Astrology.vn - Người không đủ mắt là người mù. Nhóm không biết đường giống như kẻ mù, dù ban ngày vẫn không thấy lối đi. Người thế gian không biết tu, chỉ mê say theo ngoại cảnh, đối với con đường Niết-bàn hẳn họ là kẻ quên đường. Đây là Ngài muốn nhắc cho mọi người thức tỉnh tu hành.
Dịch
Cúi mong, chân trời ráng hiện, khói tụ non xa. Thân đến đàn tràng thanh tịnh, đầu lễ Hiền Thánh từ bi. Mong thấu lòng thành, kính đốt hương báu. Hương này, danh cao ở Bồng đảo, phẩm lạ ở Lục dương. Nào phải trầm thủy dâng từ Lâm Ấp, chẳng như tô du cống hiến của Đại Tần. Mùi hơn xạ hương ở Phong huyện vị quá Ô trành long não. Riêng chiếm giá cao bậc nhất, mùi thơm vượt hẳn các hương. Hương báu vừa bay, chiếu phạm huân thành đàn thế giới. Lò vàng mới đốt, xoay vần kết tụ thận lầu đài. Tìm đến, Càn thành tan ảo hóa, ngửi mùi địa ngục hết chua cay. Nay mặt trời lặn, thắp hương cúng dường.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH
Nguyện mây hương hoa này, khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền; vừa rời đài Quang minh, qua cõi nước vô biên trong vô biên cõi Phật, nhận dùng làm Phật sự, xông khắp các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.
Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.
(một lạy)
TÂU BẠCH
(Lại niêm hương quì bạch)
Kính bạch: Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Vung kiếm tuệ ở rừng tà, quạt gió từ vào nhà lửa. Trộm nghe: ráng đỏ phủ đầu non, mặt trời vừa gác núi. Đầu thành giọng ốc thổi buồn thiu, chày nện ngoài rèm nghe ảm đạm. Thuyền chài quay lại bến cất tiếng hát chiều, chim bay trở về rừng nhẹ nhàng vỗ cánh. Phờ phạc đàn cò đậu bãi cát; tiêu sơ bờ liễu dế ngâm sầu. Đồng ruộng lập lòe vài đóm lửa, trời cao lơ lửng trăng lưỡi liềm. Cửa phên hờ khép gà vào chuồng; đèn lửa chưa lên trâu lại ngõ. Lữ khách thúc ngựa chạy như tên bắn; thuyền về chèo gấp nhanh tợ thoi đưa. Thương thay kẻ mê lại vào đường tối. Ngày sáng trưng còn chẳng biết lối đi, đêm càng tối lối về nhà quên bẵng. Nhóm kia như người không đủ mắt, cảnh này quyết hẳn kẻ quên đường.
Các Phật tử! Phải nhớ vô thường nhanh chóng, chớ tham phù thế xa hoa. Cần kíp kéo mũi xoay đầu, chớ để buông tâm phóng chạy. Mỗi người soi sáng bên trong, không cho theo cảnh tìm ngoài. Nếu là tri âm, hãy mau tiến bước.
Đệ tử chúng con kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ mặt trời lặn.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Giảng
DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN
“Cúi mong, chân trời ráng hiện, khói tụ non xa. Thân đến đàn tràng thanh tịnh, đầu lễ Hiền Thánh từ bi. Mong thấu lòng thành, kính đốt hương báu. Hương này danh cao ở Bồng đảo, phẩm lạ ở Lục dương. Nào phải trầm thủy dâng từ Lâm Ấp, chẳng như tô du cống hiến của Đại Tần. Mùi hơn xạ hương ở Phong huyện, vị quá Ô Trành long não. Riêng chiếm giá cao bậc nhất, mùi thơm vượt hẳn các hương. Hương báu vừa bay, chiếu phạm huân thành đàn thế giới. Lò vàng mới đốt, xoay vần kết tụ thận lầu đài. Tìm đến Càn thành tan ảo hóa, ngửi mùi địa ngục hết chua cay. Nay mặt trời lặn, thắp hương cúng dường.”
