Astrology.vn - Chân tâm là cái biết thường hằng không sanh diệt, còn Vọng tâm là cái biết duyên theo bóng dáng sáu trần, cái biết này hư dối, chợt sanh chợt diệt, chợt có chợt không, không phải là thật. Nhưng hầu hết chúng ta đang sống trong cái biết sanh diệt đó.

 

Lúc nào có nghĩ có tính thì gọi là biết, khi không nghĩ không tính tưởng chừng như không biết. Vì thế chúng ta nhận cái biết sanh diệt làm tâm của mình, còn cái biết hằng hữu không sanh không diệt, mình lại bỏ quên, không nhận ra nó. Thế nên đức Phật nói chúng ta cứ mãi đi trong luân hồi sanh tử.

1. Những bài Niêm Tụng này, mới nghe thấy rất khó.

Người nghe chỉ có hứng thú trong cái dứt bặt nghĩ tưởng, còn suy gẫm thì không thấy thú chút nào. Nghe rồi mỗi ngày thấm một ít, lâu ngày thành quen, mới biết Thiền rất là quan trọng. Nhiều khi chúng ta nghĩ Thiền nói chuyện đâu đâu không hiểu nổi, dù có hay cũng trở thành không hay. Nếu không hay thì sách vở để lại làm gì cho vô ích? Chúng ta cần phải nhận hiểu đôi chút để nếm được hương vị Thiền mới thấy cái hay của người xưa. Người xưa hiểu và ứng dụng tới đâu, chúng ta ngày nay cũng noi theo gương đó để thực hành. Tuy những bài Niêm Tụng có khô khan nhưng chúng ta cố gắng nghe, rồi sẽ thấm được vị Thiền.

2. Chữ Biết trong đạo Phật

Hôm nay chúng tôi nói thêm về chữ Biết trong đạo Phật để quí vị nghe và nhận định kỹ trước khi bước vào đường tu tập.

Chữ Biết danh từ chuyên môn trong đạo gọi là Tâm. Đức Phật nhìn thấy nơi con người chúng ta có hai loại biết:

            1.- Loại biết do duyên với bóng dáng của sáu trần rồi khởi suy nghĩ phân biệt, đó là cái biết sanh diệt, trong nhà Phật gọi là Vọng tâm.

            2.- Còn cái biết sẵn nơi sáu căn, không do duyên với bóng dáng sáu trần, cũng không do suy nghĩ phân biệt, mà luôn luôn hằng có, đó là cái biết không sanh diệt, trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật gọi là Chân tâm.

Như vậy Chân tâm là cái biết thường hằng không sanh diệt, còn Vọng tâm là cái biết duyên theo bóng dáng sáu trần, cái biết này hư dối, chợt sanh chợt diệt, chợt có chợt không, không phải là thật. Nhưng hầu hết chúng ta đang sống trong cái biết sanh diệt đó. Lúc nào có nghĩ có tính thì gọi là biết, khi không nghĩ không tính tưởng chừng như không biết. Vì thế chúng ta nhận cái biết sanh diệt làm tâm của mình, còn cái biết hằng hữu không sanh không diệt, mình lại bỏ quên, không nhận ra nó. Thế nên đức Phật nói chúng ta cứ mãi đi trong luân hồi sanh tử.

Cái biết duyên theo bóng dáng sáu trần, mà sáu trần là tướng vô thường sanh diệt, nên cái biết cũng là niệm sanh diệt. Bên ngoài chạy theo cảnh sanh diệt, bên trong nhận tâm sanh diệt làm mình, chạy theo hai tướng sanh diệt thì nhất định chúng ta phải đi trong sanh tử luân hồi. Ai cũng như ai đều chấp nhận, đều sống như vậy, cho nên đức Phật bảo: Chúng sanh bị trầm luân trong sanh tử luân hồi.

Hiện nay muốn dứt dòng sanh tử, đức Phật dạy chúng ta phải trở lại cái biết chân thật chưa bao giờ sanh diệt, cái biết đó mới là thật mình, mới là hằng hữu. Vì nó không duyên theo bóng dáng của sáu trần, nên không phải tướng sanh diệt, không sanh diệt thì làm gì có sanh tử luân hồi? Thế nên chúng ta sống trở về với cái biết chân thật là chúng ta biết tu, trở về cái không sanh diệt là chúng ta giải thoát. Thế thì sanh tử hay giải thoát gốc ở nơi mình. Nếu lầm nhận cái biết sanh diệt là mình thì lăn trong sanh tử, nhận cái biết không sanh diệt là mình thì giải thoát sanh tử.

Lâu nay sở dĩ chúng ta quanh quẩn không tìm ra lối đi, vì bị sanh diệt chi phối. Nghiệm cho thật kỹ, mỗi khi chúng ta suy nghĩ, thì cái suy nghĩ là cái biết sanh diệt. Cái suy nghĩ đó luôn luôn kèm theo những hình bóng của trần cảnh, hay ngôn ngữ, mà trần cảnh và ngôn ngữ đều là tướng sanh diệt, nên cái suy nghĩ về hai tướng đó cũng sanh diệt. Thế mà chúng ta cứ mãi sống theo cái sanh diệt, chớ không bao giờ sống với cái thật của mình. Nay muốn giải thoát sanh tử, chúng ta phải dừng cái sanh diệt để nhận ngay nơi mình có cái biết không sanh diệt, đó là chúng ta hướng về con đường giải thoát, trong nhà Thiền gọi là trở về cố hương. Còn đi theo sáu trần để chịu sanh tử, đó gọi là lang thang làm khách phong trần.

Hiễu rõ chỗ này rồi, chúng ta mới biết nhà Thiền nhắm thẳng vào cái gì. Nếu không hiểu, chúng ta thấy các Thiền sư nói những chuyện đâu đâu, rất là vô nghĩa vô lý. Thông thường chúng ta quen câu nói nào cũng phải có nghĩa có lý, tức là có suy gẫm, càng suy gẫm thì càng lăn trong sanh diệt. Thế nên câu nói hay nhất của nhà Thiền là câu nói không suy nghĩ được. Câu nói không suy nghĩ được mà mình nhận ra, thì đó là những câu rất hay, trong nhà Thiền gọi là lời nói sống hay hoạt ngữ. Còn câu nói mà suy nghĩ được nhà Thiền gọi là tử ngữ hay câu nói chết. Hiểu như vậy, khi đi sâu trong tinh thần Thiền tông, chúng ta mới thấm được cái hay. Nếu không, chúng ta nghe nói sao lạ lùng quá, không có một chút ý vị gì, nhưng không ý vị lại được các ngài khen, còn nói có suy gẫm thấy hay lại bị các ngài chê. Đó là chỗ thiết yếu trong sự tu. Nếu tu Thiền mà không nắm vững được lý này, thì không hiểu được đạo Phật. Đạo Phật cốt dạy chúng ta giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ giải thoát là tự nơi mình. Tâm tư lóng lặng, trí tuệ sáng suốt, thấy được lẽ thật thì giác ngộ. Thấy được lẽ thật và sống được với lẽ thật đó, thì chúng ta không bị sanh tử nữa, đó là giải thoát. Gốc của sự tu là ở ngay chỗ này.

Chúng tôi phác họa đại khái để khi nghe các Thiền sư nói chuyện, quí vị không có ngỡ ngàng, không thấy khó khăn. Nếu không thì khi nghe những câu nói vừa vô nghĩa, vừa thô kệch, quí vị nghĩ rằng các Thiền sư nói năng không có gì hay cả, nhưng chính lời thô kệch vô nghĩa lại được khen, còn những lời văn hoa bóng bẩy lại bị chê. Hiểu được như vậy mới thấy chỗ đặc biệt của nhà Thiền.

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (18): NIÊM TỤNG KỆ

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (17): NGỮ LỤC VẤN ĐÁP

> KHÓA HƯ LỤC - (16): NÓI RỘNG MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (15): TỰA - KINH KIM CANG TAM MUỘI [2]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (14): TỰA - BÌNH ĐẲNG SÁM HỐI