Astrology.vn - Hình dung thay đổi, khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn. Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà, ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói. Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết. Bóng chiều vừa ngả non tây, dòng nước sắp chảy về biển đông.

 

 

NÚI THỨ HAI LÀ TƯỚNG GIÀ. Hình dung thay đổi, khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn. Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà, ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói. Dẫu rằng mắt sáng như Ly Lâu cũng khó phân rành màu sắc; dù cho tai thính như Sư Khoáng cũng khôn nhận rõ âm thanh. Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết. Bóng chiều vừa ngả non tây, dòng nước sắp chảy về biển đông.

Tướng già của người là mùa hạ của năm. Trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, nắng nóng sôi vàng trăm sông sắp cạn. Hoa tàn liễu úa, bờ lạch trong vườn há còn lưu giữ. Bướm lượn oanh bay, dưới lá đầu cành già sắp tới.

            Kệ rằng:

            Con người kiếp sống tợ phù âu,

            Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.

            Bóng ngả nương dâu, chiều sắp đến,

            Thân như bồ liễu tạm qua thu.

            Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,

            Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.

            Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái,

            Vâng ô gác núi, nước trôi xuôi.

 

Giảng

 

Núi thứ hai là diễn tả tướng già.

Đọc bài này nghe thật buồn. “Hình dung thay đổi”, rất dễ thấy.

“Khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn.” Đó là diễn tả cảnh già rất cụ thể, nhất là như tôi đây chứng minh điều này rất rõ.

“Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà.” Ngày trước tóc xanh má đỏ nay đổi thành tóc bạc da gà.

“Ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói.” Ngựa trúc áo hoa là theo sự tích xưa những đứa bé lấy cành tre làm ngựa chạy giỡn, gọi là ngựa trúc, chúng mặc áo bông gọi là áo hoa. Mặc áo hoa, cỡi ngựa trúc là những trò vui của trẻ con. Nay lại thành gậy cưu xe cói. Ngày xưa ai sống đến tám mươi tuổi được nhà vua tặng cho cây gậy có hình chim cưu vì chim cưu ăn không mắc nghẹn, để chúc người già ăn không nghẹn. Xe cói là dùng rơm hay cỏ lác buộc dưới bánh cho xe chạy êm để người già đi. Gậy cưu xe cói là chỉ tuổi già.

“Dẫu rằng mắt sáng như Ly Lâu cũng khó phân rành màu sắc.” Thuở xưa ông Ly Lâu mắt rất sáng, nhìn xa trăm bước vẫn thấy được cây kim hay một hạt nhỏ. Thuở trẻ mắt sáng như sao băng, nhưng khi già nhìn thấy lờ mờ.

“Dù cho tai thính như Sư Khoáng cũng khôn nhận rõ âm thanh.” Sư Khoáng ở xa nghe tiếng âm nhạc có thể phân biệt được tai họa hay điềm lành sẽ xảy đến cho người chơi nhạc. Tai thính như Sư Khoáng nhưng đến tuổi già cũng khó phân rành được âm thanh.

“Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết”, khi xuân hết, liễu rũ hoa tàn rơi từng cánh.

“Bóng chiều vừa ngả non tây, dòng nước sắp chảy về biển đông.” Mặt trời sắp gác núi, nước chảy ra biển đông không trở lại.

“Tướng già của người là mùa hạ của năm.” Tướng già dụ như mùa hạ trong năm. Mùa hạ thì:

“Trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, nắng nóng sôi vàng trăm sông sắp cạn.” Chỉ sự nóng bức của mùa hạ.

“Hoa tàn liễu úa, bờ lạch trong vườn há còn lưu giữ. Bướm lượn oanh bay dưới lá đầu cành già sắp tới.” Những gì vui thích tới đây sắp tàn không còn nữa.

            Kệ rằng:

            Con người kiếp sống tợ phù âu,

            Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.

            Bóng ngả nương dâu, chiều sắp đến,

            Thân như bồ liễu tạm qua thu.

            Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,

            Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.

            Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái,

            Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.

Phù âu là bọt nước, kiếp sống của con người như bọt nước. Thọ là sống lâu, yểu là chết sớm, thọ yểu ở cõi người cõi trời cũng đừng mong cầu. Dầu sanh cõi trời được sống lâu nhưng rồi cũng chết chớ không tránh khỏi.

“Bóng ngả nương dâu chiều sắp đến”, bóng mặt trời đã nghiêng về những bờ dâu, chiều sắp đến.

“Thân như bồ liễu tạm qua thu.” Thân như cây bồ, cây liễu qua mùa thu thì xơ xác.

            Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,

            Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.

Phan Lang là Phan Nhạc. Thuở nào tóc xanh đẹp như Phan Nhạc, nay nhìn lại đầu đã bạc như Lữ Vọng. Lữ Vọng tức là Khương Tử Nha, cũng gọi là Thái Công Vọng, hay Lã Thượng hay Lữ Thượng. Lúc chưa gặp Văn Vương ông ngồi câu ở bến Bàn Khê, đầu tóc bạc phơ, sau Văn Vương mời ông ra giúp nước. Con người thuở trẻ đầu xanh khỏe mạnh bao nhiêu, nay đầu bạc yếu đuối bấy nhiêu!

Hai câu cuối nghe rất buồn:

“Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái.” Đoái tức là nhìn lại, nghĩa là mọi việc trên đời cứ trôi qua không nhìn lại, cuối cùng không còn gì nữa.

“Vầng ô gác núi nước trôi xuôi.” Mặt trời lặn sau núi, không còn thấy nữa, nước ra biển đông, không biết bao giờ trở lại. Như vậy để thấy việc đời luôn trôi qua, thuở trẻ phô trương sắc tài, tuổi già đến dần dần, tất cả rồi sẽ mất.

 

Bốn Núi-Tổng Luận > 1.Núi Thứ Nhất–Tướng Sanh > 2.Núi Thứ Hai–Tướng Già > 3.Núi Thứ Ba–Tướng Bệnh > 4.Núi Thứ Tư–Tướng Chết

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4.1): BỐN NÚI - NÚI THỨ NHẤT - TƯỚNG SANH

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4): BỐN NÚI - TỔNG LUẬN

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.5): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI RƯỢU

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.4): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI VỌNG NGỮ

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.3): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SẮC