Astrology.vn - Toàn thể thiên hạ trong các nước chư hầu lầm than, khốn khổ như bị nạn treo ngược, chỉ trông ngóng có một vị minh quân, thánh chúa xuất hiện, cứu vớt dân khỏi cảnh nước lửa. Nay nếu vua Tề thi hành nền chính trị nhân đạo, tu sửa chính mình theo thiên lý, lấy dân làm gốc, lấy hạnh phúc của dân làm mục đích; vua Tề ắt là vị minh quân mà mọi người mong mỏi đã lâu. Như vậy, dân chúng khắp nơi sẽ ùn ùn hướng về nước Tề mà tùng phục, mà chờ lệnh... ai mà ngăn cản được.? Thế có phải là xây dựng nghiệp vương, thu phục thiên hạ, làm cho thiên hạ thịnh trị thái bình dễ như trở bàn tay không?

 

1

Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Thầy được chức vị ở nước Tề, công nghiệp của Quản Trọng, Yến Tử có thể hứa hẹn được lặp lại chăng?”

Mạnh Tử nói: “Ngươi thật là người nước Tề, nên chỉ biết Quản Trọng, Yến Tử mà thôi. Có người đã hỏi Tăng Tây: ‘Nhà thầy với Tử Lộ, ai hơn?’ Tăng Tây bối rối trả lời: ‘Tiên tổ của ta (Tăng Sâm) còn phải nể sợ ông ấy.’

“Người ấy nói: ‘Phải, thế nhà thầy với Quản Trọng, ai hơn?’ Tăng Tây bực mình không vui, nói: ‘Ngươi sao lại so sánh ta với Quản Trọng? Quản Trọng được vua dùng, dường như đó là khả năng riêng của ông ấy; thi hành việc nước dường như đó là việc đã quen lâu rồi; công lao rỡ ràng dường như đó là cách thức thấp hèn. Ngươi sao lại so  sánh ta với ông ấy?’”

Mạnh Tử nói: “Đối với Quản Trọng, Tăng Tây chẳng làm theo ông ấy, mà ngươi sao bảo ta mong muốn theo ông ấy?”

Công Tôn Sửu nói: “Quản Trọng đem vua lên bậc Bá chủ, Yến Tử làm cho vua được vẻ vang. Quản Trọng, Yến Tử còn chẳng đủ để làm theo ư?” Mạnh Tử nói: “Làm cho nước Tề thịnh vượng, giống như trở tay thôi.”

Công Tôn Sửu nói: “Như thế thì đệ tử ngờ vực nhiều lắm. Vả lại, Văn Vương đức hạnh là thế, trăm năm sau mới mất, mà còn chưa kết hợp được thiên hạ. Vũ Vương, Chu Công tiếp nối, về sau mới nên việc lớn được. Lời nói ngày nay của thầy làm cho thịnh vượng ví bằng dễ dàng như thế, thì Văn Vương chẳng đủ để bắt chước ư?”

Mạnh Tử nói: “Làm sao có thể sánh kịp Văn Vương được? Từ vua Thang đến vua Võ Đinh, các vua hiền thánh xuất hiện sáu, bảy vị. Thiên hạ theo về nhà Ân đã lâu rồi; lâu thì khó mà thay đổi. Vua Võ Đinh mời chư hầu vào triều, có thiên hạ giống như điều động bàn tay. Vua Trụ cách xa vua Võ Đinh chưa lâu. Những gia tộc cố cựu, những thói tục còn sót, những phong hoá còn truyền, những việc chính trị tốt vẫn còn tồn tại. Lại có Vi Tử, Vi Trọng, Vương tử Tỷ Can, Cơ Tử, Giao Cách đều là những bậc hiền, cùng nhau hỗ trợ. Cho nên lâu về sau mới mất. Một thước đất nào chẳng phải của vua Trụ; một người dân nào chẳng phải bề tôi ông ấy? Vậy nên Văn Vương do mảnh đất trăm dặm khởi lên, chiếm lấy thì khó khăn.

“Người nước Tề có câu nói: ‘Tuy có trí sáng suốt, chẳng bằng thừa thế; tuy có nông cụ, chẳng bằng đợi thời.’ Thời nay thật dễ dàng vậy.

“Lúc thịnh trị của các vua nhà Hạ, nhà Ân, nhà Chu, đất đai chưa quá ngàn dặm. Thế mà nước Tề có được đất đai thế này. Gà gáy, chó sủa đều được nghe thấy khắp cả bốn phương. Nước Tề lại có dân chúng. Đất đai không cần thay đổi, đã mở mang rồi; dân chúng không cần tăng thêm, đã đông đúc rồi. Thi hành chính trị nhân đạo mà nên nghiệp vương, chẳng có gì ngăn cản nổi.

“Vả lại, bậc minh quân không xuất hiện, chưa có thời nào từ xa xưa đến giờ như vậy. Dân khô héo vì cai trị tàn bạo, chưa từng có thời nào thậm tệ như vậy. Người đói thì dễ dãi với thức ăn, kẻ khát thì dễ dãi với đồ uống. Khổng Tử nói: ‘Sự lưu hành của đức hạnh còn nhanh hơn mệnh lệnh truyền rao do cách thông tin bằng người chạy, ngựa ruổi.’ Trong thời buổi nay, nước có vạn xe trận mà thi hành chính trị nhân đạo, dân sẽ vui mừng, giống như được cởi khỏi nạn treo ngược. Cho nên, công việc chỉ bằng nửa của người xưa, thành công ắt gấp nhiều hơn. Duy có thời buổi này được như vậy thôi.”

Bình lược: Công Tôn Sửu, thuộc dòng dõi công tộc nước Tề, là học trò của Mạnh Tử. Vì là người Tề, Công Tôn Sửu rất coi trọng sự nghiệp của Quản Trọng và Yế Tử. Quản Trọng tức là Quản Di Ngô, làm Tướng quốc nước Tề trước thời Khổng Tử. Ông có tài dùng người và khéo liệu việc, cho nên đã làm cho nước Tề được thịnh vượng, đưa Tề Hoàn Công lên bậc Bá chủ chư hầu. Yến Tử tức là Án Anh, người cùng thời với Khổng Tử, làm Tướng quốc nước Tề dưới triều Tề Cảnh Công. Ông có nếp sống giản dị, tiết kiệm, chăm chỉ, có tính khiêm cung, có tài ăn nói, đã giúp vua Tề được vẻ vang trên trường chính trị thời Xuân Thu. Công Tôn Sửu muốn biết thầy Mạnh Tử có khả năng lặp lại sự nghiệp của Quản Trọng, Yến Tử không, nếu được trọng dụng tại đất Tề.

Nước Tề nay đã có thời cơ: nước Tề có đất đai rộng lớn như đất đai của nhà Hạ, nhà Ân, nhà Chu. Dân chúng đông đúc, kinh tế phát triển thịnh mậu; khắp nước đâu đâu cũng rộn rã tiếng gà kêu, chó sủa... Lâu nay, suốt thời Xuân Thu sang Chiến Quốc, mấy trăm năm  không có một bậc minh quân nào ra đời. Toàn thể thiên hạ trong các nước chư hầu lầm than, khốn khổ như bị nạn treo ngược, chỉ trông ngóng có một vị minh quân, thánh chúa xuất hiện, cứu vớt dân khỏi cảnh nước lửa. Nay nếu vua Tề thi hành nền chính trị nhân đạo, tu sửa chính mình theo thiên lý, lấy dân làm gốc, lấy hạnh phúc của dân làm mục đích; vua Tề ắt là vị minh quân mà mọi người mong mỏi đã lâu. Như vậy, dân chúng khắp nơi sẽ ùn ùn hướng về nước Tề mà tùng phục, mà chờ lệnh... ai mà ngăn cản được.? Thế có phải là xây dựng nghiệp vương, thu phục thiên hạ, làm cho thiên hạ thịnh trị thái bình dễ như trở bàn tay không?

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu