Astrology.vn - Trước tiên Ngài nói cái quí của thân mạng con người. Người thế gian không ai không quí vàng bạc, vàng bạc tuy rất quí, nhưng khi tai nạn đến với thân, người ta không còn quí vàng bạc nữa, chỉ nghĩ đến thân mà thôi.Gió lửa tan rồi, tức là thân tứ đại rã tan. Khi cơn vô thường đến sông núi đều bại hoại...

 

 

Giảng

Trong bài này ngài Trần Thái Tông khuyên chúng ta phải phát tâm Bồ-đề, tức là phải phát tâm cầu giác ngộ.

“Ở đời cái quí tột chỉ là vàng ngọc mà thôi. Nhưng xét kỹ chỗ quí tiếc ấy chẳng bằng thân mạng. Ví như có người giàu sang được phong làm đại tướng, dùng vàng ròng làm giáp để che đỡ cho thân. Đến khi lâm chiến binh đao bị thua, hoặc cởi giáp ném gươm mà chạy, mong được thân mạng an toàn mà thôi, giáp vàng ròng đâu rảnh nghĩ tiếc. Mới biết, cái quí vàng ròng chẳng bằng cái quí thân mạng, đây là thật vậy.”

Trước tiên Ngài nói cái quí của thân mạng con người. Người thế gian không ai không quí vàng bạc, vàng bạc tuy rất quí, nhưng khi tai nạn đến với thân, người ta không còn quí vàng bạc nữa, chỉ nghĩ đến thân mà thôi. Ví dụ như một viên tướng ra trận mang giáp bằng vàng, khi thất trận phải bỏ chạy, giáp vàng nặng quá, sợ bị giặc đuổi bắt chặt đầu, bấy giờ phải cởi giáp vàng ném đi, miễn chạy khỏi chết thì thôi. Như vậy thân mạng quí trọng hơn vàng.           

“Ngày nay thì không thế, trái lại quí vật kia mà khinh thân này.” Nhưng thời nay có nhiều người đem thân để cầu được vàng bạc, nghĩa là xem nhẹ thân mà quí trọng vàng. Thí dụ như những người ăn trộm ăn cướp, dám đem thân đến chỗ hiểm nguy, có khi bị đánh bị giết, mà không lo sợ, miễn được vàng bạc thôi. Họ quí vàng bạc hơn thân mạng, đó là sai lầm, vì thân quí hơn vàng mà họ lại đem thân đổi lấy vàng!

“Chẳng biết thân này khó được có ba. Thế nào là ba?

1. Trong lục đạo chỉ có người là quí, đến khi nhắm mắt đi rồi, mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến. Hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la chẳng được làm người. Đây là cái khó được thứ nhất.” Trong lục đạo, được thân người là một cái khó. Nếu lấy tiêu chuẩn Phật dạy để đối chiếu, khi con người mất thân này có dễ được lại thân người nữa hay không? Đức Phật nói: “Ai giữ tròn năm giới, bảo đảm được làm người.” Nếu năm giới khuyết đi, nghĩa là chỉ giữ hai hay ba giới thì có thể mất thân người, nếu khuyết trọn vẹn thì hoàn toàn không được làm người. Như vậy trong năm giới, chúng ta thử kiểm lại xem có ai giữ trọn được chưa? Khuyết chừng một phần tư, một phần tám còn khả dĩ, nếu khuyết trọn vẹn hoặc ba, bốn phần thì thật khó trở lại làm người. Vì thế trong lục đạo, nhất là ba đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và đường thứ tư là a-tu-la, con người dễ rơi xuống, còn hai đường người và trời, ít được trồi lên. Trong sáu đường, mà bốn thua hai thắng, thì dễ gì đi con đường thắng, nên đa số mất thân này khó tìm lại được. Vậy được thân người là cái khó thứ nhất.

“2. Đã được làm người, lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật tự tôn ti không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng nghe chư Thánh giáo hóa. Đây là cái khó được thứ hai.” Nếu được làm người mà sanh vào những nơi không đầy đủ văn hóa, phải sống trong hoàn cảnh hỗn mang, không tôn ti trật tự, không phong tục nhân thuần, đó là cái khó thứ hai.

“3. Đã được sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc, câm, ngọng, què, thọt, còng, gù; miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp. Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân. Tuy ở nơi phồn thịnh dường thể ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó được thứ ba.” Được thân người mà bị tật nguyền sáu căn không đầy đủ, chẳng được gần thầy, chẳng gần chúng bạn, đây là cái khó được thứ ba.

Như vậy ba cái khó được là:

            1. Được thân người đối với lục đạo là khó.  

            2. Được thân người mà ở nơi phồn thịnh là khó.

            3. Được thân người, ở nơi phồn thịnh mà không bị tật nguyền là khó. Hiện giờ tất cả chúng ta có qua được ba cái khó đó chưa? Tương đối cũng qua được rồi, như vậy hạnh phúc biết mấy mà không chịu hưởng, lại đi tìm hạnh phúc khác. Có khi vì tìm hạnh phúc mà bị tật nguyền khổ ải.

“Nay đã làm người, được sanh nơi phồn thịnh lại đầy đủ sáu căn, đâu chẳng là quí sao?” Chúng ta được làm người một cách trọn vẹn vượt qua ba cái khó rồi, thật là đáng quí.

“Người đời luôn luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng rất quí báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh. Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì.” Người đời chạy theo danh lợi nên khổ nhọc thân xác, hao tổn tinh thần, đem thân quí báu làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh, đó là sai lầm lớn. Sánh với người ăn bánh quên vợ đâu có khác, tức là chỉ người thấy lợi nhỏ mà quên tình nghĩa thiết tha. Ngậm cơm quên môi là nhớ cơm quên môi, cơm là tạm thời, môi là lâu dài, tức là chỉ cái ngu muội của con người, nhớ việc nhỏ mà quên việc lớn.

“Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng đạo tối cao.” Đoạn trên ngài Trần Thái Tông kết tội những người quí tài vật mà quên thân mạng, đó là kẻ ngu. Đến đây Ngài nói thêm, thân mạng tuy quí, nhưng vẫn chưa bằng đạo tối cao. Thật vậy thân mạng rất quí nhưng đạo tối cao còn quí trọng hơn.

“Cho nên Khổng Tử nói: Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui. Lão Tử nói: Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân. Thế Tôn thuở xưa cầu đạo xả thân cứu cọp đói. Đâu chẳng phải ba bậc Thánh nhân đều khinh thân mà trọng Đạo đó sao?”

“Khổng Tử nói: Sớm được nghe đạo chiều chết cũng vui”, tức là quí đạo hơn thân. Còn Lão Tử nói: Có thân này là có hoạn lớn, nếu không có thân thì mới hết hoạn. Vậy hai vị Thánh nhân đều coi thường thân mạng.     

“Đức Thế Tôn thuở xưa cầu đạo, xả thân cứu cọp đói.” Đây là câu chuyện tiền thân của đức Phật. Thấy cọp đói, Ngài thương nên lăn mình xuống hố cho cọp ăn, đó là xả thân cứu cọp đói. Người thế gian coi thân là quí, nhưng các bậc Thánh thì khinh thân quí đạo, nên các Ngài xả thân để cầu đạo. Chúng ta chẳng nghe người xưa nói: Tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo đó sao! Nhưng ngày nay lại khác hơn, nhiều khi đi tu bỏ cái nghèo vào chùa để làm giàu, đó là xả bần cầu phú rồi. Xưa nói: xả thân cầu đạo, nay lại nói: xả đạo vị thân, nghĩa là coi thường đạo mà trọng thân hơn, đó là những điều lầm lẫn, thật trái với đạo nghĩa.

“Than ôi! Thân mạng thật là quí trọng còn phải xả để cầu Vô thượng Bồ-đề, huống là vàng ngọc, tiền của đáng khinh mà lại tiếc sao?” Đây là lời than, thân mạng thật là quí còn phải xả để cầu giác ngộ, sao lại còn tiếc vàng ngọc tiền của là cái đáng khinh. Cho nên người tu mà còn tiếc tiền của bạc vàng là không đúng.

“Ôi trong ấp mười nhà vẫn có người trung tín, huống là cả thế gian há không có người thông minh sáng suốt hay sao?” Người xưa nói: Trong ấp có mười nhà, vẫn có một người trung tín, huống nữa cả thế gian này không có người nào sáng suốt thấy được lẽ thật này hay sao? Lẽ thật này là lẽ khinh tiền của, khinh thân mạng mà quí trọng đạo vậy, đây là lẽ thật ít người thấy được.

“Đã nghe lời này, cần phải gắng học, chớ nên nghi ngờ chậm trễ. Kinh nói: ‘một phen mất thân người, muôn kiếp chẳng được lại’, thật là thống thiết. Cho nên Khổng Tử nói: ‘Người không chịu làm, tôi chẳng làm gì, cam đành thôi vậy.’ ” Ngài Trần Thái Tông khuyên mỗi người chúng ta phải ráng tu hành, cần mẫn học tập, chớ có nghi ngờ làm chậm trễ con đường tu của mình. Trong kinh dạy: Một khi mất thân người, muôn kiếp không được trở lại. Thế mà chúng ta được thân người không cố gắng tu sao? Lời khuyên này thật là thống thiết. Khổng Tử dạy: Việc của mỗi người tự làm, nếu người không chịu làm, không chịu tu, dù cho bậc Thánh nhân muốn giúp cũng không giúp được, nên cam đành thôi vậy, không biết làm sao hơn!

“Rõ ràng thời gian trăm năm, toàn ở trong sát-na, thân huyễn tứ đại đâu thể lâu dài. Mỗi ngày chìm đắm trong trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận.” Thời gian tuổi thọ chúng ta tưởng là sống được trăm năm, nhưng cơ thể chuyển dời từng giây phút, từng sát-na, không phải đợi đến trăm năm mới thay đổi. Thân chuyển từng sát-na thì thân là huyễn hóa, tứ đại này làm sao bền vững lâu dài được. Mỗi ngày chúng ta chìm đắm trong bụi trần lăng xăng, tức là chìm đắm trong sáu trần, thì nghiệp thức càng mờ mịt, càng mênh mông vô tận, không biết đâu là manh mối. Cho nên chúng ta phải sớm lo tu hành để thoát khỏi trần lao nghiệp thức.

“Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục.” Chúng ta không thức tỉnh, không biết rằng nơi mỗi người có một tánh tròn sáng, trong kinh thường dụ như hạt minh châu, gọi là tánh viên minh. “Luống chạy theo sáu căn tham dục”, tức là sáu căn đuổi theo sáu trần nên chúng ta bị sáu trần lôi kéo dẫn dắt đi không làm chủ được.

“Công danh cái thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí kinh nhân khó khỏi vô thường hai chữ.” Dù được công danh tột thế gian cũng chỉ là một trường đại mộng, dù cho giàu sang tột đỉnh người nghe phải giật mình, cũng khó thoát được hai chữ vô thường, tức là khó trốn được cái chết.

“Tranh nhân tranh ngã rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay cứu kính chẳng thật.” Nếu chúng ta còn thấy nhân ngã là quí, là cao, thì còn tranh hơn thua với nhau. Nhưng nhân ngã rốt cuộc cũng thành không, giỏi hay cứu kính đều không thật. Hai câu kệ sau đây cảnh tỉnh chúng ta:

            Gió lửa khi tan không già trẻ,

            Núi sông bại hoại mấy anh hùng.

Gió lửa tan rồi, tức là thân tứ đại rã tan, lúc đó không nói già nói trẻ nữa, già trẻ đều tan không có khác nhau. Khi cơn vô thường đến sông núi đều bại hoại, còn mấy kẻ anh hùng! Trong bài nói về Bốn núi, dù cho những đội quân hùng mạnh đến đâu cũng không chống đỡ được bốn núi sanh, già, bệnh, chết. Thế nên khi vô thường đến, anh hùng thế mấy cũng là vô nghĩa.        

“Đầu xanh chưa mấy lúc tóc bạc đã sớm điểm sương, ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo.” Những câu này nghe xót xa làm sao! Xót xa cho thân phận của chính mình. Đầu xanh chưa bao lâu thì tóc đã điểm sương. Như hiện giờ, chư Tăng Ni tuy nói còn nhỏ nhưng đầu đã điểm sương, còn tôi tóc đã bạc như tuyết. Từ tóc xanh thành tóc bạc không có bao lâu.

“Ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo.” Ngày vui là ngày sanh, nên nói mừng sinh nhật. Nhưng có sanh thì có tử, nên vừa mừng ngày sanh, lại sửa soạn lo ngày điếu, chớ có lâu đâu. Thế mà người đời chẳng nhớ, đến bảy mươi tuổi cũng lo ăn mừng sinh nhật, không nghĩ tới ngày điếu của mình.

“Một bao máu mủ nhiều năm khổ luyến ân tình, bảy thước hình hài buông lòng tham mê tài bảo. Thở ra khó mong được hít vào, ngày nay không bảo đảm ngày mai.” Trong kinh nói thân này là một đãy da máu mủ, nhưng chúng ta không nhớ, do bao máu mủ này mà phải nhiều năm khổ luyến ân tình vì thương vì ghét. “Bảy thước hình hài buông lòng tham mê tài bảo”, mang thân bảy thước (thước ta ngày xưa) mà không nhớ, chỉ lo ham mê tài bảo. “Thở ra khó mong được hít vào”, một khi thở ra tưởng như hít vào là dễ, nhưng đến lúc nghẹt thở muốn hít vào rất khó, cho nên không ai bảo đảm cuộc sống mình được lâu bền. “Ngày nay không bảo đảm ngày mai”, chúng ta cứ tính việc phải làm ở ngày mai, nhưng sự thật ngày mai chưa bảo đảm. Sống ngày nay biết ngày nay, còn ngày mai phải chờ xem, không biết có mặt mình hay không. Nói nghe buồn nhưng đó là một lẽ thật.

            Đoạn này kết thúc bằng hai câu thơ:

            Sông yêu chìm nổi lúc nào thôi,

            Nhà lửa đốt thiêu bao giờ tắt.

 

Khóa Hư Lục – Rộng Khuyên Phát Tâm Bồ Đề (links): [ 1 ] - [ 2 ] - [ 3 ] - [ 4 ] - [ 5 ]

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [1]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [3]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [2]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [1]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4.4): BỐN NÚI - NÚI THỨ TƯ - TƯỚNG CHẾT