Thắp hương cúng dường mà cũng rất nên thơ.
“Cúi mong, chân trời ráng hiện”, khi mặt trời lặn, chân trời hiện ráng vàng và khói tụ ở non xa.
“Thân đến đàn tràng thanh tịnh, đầu lễ Hiền Thánh từ bi”, đến trước Phật điện đảnh lễ Phật, Bồ-tát, mong các ngài thấu tấm lòng thành, nên đốt hương báu này cúng dường.
“Hương này danh cao ở Bồng đảo” tức là ở đảo Bồng lai, hương này rất quí.
“Phẩm lạ ở Lục dương.” Lục dương là biển xanh, chỉ một đảo ở ngoài biển như đảo Bồng lai, có người nghi đảo này ở biển Thái Bình Dương.
“Nào phải trầm thủy dâng từ Lâm Ấp.” Lâm Ấp chỉ cho miền Trung nước Việt Nam khoảng tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi trở vào trong. Thời Hán xâm chiếm Nam Việt thì đây là vùng đất gọi là huyện Tượng Lâm.
“Chẳng như tô du cống hiến của Đại Tần”, tô du là một thứ dầu thơm từ Đại Tần đem qua. Đại Tần là chỉ các nước Ba Tư, Ai Cập, La Mã.
“Mùi hơn xạ hương ở Phong huyện.” Xạ hương là mùi thơm của con xạ, tức là một con thú rừng giống như con hươu nhỏ, không có sừng, lông đen, dưới bụng có một bọng da lớn bằng quả trứng gà, mùi rất thơm gọi là xạ hương. Phong huyện là tên một huyện ở phía Tây Bắc huyện An Hương tỉnh Hồ Nam, thuộc Trung Quốc.
“Vị quá Ô Trành long não.” Ô Trành là nước Ô Trành, tên một nước ở phía Bắc Ấn Độ.
“Riêng chiếm giá cao bậc nhất, mùi thơm vượt hẳn các hương.” Hương này là hạng nhất, hơn tất cả loại hương.
“Hương báu vừa bay, chiếu phạm huân thành đàn thế giới.” Hương báu này bay tới đâu, những nơi đó đều trải chiếu thanh tịnh huân tập thành đàn tràng khắp cả thế giới.
“Lò vàng mới đốt, xoay vần kết tụ thận lầu đài.” Thận lầu đài là dịch chữ thận khí lâu, lâu là lầu, thận là con sò, trong kinh thường hay dụ lầu sò. Khi khí trời tạnh trong, ngoài hải đảo có những ảnh giả do ánh sáng soi mặt biển rọi lên trên không thành muôn hình vạn trạng, ngày xưa cho là con sò thần hóa ra nên gọi là thận lâu thị, còn gọi là Càn-thát-bà thành, tức thành Càn-thát-bà, mắt nhìn thấy mà không có thật, đó là ảo ảnh. Thế nên:
“Tìm đến Càn thành tan ảo hóa”, Càn thành là thành Càn-thát-bà, biến tan như ảo hóa.
“Ngửi mùi địa ngục hết chua cay”, ai ngửi được mùi thơm của hương báu này thì những khổ đau ở địa ngục đều dứt.
“Nay mặt trời lặn, thắp hương cúng dường.”
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra, hoa nở rộn,
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm.
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
HIẾN DÂNG HƯƠNG HOA RỒI BẠCH
“Nguyện mây hương hoa này, khắp cả mười phương cõi, cúng dường tất cả Phật, tôn Pháp chư Bồ-tát, vô lượng chúng Thanh văn và tất cả Thánh Hiền; vừa rời đài Quang minh, qua cõi nước vô biên trong vô biên cõi Phật, nhận dùng làm Phật sự, xông khắp các chúng sanh, đều phát tâm Bồ-đề.
Cúng dường rồi, chí tâm qui mạng lễ mười phương Vô thượng Tam Bảo.”
Những bài này đã giảng.
TÂU BẠCH
(Niêm hương quì bạch)
“Kính bạch: Mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Vung kiếm tuệ ở rừng tà, quạt gió từ vào nhà lửa.”
“Mười phương Đại Giác” tức là chư Phật khắp mười phương. “Ba đời Hùng Sư” là ba đời chư Phật. Nguyện Ngài “vung kiếm tuệ ở rừng tà”, tất cả rừng tà Ngài dùng kiếm bén chặt đứt hết. “Quạt gió từ vào nhà lửa”, Ngài quạt gió từ bi làm mát nhà lửa tam giới.
“Trộm nghe: Ráng đỏ phủ đầu non, mặt trời vừa gác núi. Đầu thành giọng ốc thổi buồn thiu, chày nện ngoài rèm nghe ảm đạm. Thuyền chài quay lại bến, cất tiếng hát chiều, chim bay trở về rừng nhẹ nhàng vỗ cánh. Phờ phạc đàn cò đậu bãi cát; tiêu sơ bờ liễu dế ngâm sầu. Đồng rộng lập lòe vài đóm lửa, trời cao lơ lửng trăng lưỡi liềm. Cửa phên hờ khép gà vào chuồng; đèn lửa chưa lên trâu lại ngõ. Lữ khách thúc ngựa chạy như tên bắn; thuyền về chèo gấp nhanh tợ thoi đưa. Thương thay kẻ mê lại vào đường tối. Ngày sáng trưng còn chẳng biết lối đi, đêm càng tối lối về nhà quên bẵng. Nhóm kia như người không đủ mắt, cảnh này quyết hẳn kẻ quên đường.
Các Phật tử! Phải nhớ vô thường nhanh chóng, chớ tham phù thế xa hoa. Cần kíp kéo mũi xoay đầu, chớ để buông tâm phóng chạy. Mỗi người soi sáng bên trong, không cho theo cảnh tìm ngoài. Nếu là tri âm, hãy mau tiến bước.
Đệ tử chúng con kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ mặt trời lặn.”
Đoạn này Ngài diễn tả cảnh mặt trời lặn. “Ráng đỏ phủ đầu non, mặt trời vừa gác núi.” Khi mặt trời lặn nhìn đầu non thấy ráng đỏ sáng rực.
“Đầu thành giọng ốc thổi buồn thiu, chày nện ngoài rèm nghe ảm đạm.” Ốc là tù và. Thuở xưa là tiếng ốc, nay là kèn, đầu thành giọng ốc thổi buồn thiu. Tiếng chày giã gạo hoặc nện vải ngoài rèm nghe ảm đạm.
“Thuyền chài quay lại bến, cất tiếng hát chiều, chim bay trở về rừng nhẹ nhàng vỗ cánh.” Chiều đến những ngư phủ quay thuyền chèo vào bến, cất tiếng hát buổi chiều. Khi mặt trời lặn, những đàn chim cùng nhau nhè nhẹ vỗ cánh bay về rừng.
“Phờ phạc đàn cò đậu bãi cát; tiêu sơ bờ liễu dế ngâm sầu.” Những con cò đi kiếm ăn đến chiều mệt mỏi đậu trên bãi cát; nơi bờ liễu cây cối lưa thưa xơ xác, bầy dế đang ngâm sầu. Dế ngâm sầu hay người sầu? Nghe dế ngâm chúng ta tưởng nó cũng sầu!
“Đồng rộng lập lòe vài đóm lửa, trời cao lơ lửng trăng lưỡi liềm.” Ngoài đồng mênh mông vài đóm lửa đom đóm lập lòe, trên trời mặt trăng lưỡi liềm vừa hiện.
“Cửa phên hờ khép gà vào chuồng, đèn lửa chưa lên trâu lại ngõ.” Cửa trong nhà khép hờ chưa kín hẳn, gà túc túc gọi nhau dẫn về chuồng. Trong nhà đèn chưa đốt mà ngoài cổng trâu đã kéo nhau về. Đây là diễn tả cảnh vật chung quanh vào buổi đầu hôm.
“Lữ khách thúc ngựa chạy như tên bắn. Thuyền chèo về gấp nhanh tợ thoi đưa.” Thấy trời sắp tối khách tha phương thúc ngựa chạy nhanh như tên bắn. Người chèo thuyền vội vã chèo để kịp về tới bến.
“Thương thay kẻ mê lại vào đường tối. Ngày sáng trưng còn chẳng biết lối đi. Đêm càng tối lối về nhà quên bẵng.” Thương cho người mê gặp ban đêm nên vào đường tối. Ngày sáng trưng còn mờ mịt không biết lối đi, huống nữa là đêm tối làm sao biết được đường về nhà? Đó là Ngài muốn nhắc cho chúng ta biết người thế gian lúc ban ngày còn không biết đường lối tiến tu, huống nữa là đêm tối thì làm sao nhớ?
“Nhóm kia như người không đủ mắt. Cảnh này quyết hẳn kẻ quên đường.” Người không đủ mắt là người mù. Nhóm không biết đường giống như kẻ mù, dù ban ngày vẫn không thấy lối đi. Người thế gian không biết tu, chỉ mê say theo ngoại cảnh, đối với con đường Niết-bàn hẳn họ là kẻ quên đường. Đây là Ngài muốn nhắc cho mọi người thức tỉnh tu hành.
“Các Phật tử! Phải nhớ vô thường nhanh chóng, chớ tham phù thế xa hoa”, vô thường hay cái chết rất là mau gấp, phải nhớ nó luôn chực sẵn bên mình, chỉ một phút sẩy tay sơ ý là có thể mất mạng. Thế nên đừng tham cảnh xa hoa ở thế gian tạm bợ này. Phù là tạm bợ như bong bóng nổi, không có gì đáng ưa thích.
“Cần kíp kéo mũi xoay đầu, chớ để buông tâm phóng chạy.” Cần gấp kéo mũi con trâu của mình xoay trở lại chớ để nó phóng chạy ra ngoài. “Kéo mũi” từ chuyên môn gọi là phản quan tức là xoay chiếu lại nơi mình. Thế nên phải sám hối sáu căn. Mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng ta đang phóng ra ngoài, giống như con trâu đang chạy hung hăng ngoài đồng ruộng. Nay muốn cho sáu căn quay trở lại soi sáng nơi mình, giống như kéo mũi trâu trở về chuồng, vì trâu nào cũng đang ngó cỏ ngoài đồng ruộng. Thế nên tu là phải kéo mũi nó xoay trở lại đừng để nó tha hồ phóng chạy.
“Mỗi người soi sáng bên trong, không cho theo cảnh tìm ngoài.” Mỗi người chúng ta đều phải soi sáng lại bên trong, đừng tìm theo cảnh bên ngoài. Nhưng hiện nay chúng ta đang làm gì? Trăm người như một đều đang chạy theo cảnh bên ngoài. Ngài Toàn Khoát có nói: “khước vật là thượng, trục vật là hạ”, nghĩa là từ chối không theo cảnh là người bậc thượng, theo cảnh là bậc hạ. Như vậy soi sáng bên trong là thượng, theo cảnh tìm ngoài là hạ. Nếu tất cả ai cũng biết soi sáng bên trong thì trên đường tu chúng ta không có chuyện gì phải dao động, phải luận bàn. Tới lui qua lại đều nhìn từng niệm, không cho theo cảnh mà phải soi sáng lại nội tâm, đó là chúng ta tu thiền.
“Nếu là tri âm hãy mau tiến bước.” Nếu là người tri âm thông cảm được với Ngài thì hãy nhanh chân tiến bước, nghĩa là phải mau soi sáng lại mình, đừng chạy theo cảnh bên ngoài. Đây là lời nhắc nhở rất thiết yếu, khuyên chúng ta phải ráng vận dụng sáu căn soi sáng nội tâm, mỗi người nên tiến bước đừng chậm trễ, đừng chần chờ.
“Đệ tử chúng con kính tưởng thời này, lấy làm khóa lễ mặt trời lặn.”
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
> KHÓA HƯ LỤC - (13.4-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI MẶT TRỜI LẶN
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI SÁNG