Astrology.vn - "Sông yêu" dịch từ chữ "ái hà" trong nhà Phật. Chúng ta chìm đắm mãi trong sông yêu biển ái biết đến chừng nào thôi dứt. Nhà lửa tam giới thiêu đốt chúng ta đến bao giờ mới tắt. Sở dĩ chúng ta không thoát được lối nghiệp lại bị nghiệp dẫn vì công phu tu hành chưa có bao nhiêu.
Giảng (tiếp…)
Sông yêu dịch từ chữ ái hà trong nhà Phật. Chúng ta chìm đắm mãi trong sông yêu biển ái biết đến chừng nào thôi dứt. Nhà lửa tam giới thiêu đốt chúng ta đến bao giờ mới tắt. Hai câu kết này là lời nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta phải mau mau thoát khỏi sông yêu đang nhận chìm và nhà lửa tam giới đang thiêu đốt chúng ta.
“Chẳng nguyện vượt ra lối nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Vua Diêm-la chợt truy tìm, Thôi tướng công há cho triển hạn.” Sở dĩ chúng ta không thoát được lối nghiệp lại bị nghiệp dẫn vì công phu tu hành chưa có bao nhiêu. Nếu không thoát được nghiệp, một ngày kia vua Diêm-la cho lệnh truy tìm, Thôi tướng công cũng không cho triển hạn. Tướng công họ Thôi là chỉ quỉ vô thường trong nhà Phật. Trong sử các Thiền sư có câu chuyện quỉ vô thường tìm thầy Tri sự. Khi xưa ở một Thiền viện, công việc quá bề bộn, thầy Tri sự siêng năng làm công tác không có thời giờ tu. Một hôm quỉ vô thường tới mời đi. Thầy hoảng hốt nói: Tôi làm Tri sự mấy năm nay không rảnh để tu, xin ông về tâu lại với Diêm vương hoãn cho tôi một tuần lễ, để tôi có thời giờ tu hành. Quỉ vô thường nể tình về tâu lại, vua Diêm vương bằng lòng. Ngang đó thầy Tri sự buông tất cả việc và tu gấp rút. Đến đúng kỳ hẹn, quỉ vô thường trở lại, tìm không ra thầy Tri sự nữa. Bấy giờ thầy Tri sự ở đâu? Chúng ta cũng ráng tập như vậy, khi làm việc thì làm tận lực, lúc buông việc thì tu gấp, như vậy mới giỏi mới hay, nếu không chịu tu, tướng công họ Thôi cũng không triển hạn được.
“Ngoái đầu nhìn người thân chẳng thấy, đến đây rồi nghiệp báo tự mang. Quỉ vương ngục tốt mặc sức khảo tra, cây kiếm núi đao khôn chống đỡ.” Khi bị quỉ vô thường dẫn đi, quay đầu nhìn lại tìm người thân chẳng thấy một ai. Một thân một mình ra đi, còn ở nhân gian người thân đang khóc. Khi xuống đến Diêm đài, đã tạo nghiệp gì phải tự chịu nghiệp ấy, không có ai thay thế cho mình. Bị quỉ vương ngục tốt khảo tra, chịu đủ cực hình đau đớn, trèo lên cây kiếm núi đao, không thể nào chống đỡ được.
“Hoặc nhốt dưới ngọn núi lửa, hoặc giam trong núi Thiết Vi. Vào vạc dầu sôi muôn kiếp ngàn đời, bị chặt chém một đao thành hai khúc. Đói nuốt hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Suốt ngày luôn chịu khổ đau, năm trăm kiếp chẳng thấy hình bóng.” Hoặc bị nhốt thiêu trong núi lửa, hoặc bị giam ép trong núi Thiết Vi. Có khi bị quăng trong vạc dầu sôi không biết bao lâu, hoặc bị dao chặt chém thành hai khúc. Đói thì nuốt hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi, trải qua năm trăm kiếp chịu khổ đau trong địa ngục.
“Trả xong tội nghiệp, trở vào luân hồi. Bỗng mất thân người khi trước, trở lại mang lấy đãy da. Đội lông mang sừng, hàm sắt dây yên, lấy thịt nuôi người dùng mạng trả nợ.” Trả xong tội nghiệp lại trở vào luân hồi bị các dư báo: Trước là người nhưng tạo tội bị xuống địa ngục, trả xong quả báo còn các dư báo, mất thân người khi trước lại mang thân các loài vật. Hoặc làm thân trâu ngựa, hoặc làm lợn chó vịt gà, dùng mạng trả đền nợ cũ.
“Sanh bị khổ dao bằm chày nện, sống bị nạn nước sôi lửa bỏng. Hằng chứa oán thù, thay nhau ăn nuốt.” Khi sanh làm loài vật, hoặc bị dao bằm chày nện, hoặc bị nước sôi lửa bỏng. Làm thân bò lợn bị dao bằm thịt, làm thân dê nai, bị chày nện cho mềm, làm gà vịt bị nhúng nước sôi... Khi xưa mình giết họ, họ oán hận mình, bây giờ họ giết mình, mình oán hận lại, cứ như thế mà chứa thù chất oán, ăn nuốt lẫn nhau mãi mãi không cùng.
“Khi đó mới hối hận, học đạo không nhân. Chi bằng ngày nay tu tập, chớ để đời này trôi qua.” Đến khi này mới hối hận tại sao trước kia chúng ta không cố gắng học đạo đến nơi đến chốn, nay không có cơ hội học đạo phải chịu khổ đau, có ăn năn cũng không kịp nữa. Chi bằng ngay bây giờ phải ráng tu tập chớ để đời này trôi qua. Đây là lời khuyên nhắc chúng ta phải mau mau thức tỉnh gắng tu, nếu không tu phải theo nghiệp chịu khổ vô cùng, hết kiếp này sang kiếp khác làm thân súc vật để đền trả nợ trước.
Đến đây ngài Trần Thái Tông dẫn những sự tích để chỉ việc học đạo rất là quí trọng.
“Đức Phật Thích-ca trước bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết.” Khi xưa đức Phật do thức tỉnh, Ngài bỏ cung vàng, điện ngọc, ngôi vua, đi vào núi Tuyết tu khổ hạnh cho đến quên thân.
“Cư sĩ Bàng Long Uẩn đem gia tài đổ xuống biển sâu.” Ông Bàng Long Uẩn là một nhà Nho giàu có, khi hiểu đạo rồi, ông đem tiền của bạc vàng đổ xuống sông Tương, chỉ lo tu hành mà thôi.
“Chân Vũ chẳng thiết ngôi vua chỉ cầu tu hành.” Chân Vũ là một vị Thái tử nước Trịnh Lạc đời Hán, khi sanh ra có nhiều điềm lạ. Lớn lên có chí trừ khử tà ma, vượt biển đông gặp thiên thần trao cho cây bảo kiếm. Chân Vũ tu luyện ở núi Đông Hải bốn mươi hai năm thành công, ngay ban ngày bay lên không, vâng lệnh Thượng đế trấn thủ phương bắc. Vốn tên là Huyền Vũ, sau đổi là Chân Vũ. Đây là một vị Thái tử vì ham tu mà bỏ cả ngôi vua.
“Lữ Công đã làm thần tiên, vẫn còn tham vấn.” Đây là câu chuyện tiên. Lữ Công tức là Lữ Đồng Tân, trong sách có một bài viết Lữ Đồng Tân đầu Phật. Lữ Đồng Tân quê ở Hà Dương, sanh khoảng Thiên Bảo nhà Đường, dòng họ làm quan, ông mấy phen thi Tiến sĩ không đậu, chán nản dạo núi Hoa Sơn, gặp Hán Chung Ly là Lang tướng nhà Tấn trấn loạn nơi đây, ông xin ở lại và học pháp dưỡng sanh. Chung Ly muốn độ Lữ Đồng Tân, trước dùng tài thí, một hôm Đồng Tân đứng hầu, Chung Ly lượm một hòn đá lấy thuốc bôi vào liền thành vàng ròng tặng cho Tân nói để đi đường bán xài. Tân hỏi: Cái này có hoại chăng? Ly nói: Năm trăm năm mới hoại. Tân liền ném đi nói: Khi khác làm lầm người. Ly lại thử Tân bằng sắc đẹp, sai Tân vào núi hái thuốc, Ly hóa ra túp lều tranh có một cô gái đẹp, cô gái thấy Tân vui mừng đón tiếp nói: Chồng tôi mất đã lâu, nay gặp quân tử mong không bỏ tôi, bước lại gần muốn nắm tay. Tân lấy tay gạt ra nói: Chớ đem cái đãy nhớp đến gần ta. Người nữ ấy biến mất hiện Hán Chung Ly. Hán Chung Ly liền dạy cho Tân thuật kim đơn và phép Thiên tiên kiếm. Từ đây Tân được dạo đi tự tại, làm thi rằng:
Triêu du Nam Việt, mộ Thương Ngô,
Tụ lý thanh xà đảm khí thô,
Tam nhật Nhạc Dương nhân bất thức,
Lãng ngâm phi quá Động Đình hồ.
Dịch:
Sớm chơi Nam Việt, xế Thương Ngô,
Trong áo thanh xà gan mật thô,
Dương Nhạc ba ngày người chẳng biết,
Ngâm to bay thẳng Động Đình hồ.
Sau Tân đến yết kiến Hòa thượng Long Nha, hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Long Nha đáp bằng bài kệ:
Hà sự triêu sầu dữ mộ sầu,
Thiếu niên bất học lão hoàn tu,
Minh châu bất thị Ly long tích,
Tự thị thời nhân bất giải cầu.
Dịch:
Chi phải sớm buồn với chiều buồn,
Thiếu thời không học, lão hối suông,
Minh châu nào phải Ly long tiếc,
Chỉ tại người đời chẳng biết cầu.
Tân nhân dạo núi Hoàng Long ở Nhạc Châu, thấy mây đỏ vòng quanh, nghi có dị nhân ở, liền vào chùa gặp Thiền sư Hối Cơ Siêu Huệ đang thượng đường. Cơ biết có dị nhân thầm ẩn dưới tòa, liền to tiếng bảo: Trong chúng có người trộm pháp. Tân ngang nhiên ra hỏi: Trong một hạt lúa chứa thế giới, trong nồi nửa thăng nấu núi sông, hãy nói ý chỉ này thế nào? Cơ đáp: Quỉ giữ thây chết. Trong đãy Tân vẫn có thuốc trường sanh, Tân nói: Trong đãy vẫn có thuốc trường sanh bất tử thì sao? Cơ đáp: Dù trải tám muôn kiếp trọn là rơi trong không vong. Tân bất bình ra đi, đến nửa đêm phi kiếm hại Cơ. Cơ đã biết trước, lấy pháp y trùm đầu ngồi tại phương trượng, kiếm đến bay quanh mấy vòng, Cơ lấy tay chỉ, kiếm liền rơi xuống đất. Tân đến tạ lỗi, Cơ nhân đó hỏi: Trong nồi nửa thăng thì chẳng hỏi, thế nào là trong một hạt lúa chứa thế giới? Tân ngay lời hỏi này có tỉnh, bèn thuật kệ:
Hạo khước biều nhi toái khước cầm,
Như kim bất luyến thủy trung câm,
Tự tùng nhất kiến Hoàng Long hậu,
Thủy giác tùng tiền thố dụng tâm.
Dịch:
Bẻ gãy chiếc bầu, đập nát đàn,
Hiện nay chẳng thích nước trữ vàng,
Sau khi gặp được Hoàng Long đấy,
Mới biết từ xưa quấy dụng tâm.
Đây là câu chuyện thần tiên đi học Phật. Lữ Đồng Tân là thần tiên, còn đi tham vấn với Thiền sư Hối Cơ ở Hoàng Long.
“Tô Đông Pha thường gần Phật Ấn.” Trong sử có ghi: Một hôm Sư (Phật Ấn) và đồ chúng vào thất, cư sĩ Tô Đông Pha đến thẳng thất, Sư nói: Trong này không có ghế ngồi, cư sĩ đến đây làm gì? Đông Pha đáp: Tạm mượn thân tứ đại của Phật Ấn làm ghế ngồi. Phật Ấn nói: Sơn tăng có một câu hỏi, nếu cư sĩ nói được thì mời ngồi, bằng nói chẳng được thì cởi ngọc đái để lại. Đông Pha vui vẻ chấp nhận. Phật Ấn hỏi: Vừa rồi cư sĩ nói “tạm mượn thân tứ đại Sơn tăng làm ghế ngồi”, chỉ như Sơn tăng tứ đại vốn không, năm ấm chẳng có, cư sĩ đến chỗ nào ngồi? Tô Đông Pha không đáp được, phải cởi dây ngọc đái để lại, Sư tặng cho lá y Vân Sơn, Đông Pha làm bài kệ:
Bách thiên đăng tác nhất đăng quang,
Tận thị hằng sa diệu pháp vương,
Thị cố Đông Pha bất cảm tích,
Tá quân tứ đại tác thiền sàng.
Bệnh cốt nan kham ngọc đới vi,
Độn căn nhưng lạc tiễn phong ky,
Hội đương khất thực ca cơ viện,
Đoạt đắc Vân Sơn cựu nạp y.
Dịch:
Đèn trăm ngàn ngọn ánh sáng đồng,
Cả thảy hằng sa diệu pháp vương,
Bởi thế Đông Pha đâu dám tiếc,
Mượn anh tứ đại làm giường thiền.
Bệnh xương khó chịu ngọc đái ràng,
Căn độn nên rơi máy nhọn tên,
Hiểu nên khất thực xa ca kỹ,
Nhận lãnh Vân Sơn chiếc y xưa.
Câu chuyện này cho thấy Tô Đông Pha là một nhà văn nổi tiếng, còn phải đến học với ngài Phật Ấn.
Khóa Hư Lục – Rộng Khuyên Phát Tâm Bồ Đề (links): [ 1 ] - [ 2 ] - [ 3 ] - [ 4 ] - [ 5 ]
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [2]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [1]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [3]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [2]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [1]