Astrology.vn - Đối cảnh là gì? Là mắt đối với sắc, tai đối với thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, nghĩa là năm căn đối với năm trần, tâm không dính mắc thì đừng hỏi thiền nữa vì đó là thiền. Tóm lại ngay sáu căn khéo đừng dính mắc sáu trần đó là gốc của Thiền, cũng là gốc của Kinh, gốc của Phật dạy.

 

Dịch

SÁM HỐI TỘI CĂN Ý

            Chí tâm sám hối,

            Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,

            Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

            Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,

            Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.

 

NGHIỆP CĂN Ý LÀ:

            Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng;

            Mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng.

            Như tằm kéo kén, càng buộc càng bền;

            Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.

            Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sanh;

            Não loạn tâm thần, đều do ba độc.

TỘI KEO THAM LÀ:

            Âm mưu ghen ghét, keo cú vét vơ;

            Mười vốn ngàn lời, còn cho chưa đủ.           

            Của chứa tợ sông, lòng như hũ chảy;

            Rót vào lại hết, nên nói chưa đầy.

            Tiền mục lúa hư, không cứu đói rét;

            Lụa là chất đống, nào có giúp ai.

            Được người mấy trăm, chưa cho là nhiều;

            Mất mình một đồng, tưởng như hao lớn.

            Trên từ châu báu, dưới đến tơ gai;

            Kho đụn chất đầy, chưa từng bố thí.

            Bao nhiêu sự việc, ngày tính đêm lo;

            Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp.

TỘI NÓNG GIẬN LÀ:

            Do tham làm gốc, lửa giận tự thiêu;

            Quắc mắt quát to, tiêu tan hòa khí.

            Không riêng người tục, cả đến thầy tu;

            Kinh, Luận tranh giành, cùng nhau công kích.

            Chê cả Sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha;

            Cỏ nhẫn héo vàng, lửa độc rực cháy.

            Buông lời hại vật, cất tiếng hại người;           

            Không nhớ từ bi, chẳng theo luật cấm.

            Bàn thiền tợ thánh, trước cảnh như ngu;

            Dầu ở cửa không, chưa thành vô ngã.

            Như cây sanh lửa, lửa cháy đốt cây.

            Những tội trên đây, đều do nghiệp giận.

TỘI NGU SI LÀ:

            Căn tánh đần độn, ý thức tối tăm;

            Chẳng hiểu tôn ti, không phân thiện ác.

            Chặt cây hại mạng, giết gấu gãy tay;

            Mắng Phật chuốc ương, phun trời ướt mặt.

            Quên ơn quên đức, bội nghĩa bội nhân;

            Không tỉnh không xét, đều do si nghiệp.

            Những tội như thế, rất nặng rất sâu;

            Đến lúc mạng chung, rơi vào địa ngục.

            Trải ngàn muôn kiếp, mới được thọ sanh;

            Dù được thọ sanh, lại mắc ngu báo.

            Nếu không sám hối, đâu được tiêu trừ;

            Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

(Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH

            Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật

            Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.      

            Mở rộng tâm từ bi vô lượng,

            Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).

            (Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM TÙY HỈ

            Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,

            Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.

            Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,

            Bồ-đề chân tâm không lui sụt.

            (Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

            Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,

            Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.

            Nguyện đem công đức đến quần sanh,

            Nương thắng nhân này thành Chánh giác.

            (Lễ Tam Bảo một lạy)

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

            Một nguyện nguồn linh thường trong lặng,

            Hai nguyện tạng thức dứt lăng xăng,

            Ba nguyện khối nghi đều tan nát,

            Bốn nguyện trăng định mãi tròn đầy.

            Năm nguyện pháp trần không khởi diệt,

            Sáu nguyện lưới ái lìa buộc ràng,

            Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập địa,

            Tám nguyện nghe suốt bỏ tam thiên.

            Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót,

            Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên,

            Mười một nguyện mở lòng nghe Phật dạy,

            Mười hai nguyện mến thích Tổ sư Thiền.

 

KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY

            Tiếng pháp khua tan mộng thế trần,

            Chuông chùa phá vỡ điếc ngu mông,

            Còn ưa gối đầu trong tối ngủ,

            Chẳng quản trời đông đã rạng ngời.

            Mù mịt đêm dài thì có sáng,

            Mờ mờ đường tối lại khó thông.

            Ngày nay nếu chẳng siêng hành đạo,

            Khi khác làm sao gặp Thế Tôn.

 

 

Giảng

SÁM HỐI TỘI CĂN Ý

            Chí tâm sám hối,

            Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,

            Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

            Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,

            Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.

 

NGHIỆP CĂN Ý LÀ:

            Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng;

            Mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng.

            Như tằm kéo kén, càng buộc càng bền;

            Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.

            Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sanh;

            Não loạn tâm thần, đều do ba độc.

 

Trong ý căn, chúng ta “nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng”, chuyện đâu đâu không đáng mà cũng nhớ cũng nghĩ.

“Mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng”, dính kẹt với sáu trần lại thêm chấp tướng. Chấp tướng là kẹt về hình thức bên ngoài, tức là lời nói và việc làm bám chặt vào hình thức mà không nhận được ý nghĩa thâm trầm bên trong. Thí dụ thấy hoa này khen đẹp, hoa kia chê xấu, người này đẹp, người kia xấu, người dễ thương, người dễ ghét, bao nhiêu việc căn cứ trên hình thức để khen chê thương ghét, đều là chấp tướng, nên đều là khổ. Nếu không chấp tướng thì hết cả khen chê, thương ghét và cũng hết khổ. Thế nên còn mắc mứu tình trần kẹt tâm chấp tướng là còn khổ. Khổ đó như thế nào?

“Như tằm kéo kén, càng buộc càng bền”, như tằm nhả tơ kết thành kén, tằm kẹt luôn trong đó, rồi bị bỏ vào chảo nước sôi, khổ không sao tả hết!

“Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.” Ban đêm mùa hè chúng ta đốt ngọn đèn dầu, các con bướm ở ngoài thấy đèn liền đáp vào, nên tự thiêu tự đốt. Người đời đuổi theo dục lạc thế gian, tưởng rằng hưởng được dục lạc là hạnh phúc, nhưng nếu ai có nhiều tiền lắm của, ngày đêm đều vào tửu điếm trà đình, lầu xanh thì cũng giống như bướm lao vào đèn. Đó là tự mình tìm cái chết, tự thiêu tự đốt.

            Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sanh,

            Não loạn tâm thần, đều do ba độc.

Vì mê không thức tỉnh nên điên đảo sanh ra. Tâm thần rối loạn đều do tham sân si. Đây là gốc mà ý căn tạo nên tội. Tham sân si là gì?

1.- TỘI KEO THAM LÀ:

            Keo tham là keo kiệt, tham lam.

            Âm mưu ghen ghét, keo cú vét vơ;

            Mười vốn ngàn lời, còn cho chưa đủ.

Âm mưu ghen ghét người, bao nhiêu cũng keo cú vét vơ đem về cho mình. Vốn có mười đồng mà bán lời được một ngàn đồng vẫn cho chưa đủ, muốn lời ngàn rưởi, hai ngàn, đó là bệnh tham của con người.

            Của chứa tợ sông, lòng như hũ chảy;

            Rót vào lại hết, nên nói chưa đầy.

Của thì nhiều như sông nhưng lòng như hũ chảy, rót vô bao nhiêu cũng chảy hết, cũng không đủ nên nói chưa đầy.

            Tiền mục lúa hư, không cứu đói rét;

            Lụa là chất đống, nào có giúp ai.

Do keo kiệt nên có tiền lúa chứa nhiều để hư mục không dám cho người đói rét. Lụa vải chất đống để lên mốc meo không giúp người rách rưới.

            Được người mấy trăm, chưa cho là nhiều;

            Mất mình một đồng, tưởng như hao lớn.

Người cho mình mấy trăm cũng chưa nói là nhiều, còn mình mất một đồng thì cho là hao lớn, nghĩa là được bao nhiêu cũng không vừa, mất một chút thì tiếc rẻ.

            Trên từ châu báu, dưới đến tơ gai;

            Kho đụn chất đầy, chưa từng bố thí.

Nào là châu báu, nào là tơ gai v.v... chất đầy kho đụn nhưng không bao giờ bố thí cho ai.

            Bao nhiêu sự việc, ngày tính đêm lo;

            Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp.

Bao nhiêu sự việc ngày đêm lo tính mãi, khổ tứ lao thần cũng từ tham mà ra.

2.- TỘI NÓNG GIẬN LÀ:

            Do tham làm gốc, lửa giận tự thiêu;

            Quắc mắt quát to, tiêu tan hòa khí.

Bao nhiêu niệm sân dấy khởi đều gốc từ tham. Thí dụ do tham được danh tốt, được mọi người khen, nay lại có người chê liền nổi giận. Tại sao? Chê là mạ nhục nên nổi giận, đó là vì thích danh. Muốn được quyền lợi để nếp sống được sung túc, nay có người ngăn chặn không cho, chúng ta cũng nổi giận. Lại như thấy người đẹp mình thương, nay không cho thương cũng giận. Ở thế gian nhiều kẻ tự tử cũng do nổi sân, tưởng là gan, nhưng không ngờ đó là liều mạng, là sân chớ không phải là gan. Thế nên từ tham sanh ra sân. Khi sân thì có những hiện tượng gì? “Quắc mắt quát to”, miệng la, mắt trợn làm hòa khí trong gia đình không còn nữa.

            Không riêng người tục, cả đến thầy tu;

            Kinh luận tranh giành, cùng nhau công kích.

Tưởng đâu sân chỉ có nơi người thế gian, không ngờ trong giới thầy tu cũng có, đem kinh luận ra tranh hơn thua rồi công kích lẫn nhau.

            Chê cả Sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha;

            Cỏ nhẫn héo vàng, lửa độc rực cháy.

Khi đã sân rồi, thầy không kể, cha mẹ không màng, nói nặng nói nhẹ đều được hết. Người tu theo Phật là phải tập hạnh nhẫn nhục, khi nổi sân thì cỏ nhẫn bị héo khô vì lửa sân cháy rực.

            Buông lời hại vật, cất tiếng hại người;

            Không nhớ từ bi, chẳng theo luật cấm.

Nói lời nào cũng làm cho người đau khổ, cất tiếng gì cũng làm hại người. Khi sân rồi có nhớ từ bi không? Giận thì không có thương, thương thì không có giận. Thế nên khi nổi sân thì giới luật lòng từ đều quên mất. Như Phật dạy chúng ta phải sống với tinh thần lục hòa, thế mà khi nổi giận, thì không nhớ khẩu hòa vô tránh.

            Bàn thiền tợ Thánh, trước cảnh như ngu;

            Dầu ở cửa không, chưa thành vô ngã.

Hai câu này chính là nhắc chư Tăng, nói lý Thiền thì hay lắm, thấy như thành Phật dễ dàng, nhưng gặp cảnh thì như ngu. Lúc bình tĩnh sáng suốt nói đạo rất hay, nhưng gặp ai nói trái tai, hành động trái mắt thì trí tuệ bay đâu mất, toàn thốt lên những lời si mê. Tỉ dụ như khi tỉnh nói Phật dạy người tu phải luôn luôn sáng suốt, những gì người thế gian say mê mình phải xem là thường, là giả dối. Nhưng có nhiều thầy tu kha khá khi gặp những người nữ đẹp nói ngọt vài câu thì thấy cái gì cũng thật, quên mất thế gian là huyễn hóa. Dầu ở cửa không mà chưa thành vô ngã, nhà Phật nói cửa Thiền là cửa không (không môn), nhưng gặp cảnh thì ngã còn rõ ràng, nên chưa thành vô ngã.

            Như cây sanh lửa, lửa cháy đốt cây;

            Những tội trên đây, đều do nghiệp giận.

Chúng ta dùi cây ra lửa, khi lửa cháy thì cây bị đốt trở lại, cũng như vậy nơi tâm sanh ra nóng giận, sự nóng giận đó trở lại hại chúng ta. Như vậy những tội lỗi đó là do nghiệp sân.

3.- TỘI NGU SI LÀ:

            Căn tánh đần độn, ý thức tối tăm;

            Chẳng hiểu tôn ti, không phân thiện ác.

Người ngu si là do căn tánh đần độn, ý thức tối tăm. Tôn là bực lớn, ti là kẻ nhỏ, ai đáng quí, ai đáng trọng cũng không biết, ai ngang bằng hoặc thấp hơn cũng không hay, tức là không phân biệt kẻ trên người dưới, không thấy rõ ràng việc nào thiện, việc nào ác, đó là do gốc ngu si.

            Chặt cây hại mạng, giết gấu gãy tay;

            Mắng Phật chuốc ương, phun trời ướt mặt.

Chặt cây hại mạng giết gấu gãy tay, hai câu chuyện này ở trong truyện cổ Việt Nam.

Thuở xưa có người nhà quê ngu ngốc, một hôm đi mé cây, có một nhánh lớn chia hai, anh cầm búa lên mé nhánh, thấy đứng phía trong gần thân cây khó chặt, anh ra ngồi phía ngoài xây vào chặt phía trong, nhánh gãy anh té chết, nên chặt cây hại mạng là nói sự ngu si đó. Giết gấu gãy tay là nói một người cũng ngu si như vậy. Anh vào rừng một tay cầm rựa, một tay đánh đòng xa chợt có con gấu nhảy ra cắn tay anh, nhưng chưa trúng, anh lấy rựa chặt cánh tay rớt xuống cho gấu khỏi cắn trúng tay. Nếu người khôn thì giựt tay lên không chặt tay. Đó là hai hình ảnh người ngu đáo để. “Mắng Phật chuốc ương”, khi muốn cầu điều gì, xin Phật ban ơn xuống phước cho nhưng cầu mãi không được nên chê bai Phật không linh... đó là chuốc tai ương. “Phun trời ướt mặt”, ngày xưa có những người làm ruộng, đến mùa gặt lúa, đập lúa xong đem ra sân phơi, bỗng trời mưa ào xuống, tức quá họ ngửa mặt lên trời chửi, càng chửi càng phun nước miếng cho dơ trời, không ngờ nước miếng rớt xuống dơ mặt.

            Quên ơn quên đức, bội nghĩa bội nhân;

            Không tỉnh không xét, đều do si nghiệp.

Người có ơn sanh thành dưỡng dục hoặc có ơn giúp đỡ mình trong khi khốn khổ mà không nhớ là quên ơn bội nghĩa. Không tỉnh không xét đều do nghiệp si.

            Những tội như thế, rất nặng rất sâu;

            Đến lúc mạng chung, rơi vào địa ngục.

            Trải ngàn muôn kiếp, mới được thọ sanh;

            Dù được thọ sanh, lại mắc ngu báo. 

Những tội đó là tội đọa địa ngục. Đến khi hết nghiệp ở địa ngục được lên làm người, nhưng do dư báo nên cũng lại ngu ngốc nữa.

            Nếu không sám hối, đâu được tiêu trừ;

            Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH

            Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật

            Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.

            Mở rộng tâm từ bi vô lượng,

            Đồng độ chúng sanh lên bờ kia.

CHÍ TÂM TÙY HỈ

            Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,

            Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.

            Thềm thang Thập địa nguyện sớm lên,

            Bồ-đề chân tâm không lui sụt.

CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG

            Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,

            Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.

            Nguyện đem công đức đến quần sanh,

            Nương thắng nhân này thành Chánh giác.

(Những bài này đã giảng.)

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

            Một nguyện nguồn linh thường trong lặng,

            Hai nguyện tạng thức dứt lăng xăng,

            Ba nguyện khối nghi đều tan nát,

            Bốn nguyện trăng định mãi tròn đầy.

            Năm nguyện pháp trần không khởi diệt,

            Sáu nguyện lưới ái lìa buộc ràng,

            Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập địa,

            Tám nguyện nghe suốt bỏ Tam thiên.

            Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót,

            Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên,

            Mười một nguyện mở lòng nghe Phật dạy,

            Mười hai nguyện mến thích Tổ sư Thiền.

 

“Một nguyện nguồn linh thường trong lặng.” Nguồn linh là chỉ cho nguồn giác. Nguyện nguồn giác sẵn có của chúng ta thường trong lặng, đừng bị phiền não làm nhơ đục.         

“Hai nguyện tạng thức dứt lăng xăng”, tức là trong kho tạng thức dứt hết, không còn dung chứa các pháp trần làm cho nó lăng xăng.

“Ba nguyện khối nghi đều tan nát.” Khối nghi ở đây có nghĩa là những người tu thiền khi đã dồn tâm thành khối, không còn niệm khởi, chỉ còn một khối nghi, khi khối nghi nát ra thì ngộ đạo. Chúng ta cũng tu thiền nhưng không dùng thoại đầu, không có khối nghi nhưng chúng ta cũng có nghi. Thí dụ chúng ta thấy chư Phật dạy phải đạt được tánh giác hay chân tâm, mà khi chưa đạt chân tâm, chưa ngộ tánh giác chúng ta cũng nghi không biết chân tâm, tánh giác như thế nào. Khi tâm lặng rồi, bỗng một lúc nào cái nghi của chúng ta tan nát, liền ngộ được chân tâm, thấy được tánh giác, đó là tan được khối nghi.

“Bốn nguyện trăng định mãi tròn đầy”, tức là trăng thiền định luôn luôn tròn đầy.   

“Năm nguyện pháp trần không khởi diệt.” Pháp trần tức là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, mỗi trần đều có bóng dáng dồn chứa vào trong kho tàng thức. Thí dụ ra chợ thấy cái gì đẹp chúng ta thích, về nhà ngồi yên bỗng dưng nhớ lại những hình ảnh ngoài chợ, hoặc nghe tiếng gì hay, một lúc sau ngồi yên nhớ lại tiếng đó, tức là những bóng dáng qua rồi mà còn chứa đựng trong tâm, đó gọi là pháp trần.

“Sáu nguyện lưới ái lìa buộc ràng.” Ái có ba thứ, ái ngã là một, dứt được ái ngã không phải là dễ. Đến ái người thân, những người mình thương mến. Thứ ba là ái cảnh, tạo được cảnh vừa ý, chúng ta ái cảnh đó. Nay nguyện tất cả những lưới ái đều không còn buộc ràng được mình.

“Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập địa.” Nguyện thường nhớ nghĩ thực hành cho được Thập địa Bồ-tát.

“Tám nguyện nghe suốt bỏ tam thiên.” Tam thiên là ba cõi trời: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nguyện nghe thấu suốt được pháp giải thoát của Phật, không còn kẹt trong tam thiên nữa.

“Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót.” Tâm vượn tức tâm viên trong từ ngữ tâm viên ý mã. Nguyện tâm viên này được yên lặng không còn nhảy nhót.

“Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên.” Ý ngựa (ý mã) không còn gì ràng buộc cột trói nữa. Tâm ý như con vượn, con ngựa lăng xăng. Nay làm thế nào cho ngựa thuần, ngựa thuần rồi thì không cần dây cương; khỉ nhảy nhót thì phải nhốt trong lồng, khi hết nhảy mới thả được. Như vậy đây là lời nguyện cho tâm ý được lặng lẽ, trong sáng.

“Mười một nguyện mở lòng nghe Phật dạy.” Nguyện tâm mình mở rộng để đón nhận những lời dạy của Phật, lời nào cũng thấm nhuần, thấu đáo.

“Mười hai nguyện mến thích Tổ sư Thiền.” Nghe lời dạy của chư Tổ về Thiền tông, chúng ta ưa thích chớ không sợ, không chán.

KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY

            Tiếng pháp khua tan mộng thế trần,

            Chuông chùa phá vỡ điếc ngu mông.

            Còn ưa gối đầu trong tối ngủ,

            Chẳng quản trời đông đã rạng ngời.

            Mù mịt đêm dài thì có sáng,

            Lờ mờ đường tối lại khó thông.         

            Ngày nay nếu chẳng siêng hành đạo,

            Khi khác làm sao gặp Thế Tôn.

“Tiếng pháp khua tan mộng thế trần.” Chúng ta sống trên thế gian, tuy bảy, tám mươi năm, nhưng đến tuổi sắp mãn cuộc đời, nhớ lại những gì chúng ta đã tạo, chẳng khác nào như giấc mộng, giấc mộng trần gian. Muốn tan giấc mộng, chỉ nhờ tiếng pháp của Phật chúng ta mới tỉnh thức, không còn mê lầm nữa.

“Chuông chùa phá vỡ điếc ngu mông.” Ngu mông là kẻ ngu mê, mù tối. Tiếng pháp, tiếng chuông của đạo làm cho người điếc, người ngu và mê mờ đều sớm thức tỉnh.

            Còn ưa gối đầu trong tối ngủ,

            Chẳng quản trời đông đã rạng ngời.

Chúng ta còn kê đầu trên gối mê ngủ trong tối mà không nhớ phương đông mặt trời đã rạng ngời.

            Mù mịt đêm dài thì có sáng,

            Lờ mờ đường tối lại khó thông.

Mù mịt nên nói là đêm dài nhưng thật ra có đêm thì sẽ có ngày, tối rồi sẽ sáng. Tuy nhiên đã sống trong đêm dài mù mịt thì đường trước lờ mờ, mù tối khó thông.

            Ngày nay nếu chẳng siêng hành đạo,

            Khi khác làm sao gặp Thế Tôn.

Ngài nhắc chúng ta ngày nay đang trong cảnh mờ mịt tối tăm phải ráng thức tỉnh cố gắng tu hành thì ngày khác chúng ta mới được gặp Phật.

Tổng kết lại, Lục thời Sám hối của vua Trần Thái Tông có những ý nghĩa đặc biệt mà chúng ta phải học, phải hành. Trong các kinh A-hàm, đức Phật luôn luôn dạy chúng ta phải thu nhiếp sáu căn, từ hành động đến ý nghĩ lúc nào cũng phải gìn giữ, đừng buông lung sáu căn chạy theo sáu trần. Thuở xưa Phật dạy các thầy Tỳ-kheo khi ra đường không được nhìn hai bên chỉ nhìn trước mấy thước tây thôi, vì e thấy cảnh rồi dính mắc về ngồi thiền khó an nên phải hạn chế. Đến phần giới luật, cũng là thu nhiếp sáu căn. Không sát sanh, không trộm cướp là nhiếp thân căn, giới nói dối thuộc về miệng (khẩu), cấm uống rượu thuộc về lưỡi. Trong giới Sa-di cấm xoa hương thuộc về mũi v.v..., như vậy là tạo điều kiện cho chúng ta thu nhiếp sáu căn. Đức Phật nói rõ rằng Phật khác hơn người thường ở điểm người thường thả sáu căn chạy theo sáu trần, trái lại đối với sáu trần Phật không dính nhiễm, Ngài được giải thoát. Lại như trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan hỏi Phật: Cái gì là căn bản của của Bồ-đề Niết-bàn, cái gì là căn bản của phiền não sanh tử? Không phải chỉ đức Phật Thích-ca mà mười phương chư Phật đồng trả lời: “Sáu căn của ông là căn bản của phiền não sanh tử, sáu căn của ông là căn bản của Bồ-đề Niết-bàn.” Như vậy sáu căn là cội gốc của trầm luân sanh tử, cũng chính là cội gốc của Bồ-đề Niết-bàn. Thế nên chúng ta phải nương nơi sáu căn mà tu, ngăn không cho sáu căn ô nhiễm, dính mắc các trần.

Đến các Thiền sư thì thế nào? Có người hỏi ngài Huệ Hải: “Thế nào là giải thoát?” Ngài đáp: “Căn trần không dính nhau là giải thoát.” Như vậy gốc cũng là sáu căn. Gần nhất ngài Sơ tổ Trúc Lâm, trong bài Cư Trần Lạc Đạo, câu kệ cuối Ngài nói: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Đối cảnh là gì? Là mắt đối với sắc, tai đối với thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, nghĩa là năm căn đối với năm trần, tâm không dính mắc thì đừng hỏi thiền nữa vì đó là thiền. Tóm lại ngay sáu căn khéo đừng dính mắc sáu trần đó là gốc của Thiền, cũng là gốc của Kinh, gốc của Phật dạy.

 

Kết Luận

Như vậy ngài Trần Thái Tông dùng sáu thời sám hối để sám hối sáu căn, điều đó thật là chí thiết đối với sự tu hành. Đọc Lục thời Sám hối chúng ta thấy Ngài khéo dùng ngôn ngữ vừa thực tiễn vừa văn chương để nhắc nhở sách tấn chúng ta. Đứng về mặt giáo lý, bài này là pháp tu căn bản cho người học Phật, đứng về mặt văn chương, đây là những áng văn có giá trị. Ngài đã có một cái nhìn tường tận thấu đáo, lại khéo diễn tả, thật đáng cho chúng ta cảm phục. Là một vị vua cai trị muôn dân, việc triều chính đa đoan mà Ngài vẫn có ngày giờ nghiên cứu Kinh điển, viết những áng văn hay để chỉ dạy người sau, thật là việc hi hữu. Chúng ta hiện nay chỉ làm trụ trì với năm bảy mươi đệ tử mà không rảnh, vì thế chúng ta phải noi gương Ngài, gương cần mẫn, gương cố gắng tu hành, gương thương người sau. Người xưa làm được, ngày nay chúng ta cũng làm được, chỉ cần phải cố gắng. Thế nên chúng tôi đem sáu thời sám hối này để dạy Tăng Ni ứng dụng tu hành. Mỗi đêm tụng một lần, không phải tụng cho tiêu nghiệp chướng, rồi vẫn để sáu căn chạy theo sáu trần. Không phải tụng suông mà tụng để nhớ rồi ứng dụng tu, như thế mới có lợi. Đó là lời nhắc nhở của tôi.

Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:

> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm

> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - (13.7-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG CUỐI ĐÊM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.6-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN THÂN

> KHÓA HƯ LỤC - (13.6-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG NỬA ĐÊM

> KHÓA HƯ LỤC - (13.5-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN LƯỠI

> KHÓA HƯ LỤC -  (13.5-1): SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI ĐẦU HÔM