Astrology.vn - Bởi vì, vua có giữ đạo hiếu với cha mẹ mình, các quan mới bắt chước mà giữ đạo hiếu với cha mẹ họ; sau đó, dân chúng sẽ bắt chước vua quan mà giữ đạo hiếu với cha mẹ dân. Thực ra, quá chú trọng vào những lễ tiết cầu kỳ, rườm rà thì hao tốn, mất thời giờ và tạo ra sự cách bậc giữa người trên, kẻ dưới; nhưng đơn giản quá hoặc bỏ qua lễ tiết lại làm cho người ta không còn giữ được kỷ cương lễ nghĩa nữa; từ đó nảy sinh nhiều tệ nạn, nhiều tai họa trong xã hội. Đó là điều mà những nhà cầm quyền cần phải suy nghĩ!

 

2

Đằng Định Công mất. Thế tử bảo Nhiên Hữu rằng: “Xưa kia, Mạnh Tử đã từng nói chuyện với tôi ở nước Tống, trong lòng mãi không quên. Nay chẳng may, dẫn đến biến cố lớn. Tôi muốn nhờ thầy hỏi Mạnh Tử, rồi sau mới tiến hành tang lễ.”

Nhiên Hữu đến đất Trâu, hỏi Mạnh Tử

Mạnh Tử nói: “Chẳng phải điều tốt sao? Để tang cha mẹ, cố nhiên mọi việc phải tự mình làm cho trọn. Tăng Tử nói: ‘Còn sống theo lễ mà phụng sự; khi mất, theo lễ mà an táng, theo lễ mà cúng tế; đáng gọi là hiếu vậy.’ Lễ nghi ở nước chư hầu, ta chưa tìm hiểu. Tuy nhiên, ta từng nghe nói rằng: ba năm cư tang, mặc áo thô bỏ gấu, ăn uống cháo lỏng, từ Thiên tử suốt tới người dân thường, ba đời cùng theo vậy.”

Nhiên Hữu quay về truyền bảo. Quyết định ba năm cư tang. Các bậc cha bác và trăm quan đều không bằng lòng, nói: ‘Các vua đời trước của nước Lỗ là nước gốc của ta chẳng làm như vậy; các vua đời trước của ta (nước Đằng) cũng chẳng làm như vậy. Đến bản thân thế tử làm ngược lại thì không thể được. Vả lại, sách Chí (một cổ thư) có nói: ‘Việc tang tế nên theo ông cha đời trước.’ Đó là nói rằng ta phải giữ những điều đã có.”

Thế tử bảo Nhiên Hữu rằng: “Ngày trước tôi chưa từng học hỏi, chỉ thích ruổi ngựa, thử kiếm, nay các bậc cha bác và trăm quan không cho rằng tôi có đủ (khả năng giữ lễ tiết), sợ rằng không thể làm tròn việc lớn này. Thầy hãy vì tôi hỏi lại Mạnh Tử.”

Nhiên Hữu trở lại đất Trâu, hỏi Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Vậy, không phải cầu ở người khác nữa. Khổng Tử nói: ‘Vua mất hãy nghe (việc) ở quan Tể Tướng, húp cháo, mặt mày đen đúa, tới gần bài vị mà khóc lóc; trăm quan, các chức việc chẳng ai dám không buồn thương. Đó là làm gương trước vậy. Người trên có sự ưa thích nào, kẻ bề dưới ắt bắt chước còn đậm hơn nữa. Năng lực của quân tử như gió; năng lực của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi ở trên, ắt cỏ rạp xuống.’ Điều đó ở tại thế tử thôi.”

Nhiên Hữu quay về truyền bảo. Thế tử nói: “Vậy, điều đó thật ở nơi tôi.” Năm tháng ở nhà tranh, thế tử chưa có một giới lệnh nào. Trăm quan và những người trong dòng tộc đều bảo rằng ngài biết (lễ). Kịp đến lúc an táng, bốn phương lại xem, thấy nhan sắc ngài rầu rĩ, sụt sùi khóc lóc xót thương; những người đến viếng tang rất đẹp lòng.

Bình lược: Thấy Nhiên Hữu tỏ bày ý nguyện của thế tử, Mạnh Tử đã vội khen ngay, đó là ý nguyện tốt lành. Trọn vẹn đạo hiếu với cha mẹ là rèn tập thói quen hướng về điều thiện. Muốn làm điều thiện phải sinh hoạt theo lễ. Tăng Tử cho biết rằng đối với cha mẹ, phải theo lễ mà phụng sự khi các ngài còn sống; đến khi các ngài mất, cũng phải theo lễ mà an táng, cúng tế nữa. Theo phong tục đã có từ ba đời (Tam đại: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu), từ Thiên tử cho đến dân thường, mọi người đều phải cư tang ba năm để tạ ơn cha mẹ đã có công chăm sóc, bế bồng trong ba năm ròng rã. Trong thời gian cư tang, người ta còn phải mặc áo thô hoặc thưa bỏ gấu, ăn cháo lỏng để biểu hiện nỗi buồn thương, không thiết gì đến sự xa hoa, sung sướng thể chất. Thực ra, quá chú trọng vào những lễ tiết cầu kỳ, rườm rà thì hao tốn, mất thời giờ và tạo ra sự cách bậc giữa người trên, kẻ dưới; nhưng đơn giản quá hoặc bỏ qua lễ tiết lại làm cho người ta không còn giữ được kỷ cương lễ nghĩa nữa; từ đó nảy sinh nhiều tệ nạn, nhiều tai họa trong xã hội. Đó là điều mà những nhà cầm quyền cần phải suy nghĩ!

Mạnh Tử trưng dẫn lời của Khổng Tử để nói về ý nghĩa của việc tang. Theo thói tục xưa, khi vua mất, thế tử không trực tiếp cai trị đất nước, mà giao quyền cho quan Tể Tướng coi sóc; ngài chỉ nghe Tể Tướng tâu lại (thính ư Trủng Tể). Ngài ăn uống đơn sơ (húp cháo), không chú trọng giữ gìn sắc diện đẹp đẽ (mặt mày đen đúa), mà khóc lóc để làm gương giữ đạo hiếu cho các quan. Bởi vì, vua có giữ đạo hiếu với cha mẹ mình, các quan mới bắt chước mà giữ đạo hiếu với cha mẹ họ; sau đó, dân chúng sẽ bắt chước vua quan mà giữ đạo hiếu với cha mẹ dân. Vua quan là những bậc quân tử trị nước có năng lực mạnh mẽ như gió; dân chúng trong nước ở địa vị thấp như cỏ trên cánh đồng. Gió thổi, cỏ rạp xuống như thế nào thì đức hạnh của vua quan có khả năng chế phục dân chúng để họ vui lòng tuân thủ pháp luật của nhà nước như vậy. Việc cư tang, giữ hiếu của vua có công dụng giáo hoá xa xôi và sâu sắc như thế. Thế tử muốn làm sao hãy thi hành như vậy, đâu cần phải lệ thuộc vào ai.

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu