Astrology.vn - Người làm nhân nghĩa là quân tử, kẻ làm trộm cướp là tiểu nhân. Người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình. Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu. Khi sống thì pháp luật trừng trị...
Dịch
Người làm nhân nghĩa là quân tử, kẻ làm trộm cướp là tiểu nhân. Người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình. Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu. Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót tướng quân Sơn Dương, tập làm Lương Thượng quân tử. Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh Ty khảo tra.
Không những đống vàng khối ngọc, dầu rằng cọng cỏ mảy lông. Ngửi mùi hương sen trong ao mà Địa thần còn quở, cho vay lấy lời Diêm vương còn phạt. Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang. Phép nước thênh thang, làm việc công thì khỏi, làm việc tư thì phạm.
Kệ rằng:
Đục vách đào tường ý chẳng thôi,
Trăm mưu ngàn kế khổ mong cầu.
Đời này ví được của người đấy,
Nào biết muôn phen kiếp ngựa trâu.
Giới trộm nói đủ là giới trộm cướp.
Giảng
“Người làm nhân nghĩa là quân tử, kẻ làm trộm cướp là tiểu nhân. Người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình. Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu. Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót Sơn Dương tướng quân, tập làm Lương Thượng quân tử, nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty khảo tra.”
Người biết nhân nghĩa, làm việc nhân nghĩa là người quân tử. Kẻ trộm cướp làm những việc hại người lợi mình gọi là kẻ tiểu nhân. Vì thế theo tinh thần nhà Nho, người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, nếu thấy ai nghèo khổ cô đơn thì sẵn sàng giúp đỡ. Đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật của người, thấy ai có lắm của nhiều tiền thì dấy khởi tâm tham muốn giựt lấy cho được. Qua hành động chúng ta biết rõ tâm ai là quân tử, tâm ai là tiểu nhân. Như vậy mình cũng biết mình là quân tử hay tiểu nhân, không phải nhờ ai phán đoán.
“Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình.” Kẻ tiểu nhân lấy của người làm của mình rồi mặc ai trách cứ chê bai mắng nhiếc, miễn lấy được của thì thôi, nên nói “chỉ biết lợi ích cho mình”.
“Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu.” Theo nhà Nho giàu sang là tại trời, theo nhà Phật giàu sang là do nghiệp lành mà được. Kẻ tiểu nhân không biết nên buông thả ý mình, thấy cái gì là mong cầu cái ấy, không biết hạn chế, ngăn ngừa lòng tham rồi làm những việc tà quấy như:
“Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót tướng quân Sơn Dương, tập làm Lương Thượng quân tử.” Sơn Dương tướng quân là chỉ một số tướng cướp thời xưa ở Trung Quốc, ẩn trên đất Sơn Dương. Còn Lương Thượng quân tử tức là người quân tử ở trên xà nhà (lương là cây kèo, là xà nhà). Gọi như vậy là do câu chuyện như sau: Đời Hậu Hán có ông Trần Thực là người khá giả học thức. Một buổi tối gia đình đang tụ họp, ông nhìn lên xà nhà thấy chú ăn trộm nằm núp sẵn trên đó chờ tối để xuống. Ông mới gọi tất cả con cháu đến rồi bảo: Con người bản tánh thiện, nghĩa là con người bất thiện vị tất vốn ác, vì tập nên thành thói xấu, thành kẻ Lương Thượng quân tử. Người ăn trộm trên xà nhà nghe ông chủ nhà nói biết là chỉ mình nên tuột xuống, rồi khúm núm kính sợ. Ông Trần Thực khuyên: Anh nên bỏ nghề này để làm người lương thiện. Người ăn trộm xấu hổ, từ đó về sau bỏ nghề trộm. Và những người ăn trộm trong làng nghe câu chuyện Lương Thượng quân tử cũng xấu hổ bỏ nghề luôn. Nhờ lời khuyên dạy của ông Trần Thực mà trong làng không còn ai làm nghề trộm đạo. Còn chúng ta nếu thấy ăn trộm thì nói làm sao? Chắc sẽ bảo đó là kẻ tiểu nhân núp trên xà nhà, chớ đâu bao giờ nói là người quân tử! Nhưng nhờ gọi người ăn trộm là quân tử nên ông ấy xấu hổ đổi thái độ và quan niệm để trở thành người tốt.
“Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty khảo tra.” Kẻ trộm cướp là người nghịch với lòng trời, trái với ý đất, dối pháp luật, khinh những hình phạt. Khi sống thì bị pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty tra khảo. Chữ Minh, theo chữ Hán nghĩa là tối, Minh ty tức là âm phủ.
“Không những đống vàng khối ngọc, dầu rằng cọng cỏ mảy lông.” Không phải lấy trộm một đống vàng, một khối ngọc mới mang tội ăn trộm, mà dù một cọng cỏ, một mảy lông, người không cho cũng không được lấy. Chúng ta thường có bệnh nói trộm cướp là phải cái gì to lớn như đống vàng khối ngọc chẳng hạn, còn trái cà trái ớt nhỏ xíu, đi ngang thấy lảy bỏ vào túi không cần hỏi ai, tưởng là không có tội; nhưng dù vật nhỏ bao nhiêu cũng do công khó nhọc của người trồng, mình không xin người chưa cho thì không được quyền lấy. Đây mới dẫn tích xưa:
“Ngửi mùi hương sen trong ao mà Địa thần còn quở.” Đây là dẫn câu chuyện một ông Sa-di đi qua hồ sen, thấy hoa nở có mùi thơm đứng lại nhìn và ngửi mùi sen thơm. Chợt có Địa thần xuất hiện và quở: Tại sao ông ngửi trộm hương hoa sen của tôi? Ông Sa-di nói: Tôi chỉ ngửi mùi hương, đâu có hại gì đến hoa của ông. Địa thần bảo: Ngửi như vậy là đã phạm tội trộm rồi. Ngay lúc đó có đôi ba người ào xuống hồ sen kẻ hái gương người nhổ ngó. Ông Sa-di hỏi lại ông thần: Tôi chỉ ngửi một chút hương sen mà ông đã quở, còn những người kia bẻ gương móc ngó, sao ông không rầy? Địa thần nói: Ví như có người mặc chiếc áo trắng chỉ cần dính một điểm mực nhỏ đã thấy dơ rồi. Còn người mặc áo đen nếu dính một bệt mực to cũng không thấy là dơ. Ông thần nói tiếp: Cũng như vậy, vì ông là người tu thanh tịnh, nên ngửi lén một chút hương sen, ông đã nhơ rồi, còn các người kia là kẻ phàm tục dù họ có làm những điều tội lỗi cũng như bệt mực phết lên chiếc áo đen không ai thấy, nên tôi không rầy. Qua câu chuyện này chúng ta thấy người tu là phải dè dặt tối đa, đừng nghĩ rằng người ta ăn trộm còn không sao, mình hái có trái cà trái ớt đâu có gì quan trọng. Song thái độ người tu phải khác hơn, dù một chuyện nhỏ cũng phải tránh, vì mình là người trong sạch, một vết nhơ tuy nhỏ cũng làm nhơ mình rồi. Còn người đã nhơ sẵn thì một vết nữa cũng không thấm vào đâu.
“Cho vay lấy lời Diêm Vương còn phạt.” Đến việc cho vay lấy lời cũng vậy, vua Diêm Vương cũng rầy phạt, chớ không phải dễ. Như người tu ở chùa thỉnh thoảng ngân quĩ được rộng, cũng muốn cho vay lấy lãi, mà không ngờ việc làm đó cũng bị quở rầy!
“Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang. Phép nước thênh thang, làm việc công thì khỏi, làm việc tư thì phạm.” Lưới trời tuy nhìn không thấy, nhưng lồng lộng mênh mông, nếu làm lành thì không dính mắc lưới trời, còn làm ác nhất định mắc họa bị đọa đày, không sao tránh khỏi. Phép nước mênh mông rộng lớn, nếu làm việc công ích lợi cho mọi người thì không phạm tội. Nếu vì tư tài tư lợi được mình hại người thì phạm tội, chớ không tránh được.
Kệ rằng:
Đục vách đào tường ý chẳng thôi,
Trăm mưu ngàn kế khổ mong cầu.
Đời này ví được của người đấy,
Nào biết muôn phen kiếp ngựa trâu.
Đục vách, đào tường là làm nghề trộm cướp, làm mãi không muốn thôi. Bày ra trăm mưu ngàn kế để mong cầu được tài lợi của người. Ví như đời này được hưởng, đâu có biết muôn kiếp phải làm trâu ngựa để đền trả. Đừng nghĩ lấy của người hưởng hết là xong, hiện giờ tưởng như sung sướng, nhưng đời sau phải chịu khổ đau không biết bao nhiêu lần. Vì vậy phải ngừa tránh chớ lấy của người, đó là giữ giới trộm cướp.
Khóa Hư Lục - NĂM GIỚI (links): > [0] Tổng Luận > [1] Văn Giới Sát > [2] Văn Giới Trộm > [3] Văn Giới Sắc > [4] Văn Giới Vọng Ngữ > [5] Văn Giới Rượu
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.1): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SÁT
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3): NĂM GIỚI
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (2): TỰA - THIỀN TÔNG CHỈ NAM
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (1): OÂNG VUA THIỀN SƯ