Chỉ mục bài viết
Astrology.vn - Ai ai cũng có bản tâm chân thật nhưng quên đi không biết nên mới chạy theo đường ác tạo nghiệp luân hồi. Tất cả chúng ta hiện nay đang sống theo bản tâm hay là sống theo vọng tâm? Chúng ta chỉ sống theo vọng tâm suy tưởng mà quên mất bản tâm. Vọng tâm suy tưởng theo nghiệp hơn thua, được mất, phải quấy…
Do đó không đi được con đường chánh mà rơi vào ba đường khổ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Sở dĩ rơi ba đường khổ là do sáu căn lầm lẫn.
SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT
Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay;
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm.
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
NGHIỆP CĂN MẮT LÀ:
Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành;
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai;
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang;
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mải nhìn;
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô;
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền;
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai;
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần;
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên;
Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người;
Dù được làm người, lại bị mù chột.
Nếu không sám hối khó được tiêu trừ.
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật
Và chư Bồ-tát, Thánh Hiền Tăng.
Mở rộng tâm từ bi vô lượng
Đồng độ chúng sanh lên bờ kia (giác).
CHÍ TÂM TÙY HỈ
Nay con theo Phật sanh hoan hỉ
Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.
Thềm thang Thập địa nguyện sớm lên.
Bồ-đề chân tâm không lui sụt.
CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG
Chúng con hồi tâm nương Thánh chúng
Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.
Nguyện đem công đức đến quần sanh
Nhờ thắng nhân này thành Chánh giác.
(Lễ một lạy)
CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN
Một nguyện rộng mở sáng chánh kiến,
Hai nguyện lau sạch bụi trần mù,
Ba nguyện nhìn hình không đắm mến,
Bốn nguyện thấy sắc chẳng bận lòng.
Năm nguyện quên đầu cần kíp nhận,
Sáu nguyện mắt tuệ tự tròn đầy,
Bảy nguyện hiện nay sớm tỉnh mộng,
Tám nguyện hằng được sáng xưa nay.
Chín nguyện khi nhìn trừ che huyễn,
Mười nguyện chỗ thấy dứt hoa sanh,
Mười một nguyện trông xa mây chướng cuốn,
Mười hai nguyện chớp mắt nghiệp băng trong.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
KỆ VÔ THƯỜNG BUỔI SỚM
Đêm tối vừa rạng sáng
Ánh dương dần hiện không.
Tóc bạc thầm tới điểm
Má hồng dần đổi thay.
Chẳng biết tuổi xuân ngắn
Vẫn tranh nghiệp quả hùng.
Thân như băng gặp nắng
Mạng tợ đuốc gió đùa.
Chớ mải mê làm khách
Quay về sớm chiếu soi.
(Lễ Tam Bảo một lạy)
Giảng
SÁM HỐI TỘI CĂN MẮT
Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay,
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm,
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
“Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay.” Danh từ vô thủy trong nhà Phật thường dùng, nghe rất khó hiểu. Vô là không, thủy là trước. Kiếp không trước là kiếp nào? Vì trong nhà Phật không chấp nhận có ban đầu, nhân duyên trùng trùng điệp điệp kết hợp nhau không có mối đầu, nên nói là vô thủy. Như vậy tất cả chúng ta từ vô thủy kiếp tức là không biết bao lâu rồi đến ngày nay.
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo,
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm.
Bỏ quên tâm chân thật của mình nên không biết đạo chân chánh. Ai ai cũng có bản tâm chân thật nhưng quên đi không biết nên mới chạy theo đường ác tạo nghiệp luân hồi. Tất cả chúng ta hiện nay đang sống theo bản tâm hay là sống theo vọng tâm? Chúng ta chỉ sống theo vọng tâm suy tưởng mà quên mất bản tâm. Vọng tâm suy tưởng theo nghiệp hơn thua, được mất, phải quấy v.v... do đó không đi được con đường chánh mà rơi vào ba đường khổ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Sở dĩ rơi ba đường khổ là do sáu căn lầm lẫn.
“Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau”: Nếu không sám hối lỗi trước thì khó tránh khỏi hối hận về sau nên phải thành tâm sám hối.
“Nghiệp căn mắt là: Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh”: Nhân ác chúng ta xem kỹ mà nghiệp thiện lại coi khinh. Thí dụ một người lân cận chúng ta có điều xấu, chúng ta nhớ rất kỹ từng chi tiết, có khi còn tô đậm nét thêm, còn điều tốt của họ chúng ta lảng qua không để ý, đó là bệnh của con người đối với điều lành điều tốt thì xem thường, dễ quên, còn đối với điều dữ điều xấu lại chăm chú, nhớ dai. Bệnh đó gốc từ mắt.
“Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.” Hoa giả là tất cả những gì có hình có sắc trên thế gian, đó đều là những tướng vô thường tạm bợ, có rồi mất, không lâu bền, nhưng chúng ta mê đắm trong giả tướng nên lầm nhận hoa giả, chạy theo giả tướng nên quên ngắm trăng thật. Trăng thật là chỉ cho thể chân thật sẵn có nơi con người cũng như ở ngoại cảnh. Nếu thấy rõ muôn pháp đều là duyên hợp, không có pháp nào thật thì chúng ta không đắm mê theo cảnh tức là không nhận lầm hoa giả mà dễ thấy được cái thật của chính mình hay cái thật của ngoại cảnh.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành,
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Thấy đẹp thì yêu, thấy xấu thì ghét nên tranh cái đẹp, ghét cái xấu, cứ như thế mà yêu ghét nổi dậy cả ngày. Trong một thoáng, một chớp, mắt đã sanh ra những mê lầm, nên cái thấy không còn đúng nữa. Khi đã kẹt trong đẹp xấu, hẳn không còn thấy được cái chân thật.
“Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai”: Người nói màu tía đẹp, màu vàng xấu, người nói màu vàng đẹp, màu tía xấu rồi sanh ra cãi nhau. Cứ đem màu này sánh với màu kia, thích màu nào thì khen màu đó đẹp, nếu ai chê thì không bằng lòng.
“Nhìn lệch các thứ nào khác kẻ mù”: Nhìn không đúng lẽ thật nên giống như người mù. Quí vị thấy ngoài đường hay trong chợ nhiều người cãi nhau thật đáng tức cười. Như vào hàng vải, người nói màu vàng đẹp, người nói màu trắng đẹp, người nói màu xanh đẹp v.v... mỗi người thấy mỗi màu đẹp khác nhau nên không ai bằng lòng ai. Vậy màu nào đẹp thật? Chẳng qua là mê chấp thôi. Vì nhìn lệch theo thói quen, không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý nên chẳng khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp liếc trộm nhìn ngang,
Lòa mắt chưa sanh bản lai diện mục.
Thấy ai đẹp liền nhìn lén, ngó trộm nên mắt lòa đi, quên mất bản lai diện mục của mình.
Thấy ai giàu có, giương mắt mải nhìn,
Gặp kẻ bần cùng lờ đi chẳng đoái.
Thấy ai ăn mặc sang trọng thì ngó chăm chỉ, còn ai ăn mặc rách rưới lôi thôi liền ngó lơ, không để ý.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô,
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Quí vị thấy người dưng chết cũng là mất một mạng người, thân thuộc chết cũng là mất một mạng người. Tại sao người dưng chết lại tỉnh, lại dửng dưng, không một chút tỏ ra buồn bã thảm sầu? Trái lại khi thân nhân chết thì đau khổ, khóc rũ rượi? Cả hai đều là người mà một bên xem trọng, một bên xem thường, như thế để thấy chúng ta bị buộc ràng trong chỗ dòng họ thân quyến, mà không có tình thương nhân loại.
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.
Nhiều người vào chùa thấy tượng thấy kinh không để ý đến.
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Nghĩa là Phật, tượng, kinh đều không để ý, chỉ để ý đến người thôi.
Không ngại Hộ pháp, chẳng sợ Long thần,
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Đối với Long thần Hộ pháp, không sợ các ngài quở, cứ mê vui thôi.
Những tội như thế vô lượng vô biên,
Đều từ mắt sanh phải sa địa ngục.
Tội do mắt nhiều vô lượng vô biên, kể không hết, do mắt mê lầm nên sau khi chết phải rơi vào địa ngục.
Trải hằng sa kiếp mới được làm người,
Dù được làm người lại bị mù chột.
Trong kinh Phật dạy: Ai tạo nghiệp ác phải đọa địa ngục, nhân đó trả xong rồi còn dư báo, tức là quả báo thừa của quá khứ, khi trở lại làm người như nhân mắt tạo nghiệp thì mắt lại bị mù chột.
Nếu không sám hối khó được tiêu trừ,
Nay trước Phật đài thảy đều sám hối.
Mắt gây tội rất nhiều nên phải thành tâm sám hối thật tha thiết.
CHÍ TÂM KHUYẾN THỈNH
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật,
Và chư Bồ-tát Thánh Hiền Tăng.
Mở rộng tâm từ bi vô lượng,
Đồng độ chúng sanh lên bờ kia.
Bờ kia là bờ giác. Phần khuyến thỉnh này là đem hết lòng thành thỉnh Phật, thỉnh Bồ-tát, thỉnh các vị Tăng Thánh Hiền, vì lòng thương xót tất cả chúng sanh mà độ họ được lên bờ giác.
CHÍ TÂM TÙY HỈ
Nay con theo Phật sanh hoan hỉ,
Hôm sớm kính thành sám lỗi lầm.
Thềm thang thập địa nguyện sớm lên,
Bồ-đề chân tâm không lui sụt.
Chúng ta được niềm vui là do thường gần gũi Tam Bảo, gần gũi Phật, nên ngày đêm luôn thành kính sám hối. Sám hối để cầu điều gì? Nguyện sớm bước lên những nấc thang của hàng Thập địa. Thập địa là chỉ cho Thập địa Bồ-tát, gồm có:
1. Hoan hỉ địa
2. Ly cấu địa
3. Phát quang địa
4. Diễm tuệ địa
5. Cực nan thắng địa
6. Hiện tiền địa
7. Viễn hành địa
8. Bất động địa
9. Thiện tuệ địa
10. Pháp vân địa
Nếu tiến thêm hai bước nữa là Đẳng giác và Diệu giác. Diệu giác là Phật. Như vậy qua Thập địa thì lên Đẳng giác rồi đến Diệu giác là thành Phật nên “thềm thang Thập địa nguyện sớm lên”.
“Bồ-đề chân tâm không lui sụt.” Chân tâm là tâm thể không bị sanh diệt, tâm thể này sáng suốt, giác ngộ gọi là tâm Bồ-đề.
CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG
Chúng con hồi tâm nương Thánh chúng,
Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn.
Nguyện đem công đức đến quần sanh,
Nương thắng nhân này thành Chánh giác.
“Chí tâm hồi hướng” là lòng chân thành hồi hướng của mình.
“Chúng con hồi tâm nương Thánh chúng” tức là xoay tâm mình về nương với Thánh chúng.
“Chí thành đầu lễ đức Từ Tôn” là chí thành cúi đầu đảnh lễ đức Phật.
“Nguyện đem công đức đến quần sanh”: Tất cả công đức tu hành nguyện đem đến cho tất cả quần sanh.
“Nương thắng nhân này thành Chánh giác”: Nương nhân thù thắng này, tức là nhân sám hối mà sau này được thành Chánh giác, nghĩa là thành Phật.
Trong bài có những từ ngữ chữ Hán cần giải thích cho quí vị hiểu. Trong bài Nhật sơ chúc hương, câu “Phục dĩ thiềm luân tây một, Long chúc đông sanh” có dùng điển tích.
Thiềm luân là vầng thiềm, chỉ cho mặt trăng. Thiềm nói đủ là thiềm thừ là con cóc. Ngày xưa người ta nhìn trong mặt trăng thấy có bóng đen giống con cóc. Truyền thuyết nói rằng: Thuở xưa có chàng Hậu Nghệ xin được thuốc trường sanh của bà Tây Vương Mẫu đem về, nhưng bị vợ là Hằng Nga ăn cắp uống đi rồi trốn lên mặt trăng hóa thành con cóc ở đó. Thế nên người ta nói Hằng Nga ở trên cung trăng và gọi mặt trăng là thiềm luân.
Mặt trăng cũng còn gọi là bạch thố hay ngọc thố. Bạch thố là thỏ trắng, ngọc thố là thỏ ngọc. Thiên “Nghĩ thiên vấn” của Phó Hàm có câu: Nguyệt trung hà hữu? Đáp: Bạch thố đảo dược. Nghĩa là trong mặt trăng có gì? Đáp: Có con thỏ trắng giã thuốc, hay cũng nói con thỏ ngọc giã thuốc.
Sự tích này ngày nay đã lạc hậu, hẳn là ít ai dùng rồi.
Long chúc: chúc là ngọn đuốc, long chúc là ngọn đuốc rồng, chỉ mặt trời. Theo Sơn Hải Kinh nói: Phương bắc bầu trời có một nước không có ánh sáng mặt trời, có con rồng ngậm lửa phun như cây đuốc cháy sáng.
CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN
Một nguyện rộng mở sáng chánh kiến,
Hai nguyện lau sạch bụi trần mù,
Ba nguyện nhìn hình không đắm mến,
Bốn nguyện thấy sắc chẳng bận lòng.
Năm nguyện quên đầu cần kíp nhận,
Sáu nguyện mắt tuệ tự tròn đầy,
Bảy nguyện hiện nay sớm tỉnh mộng,
Tám nguyện hằng được sáng xưa nay.
Chín nguyện khi nhìn trừ che huyễn,
Mười nguyện chỗ thấy dứt hoa sanh,
Mười một nguyện trông xa mây chướng cuốn,
Mười hai nguyện chớp mắt nghiệp băng trong.
Nguyện thứ nhất là “rộng mở sáng chánh kiến” tức là nguyện sao cho cái thấy của mình luôn luôn đúng không sai chân lý.
“Hai nguyện lau sạch bụi trần mù”, nghĩa là tất cả những bụi trần che mờ nay đều lau sạch.
“Ba nguyện nhìn hình không đắm mến”: thấy tất cả hình sắc mình không mê, không đắm.
“Bốn nguyện thấy sắc chẳng bận lòng”: dầu thấy sắc đẹp lòng vẫn không vướng bận.
“Năm nguyện quên đầu cần kíp nhận”, nghĩa là chúng ta đã quên đầu phải mau nhận lại. Nguyện này có sự tích trong kinh Lăng Nghiêm. Một buổi sáng chàng Diễn-nhã-đạt-đa cầm gương soi, nhìn trong gương thấy đầu mặt đẹp đẽ, anh úp gương xuống, không thấy đầu mặt, anh hốt hoảng ôm đầu chạy la: Tôi mất đầu, tôi mất đầu rồi! Đó là mê hay tỉnh? Chúng ta có giống như vậy không? Chúng ta cũng như chàng Diễn-nhã-đạt-đa. Khi chúng ta khởi nghĩ việc này việc kia lăng xăng thì cho là tôi đang nghĩ, tôi đang tính, bất chợt lúc nào quên không nghĩ tính, khi đó nói tôi mất rồi. Nghĩ tính chỉ là cái bóng duyên theo bóng dáng của sáu trần bên ngoài, không phải là thật, nhưng khi thấy nó, tưởng là tâm mình, đến khi mất nó tưởng như mất mình. Như chàng Diễn-nhã-đạt-đa, anh thành điên là tại sao? Ôm cái thật mà chạy tìm cái giả. Tìm bóng là tìm cái giả! Chúng ta cũng thế, khi tâm không khởi niệm lăng xăng thì cái hiện tiền chân thật đầy đủ mà chúng ta lại quên, cứ cho là tôi đâu mất rồi. Đó là chúng ta chỉ biết cái bóng, cho cái bóng nghĩ lăng xăng là tôi, chớ không biết cái hiện tiền chân thật là tôi. Thế nên nguyện thứ năm này là nguyện từ lâu quên đầu, nay phải cần kíp nhận lại.
“Sáu nguyện mắt tuệ tự tròn đầy” là nguyện mắt trí tuệ của mình càng ngày càng tròn đầy.
“Bảy nguyện hiện nay sớm tỉnh mộng.” Cuộc sống của chúng ta hiện nay chỉ là một giấc mộng dài mấy mươi năm, nào có gì đâu, phải ráng sớm thức tỉnh, đừng nghĩ đó là thật rồi lầm quên cái chân thật của mình.
“Tám nguyện hằng được sáng xưa nay”, nghĩa là nguyện hằng sáng suốt thấy được cái chân thật đã có tự thuở nào đến nay chưa bao giờ thiếu vắng, không bao giờ mất.
“Chín nguyện khi nhìn trừ che huyễn”, nghĩa là khi nhìn người, vật không bị vô minh, không bị những huyễn hóa che lấp làm cho chúng ta bị mờ đi, không thấy được rõ ràng.
“Mười nguyện chỗ thấy dứt hoa sanh”: nguyện thấy sự vật đúng như thật, không bị hoa đốm lăng xăng che mờ. Hoa đốm là do mắt lòa nên thấy không đúng sự thật.
“Mười một nguyện trông xa mây chướng cuốn”: nguyện nhìn ra xa những mây che đều tan mất, mắt mình thấy thông suốt.
“Mười hai nguyện chớp mắt nghiệp băng trong”: nguyện trong chớp mắt những nghiệp từ xưa đến nay che đậy đều được trong sạch như băng như tuyết, không còn chút nhơ bợn.
KỆ VÔ THƯỜNG BUỔI SỚM
Đêm tối vừa rạng sáng,
Ánh dương dần hiện không.
Tóc bạc thầm tới điểm,
Má hồng dần đổi thay.
Chẳng biết tuổi xuân ngắn,
Vẫn tranh nghiệp quả hùng.
Thân như băng gặp nắng,
Mạng tợ đuốc gió đùa.
Chớ mải mê làm khách,
Quay về sớm chiếu soi.
“Đêm tối vừa rạng sáng, ánh dương dần hiện không” là diễn tả thời gian trôi qua.
“Tóc bạc thầm tới điểm, má hồng dần đổi thay”: Tóc bạc len lén điểm trên đầu mỗi ngày một chút, chợt nhớ lại đầu đã muối tiêu, lâu nữa nhớ lại, đầu đã nhuốm bông lúc nào không hay. Má hồng cũng dần dần thay đổi, ngày xưa mặt hồng hào, nay khô lại, hiện những nếp nhăn.
“Chẳng biết tuổi xuân ngắn, vẫn tranh nghiệp quả hùng”: Không biết tuổi xuân ngắn ngủi, chỉ mải tranh nghiệp quả để thành kẻ anh hùng hảo hán, thành kẻ hay người giỏi. Đó chỉ là tạo nghiệp cho nhau.
“Thân như băng gặp nắng.” Băng, hay nói dễ hiểu hơn là nước đá. Nước đá để ngoài trời nắng, chỉ một chốc là tan hết. Thân này cũng như vậy, ngày nay đi lại lăng xăng, đến một hôm nào nó cũng tan hoại.
“Mạng tợ đuốc gió đùa”: Mạng như ngọn đuốc, gió thổi mạnh một lát sau nó tàn rụi.
“Chớ mải mê làm khách”: Đừng mải mê làm khách phong trần rong ruổi trong tam giới lục đạo, lang thang nơi này nơi khác, không chịu trở về.
“Quay về sớm chiếu soi”: Quay về chiếu soi lại chính mình. Đó là tinh thần thiền. Thiền là quay lại chiếu soi nơi mình, không chạy theo cảnh; đuổi theo cảnh là làm khách. Biết xoay lại mình tức là tìm ra quê hương, trở về quê hương. Lời nhắc nhở rất rõ ràng nên mỗi khi đọc tụng chúng ta phải nhớ để ráng tu.
Links – KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI:
> Dâng Hương Buổi Sáng > Dâng hương buổi Trưa > Dâng hương buổi Mặt Trời lặn > Dâng hương buổi đầu hôm > Dâng hương nửa Đêm > Dâng hương cuối Đêm
> Sám hối tội căn Mắt > Sám hối tội căn Tai > Sám hối tội căn Mũi > Sám hối tội căn Lưỡi > Sám hối tội căn Thân > Sám hối tội căn Ý
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - (13.2-1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - DÂNG HƯƠNG BUỔI SÁNG
> KHÓA HƯ LỤC - (13.1): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - KỆ CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (12): TỰA - KHOA NGHI SÁU THỜI SÁM HỐI
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (11): LUẬN VỀ NIỆM PHẬT
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (9): LUẬN VỀ GIỚI-ĐỊNH-TUỆ