Astrology.vn - Lục niệm là nhớ đến Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhớ đến trì giới, bố thí và công đức của chư Thiên. Có thế mới hợp với cơ chân thật. Tóm lại đây là lời khuyên trong giờ thức dậy, tức là giờ đánh kiểng thức chúng buổi sáng. Người nào nghe đánh kiểng mà còn nằm thêm thì người chung quanh nhắc giùm cho người đó tỉnh.
Dịch
KỆ CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN
(3 - 5 giờ)
Phương đông tờ mờ sáng,
Mặt đất tối tan dần.
Tâm chạm trần cảnh dấy,
Mắt lòa sắc tưng bừng.
Thôi tham ôm xác thúi,
Đầu vùi, sớm ngưỡng lên.
Ân cần chuyên sáu niệm,
Hầu mong hợp cơ chân.
(Lễ Tam Bảo ba lạy)
Giảng
KỆ CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN
(3g - 5g)
Phương đông tờ mờ sáng,
Mặt đất tối tan dần.
Tâm chạm trần cảnh dấy,
Mắt lòa sắc tưng bừng.
Thôi tham ôm xác thúi,
Đầu vùi sớm ngưỡng lên.
Ân cần chuyên sáu niệm,
Hầu mong hợp cơ chân.
Đây là bài cảnh sách buổi khuya thức dậy.
“Phương đông tờ mờ sáng” tức là khoảng bốn, năm giờ sáng, phương đông hơi ửng một chút sáng.
“Mặt đất tối tan dần”: trên mặt đất bóng tối tan dần.
“Tâm chạm trần cảnh dấy”: tâm xúc chạm với cảnh, cảnh liền dấy khởi. Đúng ra cảnh là cảnh, tâm là tâm, tại sao cảnh dấy khởi theo tâm? Như cây thông trước chùa, nếu khuya chúng ta không trỗi dậy nhìn thấy gió thổi rung rinh cành lá thì tự nó không có gì, nhưng khi nhìn gió thổi cành lá thông, chúng ta lại có ý niệm dấy lên theo cảnh, vậy cây không có niệm khởi, khi tâm mình duyên nó bỗng dưng mình thấy cảnh có dấy động, cảnh dấy động là do tâm không phải tại cảnh. Thế nên nhiều người nhìn cảnh đêm trăng, ánh trăng bạc rọi xuống rặng thông xanh, cho là cảnh nên thơ. Cảnh là cảnh, nên thơ là tại tâm mình dấy động.
“Mắt lòa sắc tưng bừng”: mắt lòa vì bị che mờ nên thấy cảnh loạn tưng bừng. Cảnh loạn là tại mắt lòa, chớ cảnh là cảnh không có gì tưng bừng cả. Chữ lòa là nói mắt mê muội nên thấy cảnh có đẹp có xấu, có thích có chán. Hai câu trên cảnh tỉnh chúng ta, cảnh là cảnh, không có động, động là tại tâm, cảnh không đẹp xấu, đẹp xấu cũng do lòng người và con mắt lòa chấp.
Đến bốn câu sau Ngài khuyên: “Thôi tham ôm xác thúi” nghĩa là thôi thức dậy đi, đừng ôm xác thúi ngủ nữa. Tại sao Ngài nói xác thúi? Lúc chúng ta ngủ mê, tất cả đều không sạch, thế mà chúng ta cứ thương xác thúi, đến giờ thức dậy, kiểng đánh rồi mà còn nấn ná ôm nó để ngủ thêm chút nữa.
“Đầu vùi sớm ngưỡng lên”: đầu vùi dưới gối ráng ngẩng lên một chút. Ngài khuyên ráng ngẩng đầu trỗi dậy, đừng ôm xác thúi đắm chìm trong giấc ngủ say.
Ân cần chuyên sáu niệm,
Hầu mong hợp cơ chân.
Nên ân cần chuyên tu sáu niệm mới mong hợp với cơ chân thật. Chữ sáu niệm có hai ý:
1. Trong kinh A-hàm lục niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Niệm Thiên nghĩa là nhớ tất cả công đức của người sanh lên cõi trời như là tu Thập thiện v.v...
2. Đây cũng có thể là Ngài khuyên những người tu Tịnh độ niệm lục tự Di-đà. Nhưng thường lục tự Di-đà người ta gọi là lục tự chớ ít khi nói lục niệm.
Vậy lục niệm là nhớ đến Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhớ đến trì giới, bố thí và công đức của chư Thiên. Có thế mới hợp với cơ chân thật. Tóm lại đây là lời khuyên trong giờ thức dậy, tức là giờ đánh kiểng thức chúng buổi sáng. Vậy người nào nghe đánh kiểng mà còn nằm thêm thì người chung quanh nhắc giùm “thôi ôm xác thúi” cho người đó tỉnh.
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (12): TỰA - KHOA NGHI SÁU THỜI SÁM HỐI
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (11): LUẬN VỀ NIỆM PHẬT
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (10): LUẬN GƯƠNG TUỆ GIÁO
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (9): LUẬN VỀ GIỚI-ĐỊNH-TUỆ
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (8): LUẬN TỌA THIỀN