Astrology.vn - Sắc uẩn là tứ đại, chúng tranh giành nhau không dừng, tâm là thọ tưởng hành thức cũng lăng xăng dao động. Thân và tâm đều giả hợp mà chúng ta lại bảo vệ nó. Đó là giả hợp có lúc phải tan, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất, không bền chắc lâu dài. Thế nên ai nghĩ gìn giữ thân này còn mãi là si mê.
Dịch
SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI
Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,
Bỏ mất bản tâm, không theo chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
NGHIỆP CĂN MŨI LÀ:
Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào;
Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh.
Lan xông xạ ướp, chỉ thích tìm tòi;
Giới định hương huân, chưa từng để mũi.
Trầm đàn thiêu đốt, đặt trước Phật đài;
Nghển cổ hít hơi, trộm hương phẩy khói.
Theo dõi hương trần, Long thần chẳng nể;
Chỉ thích mùi xằng, trọn không chán mỏi.
Mặt đào má hạnh, lôi kéo chẳng lìa;
Cây giác hoa tâm, xây đi không đoái.
Hoặc ra phố chợ, hoặc vào bếp sau;
Thấy bẩn thèm ăn, ưa nhơ kiếm nuốt.
Chẳng ngại tanh hôi, không kiêng hành tỏi;
Mê mãi không thôi, như lợn nằm ổ.
Hoặc chảy nước mũi, hoặc hỉ đàm vàng;
Bôi cột quẹt thềm, làm nhơ đất sạch.
Hoặc say nằm ngủ, điện Phật phòng Tăng;
Hai mũi thở hơi, xông kinh nhơ tượng.
Ngửi sen thành trộm, nghe mùi thành dâm;
Không biết không hay, đều do nghiệp mũi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên;
Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ.
Trải nghìn muôn kiếp, mới được làm người;
Dù được làm người, quả báo bệnh mũi.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật,
Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.
Mở rộng tâm từ bi vô lượng,
Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM TÙY HỈ
Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,
Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.
Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,
Bồ-đề chân tâm không lui sụt.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG
Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,
Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.
Nguyện đem công đức đến quần sanh,
Nương thắng nhân này thành Chánh giác.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN
Một nguyện ra hết tà khí loạn,
Hai nguyện nhận vào tuệ hương huân,
Ba nguyện đóng thành cửa vô lậu,
Bốn nguyện ho tan trần hữu duyên.
Năm nguyện lôi về đường Tam Bảo,
Sáu nguyện ngáp nát xóm tứ sanh,
Bảy nguyện thở trừ chướng phiền não,
Tám nguyện ngửi được hoa giác tươi.
Chín nguyện thường thông giống các pháp,
Mười nguyện hằng lấp nhân ngũ tân,
Mười một nguyện kéo về dạo biển tánh,
Mười hai nguyện lôi ra khỏi bến mê.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY
Cảnh giục trời gác núi,
Tấc bóng có tiếc chăng?
Chỉ chạy theo ý ngựa,
Tâm khỉ chịu dừng đâu?
Mặt trời mọc rồi lặn,
Thân nổi trở lại chìm.
Già đến ngu cùng trí,
Chết đi xưa và nay.
Chẳng khỏi vô thường đến,
Hạn lớn tránh được nào?
Mỗi nên đi đường chánh,
Chớ để vào nẻo tà.
KỆ KHUYÊN CHÚNG BUỔI HOÀNG HÔN
Cảnh giục nương dâu tối,
Non tây ô lặn rồi.
Ngày giờ đâu dừng mãi,
Già bệnh dễ kề người.
Chết đến ai hay giữ,
Hạn lại sao cấm ngăn.
Mọi người nên để mắt,
Hôn tán chớ vương tâm.
KỆ TÁM KHỔ
Sanh đến thành người thân khổ nhọc,
Già sang lụ khụ ý mê mờ,
Bệnh xâm thân thể đau khôn nhẫn,
Chết đọa ba đường nghiệp dễ thôi.
Ân ái xa lìa buồn khó tả,
Oán thù gặp lại giận không cùng,
Ngàn cầu chẳng được thêm phiền não,
Năm ấm tranh nhau đấu sức hùng.
(Lễ Tam Bảo ba lạy)
Giảng
SÁM HỐI TỘI CĂN MŨI
Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,
Bỏ mất bản tâm, không theo chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
Chúng ta từ thuở nào đến nay vì quên mất bản tâm, không theo đường chánh nên phải rơi trong ba đường khổ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Gốc từ sáu căn sai lầm phóng ra ngoài đuổi theo sáu trần, nay muốn hết sai lầm phải quay sáu căn trở lại soi sáng nội tâm, đó là trở về cố hương, nếu phóng ra ngoài thì rơi trong lục đạo. Nhưng đa số chúng ta sáu căn đều phóng ra nên mới tạo những tội lỗi, vì vậy nếu không sám hối những lỗi trước thì những tội sau sẽ khó tránh được.
NGHIỆP CĂN MŨI LÀ:
Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào;
Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh.
Có mũi ai không thích mùi lạ? Mùi lạ này là mùi thơm chớ không phải mùi hôi. Vật gì thơm như hoa thơm hơi nhẹ là kề mũi sát hoa để ngửi, đó là bệnh của chúng ta.
“Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh.” Chân hương là hương chân thật. Đó là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và giải thoát tri kiến. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy mùi hương của hoa, của trầm v.v... ở thế gian chỉ thơm theo chiều gió, gió phía nào, mùi hương bay về hướng đó. Còn mùi hương của giới đức thì tỏa khắp nơi. Thí dụ có một người hiền lành đức hạnh ở Đà Lạt, dù gió thổi về hướng Campuchia nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở ngoài Trung... người người đều nghe được tiếng thơm. Như vậy mùi thơm của giới đức không phải ngửi bằng mũi, mà nghe bằng tai. Giới đức hay định tuệ của người hiền được mọi người hay biết và quí kính thì gọi là ngửi được mùi thơm. Thế nên đạo đức không bị gió, đất, nước, lửa làm mất mà luôn còn lâu dài. Đó là chân hương năm phần thanh tịnh, không thơm ngào ngạt mà thơm trong sự thanh tịnh. Hương thế gian ngạt ngào có vẻ hấp dẫn hơn nên người đời ưa thích, vì thế Ngài nói “thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào; chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh”. Hai câu này nói lên sự mê lầm của con người, cứ chạy theo mùi thơm tạm bợ mà không biết được điều quí báu thanh tịnh lâu bền. Chính vì lâu bền nên gọi là chân hương.
Lan xông xạ ướp, chỉ thích tìm tòi;
Giới định hương huân, chưa từng để mũi.
Chỉ thích tìm tòi mùi thơm của hoa lan, của xạ mà không huân tập hương giới, hương định. Đối với giới định chưa bao giờ để ý lưu tâm, nên nói chưa từng để mũi.
Trầm đàn thiêu đốt, đặt trước Phật đài;
Nghển cổ hít hơi, trộm hương phẩy khói.
Nếu đốt hương trầm hoặc hương chiên-đàn cúng Phật, thì nghển cổ hít khói xông lên khen là hương thơm quá. Hương cúng Phật, đâu phải cho mình mà ngửi, như vậy là trộm hương.
Theo dõi hương trần, Long thần chẳng nể;
Chỉ thích mùi xằng, trọn không chán mỏi.
Những mùi hương trần tục, dầu thơm thế mấy cũng là trần tục, có rồi mất, mà chúng ta lại thích ngửi trộm không sợ Long thần Hộ pháp quở. Chúng ta ưa thích, đuổi theo những mùi thơm xằng đó, không bao giờ biết chán, biết mỏi.
Mặt đào má hạnh, lôi kéo chẳng lìa;
Cây giác hoa tâm, xây đi không đoái.
Thấy những người mặt đào má hạnh thì mắt đuổi theo dính chặt không rời. Cây giác hoa tâm là sự giác ngộ, là tâm thanh tịnh của con người, chúng ta xây mặt làm ngơ không màng, không để ý đến, lại đuổi theo những hình bóng tạm bợ bên ngoài.
Hoặc ra phố chợ, hoặc vào bếp sau;
Thấy bẩn thèm ăn, ưa nhơ kiếm nuốt.
Người đời đến chợ thấy thịt heo thịt bò để ngổn ngang trên thớt biết là nhớp, là tanh nhưng vì thích ăn nên lựa miếng này, miếng kia khen ngon chê dở. Những thứ nhơ như ruột, gan v.v... người ta hay dùng nấu cháo, lại cắt cổ các con vật, lấy máu làm thức ăn thành ra ăn thịt uống máu mà nhiều người thích lắm, nên ngài Trần Thái Tông chê: “Thấy bẩn thèm ăn, ưa nhơ kiếm nuốt.”
