Astrology.vn - Đạo đại học là ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng, là ở chỗ khiến đời sống dân chúng không ngừng đổi mới, là ở chỗ khiến cho người ta ở vào cõi chí thiện. Biết rằng phải đạt tới cõi chí thiện, thì đã có được phương hướng kiên định; đã có được phương hướng kiên định, thì có thể tĩnh, đã có thể yên tĩnh thì có thể an tâm; đã có thể an tâm thì có thể suy nghĩ, đã suy nghĩ rồi thì có thể thu hoạch.
Tiết thứ nhất
大学之道,在明明德,在亲民,在止于至善。知止而后有定,定而后能静,静而后能安,安而后能虑,虑而后能得。物有本末,事有终始。知所先后,则近道矣。
Đại học chi đạo: tại minh minh-đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ nhi hữu hậu định; định nhi hậu năng tĩnh; tĩnh nhi hâu năng yên; yên như hậu năng lự; lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy; tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỷ.
Dịch nghĩa
Đạo đại học là ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng, là ở chỗ khiến đời sống dân chúng không ngừng đổi mới, là ở chỗ khiến cho người ta ở vào cõi chí thiện. Biết rằng phải đạt tới cõi chí thiện, thì đã có được phương hướng kiên định; đã có được phương hướng kiên định, thì có thể tĩnh, đã có thể yên tĩnh thì có thể an tâm; đã có thể an tâm thì có thể suy nghĩ, đã suy nghĩ rồi thì có thể thu hoạch. Muôn vật đều có gốc ngọn nặng nhẹ, muôn vật đều có đầu cuối trước sau. Biết sắp xếp đúng thứ tự trước sau của sự vật, thì đã gần với Đạo vậy.
Chú giải
1. Thân dân. Tư tưởng luân lí của Nho gia. Gần gũi dân chúng để giáo dưỡng họ. Khổng Dĩnh Đạt đời Đường nói trong Lễ kí chính nghĩa, “Thân dân giả, ngôn đại học chi đạo tại thân ái vu dân” (Thân dân, nói đạo đại học là ở chỗ yên dân). Chu Hi thời Nam Tống nói trong Tứ thư tập chú; “Trình Tử nói rằng, thân nên là tân. Tân tức là bỏ cái cũ, ý nói đã tự mình làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, lại phải nên suy ra đến người khác khiến họ cũng có thể bỏ được vết nhơ nhiễm phải từ trước. Chủ trương cảm hóa người khác bằng thực tiễn đạo đức của mình. Vương Thủ Nhân thời Minh nói: “An bách tính, tức là thân dân. Nói thân dân là kiêm cả ý giáo dưỡng. Nói tân dân thì hơi thiên lệch”. “Yêu cái mà dân yêu, ghét cái mà dân ghét, đó gọi là cha mẹ dân, đó đều là ý nghĩa của chữ “thân”. “Thân dân” thì cũng giống như Mạnh Tử nói “thân thân nhân dân (Truyền tập lục). Lại nói: “Nói minh minh đức, là lập cái thể của thiên địa vạn vật nhất thể (Đại học vấn) là dùng tâm học để giải thích “thân dân”.
2. Chí thiện. Đạo đức hoàn mỹ. Một trong ba cương lĩnh “đại học” của Nho gia. Khổng Dĩnh Đạt đời Đường sớ: “chí thiện giả, ngôn đại học chi đạo, tại chỉ xử ư chí thiện chi hành (Chí thiện là nói dừng ở nơi chí thiện – Lễ kí chính nghĩa). Chu Hi thời Nam Tống lấy “lí” để thích nghĩa chí thiện: “chí thiện, tắc sự lí đương nhiên chi cực dã” (Chí thiện là tột đỉnh của sự lý đương nhiên, cái lẽ việc phải như vậy – Tứ thư tập chú). Vương Thủ Nhân đời Minh: “Chí thiện chỉ là cái tâm này thuần với cực điểm của lẽ trời” (Truyền tập lục, nhất) “chí thiện ở tại tâm ta, chứ không phải nhờ cầu ở bên ngoài” (Đại học vấn). Đó là lấy “tâm tức lí” để thích nghĩa “chí thiện”.
Trần Xác ở buổi giao thời Minh Thanh thì cho rằng: “Thiên hạ chí lí vô cùng, nhất nhân chi tâm hữu hạn” (Cái lí của thiên hạ thì vô cùng, cái tâm của một người thì hữu hạn). “Đạo vô tân, tri diệc vô tận” (Đạo là vô tân, biết cũng là vô tận), “Phù học, hà tận chi hữu! Thiện chí trung hựu hữu thiện yên, chí thiện chi trung hựu hữu chí thiện yên” (Học làm gì có chỗ cùng tận. Trong cái thiện lại có cái thiện trong đó, trong cái chí thiện lại có cái chí thiện trong đó). “Kim nhật hữu kim nhật chí thiện, minh nhật hữu minh nhật chí thiện” “phi ngô chi thông minh khả dĩ ức nhi tận chi dã” (Hôm nay có cái chí thiện hôm nay, ngày mai có cái chí thiên ngày mai. Không phải sự thông minh của ta có thể ức đoán hết được – Đại học biện).
Tiết thứ hai
古之欲明明德于天下者,先治其国;欲治其国者,先齐其家;欲齐其家者,先修其身;欲修其身者,先正其心;欲正其心者,先诚其意;欲诚其意者,先致其知。致知在格物。
Cổ chi dục minh minh-đức ư thiên hạ giả; tiên tri kỳ quốc; dục tri kỳ quốc giả; tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả; tiên tu kỳ thân; dục tu kỳ thân giả; tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả; tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả; tiên trí kỳ tri; trí tri; tại cách vật.
Dịch nghĩa
Người xưa muốn làm sáng tỏ đức sáng trong thiên hạ, trước hết phải bình trị được nước mình; muốn bình trị được nước mình, trước hết phải sửa sang cho nhà mình được chỉnh tề tốt đẹp; muốn sửa sang nhà mình cho chỉnh tề tốt đẹp; trước hết phải tu chỉnh bản thân mình; muốn tu chỉnh bản thân mình; trước hết phải lo giữ cho cái tâm mình ngay ngắn, muốn giữ cho ngay ngắn cái tâm mình, trước hết phải làm cho ý niệm mình được chân thành; muốn làm cho ý niệm mình được chân thành thì trước hết, phải có sự hiểu biết; mà con đường để có được sự hiểu biết chính là nghiên cứu đến nơi đến chốn cái nguyên lí của sự vật.
Chú giải
1. Cách vật trí tri. Nói tắt là “cách tri”. Mệnh đề nhận thức luận của Nho giáo. Xuất hiện sớm nhất ở Lễ kí, Đại học. “Trí tri tại cách vật”, “cách vật nhi hậu tri chí”. Trong lời truyện không có giải thích. Chu Hi thời Nam Tống dựa theo ý mình mà giải thích, gọi là “bổ Đại học cách vật trí tri truyện” (Bổ sung lời truyện về cách vạt trí tri trong sách Đại học), cho rằng “Trí tri tại cách vật” tức là: “Ngôn dục trí ngô chi tri, tại tức vật nhi cùng kì lí” (Nói năng muốn dẫn đến sự hiểu biết của ta, thì phải tiếp xúc với vật mà tìm cho hết cái lí của nó - Tứ thư tập chú). Ý nói người ta chỉ có thể bằng cách nhận thức sự vật ngoại giới thì mới có thể không ngừng tăng thêm hiểu biết của mình. Vương Thủ Nhân thời Minh giải thích cách là chính, coi “cách vật” là “chính tâm”. Đều không phải là bản ý của Đại học.
Khổng Tử tuy không nói rõ “cách vật trí tri”, song tư tưởng “cách trí” của Nho gia cũng bắt nguồn từ nhận thức luận của Khổng Tử. Trong vấn đề “cầu tri” (tìm kiếm tri thức), Khổng Tử chủ trương “đa văn trạch kì thiện nhi tòng chi, đa kiến nhi chí chi” (Luận ngữ, Thuật nhi) và nói :”Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã (Luận ngữ, Thuật nhi). Về sau học phái Tuân Tử lại đề ra “bất văn tức vật thiểu chí”, “kiến vật nhiên hậu tri thị phi sở tại” (Không hỏi thì việc hiểu biết sẽ ít; nhìn thấy sự vật rồi mới biết sự phải trái ở đâu - Tuân Tử, Nghiêu vấn), có lẽ là chỗ dựa cho “cách vật trí tri” của Đại học. Đến giao thời Minh Thanh, Vương Phu Chi lí giải “cách vật” và “trí tri” là quan hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính, chỉ ra rằng hai mặt “trí tri” và “cách vật” giúp đỡ lẫn nhau (Thượng thư dẫn nghĩa, Thuyết mệnh trung nhị). Nhan Nguyên, đời Thanh giải thích “cách vật” là “phạm thủ thực tố kì sự” (bắt tay vào thật làm việc ấy) và nói “thủ cách kì vật nhi hậu tri chí” (mó tay vào vật rồi sau đó mới hiểu biết - Tứ thư chính ngộ, Đại học). Sự giải thích khác nhau của các thời Tống, Minh, Thanh đối với mệnh đề “cách vật trí tri” cũng đã phản ánh sự đối lập của hai loại nhận thức luận cổ đại của Trung Quốc.
2. Thành ý chính tâm. Tư tưởng luân lí và phương pháp tu dưỡng đạo đức của Nho gia. Thành ý là không được dối mình. Chính tâm là lòng phải ngay thẳng. Khổng Tử tuy chưa nói rõ “Thành ý chính tâm” song đã có tư tưởng ấy. Luận ngữ Tử hãn nói: “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”, “vô ý” chính là yêu cầu “thành ý”. Chu Hi chú: “Ý, tư ý dã” (ý là ý riêng mình) - Luận ngữ chương cú tập chú). Ông còn nói với các đệ tử “Ngô vô ẩn hỗ nhĩ. Ngô vô hành nhi bất dữ nhị tam tử dã, thị Khâu dã - Luận ngữ. Thuật nhi) về mệnh đề này của Đại học, Khổng Dĩnh Đạt sớ: “Năng thành thực kì ý, tắc tâm bất khuynh tà dã… Ý năng tinh thành, cố năng tâm chính dã. (Có thể làm cho ý mình thành thực, thì lòng không thiên lệch… Ý tinh thành được cho nên lòng ngay thẳng vậy). Chu Hi thời Nam Tống chú: “Tâm giả, thân chỉ sở chủ dã. Thành; thực dã. Ý giả, tâm chi sở phát dã. Thực kỳ tâm chi sở phát, dục kì nhất ư thiện nhi vô tự khí dã” (Tâm là cái làm chủ mình. Thành là thật. Ý là cái do tâm phát ra. Làm cho cái tâm phát ra được thật, muốn nó đều tốt mà không tự dối mình vậy). “Ý kí thực, tắc tâm khả đắc nhi chính dã” (Ý đã thật, thì lòng có thể được ngay thẳng vậy - Tứ thư tập chú).
(t/h)
Tags: [Nho Giáo] [Đạo Nho] [Khổng Tử] [Mạnh Tử] [Đại Học] [Trung Dung] [Luận Ngữ]
Nho Giáo - Đạo Nho - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> ĐẠO NHO - TỨ THƯ - ĐẠI HỌC: CHƯƠNG 6 - THÀNH Ý CHÍNH TÂM 儒道 四書 大學
> ĐẠI HỌC: CHƯƠNG 4 & 5 - NGŨ ĐỨC - NHÂN, KÍNH, HIẾU, TỪ, TÍN 儒道 四書 大學
> ĐẠO NHO - TỨ THƯ - ĐