Astrology.vn - Để kết thúc Ngài khuyên chúng ta phải thức tỉnh quay về soi lại mình, những kẻ chỉ biết rong ruổi ra ngoài, sẽ chuốc khổ trong đời này kể cả đời sau. Lời khuyên này rất quí báu, mỗi khi đọc lại, chúng ta thức tỉnh, nhớ tu hành.
Dịch
SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
NGHIỆP CĂN TAI LÀ:
Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà;
Mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng.
Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc long ngâm;
Văng vẳng mõ chuông, coi như ếch nhái.
Câu ví bài vè, bỗng nhiên để dạ;
Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai.
Thoảng nghe khen hão, khấp khởi mong cầu;
Biết rõ lời lành, đâu từng ưng nhận.
Vài ba bạn rượu, năm bảy khách chơi;
Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích.
Hoặc gặp thầy bạn, dạy bảo đinh ninh;
Những điều hiếu trung, che tai bỏ mặc.
Hoặc nghe tiếng xuyến, bỗng nẩy lòng dâm;
Nghe nửa câu kinh, liền như tai ngựa.
Những tội như thế, vô lượng vô biên;
Đầy ắp bụi trần, kể sao cho xiết.
Sau khi mạng chung, rơi ba đường ác;
Hết nghiệp thọ sanh, lại làm người điếc.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ;
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật,
Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.
Mở rộng tâm từ bi vô lượng,
Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM TÙY HỈ
Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,
Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.
Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,
Bồ-đề chân tâm không lui sụt.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG
Chúng con hồi tâm về thánh chúng,
Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.
Nguyện đem công đức đến quần sanh,
Nương thắng nhân này thành Chánh giác.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN
Một nguyện nghe tiếng liền ngộ đạo,
Hai nguyện nghe khổ sớm tu hành,
Ba nguyện nghe suốt khắp bốn phương,
Bốn nguyện nghe vui vô sanh tột.
Năm nguyện lời tà tai không dính,
Sáu nguyện chánh ngữ chóng nghe rành,
Bảy nguyện tiếng pháp thường gần gũi,
Tám nguyện trống pháp cần lắng nghe.
Chín nguyện Quán Âm cùng tay nắm,
Mười nguyện Khánh Hỷ đồng nổi danh,
Mười một nguyện nhóm điếc thường phá chướng,
Mười hai nguyện hai tai hằng suốt thông.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY
Chớp mắt vầng ô vừa mới mọc,
Quay đầu bóng nhật giữa vòm trời.
Trọn tham gỗ mục say mê ngủ,
Nào tỉnh bóng hòe đã đổi đời.
Phút chốc hoa tươi lần rơi rụng,
Dần dà mạng nấm thạnh rồi suy.
Mọi người sớm tỉnh xoay soi lại,
Tự khổ ruổi rong khắp nẻo đường.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Giảng
SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
Những câu này đã giảng trong bài trước.
NGHIỆP CĂN TAI LÀ:
Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà;
Mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng.
“Ghét nghe chánh pháp”: ngồi nghe kinh một chút là muốn ngủ gục và nói: Cứ đem mấy điều luân lý nói hoài chán quá! Trái lại nếu ai ca hát hoặc nói đùa chơi v.v... thì chú tâm nghe không biết chán, lại còn nhớ nữa. Đó là bệnh của tai. Thế nên “mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng”. Vì thích lời tà nên quên mất gốc chân. Mê đây là quên cái chân thật của chính mình. Đuổi theo ngoại vọng là đuổi theo những vọng tưởng điên đảo bên ngoài. Chỉ bốn câu đã thấy bệnh chúng ta cũng trầm trọng.
Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc long ngâm;
Văng vẳng mõ chuông, coi như ếch nhái.
Nghe tiếng sáo tiếng đàn thì khen ngợi là hay như những khúc long ngâm. Long ngâm là tên một khúc nhạc hay thời cổ Trung Quốc. Theo Trịnh Thuật Tổ truyện trong bộ Bắc Tề Thư thì Trịnh Thuật giỏi đàn, tự chế ra mười bài long ngâm nên được xem là Tổ về long ngâm, vì thế người ta gọi là Tổ Thuật. Nói đến long ngâm là nói đến những bản nhạc hay. Còn nghe chuông nghe mõ thì cho là inh ỏi giống như nhái ếch kêu chớ không quan tâm. Đó là hai hình ảnh mà tai chúng ta hay lầm lẫn.
Câu ví bài vè, bỗng nhiên để dạ;
Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai.
Bài vè, câu ví là những bài có vẻ chế nhạo kẻ này người kia. Câu ví bài vè nghe qua liền thuộc nhớ, còn lời kinh câu kệ nghe thì buồn, bỏ đi không chút lắng tai.
Thoảng nghe khen hão, khấp khởi mong cầu;
Biết rõ lời lành đâu từng ưng nhận.
Khen hão tức là khen để được lòng. Mình không tốt nhưng muốn được lòng mình thì người khen đủ điều tốt. Thoảng nghe khen hão liền thích, khấp khởi mong cầu, chờ xem còn khen thêm gì nữa. Nếu bị chê thì không thích nghe. Đó là bệnh của đa số chúng ta. “Biết rõ lời lành đâu từng ưng nhận”, những lời lành người ta khuyên thí dụ chúng ta đang buồn giận một người nào, huynh đệ tới khuyên thôi đừng buồn giận e chướng đạo v.v... thì không ưng thuận. Chúng ta phải kiểm lại bệnh của mình, nếu có, phải tha thiết sám hối.
Vài ba bạn rượu, năm bảy khách chơi;
Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích.
Những người uống rượu nói việc say sưa hoặc những kẻ kể chuyện ăn chơi, khen chê v.v... nghe những điều đó mình lại lắng tai, chuyện không nên nghe mà tai cứ thích. Đó là rất dở.
Hoặc gặp thầy bạn, dạy bảo đinh ninh;
Những điều hiếu trung che tai bỏ mặc.
Thầy bạn dạy nhắc hết lời khô cổ mà che tai không chú ý.
Hoặc nghe tiếng xuyến, bỗng nẩy lòng dâm;
Nghe nửa câu kinh, liền như tai ngựa.
Trong Luật kể chuyện một Sa-di ở trong phòng, một cô thiếu nữ đi bên ngoài, tiếng xuyến chạm khua, ông liền động tâm.
“Nghe nửa câu kinh liền như tai ngựa”, nghĩa là nghe nửa câu kinh rồi nghễnh tai không biết gì, không chú ý. Thường người ta hay nói đàn khảy tai trâu hay nước xao đầu vịt là nghe mà không dính dáng. Lẽ ra người tu nghe kinh thì phải lắng tai chăm chú nhưng trái lại nửa câu kinh cũng không chịu nghe, nếu có nghe thì không lọt vào tai, không dính vào tâm. Đó là để chỉ bệnh xem thường đạo lý chỉ thích những điều tầm thường ở thế gian.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Đầy ắp bụi trần, kể sao cho xiết.
Những tội như vậy nhiều vô lượng vô biên, như bụi đầy cả không gian không sao kể hết.
Sau khi mạng chung, rơi ba đường ác,
Hết nghiệp thọ sanh, lại làm người điếc.
Bởi tai tạo tội như thế nên sau khi chết phải đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Khi nghiệp ác trong địa ngục đã hết, còn dư báo nên sanh làm người điếc.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ,
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
Đây là ngài Trần Thái Tông nhắc lại cho chúng ta nhớ những bệnh của mình để chừa sửa, nếu không thì do thói quen cứ chạy theo điều dở, không biết quí những điều hay, nên phải trầm luân nhiều đời nhiều kiếp. Nay thức tỉnh phải bỏ những điều dở, lắng nghe những điều hay thì khả dĩ mới tiến được.
CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật
Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.
Mở rộng tâm từ bi vô lượng,
Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (Bờ giác).
CHÍ TÂM TÙY HỈ
Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,
Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.
Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,
Bồ-đề chân tâm không lui sụt.
CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG
Chúng con hồi tâm về Thánh chúng,
Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.
Nguyện đem công đức đến quần sanh,
Nương thắng nhân này thành Chánh giác.
Những bài này đã giảng trong bài trước.
CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN
Một nguyện nghe tiếng liền ngộ đạo,
Hai nguyện nghe khổ sớm tu hành,
Ba nguyện nghe suốt khắp bốn phương,
Bốn nguyện nghe vui vô sanh tột.
Năm nguyện lời tà tai chẳng dính,
Sáu nguyện chánh ngữ chóng nghe rành,
Bảy nguyện tiếng pháp thường gần gũi,
Tám nguyện trống pháp cần lắng nghe.
Chín nguyện Quán Âm cùng tay nắm,
Mười nguyện Khánh Hỷ đồng nổi danh,
Mười một nguyện nhóm điếc thường phá chướng,
Mười hai nguyện hai tai hằng suốt thông.
“Một nguyện nghe tiếng liền ngộ đạo”, nghĩa là nguyện nghe một câu, một lời liền ngộ đạo.
“Hai nguyện nghe khổ sớm tu hành” là nghe kể lại cảnh khổ liền thức tỉnh, lo tu hành sớm.
“Ba nguyện nghe suốt khắp bốn phương”, nghĩa là tiếng khắp bốn phương hay mười phương, tai đều nghe suốt không trở ngại.
“Bốn nguyện nghe vui vô sanh tột.” Nghe những điều vui liền tột cùng được lý vô sanh, không phải nghe vui rồi nhiễm theo điều vui.
“Năm nguyện lời tà tai chẳng dính”, tức là nghe lời nói sai, lời vô nghĩa đều không dính mắc.
“Sáu nguyện chánh ngữ chóng nghe rành.” Những lời chân chánh nghe được rõ ràng không nghi ngờ, không khó hiểu.
“Bảy nguyện tiếng pháp thường gần gũi”, nơi nào có giảng kinh thuyết pháp mình thường gần gũi để được nghe.
“Tám nguyện trống pháp cần lắng nghe”, thường lắng nghe trống pháp cho được thâm nhập.
“Chín nguyện Quán Âm cùng tay nắm”, nguyện nắm tay Bồ-tát Quán Thế Âm tức là nguyện làm bạn đồng tu hành với Bồ-tát Quán Thế Âm. Bồ-tát Quán Thế Âm tu pháp phản văn văn tự tánh, nên nguyện mình cũng được như Ngài.
“Mười nguyện Khánh Hỷ đồng nổi danh.” Khánh Hỷ là tên ngài A-nan, khi Ngài sanh ra trong triều đình được tin Phật thành đạo dưới cội bồ-đề, cả vua quan đều vui mừng nên đặt tên Ngài là Khánh Hỷ. Ngài Khánh Hỷ nổi danh đa văn đệ nhất. Như vậy trên nguyện học được hạnh phản văn tự tánh của Bồ-tát Quán Thế Âm, dưới nguyện đồng với ngài A-nan được nổi danh đa văn đệ nhất.
“Mười một nguyện nhóm điếc thường phá chướng”, phá hết chướng là hết ngăn che, nguyện cho tất cả người điếc đều nghe được thông suốt.
“Mười hai nguyện hai tai hằng suốt thông”, nguyện cho hai tai mình được suốt thông luôn luôn không trở ngại.
KỆ VÔ THƯỜNG THỜI NÀY
Chớp mắt vầng ô vừa mới mọc,
Quay đầu bóng nhật giữa vòm trời.
Trọn tham gỗ mục say mê ngủ,
Nào tỉnh bóng hòe đã đổi dời.
Phút chốc hoa tươi lần rơi rụng,
Dần dà mạng nấm thạnh rồi suy.
Mọi người sớm tỉnh xoay soi lại,
Tự khổ ruổi rong khắp nẻo đường.
Đây là lời nhắc nhở lý vô thường để chúng ta thức tỉnh.
Chớp mắt vầng ô vừa mới mọc,
Quay đầu bóng nhật giữa vòm trời.
Buổi sáng mặt trời mới mọc, bận việc lăng xăng một chút nhìn lên là đúng ngọ. Mặt trời đổi dời rất nhanh chóng, ngồi gẫm lại thật tức cười cho con người. Trái đất quay đều đều con người lại đặt từng chặng là một giờ, hai giờ v.v... nhưng trái đất đâu có dừng lúc nào. Nó chỉ quay đều, phía mặt trời thấy sáng, khuất mặt trời thấy tối, con người lại đặt ra ngày đêm, tháng năm để tính toán; như vậy tất cả chúng ta có mặt trên cõi đời này, dù nói năm, bảy mươi năm thật ra có nghĩa lý gì đâu, trái đất cứ quay đều, con người có mặt rồi mòn chết. Thế mà ngồi thiền cứ tính giờ tính khắc! Nên nghiêm chỉnh ngồi đến giờ kiểng đánh, đừng trông đợi làm chi, vì trông hay không thời gian vẫn cứ trôi. Khi ngồi nói chuyện đùa chơi, bàn lý này lẽ kia, không trông mà giờ qua mau quá, còn ngồi thiền nghiêm chỉnh lại thấy lâu, nghe mỏi lưng, nhức tay chân mà vẫn chưa hết giờ. Đó là do chúng ta đặt thời gian là quan trọng. Nay đừng nghĩ tới thời gian, chỉ biết tâm yên là vui, chớ muốn thời gian đi mau cũng không được.
Trọn tham gỗ mục say mê ngủ,
Nào tỉnh bóng hòe đã đổi dời.
Thân này như khúc gỗ mục, mà cứ ráng lo bảo vệ nó. Ví như chúng ta đi ngoài biển, thuyền bị đắm chợt gặp khúc gỗ mục chúng ta đeo nó nên không bị chết chìm. Nhưng đeo khúc gỗ mục rồi tự mãn, hay điều tốt thiết yếu là phải ráng bơi vào bờ vì khúc gỗ mục rồi cũng nát, không thể bảo vệ nó mãi. Nói không bảo vệ không có nghĩa là mình bẻ nó nát ra từng mảnh, vì nếu nát mà chưa tới bờ thì chết chìm. Vậy tuy biết thân này như khúc gỗ mục nhưng chưa được giác ngộ, phải lợi dụng nó để làm phương tiện tiến tu. Nếu chưa giác ngộ mà liều chết chẳng những không đạt được kết quả tu hành mà cũng uổng đi một kiếp!
Tóm lại tuy thân này tạm bợ như khúc gỗ mục, nhưng chúng ta đã có mặt nơi đây, phải lợi dụng nó để tiến đến giác ngộ chớ không ôm khúc gỗ mục và bảo vệ nó, ở mãi ngoài biển thì sẽ chết chìm. Cũng không phá đập nó cho nát, vì đó cũng là chết chìm. Hai quan niệm này đều cực đoan, trong nhà Phật gọi một bên là hành lạc, một bên là khổ hạnh. Vậy chúng ta phải xử thế nào? Không bảo vệ tối đa, cũng không hủy hoại, phải tạm nhờ nó đưa chúng ta đến bờ. Khi chưa đến bờ, chỗ nào mục chúng ta kết lại để còn chỗ tựa, đến bờ rồi nó là vô nghĩa. Đó là quan niệm của người tu chân chánh. Thế nên ở đây chúng ta tu không bắt buộc phải thức suốt ngày đêm vì như thế khúc gỗ dễ bể dễ nát. Nhưng cũng không phải ăn nhiều ngủ nhiều cho khỏe mạnh lâu dài, chỉ cần vừa đủ sống và cố gắng tiến tu, thế mới đúng ý nghĩa nương khúc gỗ mục này.
“Nào tỉnh bóng hòe đã đổi dời.” Mải vùi đầu ngủ, bóng hòe đã đổi dời tức đã xế rồi. Cho nên buổi trưa ngủ một tiếng là đủ, đừng ngủ mãi tới chiều.
Phút chốc hoa tươi lần rơi rụng,
Dần dà mạng nấm thạnh rồi suy.
Cuộc đời chúng ta như một đóa hoa buổi sáng nở, xế chiều héo tàn. Đang tươi thắm đẹp đẽ, phút chốc từ từ rơi rụng. Những tai nấm mọc, vươn lên khỏi đất thấy tròn trịa, đến chiều tàn dần. Qua hai câu trên, Ngài ví thân chúng ta như một đóa hoa, như một tai nấm, tươi tốt đó rồi tàn úa đó. Biết thân tạm bợ không lâu bền, phải khéo lợi dụng nó để tiến tu, đừng chần chờ.
Mọi người sớm tỉnh xoay soi lại,
Tự khổ ruổi rong khắp nẻo đường.
Xoay là quay lại, soi là soi sáng. Chúng ta phải sớm thức tỉnh đừng hướng ra ngoài, phải quay lại soi sáng chính mình, một ngày nào chúng ta liền thấy được cái chân thật của mình. Như vậy là Ngài khuyên chúng ta phải tỉnh tu. Tu không phải chỉ trong giờ ngồi thiền mà cả khi đi đứng nằm ngồi, đều phải biết mình từng phút từng giây.
“Tự khổ ruổi rong khắp nẻo đường”, tức là chúng ta tự đày ải mình, chạy nơi này nơi kia, đuổi theo tài sắc, danh lợi, theo những ảo ảnh bên ngoài, không biết dừng lại để được an lành. Thí dụ như được một chức phận gì, khi chết nó có cứu được mình không? Hoặc đuổi theo tài sắc, muốn được thỏa mãn, nên suốt đời chỉ là chuốc khổ thôi. Để kết thúc Ngài khuyên chúng ta phải thức tỉnh quay về soi lại mình, những kẻ chỉ biết rong ruổi ra ngoài, sẽ chuốc khổ trong đời này kể cả đời sau. Lời khuyên này rất quí báu, mỗi khi đọc lại, chúng ta thức tỉnh, nhớ tu hành.
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN TAI
> KHÓA HƯ LỤC - (13.3-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI TRƯA
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI SÁNG
> KHÓA HƯ LỤC - (13.1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - KỆ CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN