. Nay buổi đầu hôm, đốt hương cúng dường.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Đất tâm mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
PHÁT NGUYỆN
Nguyện mây hương hoa này
Khắp cả mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật,
Tôn Pháp, chư Bồ-tát,
Vô lượng chúng Thanh văn
Và tất cả Thánh Hiền.
Vừa rời đài Quang minh
Qua cõi nước vô biên
Trong vô biên cõi Phật
Nhận dùng làm Phật sự.
Xông khắp các chúng sanh
Đều phát tâm Bồ-đề.
TÂU BẠCH
Kính bạch: Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư, mở rộng đèn tuệ chư Phật, soi khắp nhà tối quần sanh. Trộm nghe: kèn lầu vừa thổi, trống cấm mới truyền, nhà nhà đèn sáp sáng trưng, chốn chốn mỡ rồng cháy rực. Ngựa báu thôi hí ngoài ngõ tía, cá vàng ngưng nhảy dưới ao trong. Lưa thưa mặt nước đom đóm bay, lấp ló đầu non ngậm vầng nguyệt. Bên đài Phượng Hoàng say sưa tiệc rượu liên hoan, trước lầu Anh Vũ tham đắm mê hoa thủ lạc. Hoặc vịnh trăng cợt gió, hoặc thổi sáo đánh đàn. Người người chăm chăm duyên trước mắt, kẻ kẻ đâu quên việc sau thân.
Các Phật tử! Phải tỉnh đường trước khó tiến tới, chớ tham gối cao mặc ngủ say. Lên giường khó bảo đảm xuống giường, đêm nay đâu thể biết đêm mai. Cửa đệ nhất nghĩa nên thẳng vào, nơi ba đường ác chớ tiến bước. Quay đầu nhận về gia hương mình, mở mắt chớ ham mộng phù thế. Đệ tử chúng con, chỉ tưởng giờ này, lấy làm khóa lễ đầu hôm.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Giảng
DÂNG HƯƠNG BUỔI ĐẦU HÔM
“Cúi mong, lửa đom đóm điểm không, đèn thuyền chài rọi nước. Bạn tịnh trên đàn đều tới, trong lò mới thắp tín hương. Hương này, sản phẩm chẳng ở Lạc Sơn, chủng loại không phải trầm thủy. Đâu bởi Thần Long dâng cúng, chính do Bồ-tát cất dành. Trong rừng Ngưu đầu khó so bì, nơi vườn Kê thiệt suy tôn bậc nhất. Gươm tuệ chặt, vót bằng đao giới rất mực thanh kỳ; nước định rửa, lửa tam-muội đốt mùi thơm ngào ngạt. Đâu chỉ đàn tràng ngửi được, mọi nơi khắp chốn đều thơm. Một nén hương xông nhiều đời nghiệp sạch. Nay buổi đầu hôm, đốt hương cúng dường.”
“Cúi mong, lửa đom đóm điểm không, đèn thuyền chài rọi nước.” Tối đến đom đóm bay chớp chớp trên không, các thuyền chài thắp đèn, ánh sáng rọi xuống nước.
“Bạn tịnh trên đàn đều tới, trong lò mới thắp tín hương.” Bạn tịnh là dịch chữ phạm lữ. Lữ là bạn, phạm là thanh tịnh, nghĩa là những người xuất gia vừa đến trước đàn tràng, là chùa hoặc Thiền đường, khi ấy mới bắt đầu thắp hương cúng dường cắm trên lò hương. Ngài tán thán hương:
“Hương này, sản phẩm chẳng ở Lạc Sơn, chủng loại không phải trầm thủy.” Lạc Sơn là chỉ những ngọn núi ở ngoài biển tương tự như núi Bồng lai, tức là những ngọn núi có hương quí. Chủng loại của hương này vượt hơn hương trầm thủy.
“Đâu bởi Thần Long dâng cúng, chính do Bồ-tát cất dành.” Hương này không phải do các vị thần, rồng dâng cúng mà do trong kho của Bồ-tát cất dành sẵn.
“Trong rừng Ngưu đầu khó so bì, nơi vườn Kê thiệt suy tôn bậc nhất.” Rừng Ngưu đầu tức Ngưu đầu chiên-đàn, là cây chiên-đàn rất thơm, sản xuất trên núi Ngưu đầu, một ngọn núi ở miền Nam Ấn Độ. Trong kinh Chính Niệm Xứ chép: Đỉnh núi này giống như đầu con trâu và núi sản sanh cây chiên-đàn nên gọi là Ngưu đầu chiên đàn. Hương chiên-đàn ở núi Ngưu đầu rất thơm nhưng so với hương dâng cúng Phật còn thua kém. “Nơi vườn Kê thiệt suy tôn bậc nhất.” Kê thiệt cũng là tên (Kê thiệt là lưỡi gà). Tìm trong sử thì thấy tên nhưng không thấy diễn tả là vườn hay núi... Hương Kê thiệt là một thứ hương rất thơm nhưng cũng không bằng nên gọi là suy tôn bậc nhất. Vậy hương này là tâm hương nên chỉ có ở kho của Bồ-tát.
“Gươm tuệ chặt, vót bằng đao giới rất mực thanh kỳ.” Vì là tâm hương nên chặt bằng gươm trí tuệ, vót bằng đao giới luật nên rất mực thanh kỳ, tức là thơm tho kỳ đặc.
“Nước định rửa, lửa tam-muội đốt mùi thơm ngào ngạt.” Khi vót thành cây hương liền lấy nước định rửa, dùng lửa tam-muội đốt. Tam-muội là âm chữ Phạn, dịch nghĩa là chánh định. Mùi thơm hương này do trí tuệ biết, không phải như các loại hương thế gian do mũi ngửi được.
“Đâu chỉ đàn tràng ngửi được, mọi nơi khắp chốn đều thơm.” Mùi thơm của hương này không chỉ ở trong chùa mà tỏa khắp nơi. Đây là tâm hương, do giới, định, tuệ hun đúc thành, nên không phải do mũi ngửi mà do trí người trọng đạo đức biết nó thơm quí.
“Một nén hương xông nhiều đời nghiệp sạch”, nghĩa là xông được nén hương này thì tất cả nghiệp nhiều đời theo đó sạch hết. “Nay buổi đầu hôm đốt hương cúng dường.”
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Đất tâm mở ra hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
PHÁT NGUYỆN
Nguyện mây hương hoa này,
Khắp cả mười phương cõi,
Cúng dường tất cả Phật,
Tôn Pháp, chư Bồ-tát,
Vô lượng chúng Thanh văn
Và tất cả Thánh Hiền.
Vừa rời đài Quang minh,
Qua cõi nước vô biên,
Trong vô biên cõi Phật,
Nhận dùng làm Phật sự.
Xông khắp các chúng sanh
Đều phát tâm Bồ-đề.
Đây là lời phát nguyện sau khi dâng hương, dâng hoa.
TÂU BẠCH
“Kính bạch: Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư, mở rộng đèn tuệ chư Phật, soi khắp nhà tối quần sanh.” Kính mong chư Phật mở rộng đèn trí tuệ để soi khắp nhà tối của chúng sanh.
“Trộm nghe (hay thầm nghe): kèn lầu vừa thổi, trống cấm mới truyền, nhà nhà đèn sáp sáng trưng, chốn chốn mỡ rồng cháy rực.” Đây là dẫn giải theo lối xưa, chữ kèn là gượng dịch, nguyên là chữ giác tức là sừng, thường gọi là tù và. Tiếng tù và thổi là báo hiệu đã tối, trống cấm trong thành vua được lệnh đánh, nhà nhà đều đốt đèn cầy sáng trưng. Mỡ rồng cũng là mỡ rắn, thường thuở xưa người ta hay lấy mỡ những con rắn lớn thắng làm dầu đốt, cũng như ở quê đốt dầu phộng dầu mù u, tối đến mỗi nhà đốt các dĩa dầu cháy rực.
“Ngựa báu thôi hí ngoài ngõ tía, cá vàng ngưng nhảy dưới ao trong.” Ngõ tía tức là đường quan. Những con ngựa hay chở đưa người đi chơi ngoài đường quan, tối rồi ngưng không còn hí nữa. Cá ban ngày được người cho ăn, nhảy đớp bọt, tối đến im lặng không nhảy nữa. Đó là hai hình ảnh rất nên thơ.
“Lưa thưa mặt nước đom đóm bay, lấp ló đầu non ngậm vầng nguyệt.” Trên mặt hồ lưa thưa đom đóm bay lập lòe, lúc đó mặt trăng sắp lặn.
“Bên đài Phượng hoàng say sưa tiệc rượu liên hoan, trước lầu Anh vũ tham đắm mê hoa thủ lạc.” Đài Phượng hoàng và lầu Anh vũ chỉ cho những lầu đài cất gần đền vua ở Trung Hoa thuở xưa. Đó là chỗ vui chơi của vua quan, nên bên đài Phượng hoàng say sưa tiệc rượu liên hoan, trước lầu Anh vũ tham đắm mê hoa thủ lạc. Mê hoa tức là ham chơi thích thú theo những dục lạc thế gian.
“Hoặc vịnh trăng cợt gió, hoặc thổi sáo đánh đàn”, hoặc nhìn trăng đùa gió rồi làm thơ vịnh hoặc đánh đàn thổi sáo v.v...
“Người người chăm chăm duyên trước mắt, kẻ kẻ đâu quên việc sau thân.” Người đời mải ham chơi mê đuổi theo những việc trước mắt, nhưng đâu thể quên được việc sau thân. Sau thân là việc gì? Mai kia thân này già nua lụn bại, nên ai cũng phải biết còn có việc sau thân. Đến đây Ngài đánh thức:
“Các Phật tử phải tỉnh đường trước khó tiến tới, chớ tham gối cao mặc ngủ say.” Người tu hành phải luôn luôn nhìn trước mình, mỗi ngày mỗi bước tiến lên không được chần chờ, không được dừng nghỉ. Muốn tiến tới luôn luôn như vậy thật là khó, chúng ta phải nỗ lực. “Chớ tham gối cao mặc ngủ say”, tối nằm trên gối ngủ một giấc ngon tới sáng, đó là gối cao nệm ấm ngủ say sưa, quên đường trước mà không chịu tiến.
“Lên giường khó bảo đảm xuống giường, đêm nay đâu thể biết đêm mai.” Câu này đánh thức chúng ta. Như vừa rồi tại một thất ở sau Thường Chiếu có một cô xuất gia, cô Huệ Toàn, chiều còn nói chuyện vui với huynh đệ như thường, tối ngủ đến sáng không thấy mở cửa, những người hàng xóm chạy đến nạy cửa vào thấy cô nằm yên không còn thở nữa. Thật đúng như câu: “Lên giường khó bảo đảm xuống giường.” Như vậy mà có ai nhớ đâu, cứ nghĩ sáng thì xuống, không ngờ có khi lên mà không xuống được. “Đêm nay đâu thể biết đêm mai”, đêm nay còn sống, chưa chắc đêm mai còn. Đó là những câu cảnh tỉnh cho chúng ta thấy cuộc đời mỏng manh tạm bợ, ngày nay khỏe mạnh chớ chưa bảo đảm ngày mai được khỏe. Nếu ai nhớ luôn luôn như vậy thì tu hành đâu có dám bê trễ. Trái lại, cứ tin ngày mai mình vẫn khỏe, vẫn làm việc như thường, nên ngày nay tu thiếu, để dành mai tu bù không có gì phải lo. Nếu biết rằng ngày nay chưa bảo đảm ngày mai thì ngày nào khỏe phải tu ngay, chớ không thể chần chờ.
“Cửa đệ nhất nghĩa nên thẳng vào, nơi ba đường ác chớ tiến bước.” Cửa đệ nhất nghĩa là dịch từ đệ nhất nghĩa môn là cửa có một nghĩa thôi, đó là cửa không dính hai bên. Quí vị đang tiến vào cửa đệ nhất hay cửa đệ nhị? Nếu là đệ nhị thì kẹt hai bên. Cửa đệ nhất thì không có hai bên, tức là không có hơn thua, tốt xấu, phải quấy. Đó cũng gọi là đệ nhất nghĩa đế, nơi cửa đó phải ráng thẳng vào. Còn ba đường ác địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, đừng tiến bước vào vì sẽ khổ. Như vậy người biết tu phải luôn luôn đi thẳng vào cửa đệ nhất nghĩa, tức là nơi không còn đối đãi, không còn phân biệt, đó là nơi an định, giải thoát khỏi vòng sanh tử.
“Quay đầu nhận về gia hương mình, mở mắt chớ ham mộng phù thế.” Gia là nhà, hương là làng xã nơi nhà mình ở, đó là nghĩa đen. Theo nghĩa ở đây gia hương là chỗ cố hương mình có từ thuở nào. Nay chúng ta có phải là những người đang phiêu bạt không? Người rời khỏi cố hương là kẻ phiêu bạt! Như vậy nếu chưa về được gia hương mình là còn đang phiêu bạt.
Ngài Trần Thái Tông bảo chỉ quay đầu nhận về gia hương! Vậy gia hương khác với phiêu bạt ở chỗ quay đầu lại hay phóng mắt nhìn ra. Quay đầu lại, từ chuyên môn nhà Thiền gọi là “Hồi đầu thị ngạn” nghĩa là quay đầu là bờ ấy, bờ ấy là gia hương. Trái lại nếu phóng mắt ra ngoài, đó là phiêu bạt. Buông sáu căn chạy theo sáu trần đó là phiêu bạt. Xoay sáu căn trở lại nơi bản quán của nó, là quay đầu về cố hương, quay đầu về là bờ giác. Bờ giác xa hay gần? Gần nhưng đi mãi không đến nên thành xa! Xa mà không phải xa, chỉ cần quay đầu lại, nhưng vì cứ phóng ra nên trở thành xa! Như vậy tự kiểm điểm lại xem một ngày chúng ta quay lại được bao lâu, chắc chắn nhất là sáu tiếng. Chúng ta còn như thế, huống là người thế gian mải đi theo con đường phiêu bạt hẳn khó kiếm được một tiếng đồng hồ quay trở lại. Thế nên chúng ta thấy kinh Pháp Hoa diễn tả hay đáo để. Người cùng tử bỏ nhà đi không biết từ thuở nào, chỉ thấy đang lang thang, nay giựt mình, quay trở về quê hương tìm cha mẹ. Khi trở về buổi đầu được cha trao cho công tác tầm thường như hốt phân, dần dần được gần cha và cuối cùng cha trao hết gia tài cho. Biết trở về là như vậy, còn nếu không biết thì suốt kiếp làm cùng tử lang thang. Nếu tủi nhục cho đời cùng tử thì chúng ta phải mau quay về. Hiện nay chúng ta cũng giống như chàng cùng tử đang làm chuyện hốt phân sống qua ngày vậy.
“Mở mắt chớ ham mộng phù thế.” Mộng phù thế là gì? Con phù du ở trên mặt nước, sớm mai có mặt, chiều tối chết, cuộc đời tạm bợ giống như đời con phù du. Cuộc sống của chúng ta là giấc mộng trong cõi tạm. Thế thì có gì đáng ưa thích. Nhưng chúng ta đang mê, mở mắt thì ham mộng phù thế nên Ngài nhắc chúng ta đừng say mê cái tạm bợ, cái mộng ảo trên thế gian này. Chỉ hai câu này đủ nhắc nhở chúng ta tu, “quay đầu nhận về gia hương mình, mở mắt chớ ham mộng phù thế”. Tới lui, xuống bếp, ra vườn cứ ngâm hai câu đó chớ đừng ca những câu khác.
“Đệ tử chúng con kính tưởng giờ này, lấy làm khóa lễ đầu hôm.”
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT