Astrology.vn - Chẳng luận kẻ trí người ngu, đều thuộc bào thai bao bọc; hỏi chi một người trăm họ đều trong lò bễ mà ra. Hoặc mặt trời biểu hiện, vua thánh giáng sanh, hoặc các sao ứng điềm, tôi hiền xuất hiện. Đua danh khoe đẹp, tranh lạ đấu trân, xem ra thảy đều luân hồi, đáo để khó trốn sanh hóa.

 

NÚI THỨ NHẤT LÀ TƯỚNG SANH. Vì sai một niệm nên hiện đa đoan. Gá hình hài nơi tinh huyết mẹ cha, nương khí âm dương dưỡng nuôi thai nghén. Trong tam tài người đứng giữa, lại hàng chí linh của muôn vật. Chẳng luận kẻ trí người ngu, đều thuộc bào thai bao bọc; hỏi chi một người trăm họ đều trong lò bễ mà ra. Hoặc mặt trời biểu hiện, vua thánh giáng sanh, hoặc các sao ứng điềm, tôi hiền xuất hiện. Văn chương quét sạch ngàn quân, võ lược chiến thắng trăm trận. Trai cậy phong tư ném quả, gái khoe sắc đẹp nghiêng thành. Một trận cười nghiêng nước, hai trận cười đổ thành. Đua danh khoe đẹp, tranh lạ đấu trân, xem ra thảy đều luân hồi, đáo để khó trốn sanh hóa.

Tướng sanh của người là mùa xuân của năm. Hanh thông đang độ tam dương, muôn vật rực màu tươi tốt. Một trời trong sáng, nơi nơi liễu thắm hoa hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh kêu bướm lượn.

            Kệ rằng:

            Trời đất nấu nung vạn tượng thành,

            Xưa nay không mống cũng không manh.

            Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,

            Liền trái không sanh nhận có sanh.

            Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,

            Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.

            Lang thang làm khách phong trần mãi,

            Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

 

Giảng

 

Ngài diễn tả núi thứ nhất, tức là tướng sanh. “Vì sai một niệm nên hiện đa đoan.” Sai một niệm tức là từ thể chân không dấy động, có niệm phát ra thì sanh muôn mối. Thế nên chúng ta tu đến chỗ không còn một niệm mới là hết mầm sanh tử. Nếu còn một niệm là hiện đa đoan, tức là hiện đủ tất cả việc.

Từ hiện đa đoan mới lôi thần thức “gá hình hài nơi tinh huyết mẹ cha, nương khí âm dương dưỡng nuôi thai nghén”, do hợp khí âm dương từ đó thai nghén thành hình.

“Trong tam tài người đứng giữa.” Trong tam tài thiên địa nhân, người (nhân) ở giữa rất là quan trọng.

“Lại hàng chí linh của muôn vật”, lại người là hàng chí linh của muôn vật.

“Chẳng luận kẻ trí người ngu đều thuộc bào thai bao bọc.” Dù người ngu hay kẻ trí cũng từ trong bào thai ra.

“Hỏi chi một người, trăm họ đều trong lò bễ mà ra.” Lò bễ là của thợ trời, trăm họ cùng ở trong đó ra, không ai ở ngoài được.

“Hoặc mặt trời biểu hiện vua thánh giáng sanh, hoặc các sao ứng điềm, tôi hiền xuất hiện.” Người xưa hay nói: Mẹ nằm mộng thấy nuốt mặt trời, đó là điềm sanh con làm vua, hoặc thấy có vì sao rơi vào bụng thì sau sanh con là hiền thần.

“Văn chương quét sạch ngàn quân, võ lược chiến thắng trăm trận.” Dầu cho người văn chương hay quét sạch cả ngàn quân, hoặc võ giỏi đánh thắng trăm trận, cũng không thoát được cuộc sống chết của thế gian.

“Trai cậy phong tư ném quả.” Người nam cậy nét đẹp của mình làm thiên hạ mê say. Đây là dẫn câu chuyện xưa ở Trung Hoa, sách Tấn thư nói: Ông Phan Nhạc lúc còn trẻ là người đẹp trai nhất ở thành Lạc Dương. Mỗi khi ra đường các cô gái cầm trái cây ném vào xe ông, đi một vòng về thì xe đầy trái. Như vậy sắc đẹp được tán thưởng nhiều, gọi là trai cậy phong tư ném quả.

“Gái khoe sắc đẹp nghiêng thành.” Nguyên ông Lý Diên Niên đời Hán làm một bài ca trong đó có câu: “nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc”, nghĩa là một lần ngoảnh lại làm nghiêng thành, hai lần ngoảnh lại làm nghiêng nước. Đây là tả sắc đẹp tuyệt trần của người nữ.

“Đua danh khoe đẹp, tranh lạ đấu trân.” Đấu trân là đem của báu mà so đấu nhau.

“Xem ra thảy đều luân hồi, đáo để khó trốn sanh hóa.” Dù đẹp dù tài thế mấy, rốt cuộc cũng luân hồi sanh hóa.

“Tướng sanh của người là mùa xuân của năm.” Tướng sanh tương tự như mùa xuân. Mùa xuân rất đẹp, tướng sanh cũng vậy.

“Hanh thông đang độ tam dương, muôn vật rực màu tươi tốt.” Tam dương là chỉ mùa xuân có ba tháng thuộc về dương, nên gọi là dương xuân hay tam dương. Mùa xuân muôn vật đều đẹp đẽ tươi tốt, đó là nói theo các nước có bốn mùa, theo miền Nam chúng ta thì không phải vậy. “Một trời trong sáng, nơi nơi liễu thắm hoa hồng, muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh kêu bướm lượn.” Đó là diễn tả cảnh mùa xuân.

            Kệ rằng:

            Trời đất nấu nung vạn tượng thành,

            Xưa nay không mống cũng không manh.

            Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,

            Liền trái không sanh nhận có sanh.

            Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,

            Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.

            Lang thang làm khách phong trần mãi,

            Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

Bài kệ này rất hay, vừa nói giáo lý, vừa nhắc nhở chúng ta kiếp luân hồi.

            Trời đất nấu nung vạn tượng thành,

            Xưa nay không mống cũng không manh.

Muôn hình tượng trong thế gian do âm dương trời đất mà hiện, trước đó không có manh mối gì.

            Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,

            Liền trái không sanh nhận có sanh.

Con người từ vô niệm dấy lên thành hữu niệm, đó là sai lầm, vừa có niệm liền quên mất vô niệm. Vô niệm là không sanh, dấy thành hữu niệm nên nhận có sanh. Vì thế khi chúng ta nhắm mắt vừa có niệm giận liền đi trên đường đau khổ của sân, có niệm tham thì đi đường khổ của tham, nếu niệm tịnh được sanh về cõi tịnh. Trái lại vô niệm thì hết sanh, tức vô sanh, thật là rõ ràng.

            Mũi đắm các hương lưỡi tham vị,

            Mắt mờ chúng sắc tiếng mê tai.

Mũi, lưỡi, mắt, tai, bị các trần lôi kéo, nói đủ là sáu trần lôi kéo sáu căn làm chúng ta say mê suốt cả cuộc đời. Vì say mê nên:

            Lang thang làm khách phong trần mãi,

            Ngày  cách quê hương muôn dặm trình.

Buồn làm sao! Cứ làm khách phong trần lang thang trong vòng luân hồi, càng đi càng xa quê hương, đi một đời là xa một dặm, đi trăm ngàn muôn kiếp thì xa trăm ngàn muôn dặm. Nếu chạy theo sáu trần là chấp nhận lang thang làm khách phong trần. Trái lại không dính mắc sáu trần là kẻ xuất trần thượng sĩ. Trong nhà Phật thường tán thán người xuất gia là bậc xuất trần thượng sĩ. Thử hỏi hiện nay chúng ta là kẻ xuất trần hay là khách phong trần? Tùy chúng ta lựa chọn, nhưng chọn rồi là phải thực hành. Hai câu kết này tôi thích nhất:

            Lang thang làm khách phong trần mãi,

            Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

Đi ra là mỗi ngày một xa quê hương. Hình ảnh thật rõ ràng. Tỉ dụ quê hương chúng ta ở Đà Lạt, chỉ đi bộ thôi, mỗi ngày đi bộ xuống miền đông, dù đi dở cũng khoảng mấy mươi cây số. Đi năm này qua năm khác càng đi càng xa tít, quên cả đường về. Trái lại nếu đi chừng năm, ba cây số, giựt mình tỉnh lại, quay trở về thì rất gần. Nếu nhớ quê hương phải trở về sớm, đừng đi nữa!

 

Bốn Núi-Tổng Luận > 1.Núi Thứ Nhất–Tướng Sanh > 2.Núi Thứ Hai–Tướng Già > 3.Núi Thứ Ba–Tướng Bệnh > 4.Núi Thứ Tư–Tướng Chết

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4): BỐN NÚI - TỔNG LUẬN

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.5): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI RƯỢU

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.4): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI VỌNG NGỮ

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.3): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SẮC

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.2): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI TRỘM