Astrology.vn - Qua bài “Nói Rộng Sắc Thân”, chúng ta thấy vua Trần Thái Tông có cái nhìn rất thấu đáo, Ngài diễn tả đầy đủ về con người phàm tục mà chúng ta đang mê đắm. Ngài tuần tự chỉ cảnh sanh già bệnh chết của con nguời và cuối cùng chỉ ra một lối đi, một lẽ thật để chúng ta biết mà tu, hầu vượt khỏi mọi mê muội lầm lẫn.

 

Giảng (tiếp theo)

“Đêm vắng thì quỉ khóc thần sầu, năm dài thì ngựa giày trâu đạp. Lửa đom đóm lập lòe trong đám cỏ xanh, tiếng dế ngâm nỉ non cạnh hàng dương liễu. Bia ghi nửa chìm, rêu xanh phủ, tiều phu giậm mãi thành lối mòn.” Khi đêm vắng nghe những âm thanh buồn bã như tiếng quỉ khóc thần sầu. Trải qua nhiều năm tháng, mồ mả bị ngựa giày trâu đạp, vì các chú mục đồng thả trâu ngựa đi ăn trong đám mộ. Trong đám cỏ xanh rậm rạp chỉ thấy lửa đom đóm chớp chớp lập lòe, hoặc nghe tiếng dế ngâm nỉ non dưới hàng dương liễu. Tấm bia ghi tên họ người mất lâu ngày bị chìm hết phân nửa dưới đất, phân nửa trên còn lại bị rêu xanh che phủ. Các chú tiều phu vạch cỏ đi, giậm mãi thành lối mòn cho người qua lại.

“Dù cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng cũng chỉ một lối đi.” Dù cho văn chương cái thế ai nghe cũng quí cũng trọng, dù cho sắc đẹp nghiêng thành ai nhìn cũng mến cũng yêu, nhưng rốt cuộc rồi đi tới đâu, cuối cùng chỉ đi tới cái chết, không có con đường nào khác!

“Mắt bị sắc dẫn trèo lên cây kiếm; tai theo tiếng lôi tiến lên núi đao; lỗ mũi ngửi toàn mùi hôi hám; trong lưỡi ăn sắt nóng nuốt hoài; thân khiếp sợ nước đồng sôi nóng dội; ý chua cay vạc dầu sôi nung nấu. Nhân gian trọn một trăm năm, trong địa ngục mới là sáng tối.” Hằng ngày mắt chúng ta đắm đuối nhìn theo sắc đẹp, nên khi nhắm mắt sức mê sắc đẹp dẫn chúng ta trèo lên cây kiếm, bị lưỡi kiếm cắt da xẻ thịt; tai mê đắm tiếng hay, nên khi chết nghiệp lôi trèo lên ngọn núi đao; mũi dính mùi nên nó lôi mình đến chỗ tanh hôi nhơ nhớp; lưỡi thích vị ngon nên phải ăn những hoàn sắt nóng; thân thích những xúc chạm vừa ý thì bị nước đồng sôi dội trên thân; còn ý ưa cay nghiệt với mọi người sẽ bị vạc dầu sôi nung nấu. Đây là nói các họa do sáu căn đắm luyến sáu trần, kết quả phải chịu những khổ đau như vậy! Ở nhân gian sống được một trăm năm chỉ bằng một ngày một đêm trong địa ngục chịu những khổ đau dồn dập, ở địa ngục cả ngàn năm thì bằng ở nhân gian cả triệu năm, chịu khổ sao cho thấu. Nếu chúng ta đắm mê theo sáu trần tạo nghiệp hung dữ ác độc, thì phải đọa địa ngục chịu đau khổ không biết là bao lâu, nên cái vui quá ngắn mà cái khổ quá dài. Thế mà người đời đâu có sợ đâu có tỉnh, cứ đua tìm cho được những gì vui thích, quên đi cái khổ lâu dài phải chịu ở ngày mai.

Đoạn văn trên ngài Trần Thái Tông diễn tả đời người chúng ta từ khi mới sanh ra đến lúc già bệnh rồi kết cuộc là chết. Sau khi chết sẽ chịu đau khổ như thế nào, Ngài đều diễn tả đầy đủ cho chúng ta thấy rõ. Đến đây Ngài mới đánh thức chúng ta:

“Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quan, chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy tay cắt đứt lưới ái ân.” Nếu là người tác gia đủ con mắt sáng, tác gia là người có trí tuệ thấy rõ được lẽ thật, có thể hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, đủ con mắt sáng tức là đủ con mắt trí tuệ; “cần phải sớm gấp hồi quan”, hồi quan là xoay lại xem xét chính mình, chữ hồi quan có giá trị rất sâu đậm trong Phật giáo. Bởi vì chúng ta sống mà đuổi theo sáu trần, là chúng ta lệ thuộc bên ngoài, chạy theo cái vô thường sanh diệt. Khi bị lệ thuộc ngoại trần rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi những tâm niệm tham sân si. Đuổi theo được là tham, không được thì lòng sân nổi dậy; rồi từ cái mê muội không thấy được lẽ thật, đuổi theo nắm bắt sáu trần, chúng ta gây tạo không biết bao nhiêu tội nghiệp, phải chịu bao nhiêu cảnh khổ ở ngày mai. Thế nên nếu là người trí tuệ sáng suốt, phải xoay lại nhìn xem thân này là thật hay giả, kế đó nhìn lại xem những tâm niệm mình là thật hay giả. Thấy rõ được bản chất không thật của thân và những tâm niệm rồi, chúng ta mới tìm được cái chân thật không niệm dấy khởi của mình, đó là cái chân thật bất sanh bất diệt, mà trong nhà Thiền gọi là “bản lai diện mục”; trở về nơi đó chúng ta mới thoát được vòng sanh tử. Vậy nếu chúng ta muốn nhảy khỏi vòng sanh tử, thì phải nhanh như khoảng khảy móng tay cắt đứt hết lưới ái ân. Ái là yêu mến, là quyến luyến, ràng buộc giữa người này với người kia, cho nên có yêu mến là có buộc ràng! Giả sử có hai người làm bạn với nhau, nếu mến nhau nhiều tức có sự buộc ràng. Huống nữa hai người khác phái yêu nhau, lại thêm con cái trói buộc làm sao gỡ nổi! Vậy nếu chúng ta quyết tâm nhảy khỏi vòng sanh tử thì phải cắt nhanh cho đứt hết lưới ái ân.

“Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần.” Dù là người nam hay người nữ ai cũng tu được, dù là người trí hay người ngu cũng đều có phần, việc tu không dành riêng cho ai. Trên đường tu cửa mở rộng, ai cũng có thể tiến vào, nhưng với điều kiện là phải can đảm nhìn rõ lại mình, rồi phải cắt đứt hết những sợi dây ân ái buộc ràng. 

“Nếu chưa đạt được Phật tâm Tổ ý, hãy trước nương trì giới tụng kinh. Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng.” Nếu chúng ta chưa ngộ được tâm Phật, chưa thấu suốt được ý Tổ, thì trước phải ráng giữ giới và tụng kinh. Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, đó chính là lúc nhận ra “bản lai diện mục” tức là mặt thật xưa nay của mình. Đã là mặt thật xưa nay của mình thì đâu phải là của Tổ, đâu phải là của Phật, nói của Phật là trật, nói của Tổ là sai, cho nên nói: “Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải”, mà chính là bản lai diện mục của mình. Sống được với cái đó rồi thì nói gì trì giới, nói gì tụng kinh. Tại sao? Vì sống với bản lai diện mục thì không có niệm khởi, không niệm khởi thì đâu có phạm giới. Có niệm thì có niệm thương niệm ghét, niệm danh niệm lợi, không có niệm thì còn gì phải trì giới. Còn tụng kinh là nhắc lại lời Phật để tỉnh giác, nếu đã sống với cái tỉnh giác thì nhắc lại lời Phật cũng là dư, cho nên tới đó rồi thì còn kinh gì mà tụng. Vì thế chúng ta phải hiểu thật rõ, đừng hiểu lầm, chưa tới chỗ mà không cần trì giới, không cần tụng kinh, đó là nói sai không đúng lẽ thật. Khi nào chúng ta hằng sống được với bản lai diện mục rồi, chừng đó cũng không phải Phật, cũng không phải Tổ, nói gì là trì giới tụng kinh.

“Nơi sắc uẩn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật.” Khi ấy ngay trong sắc uẩn này cũng là chân sắc, ngay nơi thân phàm tục này cũng là thân Phật. Tại sao? Vì mê tưởng huyễn là thật nên bị huyễn mê hoặc, khi tỉnh rồi biết là huyễn, từ sắc huyễn thấy được cái chân thật nên gọi là chân sắc. Còn ngay thân phàm mà chúng ta tưởng là thật, nên thân này hoại diệt chúng ta đau khổ. Nếu ngay thân phàm này, chúng ta nhận ra bản lai diện mục, đó là thấy thân Phật, chớ không có đâu khác.

“Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ thành tám tự tại.” Khi ngộ rồi thì phá sáu thức làm thành sáu thần thông. Như sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, do thức duyên theo sáu trần nên thành lục tặc. Khi sáu căn không còn vọng thức duyên theo sáu trần, thấy nghe mà không dính mắc, đó là phá lục tặc thành lục thông, hay là phá sáu thức thành sáu thần thông.

“Dạo tám khổ thành tám tự tại”, tám khổ là sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh khổ, tức là thân năm ấm này là khổ. Khi chúng ta mê thì có bốn cái khổ của thân: vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Trong kinh Niết-bàn dạy, khi ngộ được pháp thân thì được bốn tự tại là thường, lạc, ngã, tịnh. Còn đối với tám khổ, được tám tự tại, kinh Niết-bàn dẫn tám tự tại là:

            1.- Một thân hiện nhiều thân như số vi trần.

            2.- Một thân vi trần ở khắp cõi đại thiên.

            3.- Thân Phật lớn đến cả các thế giới.

            4.- Phật hiện vô số thân.

            5.- Sáu căn hỗ dụng.

            6.- Phật đạt được tất cả pháp mà như không được.

            7.- Phật thuyết pháp một bài kệ trải vô số kiếp.

            8.- Thân khắp các nơi như hư không.

            Đây là tám tự tại khi đạt được pháp thân.

            Đoạn khác nói về Pháp giới thứ đệ, có tám tự tại là:

            1.- Hay từ lớn mà thu lại nhỏ.

            2.- Hay từ nhỏ mà hóa ra lớn.

            3.- Hay nhẹ nhàng vượt đi trong hư không.

            4.- Hay tự tại, nghĩa là tùy muốn đi trong không, xuống nước hay vào đất đều tự tại.

            5.- Hay có chủ tức là mình làm chủ tự tại đối với tất cả những cái bên ngoài.

            6.- Hay đến xa tức là vừa nghĩ là đến.

            7.- Hay động tức là mình làm cả thế giới chuyển động gọi là lục chủng chấn động, đó đều là do sức thần thông của mình.

            8.- Tùy ý nghĩa là tùy ý muốn làm gì cũng được.

Như vậy nếu chúng ta khéo tu thì từ lục tặc biến thành sáu thần thông, từ tám khổ biến thành tám tự tại. Đó là tự mình chuyển chớ không ai thay cho mình mà chuyển được, điều này hết sức rõ vậy.

“Tuy nói thế ấy, mà mỗi người vào trong sắc thân rồi, bỏ đó thật khó thay.” Tuy giảng nói như vậy, nhưng trên sự thật khi mang sắc thân này rồi muốn bỏ nó là chuyện không phải giản đơn, thật là cay đắng.

“Hết thảy các người! Chỉ sắc thân này lại làm sao giải thoát? Nếu chưa giải thoát, cần phải nghe đây.” Mỗi người chúng ta phải giải thoát sắc thân này, nhưng làm sao giải thoát? Nếu chưa được giải thoát, cần phải nghe bài kệ sau đây:

            Vô vị chân nhân thịt đỏ au,

            Hồng hồng bạch bạch chớ lầm nhau,

            Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,

            Sương biếc bên trời, một núi xanh.

            Bốn câu kệ này rất là thâm thúy.

“Vô vị chân nhân” là từ của Tổ Lâm Tế. Một hôm Tổ Lâm Tế ở trước hội chúng nói: “Các ngươi hãy nghe, nơi trước mặt các ngươi có vô vị chân nhân thường ra vào.” Vô vị chân nhân là người chân thật không có ngôi vị, không có chỗ nơi, vô vị chân nhân cũng tức là tên khác của bản lai diện mục, từ trong cửa mặt chúng ta ra vào. Như vậy ai cũng có vô vị chân nhân, từ khác là tâm thể thanh tịnh. Tâm thể này không tướng mạo, nên không chỗ nơi, không ngôi vị, đó là chân nhân, con người chân thật. Chân nhân ở ngay nơi thân thịt đỏ au này, nơi thân thịt máu mủ này không phải tìm kiếm nơi nào khác.

“Hồng hồng bạch bạch chớ lầm nhau.” Hồng là đỏ, bạch là trắng. Ngay nơi thân thịt có những hình sắc hoặc đỏ hoặc trắng, đừng có lầm nó, nghĩa là đừng mắc kẹt ở khối thịt đỏ au, mà phải thấy được vô vị chân nhân ở trong đó. Nếu thấy khối thịt đỏ mang màu sắc trắng hồng rồi có yêu có ghét đó là lầm, rồi chìm đắm trong cái lầm mà phải khổ.

            Đến hai câu kết:

            Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,

            Sương biếc bên trời, một núi xanh.

Có ai biết rằng khi mây cuốn hết chỉ có hư không hoàn toàn trong sạch. Bên trời mù sương đã tan, chỉ còn bầu trời trong, lúc đó ngọn núi xanh hiện sừng sững trước mắt chúng ta.

Trong bài kệ trên, hai câu đầu chủ yếu ngài Trần Thái Tông muốn cho chúng ta hiểu rõ ngay nơi thân thịt hôi hám bẩn thỉu của chúng ta có một cái chân thật sẵn ở trong ấy. Chúng ta đừng lầm những màu sắc của thân thịt này để rồi phải tạo nghiệp chịu khổ. Khi chúng ta hết lầm thân này, những ý niệm đen tối đã tan vỡ, lúc đó giống như mây bị cuộn đi chỉ còn một khoảng hư không trong sạch. Chúng ta nhìn nơi vùng sương mù đã tan rồi một ngọn núi xanh hiện ra rõ ràng. Ngọn núi xanh để chỉ cái gì? Sương mù để nói cái gì? Sương mù có thể là hình dáng của khối thịt đỏ au, hay của thân tứ đại, hay những tâm cuồng loạn của chúng ta. Khi những tâm niệm cuồng loạn đã lặng yên rồi, chúng ta sẽ thấy ngọn núi bất động sừng sững trước mắt. Ngọn núi là chỉ bản lai diện mục sẵn có tự thuở nào của chúng ta, hay nói cách khác là chỉ vô vị chân nhân sừng sững ở trước mắt.       

Qua bài “Nói Rộng Sắc Thân”, chúng ta thấy vua Trần Thái Tông có cái nhìn rất thấu đáo, Ngài diễn tả đầy đủ về con người phàm tục mà chúng ta đang mê đắm. Ngài tuần tự chỉ cảnh sanh già bệnh chết của con nguời và cuối cùng chỉ ra một lối đi, một lẽ thật để chúng ta biết mà tu, hầu vượt khỏi mọi mê muội lầm lẫn. Thoát khỏi các mê muội lầm lẫn chúng ta sẽ đến chỗ giác ngộ an lành thanh tịnh.

Đọc bài này chúng ta thấy ngài Trần Thái Tông tuy là vua ngồi trên ngai vàng mà Ngài có cái nhìn tường tận về bản chất con người, không bị những tài sắc danh lợi quyến rũ đến phải mờ mịt như những vị vua khác.

 

> Khóa Hư Lục - Nói Rộng Sắc Thân (Links): [1][2][3]

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [2]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [1]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4): BỐN NÚI - TỔNG LUẬN

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3): NĂM GIỚI

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.5): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI RƯỢU