Chẳng ngại tanh hôi, không kiêng hành tỏi;
Mê mãi không thôi, như lợn nằm ổ.
Chữ nằm ổ là tạm dịch chữ thỉ xí tức là hầm phân, như con lợn đi tới hầm phân, nghe bẩn quá nên phải dịch nhẹ đi.
Hoặc chảy nước mũi, hoặc hỉ đàm vàng;
Bôi cột quẹt thềm, làm nhơ đất sạch.
Chúng ta nghĩ mũi là quí nhưng khi mũi chảy nước hoặc ra đàm mà không có phương tiện để lau thì quẹt bừa vào cột làm nhơ nhớp.
Hoặc say nằm ngủ, điện Phật phòng Tăng;
Hai mũi thở hơi, xông kinh nhơ tượng.
Ngủ thì thở hơi hôi hám làm nhơ kinh, tượng.
Ngửi sen thành trộm, nghe mùi thành dâm;
Không biết không hay, đều do nghiệp mũi.
Ngửi sen thành trộm là do sự tích trong Sa-di Luật giải: Thuở xưa có một Tỳ-kheo đi dạo quanh bờ hồ sen, nghe mùi thơm hoa sen liền hít ngửi. Ngay khi ấy có một vị thần hiện ra quở: Tại sao ông trộm hương hoa sen của tôi? Vị Tỳ-kheo không biết nói sao. Khi đó có người lội xuống hồ bẻ hoa nhổ ngó làm cho sen ngã rạp, vị Tỳ-kheo hỏi: Tôi chỉ ngửi hương sen mà ông nói tôi trộm hương, nay người kia nhổ ngó bẻ hoa sao ông không quở họ? Vị thần bảo: Đó là kẻ thế tục không biết tội lỗi, ví dụ như chiếc áo đen dù cho có năm, mười vết mực lấm vào cũng không thấy, còn ông tu hành giống như chiếc áo trắng, chỉ một vết mực nhỏ cũng thấy rõ, nên tôi trách ông. Như vậy có những việc người thế gian làm được nhưng người tu không được làm. Người tu chỉ nhiễm mùi thơm là đã bị quở rồi trong khi người đời nhổ ngó, bẻ hoa mà không bị trách, đó là vì muốn cho người tu chúng ta hoàn toàn thanh tịnh. Thế nên người tu phải ráng dè dặt đừng so bì với người thế gian.
Nghe mùi thành dâm là do chuyện một Sa-di ở trong phòng, có vài cô thiếu nữ đi qua trước phòng, ông ngửi mùi dầu thơm nên sanh tâm dâm.
“Không biết không hay, đều do nghiệp mũi.” Những điều đó chúng ta không biết, không hiểu nhưng sự thật là do nghiệp của mũi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên;
Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ.
Mũi tạo vô lượng vô biên tội, khi chết rồi thì rơi trong ba đường khổ.
Trải nghìn muôn kiếp, mới được làm người;
Dù được làm người, quả báo bệnh mũi.
Tuy được làm người nhưng do dư báo nên mũi hay bệnh.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
Đây là sám hối về căn mũi. Sáu căn là nhân tạo nghiệp thọ khổ, vì chúng hay phóng chạy ra ngoài đuổi theo sáu trần. Nay biết tu thì chúng ta phải kềm chế sáu căn đừng cho chúng chạy theo sáu trần nữa, đó là chúng ta biết sám hối, mới được hết tội lỗi.
CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật
Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.
Mở rộng tâm từ bi vô lượng,
Đồng độ chúng sanh lên bờ kia.
CHÍ TÂM TÙY HỈ
Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,
Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.
Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,
Bồ-đề chân tâm không lui sụt.
CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG
Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,
Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.
Nguyện đem công đức đến quần sanh,
Nương thắng nhân này thành Chánh giác.
Những bài này đã giảng.
CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN
Một nguyện ra hết tà khí loạn,
Hai nguyện nhận vào tuệ hương huân,
Ba nguyện đóng thành cửa vô lậu,
Bốn nguyện ho tan trần hữu duyên.
Năm nguyện lôi về đường Tam Bảo,
Sáu nguyện ngáp nát xóm tứ sanh,
Bảy nguyện thở trừ chướng phiền não,
Tám nguyện ngửi được hoa giác tươi.
Chín nguyện thường thông giống các pháp,
Mười nguyện hằng lấp nhân ngũ tân,
Mười một nguyện kéo về dạo biển tánh,
Mười hai nguyện lôi ra khỏi bến mê.
Những nguyện mạnh này nhắm vào căn mũi.
“Một nguyện ra hết tà khí loạn”, tức là thở ra tưởng như hơi loạn hơi tà đều ra ngoài.
“Hai nguyện nhận vào tuệ hương huân”, nguyện khi hít vào thì huân được hương trí tuệ.
“Ba nguyện đóng thành cửa vô lậu”, tức là đóng cửa vô lậu, không cho rơi trong tam giới nữa.
“Bốn nguyện ho tan trần hữu duyên.” Chữ ho dùng cho hợp vận, đúng nghĩa phải là chữ ách xì. Một cái nhảy mũi, tất cả hữu duyên ở thế gian tan hết, vì khi hắt hơi thì hơi ra nên tưởng như các hữu duyên thế gian tan hết không còn dính với mình.
“Năm nguyện lôi về đường Tam Bảo”, tức là lôi mọi thấy, nghe, ngửi, nếm, trở về đường Tam Bảo.
“Sáu nguyện ngáp nát xóm tứ sanh”, tứ sanh là bốn loài: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, nghĩa là ngáp tan hết không còn dính trong tứ sanh nữa, tức là không rơi vào loài người, loài vật sanh bằng thai, không rơi vào loài sanh bằng trứng, loài sanh chỗ ẩm ướt, loài do hóa sanh hiện ra.
“Bảy nguyện thở trừ chướng phiền não”, nghĩa là khi thở tất cả chướng phiền não đều trừ hết.
“Tám nguyện ngửi được hoa giác tươi”, luôn luôn mũi ngửi được hoa giác ngộ xinh tươi.
“Chín nguyện thường thông giống các pháp”, nghĩa là nguyện mũi ngửi biết tất cả pháp không lầm, biết nhân của nó rõ ràng.
“Mười nguyện hằng lấp nhân ngũ tân.” Ngũ tân là ngũ vị tân, nghĩa là không ưa mùi ngũ vị tân.
“Mười một nguyện kéo về dạo biển tánh”, tức là kéo về dạo biển thể tánh hay biển giác.
“Mười hai nguyện lôi ra khỏi bến mê”, nghĩa là nguyện không còn kẹt trong bến mê nữa.
KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY
Cảnh giục trời gác núi,
Tấc bóng có tiếc chăng?
Chỉ chạy theo ý ngựa,
Tâm khỉ chịu dừng đâu?
Mặt trời mọc rồi lặn,
Thân nổi trở lại chìm.
Già đến ngu cùng trí,
Chết đi xưa và nay.
Chẳng khỏi vô thường đến,
Hạn lớn tránh được nào?
Mỗi nên đi đường chánh,
Chớ để vào nẻo tà.
Ngài nhắc chúng ta:
Cảnh giục trời gác núi,
Tấc bóng có tiếc chăng?
Cảnh thúc đẩy mặt trời gác núi tức đã lặn. Vậy chúng ta có tiếc từng tấc bóng, hay có tiếc từng giờ, từng phút không? Nhiều khi còn mong mau tối để xem ngày mai có đẹp hơn không. Ai cũng tưởng tượng hão huyền là ngày mai thế nào cũng đẹp hơn nên hôm nay chưa hết lại mong đến mai, tháng này chưa hết lại mong tháng sau, năm này chưa hết lại mong năm tới. Mong để làm gì? Để mà chết, nghĩa là mong hết ngày, hết tháng, hết năm rồi chết!
Chúng ta không tiếc từng ngày, từng phút, không nghĩ một ngày qua đã làm được gì. Thiền sư Y Am mỗi chiều qua, ôn lại thấy chưa được gì, Ngài nhìn mặt trời lặn mà sa nước mắt. Chúng ta hiện nay như thế nào? Ngày giờ thật là quí báu để nó qua mất rất đáng tiếc. Từ sớm đến chiều kiểm lại xem chúng ta mê nhiều hay tỉnh nhiều? Nếu cảm thấy mê thì tủi thân, buồn trách mình sao quá dở, chớ không phải ngắm mặt trời lặn rồi vui chơi, không tiếc thời gian đã trôi qua.
Chỉ chạy theo ý ngựa,
Tâm khỉ chịu dừng đâu?
Tâm khỉ ý ngựa dịch chữ tâm viên ý mã. Ý giống như ngựa chạy sải, tâm như vượn khỉ chuyền cây. Chúng ta chạy theo tâm ý lăng xăng không biết dừng.
Mặt trời mọc rồi lặn,
Thân nổi trở lại chìm.
Buổi sáng mặt trời mọc, chiều đến mặt trời lặn, mặt trời có mọc thì có lặn, thân người cũng vậy, có sanh phải có tử. Nó hiện có rồi sẽ mất đi. Tại sao chúng ta không biết quí tiếc, để dùng nó vào chỗ lợi ích cho mình, cho chúng sanh mà thả trôi thì giờ quí báu?
Già đến ngu cùng trí,
Chết đi xưa và nay.
Cái già bình đẳng đến với tất cả mọi người, dù ngu hay trí chớ không phải dành riêng cho ai. Cái chết cũng vậy. Người xưa chết người nay cũng phải chết. Khi cái chết đến dù già dù trẻ dù muốn dù không cũng phải chịu, ai ai cũng phải đến chỗ đó. Thế nên ngày còn sống là ngày quí báu để làm được chút gì cho đạo, cho mình chớ không phải sống để chờ chết.
Chẳng khỏi vô thường đến,
Hạn lớn tránh được nào?
Không ai tránh khỏi vô thường, không ai tránh được cái chết. Hạn lớn là chỉ cho khi chết.
Mỗi nên đi đường chánh,
Chớ để vào nẻo tà.
Tức là mỗi người phải ráng tu hành, đừng để bị lôi cuốn vào đường tà quấy. Đây là lời khuyên về vô thường vào buổi mặt trời lặn. Ngài cảm hứng nên khuyên thêm hai bài kệ.
KỆ KHUYÊN CHÚNG BUỔI HOÀNG HÔN
Cảnh giục nương dâu tối,
Non tây ô lặn rồi.
Ngày giờ đâu dừng mãi,
Già bệnh dễ kề người.
Chết đến ai hay giữ,
Hạn lại sao cấm ngăn.
Mọi người nên để mắt,
Hôn tán chớ vương tâm.
Cảnh giục nương dâu tối,
Non tây ô lặn rồi.
Cảnh thúc đẩy, nhìn lại bờ dâu đã tối, vầng ô đã chìm xuống núi phía tây.
Ngày giờ đâu dừng mãi,
Già bệnh dễ kề người.
Ngày giờ không dừng lại một chỗ thì già, bệnh sớm muộn gì cũng đến với chúng ta, không ai tránh được.
Chết đến ai hay giữ,
Hạn lại sao cấm ngăn.
Không ai giữ được cái chết chẳng đến với mình; hạn là chết, cũng là nạn. Khi những chuyện không tốt xảy đến, không ai ngăn cản được. Thế nên:
Mọi người nên để mắt,
Hôn tán chớ vương tâm.
Hôn tán là hôn trầm và tán loạn. Chúng ta nên nhớ cảnh vô thường dồn dập đến không tha mình, vậy khi tu phải làm sao đuổi được con ma hôn trầm và chận được con quỉ tán loạn, không cho chúng quấy nhiễu, thì đường tu mới xứng đáng. Vậy chúng ta tu là phải thắng ma quân đó. Nếu người nào ngồi thiền bị hôn trầm mãi sanh chán, nghĩ thà ngủ một giấc còn hơn liền xả thiền nằm xuống ngủ, đó là rất dở. Tại sao? Ngồi gục còn tha thứ được vì thua mà vẫn cố gắng tranh đấu, nếu chuồi xuống ngủ là kéo cờ đầu hàng, nên không tha thứ được. Hiểu như vậy nên ai duỗi ra nằm ngủ là tôi không chấp nhận. Có nhiều giám thiền cũng từ bi, thấy gục tội quá liền bảo thôi nằm xuống ngủ đi. Như vậy là nguy hiểm, vì như thế cả thiền đường sẽ ngủ hết. Chúng ta phải nghịch hạnh từ bi, bằng cách đánh một trượng cho họ giựt mình, đuổi được con ma hôn trầm, đó là cứu họ. Nhìn người đi giám thiền cầm cây trượng, thấy hơi bất nhẫn, nhưng thật ra cây trượng là đuổi ma chớ không phải đánh người. Đừng quan niệm người giám thiền tàn nhẫn rồi nổi sân, đó là chưa biết tu. Đánh là đuổi ma hôn trầm chạy, lẽ ra mình phải chấp tay cám ơn vì lúc đó mình say rồi, không tự chủ nên phải nhờ đánh mạnh mình mới tỉnh, ma hôn trầm mới chạy xa, đánh nhẹ quá, người giám thiền đi qua khỏi nó trở lại nữa. Hiểu như thế mới biết ý nghĩa của việc giám thiền.
KỆ TÁM KHỔ
Sanh đến thành người thân khổ nhọc,
Già sang lụ khụ ý mê mờ,
Bệnh xâm thân thể đau khôn nhẫn,
Chết đọa ba đường nghiệp dễ thôi.
Ân ái xa lìa buồn khó tả,
Oán thù gặp lại giận không cùng.
Ngàn cầu chẳng được thêm phiền não,
Năm ấm tranh nhau đấu sức hùng.
Chỉ có tám câu, Ngài diễn tả được tám khổ (bát khổ): sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh khổ.
“Sanh đến thành người thân khổ nhọc”, từ khi sanh đến lúc thành người thân phải trải qua nhiều khổ nhọc. Đọc sử đức Phật chúng ta thấy Thái tử Tất-đạt-đa theo vua cha ra đồng dự lễ hạ điền, tức là lễ cho dân bắt đầu cày ruộng. Khi vua cha xem người cày, Thái tử đến ngồi bên gốc cây, Ngài nhìn thấy trên luống cày những con trùng bị đứt trồi lên giẫy giụa, các con cưỡng, con sáo liền sà xuống mổ nuốt. Thấy cảnh đó Ngài nói: Chúng sanh sanh trong đau khổ. Nghe như thế, chúng ta không quan tâm, nhưng nay xét kỹ lại, sanh quả là khổ, không ai chối cãi được. Tại sao? Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những con chim sâu nhảy chuyền trên các cành cây để tìm mồi, khi thấy con sâu, nó dùng mỏ nhọn gắp nhanh, quật qua quật lại con sâu run bây bẩy rồi chim nuốt. Một ngày sống nó phải nuốt bao nhiêu sâu, mà mỗi con sâu bị nuốt đau khổ vô cùng. Đến con người, ngày xưa tôm cá nhiều, mỗi bữa ăn đem vài con cá ra đập đầu, chúng giẫy giụa run run. Như thế cuộc sống của chúng ta do những con vật nhỏ yếu cung cấp. Một ngày chúng ta sống là một ngày khổ của chúng sanh. Lại như muốn được sung túc, kẻ khôn hiếp kẻ dại, người mạnh hiếp người yếu. Tất cả cuộc sống đều là tranh giành lấn áp làm khổ cho nhau chớ đâu có an vui. Sống trong đau khổ mà chúng ta không thấy, có khi thấy cũng làm ngơ. Như những người cắt cổ gà vịt, khi bị giết, chúng kêu la giẫy giụa, người giết tỏ ra từ bi, tụng chú vãng sanh cho đời sau chúng đừng làm gà vịt nữa. Đó thật là đạo đức giả. Giả sử có ai cầm gươm kề cổ chúng ta nói: anh sống khổ quá để tôi đâm anh chết, rồi tụng chú vãng sanh cầu cho anh hết khổ, chúng ta bằng lòng không? Hay vừa lạy vừa van xin cho tôi sống, đừng cầu vãng sanh làm chi! Nếu thật tình thương, chúng ta không nỡ làm khổ chúng sanh để ngon miệng mình. Thế nên cuộc sống là đau khổ, có mấy người đem lại an lạc cho nhau.
“Già sang lụ khụ ý mê mờ”, già đến thì lưng còng chân yếu thân thể mỏi mệt, ý cũng mù mịt mờ tối.
“Bệnh xâm thân thể đau khôn nhẫn”, khi cơn bệnh xâm nhập, thân đau đớn nhẫn chịu không nổi.
“Chết đọa ba đường nghiệp dễ thôi”, chết đọa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là chuyện dễ. Tại sao? Phật dạy nếu chúng ta giữ tròn năm giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu), bảo đảm người đó được trở lại làm người. Nếu trong năm giới mà phạm một, hai điều thì không bảo đảm. Kiểm lại ở thế gian, bao nhiêu người giữ đủ năm giới? Vậy trở lại làm người là việc khó, rơi trong ba đường ác là việc dễ. Vì thế người ta thường nói lên núi khó xuống núi dễ. Chúng ta ráng giữ đủ tư cách một con người tốt thì khó, buông lung tạo nghiệp xấu ác thì rất dễ.
“Ân ái xa lìa buồn khó tả”, người thương mến mà phải xa lìa thì buồn khôn kể xiết, nhưng đâu có ai tránh khỏi điều đó. Một là vì đi nơi này, nơi khác làm ăn nên phải xa nhau. Hai là vì kẻ còn người mất. Sống xa lìa gọi là sanh ly, chết xa lìa gọi là tử biệt, cả hai trường hợp đều buồn khổ. Khổ vì chết phải lìa nhau, theo thời gian cũng khuây khỏa, khổ vì sống mà lâu lâu mới biết tin tức nhau thì khổ này dài hơn.
“Oán thù gặp lại giận không cùng”, người mình oán ghét mà cứ ở trước mắt làm sao chịu nổi! Ở thế gian chưa bao giờ chúng ta thương tất cả mọi người. Trong trăm người, thân lắm chỉ độ vài ba mươi, ghét chắc cũng vài ba mươi. Như vậy người ghét cũng tương đương với người thương. Xa lìa người thương đã khổ, gặp mãi người ghét cũng khổ, vậy lúc nào hết khổ? Chỉ khi hết thương hết ghét. Thế nên Phật dạy tu là dứt tâm thương ghét. Làm sao ai cũng là người mình quí kính, không ghét thù ai cũng không trói buộc với ai, thế mới là hết khổ.
“Ngàn cầu chẳng được thêm phiền não.” Đây là cầu bất đắc khổ. Vì sao lại nói ngàn cầu? Vì sự mong cầu của chúng ta quá nhiều. Tỉ dụ chưa có tiền, muốn có tiền, có tiền rồi muốn có xe, có nhà v.v... sự ham muốn không cùng. Mong cầu cả ngàn thứ mà chỉ được hai, ba thì chưa vừa ý nên lúc nào cũng phiền não.
“Năm ấm tranh nhau đấu sức hùng.” Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm là chỉ cho thân, bốn ấm sau là chỉ cho tâm. Nay chúng ta nhìn từng ấm một thử xem chúng tranh nhau như thế nào? Thứ nhất là sắc ấm. Sắc ấm là do sự tụ họp của đất, nước, gió, lửa. Bốn thứ họp lại có hòa thuận nhau không? Lửa đương cháy phừng lấy nước dội liền tắt, nước để trong nồi đốt lửa một lúc bốc hơi khô hết. Như vậy lửa nước chống đối nhau. Nhưng trong người chúng ta thiếu thứ nào cũng không được. Nếu thiếu nước thì thân khô khan, thiếu lửa thì thân bị lạnh. Lửa nước thù địch nhau, nay điều hòa chúng là việc không phải dễ. Khi nghe nóng phải tìm thức ăn cho mát, khi lạnh lại tìm thức uống cho ấm, cứ như thế mà phải tìm kiếm thức ăn thức uống để bồi bổ cho quân bình thì thân mới an ổn. Đến đất với gió, khi gió thổi mạnh bụi đất bay tung mù mịt. Trong thân chúng ta cũng vậy, lâu lâu có một trận gió xuông vào cả mình đau nhức. Vậy gió thổi thì đất rung rinh không nghi ngờ. Như thế tứ đại lúc nào cũng tranh hùng, chúng ta phải ráng điều hòa chúng, thì thân mới được bình an.
Đến phần thọ, tưởng, hành, thức lại càng lăng xăng hơn nữa. Thọ là những cảm giác, tưởng là những tưởng tượng, hành là suy tư, thức là phân biệt. Cảm giác thích được vừa ý, tưởng tượng thức này ngon món kia dở... suy tư phân biệt lăng xăng trong nội tâm, bốn thứ đó lúc nào cũng dao động bất an.
Tóm lại sắc uẩn là tứ đại, chúng tranh giành nhau không dừng, tâm là thọ tưởng hành thức cũng lăng xăng dao động. Thân và tâm đều giả hợp mà chúng ta lại bảo vệ nó. Đó là giả hợp có lúc phải tan, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất, không bền chắc lâu dài. Thế nên ai nghĩ gìn giữ thân này còn mãi là si mê. Biết như vậy phải lợi dụng nó để tinh tấn tu hành, đó mới là người sáng suốt khôn ngoan.
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI SÁNG