Astrology.vn - Tề Tuyên Vương nghe Mạnh Tử nói về chính trị Vương đạo phải khâm phục là tốt lành. Tuy nhiên ông cảm thấy không theo được vì có tật ham của cải và tật ham sắc đẹp. Ham của cải và ham sắc đẹp nếu chỉ biết vị kỷ, mới có hại cho Vương đạo. Nếu ham của cải và ham sắc đẹp mà biết vị tha, tức là hoà đồng với dân chúng trăm họ thì vẫn phù hợp với Vương đạo, ham của cải mà tích lũy của cải cho cả nước để có lương thực đủ dùng hằng ngày và đủ dùng khi xảy ra việc chinh chiến như ông Công Lưu (thủy tổ của nhà Chu) là điều tốt.
5
Tề Tuyên Vương hỏi rằng: “Người người đều bảo ta phá bỏ nhà Minh Đường. Nên phá hay đừng?”
Mạnh Tử đáp: “Này, Minh Đường là nhà của bậc vương giả. Vua muốn tiến hành nền chính trị vương đạo, thì đừng phá bỏ.”
Vua nói: “Nền chính trị vương đạo có thể được nghe chăng?”
Đáp: “Xưa kia, Văn Vương cai trị đất Kỳ, việc cày cấy theo phép ‘chín một’ (một phần chín); các quan được nối đời hưởng lộc; nơi cửa ô, chợ búa có xét hỏi mà không đánh thuế; chốn hồ đập không cấm đoán; kẻ phạm tội thì vợ con không bị phạt.
“Già cả không vợ gọi là quan (goá vợ); già cả không chồng gọi là quả (goá chồng); già cả không con gọi là độc (lẻ loi); trẻ con không cha gọi là cô (mồ côi). Bốn loại người đó là những dân khốn cùng không biết nương tựa vào ai. Văn Vương phát khởi việc cai trị thi thố nhân đức thì ưu tiên cho bốn loại người đó. Kinh Thi rằng: ‘Người giàu có thì khá giả; người lẻ loi côi cút thì đáng thương!’”
Vua nói: “Những lời nói vừa rồi tốt lành thay!”
Mạnh Tử nói: “Nếu như vua cho là tốt lành, sao lại chẳng làm đi?”
Vua nói: “Quả nhân có tật: quả nhân ham của cải.”
Mạnh Tử đáp: “Xưa kia, ông Công Lưu ham của cải. Kinh Thi rằng: ‘Bèn dành dụm, bèn chứa vào kho, bèn đóng gói lương khô vào túi, vào bao. Nghĩ rằng gom dân để rỡ ràng (cơ nghiệp), cung tên giương ra, mộc giáo phô ra, bèn mới ra đi.’ Cho nên người ở nhà có kho lẫm chất chứa, kẻ ra đi có lương thực gói theo. Rồi sau mới có thể ra đi được. Nếu như vua ham của cải, hãy hoà chung của cải với trăm họ (như ông Công Lưu). Vậy sao không thịnh vượng?”
Vua nói: “Quả nhân có tật: quả nhân ham sắc đẹp.”
Mạnh Tử đáp: “Xưa kia, Thái Vương ham sắc đẹp nên yêu vợ mình. Kinh Thi rằng: ‘Cổ Công Đản Phủ, một sớm lên ngựa chạy: noi theo bến nước phía tây đến tận chân núi Kỳ; cặp kè Khương nữ (vợ ông), đến được không gian sẵn chờ.’ Đương thời bấy giờ, bên trong chẳng có con gái nào than oán, bên ngoài chẳng có đàn ông nào không vợ. Nếu như vua ham sắc đẹp, hãy giúp trăm họ được chung hưởng (tình vợ chồng). Vậy sao không thịnh vượng?”
Bình lược: Tề Tuyên Vương nghe Mạnh Tử nói về chính trị Vương đạo phải khâm phục là tốt lành. Tuy nhiên ông cảm thấy không theo được vì có tật ham của cải và tật ham sắc đẹp. Ham của cải và ham sắc đẹp nếu chỉ biết vị kỷ, mới có hại cho Vương đạo. Nếu ham của cải và ham sắc đẹp mà biết vị tha, tức là hoà đồng với dân chúng trăm họ thì vẫn phù hợp với Vương đạo, ham của cải mà tích lũy của cải cho cả nước để có lương thực đủ dùng hằng ngày và đủ dùng khi xảy ra việc chinh chiến như ông Công Lưu (thủy tổ của nhà Chu) là điều tốt. Ham sắc đẹp và yêu quý vợ mình rồi biết giúp cho con gái, con trai trong nước có gia đình chồng vợ đẹp đôi, được hưởng tình gia thất như việc làm của Cổ Công Đản Phủ (Thái Vương: ông nội của Văn Vương) cũng là điều tốt. Mọi người được có của cải, đủ ăn đủ mặc; được vui vẻ trong tình gia đình thì sự nghiệp Vương đạo ắt thành tựu, đất nước ắt thịnh vượng, thái bình.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu