Astrology.vn - Chương cuối này thuộc về phần chính trị luận trong học thuyết Trang tử. Đại ý toàn chương được tóm tắt trong bài 6, bài quan trọng nhất: lí tưởng của các đế vương trị thiên hạ phải là vô vi. Vô vi là cái kho chứa mọi kế hoạch, nghĩa là không kế hoạch nào bằng vô vi; vô vi thì mọi công việc được giản dị, trí óc được sáng suốt. Vô vi là thuận lẽ tự nhiên, cứ hư tâm, không dùng cơ trí, không có thành kiến, thuận theo hoàn cảnh như cỏ rạp dưới ngọn gió, thích ứng với mọi vật, để mọi vật sống theo thiên tính của chúng, vì thiên tính của chúng rất sáng suốt, chí cho chúng ta cái gì nên làm, cái gì nên tránh rồi; ta đừng nên đem ý riêng của ta mà lập ra pháp độ bắt chúng theo, như vậy sẽ tai hại…

 

 

1

Niết Khuyết hỏi Vương Nghê bốn câu mà Vương Nghê đều đáp là không biết. Niết Khuyết thích quá, nhảy tưng tưng, lại cho Bồ Y tử[276] hay.

Bồ Y tử bảo:

- Vua Hữu Ngu không bằng vua Thái[277]. Vua Hữu Ngu còn dùng lòng nhân để kết nhân tâm, tuy được người ta qui thuận, nhưng chưa thoát ra khỏi sự vật. Vua Thái ngủ êm đềm, tỉnh khoan khoái[278]; người khác gọi ông là ngựa hay bò, cũng mặc; trí thức ông xác đáng, đức ông chân thực; mà ông chưa hề bị trói buộc.

 

2

Kiên Ngô lại thăm người cuồng [nước Sở] là Tiếp Dư.

Tiếp Dư hỏi:

- Nhật Trung Thuỷ[279] nói gì với ông?

Kiên Ngô đáp:

- Ông ấy bảo tôi rằng vua mà chấp hành pháp độ, thì làm dân ai dám không nghe mà rồi sẽ bị cảm hoá hết.

Tiếp Dư bảo:

- Đó là cái đức giả dối. Như vậy mà trị thiên hạ thì không khác gì đào kinh trong biển, bắt muỗi đội núi. Thánh nhân trị thiên hạ có trị ở ngoài [tức dùng pháp độ] đâu? Sửa mình cho ngay rồi sau cảm hoá được người. Thuận theo tình cảm của dân, để họ tự lo lấy sự sinh tồn của họ, không ép họ. Con chim biết bay lên cao để tránh cái lưới và mũi tên; con chuột đồng biết đào hang sâu ở dưới gò thờ thần để tránh cái hoạ bị hun khói, bị đào hang. Lẽ nào người không khôn bằng hai con vật nhỏ ấy?[280] [mà không biết tránh hoạn nạn? Vậy cứ vô vi để làm theo bản tính của họ là biết cách trị nước].

 

3

Thiên Căn (gốc rễ của trời) đi chơi ở Ân Dương, tới sông Lục, gặp Người-không-tên, bèn hỏi:

- Làm sao trị được thiên hạ?

Người-không-tên đáp:

- Cút đi! Quân thô lỗ! Hỏi gì mà thấy ghét! Ta giao du với tạo vật, chán rồi thì cưỡi con chim phiếu điểu[281] để bay ra ngoài vũ trụ và tiêu dao ở chỗ hư vô tịch mịch, trong cõi khoáng đãng, sao anh lại đem cái việc trị thiên hạ ra làm bận lòng ta?

Thiên Căn hỏi nữa. Người-không-tên đáp:

- Anh rán tập cho lòng anh điềm tĩnh, cứ thuận theo tính tự nhiên[282] của vật, đừng có một chút tư ý, như vậy thiên hạ sẽ thái bình.

 

4

Dương Tử Cư[283] lại thăm Lão Đam, hỏi:

- Nay có một người mẫn tiệp, quả cảm, nhận thức sáng suốt và sâu sắc, học đạo không biết mỏi, người đó có thể so sánh với một minh quân được?

Lão Đam đáp:

- Hạng đó, thánh nhân cho là chỉ làm tôi tớ thiên hạ, bị luỵ về kĩ thuật của mình, mà hoá ra lao khổ, ưu tư thôi. Cứ xét: “Con hổ con báo vì da nó vằn nên bị người ta săn; con khỉ vì nhanh nhẹn khéo léo, con chó săn vì giỏi đuổi bò, nên bị người ta bắt”. Hạng đó sao mà so sánh với minh vương được.

Dương tử xấu hổ, hỏi:

- Xin hỏi minh vương trị thiên hạ ra sao?

- Minh vương trị thiên hạ thì công trùm thiên hạ mà cơ hồ không phải là công của mình; vạn vật đều được cảm hoá mà không thấy nhờ đức của mình; công đức ấy có đấy mà không ai chỉ ra được[284], vạn vật đều thoả mãn. Hành động của thánh nhân thần diệu không ai đoán được; họ đồng hoá với sự hư vô.

 

5

Nước Trịnh có một thầy tướng kì tài tên là Quí Hàm[285], đoán được sinh tử, tồn vong, hoạ phúc, thọ yểu; biết trước việc sẽ xảy ra năm nào, tháng nào, tuần[286] nào, ngày nào, đúng như thần. Vì vậy người nước Trịnh thấy ông tới là sợ, bỏ chạy.

Liệt tử lại thăm ông ta, phục lắm, về thưa với thầy là Hồ tử:

- Trước, con coi đạo của thầy cực cao thâm rồi, bây giờ con còn thấy có cái còn cao thâm hơn nữa.

Hồ tử bảo:

- Ta chỉ truyền cho anh cái hư văn ở bên ngoài thôi, chứ đâu đã truyền cho cái chân thực bên trong, anh cho như vậy là đắc đạo rồi ư? Gà mái mà không có gà trống thì trứng đâu có nở được; anh cũng vậy, không có cái chân thực của Đạo mà đã ra tranh đua với đời, cho nên bị người ta dò được nhược điểm. Anh thử dắt người đó lại đây coi tướng cho thầy xem sao.

Hôm sau, Liệt tử dắt người thầy tướng lại. Khi ra về, ông ta bảo Liệt tử:

- Thầy anh sắp chết, không sao sống được, không tới mười ngày nữa đâu, tôi thấy có cái tướng lạ quá, như tro ướt.

Liệt tử trở vô, khóc mướt, đầm vạt áo, thưa lại với Hồ tử. Hồ tử bảo:

- Tại lúc nãy thầy hiện ra như khối đất[287] trơ trơ, không động mà cũng không ngừng, không có sinh khí. Anh dắt hắn lại đây một lần nữa coi.

Hôm sau người thầy tướng lại tới, và khi ra về bảo Liệt tử:

- Thật may! Thầy anh nhờ gặp ta nên hôm nay đã đỡ rồi, có sinh khí rồi, thần khí bế tắc đã mở ra rồi. Liệt tử trở vô kể lại cho thầy nghe.

Hồ tử bảo:

- Tại thầy lần này hiện ra như đất đã cày. Sinh cơ (nghĩa tựa như sinh khí) theo tự nhiên mà phát ra, không có hình tượng gì để gọi[288], nó từ gót chân đưa lên. Hắn thấy sinh cơ của ta nên nói như vậy. Anh lại dắt hắn lại đây lần thứ ba coi.

Hôm sau người thầy tướng trở lại, khi ra về bảo Liệt tử:

- Khí sắc thầy anh bất định, ta không làm sao coi tướng được. Đợi khi nào khí sắc thịnh rồi, ta sẽ coi lại.

Liệt tử vào thưa lại với thầy, Hồ tử bảo:

- Tại thầy để hiện ra cái khí cực hư không, hồn nhiên không cần dấu vết, hắn chỉ thấy ở thầy một sự quân bình giữa âm và dương, cho nên hắn không đoán tướng của thầy được. Con cá kình bơi lội, nước chỗ bị nó quậy nổi sống mà thành vực, có chỗ bị nó ngăn lại mà thành vực, có chỗ chảy xuôi mà thành vực; có tới chín thứ vực, đó mới chỉ là ba. Thầy cũng chỉ mới cho hắn thấy ba tâm trạng của thầy thôi. Lại dắt hắn tới đây một lần nữa coi.

Hôm sau, Quí Hàm theo Liệt tử tới, mới thấy Hồ tử đã kinh hoảng bỏ chạy. Hồ tử bảo Liệt tử: “Đuổi bắt hắn!”. Liệt tử không đuổi theo, quay vào thưa: “Hắn chạy mất hút rồi, con không theo kịp”.

Hồ tử bảo:

- Thầy chưa cho hắn thấy căn bản của đại đạo. Thầy hư tâm mà tuỳ theo hắn nên hắn không sao hiểu nổi thầy. Thầy như ngọn gió thổi thì rạp xuống, như làn sóng bập bềnh mà trôi, cho nên hắn sợ mà chạy.

Lúc đó Liệt tử mới biết rằng mình chưa học được gì ở thầy. Ông trở về nhà[289], ba năm không ra khỏi cửa, làm bếp thay vợ, nuôi heo như nuôi người, không phân biệt người và vật, không quan tâm tới việc đời, tự rèn luyện để khôi phục được tính chân phác và tập được tính độc lập [đối với trần thế]; giữ được sự hư tĩnh giữa vạn sự thác loạn, như vậy cho tới hết đời.

 

6

Vô vi thì làm chủ cái danh; vô vi thì gồm các kế hoạch; vô vi làm cho công việc hoá giản dị; vô vi hướng dẫn trí tuệ[290]. Hiểu được rằng đại đạo là vô cùng [hoặc hiểu được cái lí vô cùng của đại đạo] mà tiêu dao ở chỗ hư không [vô hình tích]; bảo toàn được thiên tính, bỏ hết thành kiến, như vậy chỉ là để cái tâm hư không mà thôi. Bậc chí nhân dùng cái tâm mình như dùng cái gương: không đuổi vật đi, không đón vật tới, tự nhiên nhi nhiên mà chiếu khắp vạn vật, không giấu một chút gì; nhờ vậy mà thắng được vạn vật, không bị vật làm tổn thương.

 

7

Vua Nam Hải tên là Mau Lẹ; vua Bắc Hải tên là Thình Lình; vua Trung Ương tên là Hỗn Độn [tức không phân biệt]. Một hôm Mau Lẹ và Thình Lình gặp nhau ở xứ của Hỗn Độn, được Hỗn Độn tiếp đã trọng hậu, muốn đáp lòng tốt đó, bàn với nhau: “Người ta ai cũng có bảy lỗ [291] để nghe, ăn và thở; mà anh Hỗn Độn không có một lỗ nào cả, tụi mình thử đục cho ảnh có đủ lỗ đi”. Thế là mỗi ngày họ đục một lỗ, tới ngày thứ bảy Hỗn Độn chết.

 

NHẬN ĐỊNH

Chương cuối này thuộc về phần chính trị luận trong học thuyết Trang tử. Đại ý toàn chương được tóm tắt trong bài 6, bài quan trọng nhất: lí tưởng của các đế vương trị thiên hạ phải là vô vi. Vô vi là cái kho chứa mọi kế hoạch, nghĩa là không kế hoạch nào bằng vô vi; vô vi thì mọi công việc được giản dị, trí óc được sáng suốt. Vô vi là thuận lẽ tự nhiên, cứ hư tâm, không dùng cơ trí, không có thành kiến, thuận theo hoàn cảnh như cỏ rạp dưới ngọn gió (bài 5), thích ứng với mọi vật, để mọi vật sống theo thiên tính của chúng (bài 3) vì thiên tính của chúng rất sáng suốt, chí cho chúng ta cái gì nên làm, cái gì nên tránh rồi; ta đừng nên đem ý riêng của ta mà lập ra pháp độ (bài 2) bắt chúng theo, như vậy sẽ tai hại như hành động của vua Biển Bắc và vua Biển Nam trong bài 7: đục thêm bảy lỗ cho vua Trung Ương để vua có đủ tai mắt mũi miệng, rốt cuộc là làm cho vua Trung Ương chết. Thực hành được nguyên tắc vô vi ấy thì là minh vương “công trùm thiên hạ mà cơ hồ không phải là công của mình; vạn vật đề được cảm hoá, sống theo bản tính mà không cảm thấy là nhờ đức của mình” (bài 4).

 

Chú thích :

[275] Theo Quách Tượng thì nhan đề này có nghĩa là: cứ vô tâm mà theo tự nhiên thì đáng làm đế vương. Như vậy chữ ứng phải đọc là ưng. Theo V.P.C. thì phải đọc là ứng: hễ vật tới (việc xảy ra) mình ứng phó tự nhiên, chứ không phải theo ý riêng của mình, thì là biết cách trị dân. Tôi theo L.K.h. dịch thoát là lí tưởng của đế vương.

[276] Niết Khuyết, Vương Nghê, Bồ Y tử đều là hiền nhân đời vua Nghiêu, nhưng có lẽ chỉ là nhân vật tưởng tượng, do Trang đặt ra. Theo L.K.h., Niết Khuyết là “gặm vỡ ra”, Trang tử dùng tên đó để tượng trưng trí tuệ nó cắt vụn sự vật ra để tìm hiểu; Vương Nghê là “vua bé con”, “vua kiểu mẫu”, hợp nhất được mọi người; Bồ Y tử là “ông trùm áo” tượng trưng sự trực giác bao quát được sự vật. Bồ Y tử ở đây có chỗ gọi là Bị Y.

[277] Hữu Ngu tức vua Thuấn. Thái là vua Phục Y.

[278] Nguyên văn: kì giác vu vu, có sách giảng là: khi tỉnh dậy thì vẻ mặt ngu ngơ, không biết gì.

[279] Có sách bảo Nhật Trung Thuỷ là tên họ một người hiền thời xưa, thầy học của Kiên Ngô. Theo L.K.h. cả Kiên Ngô lẫn Nhất Trung Thuỷ đều là những tên Trang tử đặt ra để tượng trưng co một thái độ tự cho mình là trung tâm vũ trụ (Kiên Ngô) và một chính sách tìm sự thành công nhất thời, như mặt trời ở đỉnh đầu, thịnh cực rồi suy liền (Nhật Trung Thuỷ)

[280] L.K.h. hiểu khác: thánh nhân thì giấu cái đức, cái trí của mình như con chim, con chuột đồng ấy.

[281] Có sách dịch là to lớn.

[282] Nguyên văn: tự nhiên. Cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng: Trang tử cũng không nói đến “tính”; và trong cước chú cụ cho biết thêm: Trong bản dịch Nội thiên, chẳng hạn chương VII các bài 2, 3, chúng tôi dùng những chữ bản tính, tính tự nhiên… là dịch theo ý chứ Trang không dùng chữ “tính” (trang 103). [Goldfish].

[283] Tức Dương Chu (tên tự là Tử Cư), triết gia chủ trương vị kỉ. Đây là một chuyện bịa. Dương Chu bảo mất một cái lông mà làm lợi cho thiên hạ thì ông cũng không chịu, như vậy đâu có nghĩ tới việc trị nước.

[284] L.K.h. dịch là: thiên hạ không biết tên của thánh nhân.

[285] Nguyên văn là vu: đồng cốt.

[286] Mỗi tuần hồi xưa là mười ngày, như hiện nay ta còn nói: mỗi tháng có ba tuần: thượng, trung và hạ.

[287] Có sách giảng là: âm thắng dương; là dương thắng âm. Đất cày thì không khí ánh nắng lọt vào trong được, như vậy là dương thắng âm. [Chắc sách in sai. Tôi cho rằng bốn chữ  “là dương thắng âm” sau “âm thắng dương” là thừa; còn đoạn từ “Đất cày thì ...” đến cuối câu, là để giải thích ba chữ “đất đã cày” trong câu thoại sau – Goldfish].

[288] Đoạn này rất tối nghĩa, nguyên văn: danh thực bất nhập. L.K.h. dịch là: thầy không nghĩ gì tới danh tiếng và của cải. Tôi theo D.N.L. và H.C.H.

[289] Nguyên văn: tự dĩ vi vị thuỷ học nhi qui. Có sách chấm câu một cách khác, và dịch là: trở về cái học về “vị thuỷ”, nghĩa là cái học về cái không có nguồn gốc.

[290] Nguyên văn: vô vi danh thi; vô vi mưu phủ; vô vi sự nhiệm; vô vi trí chủ. Các bản chữ Hán đều giảng đại khái như nhau: đừng hưởng thụ danh dự; đừng xướng xuất kế hoạch; đừng đảm đương công việc; đừng dùng cơ trí mà làm chủ sự vật.

[291] Tức hai mắt, hai tai, miệng và hai lỗ mũi.

(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)

 

Tags: [Đạo Lão] [Lão Trang] [Trang Tử] [Nam Hoa Kinh] [Trang Tử Nam Hoa Kinh]

 

   Đạo LãoTrang Tử Nam Hoa Kinh - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 6 - ĐẠI TÔN SƯ 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 5 - ĐỨC SUNG PHÙ 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 4 - NHÂN GIAN THẾ - THẾ GIAN 莊子 南華經

> NAM HOA KINH: CHƯƠNG 3 - DƯỠNG SINH CHỦ - PHÉP DƯỠNG SINH 莊子 南華經

> TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 2 - TỀ VẬT LUẬN 莊子 南華經