Astrology.vn - Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.
Thấy được như vậy thì sống trong cuộc đời không có phiền não, những cái xấu, cái dở chỉ là bụi che lấp gương, lau đi sẽ hết. Hiểu được ý này quí vị mới thấy được tinh thần của các vị Thiền sư ngày xưa đối với mọi người, hoặc thấy tinh thần của các vị Bồ-tát nhìn chúng sanh một cách rộng mở bao dung, chớ không như cái nhìn phàm tục rồi gây phiền não cho nhau.
Dịch
Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Gia nói: “ai vô niệm, ai vô sanh” là nghĩa này vậy.
Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởøi niệm tà là dứt ý nghiệp. Song người trí có ba bậc:
Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.
Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.
Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được Bồ-đề, cũng vào quả Phật.
Ba bậc trên sâu cạn chẳng đồng, chỗ được là một vậy. Song bậc thượng trí nói thì dễ mà hành thì khó. Người thời nay muốn theo gương học, toàn không có chỗ gá nương, trọn trông bờ rồi lui, rất khó đặt chân. Bậc trung trí nếu hay siêng tu như lời nói ở trên thì tức khắc thành Phật. Nếu như lậu chưa hết mà lâm chung, tùy quả báo kia trở lại thọ sanh ở đời, nhận quả báo thiện. Quả báo thiện đã hết, không có người đánh thức, trở lại rơi vào đường ác. Như thế đó cũng là khó vậy. Bậc hạ trí lấy niệm Phật làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, chú ý duyên lành, nguyện sanh về nước Phật. Siêng năng không lười biếng, tâm tánh thuần thục, sau khi mạng chung, tùy theo sở nguyện, được sanh về nước Phật. Đã sanh về nước Phật thân đó không bao giờ mất.
Người học thời nay, đã được thân người, ba nghiệp đồng có, mà chẳng dùng niệm Phật, cầu sanh về cõi Phật, đâu chẳng khó sao? Như muốn niệm Phật, tức lấy bậc hạ trí làm trước. Tại sao? - Vì có chú ý vậy. Ví như xây đài ba tầng, mà chẳng dùng tầng dưới làm trước thì không thể có vậy.
Giảng
“Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Gia nói: ‘ai vô niệm, ai vô sanh’ là nghĩa này vậy.”
Đây là mở đầu nói về niệm Phật, Ngài nêu chủ yếu của niệm cho chúng ta thấy, niệm là tâm dấy khởi, tâm vừa dấy khởi nghĩ một cái gì đó là niệm. Dấy khởi nhớ danh hiệu Phật thì gọi là niệm Phật, dấy khởi nhớ chúng sanh thì gọi là niệm chúng sanh v.v... Dấy khởi nghĩ ác là niệm ác, dấy khởi nghĩ thiện là niệm thiện. Như vậy tất cả dấy khởi đều từ tâm mà ra, đó là chủ của nghiệp, cho nên trong kinh Phật thường nói tam nghiệp: thân, khẩu, ý. Cái dấy khởi ở nội tâm mình là dấy khởi của ý nghiệp. Như vậy, khởi niệm là gốc của mọi thiện ác.
Niệm có thể chia làm ba thứ: niệm ác, niệm thiện và niệm tịnh. Niệm ác bị dẫn đi đường ác, niệm thiện được dẫn đến nơi lành, niệm tịnh được dẫn sanh cõi tịnh. Ba niệm đó đều là niệm hết. Như vậy chúng ta biết rõ do đâu chúng ta sanh đến đây. Tôi nói xa hơn, trong kinh thường dạy mười hai nhân duyên, đầu tiên là vô minh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc v.v... Vô minh là mờ tối, do vô minh nên khởi nghiệp là hành. Từ có nghiệp nên dẫn thức đi thọ sanh. Từ thức mới có danh sắc, lục nhập v.v... Nếu tâm thể chúng ta yên lặng trong sáng bình tỉnh thì không có vô minh, nhưng khi vừa khởi nghĩ là đã quên mất cái tâm sáng rồi, mà quên tâm sáng là vô minh. Bởi vô minh nên mới khởi nghĩ ác, khởi nghĩ thiện, khởi nghĩ tịnh v.v... Những khởi nghĩ đó là động cơ dẫn mình đi. Vì vậy nên khi chúng ta sắp chết mà lúc còn tỉnh thì không có nghiệp ác nghiệp thiện hiện ra, nhưng khi vừa quên cái tỉnh là vô minh, tức lúc hôn mê nếu khởi nghĩ lành thì ngay đó có chư thiên hoặc thân nhân quyến thuộc dẫn đi chỗ an vui, đó là đường lành; nếu khởi nghĩ ác thì thấy ngưu đầu ngục tốt lấy roi gậy rượt đánh dẫn vào đường ác. Còn khởi nghĩ tịnh thì nhớ Phật, niệm Phật liền thấy Phật hay Bồ-tát hiện ra rước về Cực Lạc. Như vậy niệm có trong khi hôn mê là chủ yếu dẫn mình đi tùy theo niệm ác, niệm thiện hay niệm tịnh. Cho nên trong nhà Phật dạy chúng ta khi gần nhắm mắt nên thỉnh quí thầy quí cô cùng thân quyến đến hộ niệm, hoặc niệm Phật hoặc tụng kinh cho nghe để khi vừa quên cái tỉnh thì bắt đầu có niệm thiện dẫn đi. Điều này hết sức quan trọng, vì vậy nên hộ niệm là ngay lúc đó, còn khi đã đi rồi thì thôi, bốn mươi chín ngày cũng là phụ. Chỉ ngay lúc lâm chung đang tranh tối tranh sáng, khi cái tối vừa che mất cái sáng thì tùy khởi niệm nào liền đi theo niệm đó. Vì niệm khởi là nghiệp, lúc đó thân không tạo, khẩu không tạo, chỉ có ý nên khi ý khởi niệm lành nhớ những người hiền hay nhớ cảnh tốt thì có người hiền cảnh tốt hiện ra, nhớ những người thù kẻ oán thì người thù kẻ oán hiện ra, nhớ Phật thì có Phật đến. Niệm đó gọi là hành, vì khi quên mất thân này, quên mất sự sống này, rồi khởi niệm thiện ác và theo đó mà đi thọ sanh. Như vậy chúng ta mới thấy cái khởi niệm trong lúc này hết sức hệ trọng. Vì vậy có người đặt câu hỏi: “Tôi niệm Phật, khi chết Phật rước về Cực Lạc, còn quí thầy tu thiền chỉ buông niệm, không có niệm, khi chết ai rước và đi đâu?” Như vậy quí vị phải trả lời thế nào? Người niệm Phật được Phật rước vui quá, còn chúng ta tu thiền nhất là đến chỗ vô niệm thì ai rước, chẳng lẽ đi lang thang hay sao? Đây là chỗ chúng ta phải hiểu cho thật rõ: Còn niệm là còn sanh, hết niệm là vô sanh. Còn rước là còn sanh, không ai rước là vô sanh. Vô sanh là gì? - Là Niết-bàn. Mục đích chúng ta tu là đạt đến vô sanh, là Niết-bàn, nên tu đến vô niệm là được vô sanh. Ngay đời này nhập Niết-bàn còn hơn là về Cực Lạc phải mất thời giờ tu đến thời gian sau mới được vô sanh, được Niết-bàn. Như vậy là chúng ta tu tắt. Song có nhiều người không hiểu cứ nghĩ muốn tu để về sau hưởng, mà hưởng là phải có sanh mới hưởng, không sanh làm sao hưởng, nên tưởng không ai rước rồi sẽ lang thang. Đó là hiểu lầm rồi đâm ra hoảng hốt! Vì vậy chúng ta nên biết khi niệm dứt sạch yên tĩnh đó là Niết-bàn, là vô sanh, tự tại tự do không cần ai đón rước. Còn đón còn rước là còn lệ thuộc, còn bị sanh. Thế nên ngài Vĩnh Gia nói: “Thùy vô niệm, thùy vô sanh?” Thùy là ai, “Ai vô niệm, ai vô sanh?” Người tu khi đã đạt đến chỗ vô niệm vô sanh rồi, lúc đó còn gì phải nói đi đâu, còn gì phải nói sanh tử, cho nên nói: “Ai vô niệm, ai vô sanh?” Còn niệm tự nhiên còn sanh nơi này nơi kia, khi niệm dứt rồi thì sanh tử không còn. Nhưng với các vị Bồ-tát, các ngài không như chúng ta ưng nhập Niết-bàn sớm. Tại sao vậy? Bởi vì nếu trong đời này từ một phàm phu tăng chúng ta tu được vô niệm rồi nhập Niết-bàn, như vậy chúng ta đã an trụ trong Niết-bàn của Thanh văn. Vì vậy nên cần phải độ sanh đến khi nào tất cả chúng sanh đều được Niết-bàn rồi chúng ta mới nhập, đó mới gọi là Bồ-tát hạnh. Thế nên tuy các ngài đạt đến chỗ vô sanh, nhưng khi gần nhắm mắt các ngài khởi đại nguyện, nguyện đời sau làm những gì cho chúng sanh. Do khởi đại nguyện tức khởi niệm nên các ngài theo nguyện tiếp tục sanh để làm tròn bản nguyện, chớ không chịu ngang đó dừng nghỉ. Nếu dừng nghỉ thì không đầy đủ tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Vì vậy giả sử chúng ta tu đến hết đời này được yên, rồi muốn nhập Niết-bàn thì không độ được bao nhiêu người. Thế nên phải nguyện trở lại để độ chúng sanh, mà nguyện tức là khởi niệm, vì có niệm nên chỗ nào có duyên thì sanh ra để hóa độ đến khi nào đầy đủ mới thành Phật, chớ không phải hết niệm liền thành Phật. Hiểu như vậy mới thấy rõ ý nghĩa của người tu, nếu không nhiều khi chúng ta tu rồi cứ hoang mang không biết sao cho trúng.
“Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp.”
Ở đây Ngài nói: “miệng tụng chân ngôn” nghĩa là niệm Phật cũng như chân ngôn, mà chân ngôn đây không phải là thần chú, vì chân là chân thật, ngôn là lời nói, lời nói chân thật là lời niệm Phật. Như vậy Ngài giải thích niệm Phật là để dứt ba nghiệp: nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý. Làm sao niệm Phật dứt được nghiệp thân? Bởi vì khi niệm Phật thân ngay thẳng, yên tỉnh đó là dứt nghiệp ác của thân, miệng niệm danh hiệu Phật, chẳng nói lời tà là dứt nghiệp ác của khẩu. Ý gắng tinh tấn không cho nghĩ ác nghĩ bậy là dứt tà niệm. Tà niệm dứt là dứt được ý nghiệp. Như vậy niệm Phật có công năng dứt được ba nghiệp, nhưng ở đây chúng ta phải hiểu cho rõ: Không có nghiệp tạo ác nhưng còn có nghiệp tịnh, nên nói cõi Phật là Tịnh độ. Người muốn được sanh cõi tịnh thì phải có nghiệp tịnh, tức ý nghiệp thanh tịnh mới được sanh về cõi Phật. Vì vậy mới có câu: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương.”
“Song người trí có ba bậc:
Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.”
Ngài chia niệm Phật làm ba bậc: Thượng trí, trung trí và hạ trí.
“Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, chẳng nhờ tu thêm, niệm tức là trần, chẳng cho một điểm.” Nghĩa là sao? Tâm an tịnh trong sáng của chúng ta đó là Phật. An tịnh trong sáng tức là “tịch tịch tỉnh tỉnh”. Tâm ấy là Phật nhưng vừa dấy một niệm là đã có bụi, nên nói “niệm tức là trần”. “Chẳng cho một điểm”. Nghĩa là nó đang thanh tịnh trong sáng mà dấy niệm tức là có bụi, có bụi là đã mất cái thanh tịnh trong sáng ấy. Quí vị nhớ trong nhà thiền có câu: “Mạt vàng tuy quí, rơi vào mắt cũng bị xốn.” Đó là muốn nói mạt vàng là quí nhưng để rơi vào con mắt một tí cũng cảm thấy khó chịu, huống nữa là bụi bặm. Bụi bặm là dụ cho niệm thiện, niệm ác, còn mạt vàng dụ cho niệm tịnh, tức là niệm Phật. Đối với tâm thể thanh tịnh trong sáng là đủ, còn thêm một niệm tức là bụi. Thế nên người tu thiền phải buông hết tất cả niệm, vì còn có một niệm tức còn một điểm bụi, mà có bụi là chưa hoàn toàn trong sáng. Chỗ trong sáng đó gọi là tâm tức Phật, là tánh giác của chính mình.
“Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật.” Niệm trần tức là những niệm lăng xăng, nó vốn tịnh tức yên lặng nên gọi như như bất động. Lúc nó đã yên, không dấy niệm thì gọi là như như, là bất động, mà chính chỗ như như bất động là thân Phật.
“Thân Phật tức là thân ta”: Thân Phật là pháp thân của chính mình chớ không phải thân báo hay ứng. Bởi vì cái như như bất động đó đâu có rời mình nên nói thân Phật là thân ta.
“Không có hai tướng”: Vì nó không rời mình nên không có hai tướng.
“Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.” Tất cả tướng đều không hai, nhưng tại sao “lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống”? Tôi ví dụ có một phút giây nào trong tâm quí vị không dấy một niệm mà mắt vẫn sáng, tai vẫn nghe, tất cả cảm giác đều nguyên vẹn, không mờ không thiếu, sáng rỡ rõ ràng mà tâm vẫn an tịnh, lặng lẽ như như, đó là Phật sống. Còn khởi niệm biết mình đang tịnh thì nó đã động rồi. Các Ngài sống không dấy niệm là sống thường sáng suốt, hằng giác, hằng tri gọi là Phật sống. Còn chúng ta vừa có niệm dấy lên thì chạy theo nên tạo nghiệp và có luân hồi. Nếu vừa được yên một chút liền khởi niệm mừng là đã mất cái an tịnh. Như vậy ở đây chỉ cho chúng ta thấy được Phật pháp thân của chính mình. Những giờ phút yên tĩnh là giờ phút sống với Phật pháp thân, mà Phật pháp thân luôn hiện hữu chớ không vắng mặt lúc nào, đó gọi là bậc thượng trí. Niệm Phật như thế thì cả thiền và tịnh không hai.
“Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.” Đây là bậc trung trí niệm Phật. Trung trí niệm Phật thì niệm cách nào? Người trung trí niệm Phật thì chú ý chuyên cần, niệm niệm luôn nhớ Phật không bao giờ quên.
“Tự tâm thuần thiện”: Nhờ nhớ Phật mãi mãi nên tâm mình hoàn toàn thiện, không có niệm ác chen vào.
“Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu”: Tức cái niệm Phật luôn luôn hiện tiền thì niệm ác phải tiêu, vì niệm không có hai. Khi chúng ta nghĩ thiện thì không có cái ác, khi nghĩ ác thì không có cái thiện. Nếu đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng niệm thiện thì niệm ác theo đó tiêu hết.
“Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo.” Nghĩa là có ý niệm thiện thì ý niệm ác không còn. Đã là ý niệm thì niệm niệm liên tục, niệm này dấy lên, niệm kia lặng xuống, nhưng chỉ có niệm thiện. Người được như vậy “khi niệm diệt ắt về chánh đạo”. Những niệm đó được yên thì ắt về chánh đạo. Vì vậy trong kinh thường hay nói niệm đến vô niệm. Niệm này dấy, niệm kia diệt cho đến bao giờ không còn dấy niệm nữa, tức niệm đến vô niệm thì lúc đó là chánh đạo.
“Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.” Về chánh đạo rồi thì lúc mạng chung được vui Niết-bàn, nghĩa là niệm đến vô niệm là được Niết-bàn. Niết-bàn thì có đủ bốn đức: thường lạc ngã tịnh. Đầy đủ bốn đức đó là Phật đạo vậy.
Tóm lại, ở đây dạy dùng niệm Phật để diệt niệm ác, niệm ác diệt hết chỉ còn câu niệm Phật, niệm Phật mãi mãi đến bao giờ câu niệm Phật cũng lặng luôn đến vô niệm, là Niết-bàn thường lạc ngã tịnh. Như vậy cũng đi đến chỗ đạt đạo. Đây là bậc trung trí.
“Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được Bồ-đề, cũng vào quả Phật.” Bậc hạ trí thì phải đủ ba điều kiện: miệng niệm danh hiệu Phật, tâm quán tưởng muốn thấy tướng Phật, thân nguyện được sanh về cõi Phật, cả ba thân, khẩu, ý đều có chỗ hướng về. Khẩu thì mượn danh hiệu Phật làm chỗ hướng, tâm thì mượn hình tướng Phật làm chỗ hướng, thân nguyện sanh về cõi Phật làm chỗ hướng. Như vậy miệng, thân và tâm đều có chỗ cho mình hướng về. Ở đây quí vị dạy niệm Phật phải ráng nhớ để thực hiện cho đúng. Thông thường chúng ta dạy niệm Phật cứ đưa xâu chuỗi bảo niệm cho nhiều chuỗi, niệm một đêm được mười chuỗi thì ghi sổ, đến khi nào đủ một muôn thì đem sổ lại thầy chứng cho. Như vậy chỉ niệm danh hiệu suông thôi. Nhiều khi quí bà niệm rất nhanh, niệm liên tục cho xong, nhưng niệm như vậy chừng nào tâm mới yên? Còn ở đây bảo niệm phải có chỗ tựa, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm phải nhớ Phật, thân nguyện sanh về cõi Phật. Phải hội đủ ba điều này thì thân khẩu ý mới thuần nhất được. Nếu chỉ có miệng niệm, còn thân, ý không có thì làm sao tâm yên. Vì vậy tuy niệm Phật mà khó có kết quả, là do mình thực hành không đúng. Nếu cả ba hợp tác thì lúc lâm chung sẽ theo niệm thiện được sanh về cõi Phật, về sau đủ điều kiện tu hành được quả Bồ-đề, cũng thành Phật quả. Tóm lại phải có đủ ba điều tín, hạnh, nguyện thì niệm Phật mới có kết quả. Đó là ý nghĩa ba hạng niệm Phật.
“Ba bậc trên sâu cạn chẳng đồng, chỗ được là một vậy.” Tuy có cao thấp khác nhau, sâu cạn khác nhau, nhưng khi được thành quả Phật thì không khác.
“Song bậc thượng trí nói thì dễ mà hành thì khó.” Bậc thượng trí nói tâm tức Phật nghe rất dễ, nhưng thực hành thật cay đắng.
“Người thời nay muốn theo gương học, toàn không có chỗ gá nương, trọn trông bờ rồi lui, rất khó đặt chân.” Người thời nay nghe nói bậc thượng trí niệm Phật rất dễ, muốn noi theo đó tu học, nhưng không chỗ nương gá. Nói tức tâm tức Phật, biết nương gá vào đâu mà theo, nên “trọn trông bờ rồi lui”, nghĩa là nhìn thấy bờ cao quá ngán không thể thực hiện được rồi thối lui, cho nên “rất khó đặt chân”. Vì vậy rất khó tiến trên con đường đó.
“Bậc trung trí nếu hay siêng tu như lời nói ở trên thì tức khắc thành Phật. Nếu như lậu chưa hết mà lâm chung, tùy quả báo kia trở lại thọ sanh ở đời, nhận quả báo thiện. Quả báo thiện đã hết, không có người đánh thức, trở lại rơi vào đường ác. Như thế đó cũng là khó vậy.” Bậc trung thì niệm cho đến vô niệm, nhưng chưa được vô niệm liền tịch. Khi tịch mà chưa vô niệm thì đâu được Niết-bàn. Vì hạng trung trí không có nguyện vãng sanh, chỉ lấy niệm diệt niệm, đến vô niệm mới nhập Niết-bàn. Bây giờ không được vãng sanh thì do niệm thiện được sanh về cõi thiện. Nếu khi sanh về cõi thiện, ra đời không gặp thiện hữu tri thức nhắc nhở lại quên. Vì vậy chúng ta thấy nhiều người ở hiện tại có phước, được làm quan to lại giàu có lớn, nếu vô phước thì đâu được như thế. Nhưng vì sao họ lại không lương thiện? Là vì xưa kia họ có lòng tốt, có hành động tốt nên được hưởng phước, khi hưởng phước họ không có duyên gặp thiện hữu tri thức nhắc nhở, nên hưởng hết phước rồi, gặp ai xúi làm điều ác thì làm theo, cho nên hết phước phải đọa trở lại đi trong đường khổ. Điều này hết sức hệ trọng cần phải biết là không nên hưởng hết phước và cần phải có thiện hữu tri thức nhắc nhở để mình tiến lên cho khỏi đọa. Quí vị thấy có những người giàu sang sung sướng mà bị bạn bè lôi vào chỗ ác, nhưng cũng có những người giàu sang sung sướng lại vẫn biết tu. Trong hai hạng người trên đều có phước, nhưng sao một người biết tu, còn một người lại làm ác? Đó là điều tôi muốn nhắc cho tất cả hiểu. Phật dạy Phật tử làm lành, nhưng phải qui y Tam Bảo. Tại sao phải qui y Tam Bảo? Nghĩa là chúng ta phải đối trước Phật, Pháp, Tăng hứa nguyện đời đời hướng theo con đường Phật pháp để tu hành đến khi thành Phật mới thôi. Do có nguyện đó, nên qui y Tam Bảo là cái duyên tốt để mình gieo trong đời này và mãi những đời sau được gặp thiện hữu tri thức nhắc nhở mình. Vì qui y không phải chỉ có Phật mà còn Pháp và Tăng. Tăng thì đâu chắc đời này nhập Niết-bàn mà còn đáo đi trở lại bao nhiêu đời nữa. Giả sử đời này có người qui y với tôi, nếu tôi chết đi và tái sanh trở lại thì người đó đã có duyên với tôi, nên khi gặp lại tôi dễ nhắc dễ độ họ. Đó là có thiện hữu tri thức nhắc nhở nên không quên, không mất giống lành. Còn những người đời này có phương tiện làm lành, nhưng không qui y Tam Bảo, nên không gặp thiện hữu tri thức, vì vậy có ai xúi làm quấy làm ác thì họ làm theo, rồi tạo tội và phải đọa. Thế nên, duyên thiện hữu tri thức đời sau cũng rất thiết yếu. Đời này đã thiết yếu, đời sau lại càng thiết yếu hơn, cho nên Phật dạy người Phật tử phải nhớ qui y Tam Bảo. Có qui y Tam Bảo mới thành Phật tử. Thật ra nếu chúng ta làm lành, làm phước đều được hưởng phước, nhưng có khác là có người được hưởng phước mà không có thiện hữu tri thức nhắc nhở, còn người được hưởng phước lại có thiện hữu tri thức nhắc nhở, nên không quên duyên cũ và tiến lên mãi không dừng. Vì vậy nên nói rằng do mình hưởng hết phước mới thọ quả báo ở đời sau. Như vậy quí vị mới thấy qui y Tam Bảo là việc rất quan trọng đối với người mới phát tâm. Nhờ phát tâm qui y trước Tam Bảo chúng ta mới được nương theo Phật, nương theo chánh pháp và có những bậc thầy làm thiện hữu tri thức chỉ dạy cho mình đường lối tu trong hiện tại, đến khi nhắm mắt đời sau gặp lại, do có duyên thầy trò nên sớm gặp được người nhắc nhở. Như vậy đời đời đi mãi trong chánh pháp cho đến kết quả cuối cùng là thành Phật mới thôi. Nếu không có người đánh thức, đời này nhiều khi hiểu đạo chút ít, nhưng đời sau trở lại có thể sẽ làm ác làm dữ.
“Bậc hạ trí lấy niệm Phật làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, chú ý duyên lành, nguyện sanh về nước Phật. Siêng năng không lười biếng, tâm tánh thuần thục, sau khi mạng chung, tùy theo sở nguyện, được sanh về nước Phật. Đã sanh về nước Phật thân đó không bao giờ mất.” Như vậy bậc hạ trí có chỗ tựa vững chắc hơn, vì miệng niệm danh hiệu Phật, tâm nhớ hình tướng Phật, thân nguyện sanh về cõi Phật, nên khi nhắm mắt có chỗ qui hướng. Hướng về đó rồi, được sanh về nước Phật tiếp tục tu hành, không mất hột giống lành. Còn chúng ta nếu chưa được sanh về nước Phật, nhớ phải qui y Tam Bảo để sanh nơi nào cũng được có thiện hữu tri thức nhắc nhở, tránh khỏi rơi vào đường ác.
Kết thúc lại Ngài nhắc nhở:
“Người học thời nay, đã được thân người, ba nghiệp đồng có, mà chẳng dùng niệm Phật, cầu sanh về cõi Phật, đâu chẳng khó sao?” Người tu đời này nếu không dùng niệm Phật cầu sanh nước Phật thì việc tu cũng hơi khó.
“Như muốn niệm Phật, tức lấy bậc hạ trí làm trước. Tại sao? - Vì có chú ý vậy.” Nếu tu về niệm Phật thì phải tu theo bậc hạ trí, vì có chỗ cho mình nhắm đến.
“Ví như xây đài ba tầng, mà chẳng dùng tầng dưới làm trước thì không thể có vậy.” Như vậy trong ba cách niệm Phật, chỉ có cách dưới là dễ hơn hết, vì có chỗ tựa và bảo đảm đời sau sanh ra gặp Phật, ở nước Phật không thối chuyển, còn hai cách trên thì khó hơn.
