Astrology.vn - Bốn núi này là y cứ trong kinh, ngài Trần Thái Tông diễn tả cho chúng ta dễ hiểu. Trong Hán tạng, kinh Tạp A-hàm bài 1147 có nói về bốn núi. Tạng Pali kinh Tương Ưng Bộ bài 136 (Hòa thượng Minh Châu dịch) cũng nói về bốn núi. Bốn núi là: sanh, già, bệnh, chết.
Dịch
Nguyên là, tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sanh các sắc. Đã trái không sanh không hóa, mải làm có hóa có sanh. Không sanh hóa thì không hóa không sanh, có hóa có sanh nên có sanh có hóa. Hoặc sanh Thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng. Luôn luôn chìm đắm nơi bến mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ. Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay, rối rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ. Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi kéo về. Khiến đến qua lại sáu đường, xuống lên bốn núi. Bốn núi là: sanh, già, bệnh, chết. Nay lần lượt trình bày bốn núi để lại đời sau.
KỆ BỐN NÚI
Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng,
Ngộ xong chẳng có, muôn vật không.
Mừng được ba chân lừa có sẵn,
Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong.
Giảng
Bốn núi này là y cứ trong kinh, ngài Trần Thái Tông diễn tả cho chúng ta dễ hiểu. Trong Hán tạng, kinh Tạp A-hàm bài 1147 có nói về bốn núi. Tạng Pali kinh Tương Ưng Bộ bài 136 (Hòa thượng Minh Châu dịch) cũng nói về bốn núi. Một hôm vua Ba-tư-nặc đi chinh phạt loạn quân ngoài biên giới, đánh thắng kéo quân về đến gần tinh xá của Phật ông dừng quân lại, đích thân đến lễ Phật. Phật hỏi: Đại vương đi đâu về xem có vẻ nhọc nhằn? Vua bạch: Con đi chinh phạt bọn ngoại xâm, vừa chiến thắng trở về. Khi nói nhà vua hiện ra kiêu khí của người thắng trận. Đức Phật hỏi: Này Đại vương, nếu có người ở phương đông đến thưa thế này: Tôi thấy một ngọn núi từ phương đông lăn lần lần về đây, lăn đến đâu nghiền nát cỏ cây người vật ở đó. Lại có một người phương nam tới cũng tâu: Đại vương có một ngọn núi ở phương nam đang lăn về đây, tới đâu nó đều nghiền nát cây cỏ người vật. Lại phương tây, phương bắc, mỗi phương có một ngọn núi đang lăn về, lăn đến đâu cây cỏ người vật đều bị nghiền nát. Nếu có người báo bốn ngọn núi đang lăn về, tàn sát cây cỏ, người, vật thì Đại vương sẽ cử đội quân nào để đi chinh phục chúng? Nhà vua bạch: Dầu đội quân có tài trăm trận trăm thắng đi nữa cũng không thể nào chinh phục được bốn núi đó. Phật bảo: Bốn núi đó là sanh, già, bệnh, chết. Dầu cho ai tài giỏi đến đâu, dũng mãnh đến đâu cũng không thắng được, không chinh phục được sanh, già, bệnh, chết mà đều bị chúng nghiền nát. Nghe như thế kiêu khí của nhà vua không còn nữa. Đó là ý nghĩa bốn núi.
Trong chúng ta ai cũng không khỏi bị bốn núi nghiền nát, chúng ta đang thấy nó lăn từ từ gần đến mình. Như hiện nay ba núi sanh, già, bệnh lăn tới tôi rồi, chỉ còn núi thứ tư, núi tử nữa là kết cuộc. Như vậy ai cũng bị bốn núi nghiền nát mà không hay và cũng không ai chống lại được chúng. Thế nên người tu là muốn thoát bốn núi đó, không để chúng nghiền nát. Còn người thế gian bị nó nghiền mãi, sanh ra rồi lại bị nghiền nát, cứ như thế mà muôn đời muôn kiếp không biết bao nhiêu lần khổ đau. Từ ý nghĩa đó ngài Trần Thái Tông làm bài bốn núi.
“Nguyên là tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sanh các sắc. Đã trái không sanh không hóa, mải làm có hóa có sanh. Không sanh hóa thì không hóa không sanh, có hóa có sanh nên có sanh có hóa. Hoặc sanh Thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng. Luôn luôn chìm đắm nơi bến mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ. Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay, rối rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ. Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi kéo về. Khiến đến qua lại sáu đường, xuống lên bốn núi. Bốn núi là: sanh, già, bệnh, chết. Nay lần lượt trình bày bốn núi để lại đời sau.”
Mở đầu Ngài diễn tả: “Nguyên là tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có.” Đọc kinh Bát-nhã chúng ta thấy rõ tứ đại không thật, năm ấm cũng không thật, nên nói tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có.
“Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không”, tức là do thể không dấy niệm khởi vọng, từ vọng biến thành sắc chất, nên nói sắc chất gốc tự chân không, chớ không phải riêng có. Điều này những nhà khoa học hiện đại dễ tin, vì khi phân tích tột cùng sắc chất, họ thấy là chân không chớ sắc chất không có cái thể riêng. Tóm lại Ngài nói do không khởi sắc, tức là từ không rồi dấy vọng thành sắc, sắc do vọng dấy từ chân không, nên không rời chân không.
“Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sanh các sắc.” Vọng đó là từ không, không hiện ra vọng, vọng sanh ra các sắc. Nay nói về tâm người tu, trong lúc chúng ta ngồi thiền, nếu không nghĩ gì, lúc đó là không hay là có? Không nghĩ gì thì thấy như không. Vừa dấy niệm là vọng, vọng cấu kết với hình sắc nên nhớ hình này hình kia, nội tâm chúng ta rõ ràng như vậy. Bên ngoài cũng thế, từ vọng hiện ra các hình sắc, nên:
“Đã trái không sanh, không hóa”, lý đáng chân không là không sanh không hóa, nhưng vì trái với nó nên “mải làm có hóa có sanh”, nghĩa là sanh hóa liên tục.
“Không sanh hóa thì không hóa không sanh, có hóa có sanh nên có sanh có hóa.” Nếu đứng về mặt không sanh không hóa thì đó là thể, không có hóa sanh gì cả. Lục Tổ thấy được thể đó Ngài mới nói “bản lai vô nhất vật”, không sanh không hóa thì có vật gì? Nay vì theo có hóa có sanh, nên mọi việc đều thành có sanh có hóa.
“Hoặc sanh Thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng.” Sanh hóa là sanh ra người Thánh bậc Hiền, hoặc kẻ trí người ngu sai biệt; hoặc hóa làm chim chóc, tôm cá, trâu bò, các loại.
“Luôn luôn chìm đắm nơi bến mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ”, vì sanh hóa nên cứ chìm đắm mãi nơi bến mê, lăn lộn trong biển khổ không ra khỏi.
“Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay, rối rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ.” Như vậy chúng ta sống trong mờ mịt lăng xăng, không một phút giây thức tỉnh.
“Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi kéo về.” Buông tâm chạy đi là phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, vì phóng tâm chạy đi nên hóa hóa sanh sanh liên miên không dừng. Trái lại nếu biết nắm mũi kéo về thì không sanh không hóa. Chúng ta bắt đầu nắm mũi kéo về được chưa? Cố nắm nhưng nó còn giẫy quá. Nếu kéo được thì trở về không sanh không hóa.
“Khiến đến qua lại sáu đường”, khi đã sanh hóa thì lăn lộn trong sáu đường, “xuống lên bốn núi” sanh, già, bệnh, chết. Sở dĩ có bốn núi, là vì chúng ta bỏ chân không, chạy theo vọng tưởng, từ vọng tưởng tạo thành sắc thân, rồi lăn lộn trầm luân trong biển khổ.
Ngài nói tổng quát kệ bốn núi:
Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng,
Ngộ xong chẳng có, muôn vật không.
Mừng được ba chân lừa có sẵn,
Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong.
Bài kệ nghe như khó hiểu. “Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng” là diễn tả sanh, già, bệnh, chết, cheo leo như ngọn núi cao. Tuy thế nếu “ngộ xong chẳng có, muôn vật không”. Nếu ngộ được lý chân không, mới thấy muôn vật là không thật, chỉ từ vọng sanh.
“Mừng được ba chân lừa có sẵn” tức là mừng được có sẵn con lừa ba chân.
“Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong”, cỡi lừa ba chân chạy thẳng lên ngọn núi cao tuyệt. Có vô lý không? Cỡi lừa bốn chân không biết có chạy nổi lên ngọn núi không, chớ lừa ba chân làm sao chạy được? Vì thế bài kệ này mỗi người hiểu mỗi cách.
Con lừa ba chân xuất xứ từ câu chuyện của ngài Dương Kỳ Phương Hội, đệ tử ngài Từ Minh. Sử Trung Hoa ghi rõ: Có người tới hỏi ngài Dương Kỳ: Thế nào là Phật? Ngài đáp: Con lừa ba chân chạy tứ tung. Ngài Trần Thái Tông mượn câu chuyện đó, nói có sẵn lừa ba chân cỡi chạy thẳng lên ngọn núi cao phong. Trong nhà Thiền, nói đến chỗ cứu kính, đó là chỗ vô lý hay phi lý. Tại sao? Vì tất cả lý lẽ chúng ta bàn luận ở thế gian đều tương đối, có phải có quấy. Nếu ai nói phải thì cho là hợp lý, nói quấy là phi lý. Nhưng cứu kính tuyệt đối là cái phi lý, tức là cái không suy lường được. Thường người ta nói tu là làm lành, là giúp kẻ khổ, nhưng đối với chỗ cứu kính, tu lại là buông, là bỏ, buông những niệm tưởng lành dữ, bỏ những tâm thiện ác. Lành dữ thiện ác đều buông sạch thì có lý hay phi lý? Từ cái phi lý mới đi đến chỗ cứu kính được, còn nằm trong đối đãi thì chưa đến cứu kính. Con lừa ba chân là chỉ cái phi lý. Đạt được cái phi lý mới lên tận ngọn núi cao phong. Trái lại nếu chưa đạt thì chưa lên được. Đó là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền.
Bốn Núi-Tổng Luận > 1.Núi Thứ Nhất–Tướng Sanh > 2.Núi Thứ Hai–Tướng Già > 3.Núi Thứ Ba–Tướng Bệnh > 4.Núi Thứ Tư–Tướng Chết
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.5): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI RƯỢU
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.4): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI VỌNG NGỮ
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.3): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SẮC
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.2): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI TRỘM
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.1): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SÁT