Qua bài này tôi cũng muốn nói cho quí vị thấy rõ tinh thần Thiền tông đời Trần. Từ ngài Trần Thái Tông về sau, các ngài tu Thiền mà không chống niệm Phật, tức không chống Tịnh độ. Ngược lại còn chỉ cho chúng ta cách tu Tịnh độ thế nào cho hợp lý, cho đúng pháp. Như vậy Tịnh độ và Thiền hòa hợp chớ không chống đối. Chúng ta thấy tinh thần các vị Thiền sư đời Trần không những là ở trong pháp niệm Phật và pháp tu Thiền, mà còn dung hòa luôn cả Khổng giáo, Lão giáo, không chia rẽ, không đối nghịch. Lấy Thiền tông làm chỗ tựa để dung hợp Lão, Khổng thành một nhà. Đó là để cho chúng ta thấy người tu không đặt ai là kẻ thù, không thấy ai là người đáng cho mình chống đối, mà phải cùng chung hòa hợp để mình và mọi người đều tiến tu không thối chuyển. Như vậy quan niệm rộng rãi bao dung của Thiền tông đời Trần chứng tỏ các ngài đã vượt qua chỗ riêng tư của mình, mà trong nhà Phật gọi là “cuộc”, cuộc là chấp. Cũng như chúng ta ngồi trong nhà nhìn ra bốn phương, chúng ta chỉ thấy bốn phương qua cửa sổ, cửa cái mở. Nếu thấy qua cửa sổ, cửa cái thì cái thấy bị hạn chế, nên gọi là cuộc. Nếu chúng ta bước ra khỏi nhà, đứng ngoài trời nhìn bốn phương, thì chúng ta không bị vật gì ngăn cách, đó là thông. Người tu khi đến chỗ thấy tâm mình tức Phật, thì ai không có tâm? Nếu ai cũng có tâm thì ai cũng có Phật. Dầu người tu theo Khổng giáo cũng có Phật, người tu theo Lão giáo cũng có Phật và chúng ta tu theo Phật cũng có Phật. Ai cũng có Phật thì đều giống nhau. Không thể ông Phật này khác ông Phật kia được, nếu khác thì không phải là Phật. Cho nên nói Phật, Phật đạo đồng, Phật Phật không khác. Như vậy ai cũng có Phật tánh thì có ai đáng cho mình thù ghét đâu. Chẳng lẽ Phật lại ghét Phật, Phật thù Phật sao? Vì vậy đối với mọi người dù không tu theo đạo Phật, cũng thấy họ có Phật. Đã thấy họ có Phật thì không thể ghét họ được. Vậy muốn cho ông Phật mình sống trọn vẹn là Phật thì thấy Phật nào mình cũng quí. Cho nên ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh nói một câu rất hi hữu: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Không dám khinh tức là phải trọng, phải quí. Còn thù ghét là không trọng không quí. Hiểu được chỗ này mới thấy tinh thần đạo Phật tràn khắp. Lâu nay chúng ta chỉ nói theo thế gian là tất cả nhân loại đều là đồng loại nên phải thương nhau. Nói như vậy nghe cũng tốt, nhưng chỗ này nếu nói theo Thiền tông thì nhân loại đều là Phật. Đã là Phật thì không dám khinh ai, không dám ghét ai. Nếu có thương có ghét thì ông Phật của mình đã ẩn mất. Tôi nhắc cho quí vị biết rằng chúng ta tu không phải cố gắng, không phải dằn ép, không phải dẹp bỏ mà phải nhìn cho tường tận ai cũng có tánh giác. Mình biết mình có tánh giác hiện hữu, thì tánh giác của người cũng thật có hiện hữu, nhưng khác nhau chăng chỉ là một bên biết và tìm mọi cách khai thác được sáng tỏ, còn một bên không biết thì có tánh giác mà vẫn để mờ mịt, tối tăm. Vì vậy mình không nên khinh khi ai, cũng không dám giận ai, vì người nào cũng đáng quí hết thì giận sao được. Có giận ghét là hết quí rồi. Như vậy sống trong đời này chúng ta mới thấy tâm mình bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, nếu không thì sẽ phân biệt người này hay, kẻ kia dở. Từ cái phân biệt đó lại sanh ra nhiều bệnh chướng khác. Chỉ một câu của ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh mà chúng ta tu suốt đời không xong. Thấy được như vậy thì sống trong cuộc đời không có phiền não, những cái xấu, cái dở chỉ là bụi che lấp gương, lau đi sẽ hết. Hiểu được ý này quí vị mới thấy được tinh thần của các vị Thiền sư ngày xưa đối với mọi người, hoặc thấy tinh thần của các vị Bồ-tát nhìn chúng sanh một cách rộng mở bao dung, chớ không như cái nhìn phàm tục rồi gây phiền não cho nhau.
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (10): LUẬN GƯƠNG TUỆ GIÁO
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (9): LUẬN VỀ GIỚI-ĐỊNH-TUỆ
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (8): LUẬN TỌA THIỀN
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (7): LUẬN VỀ THỌ GIỚI
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [5]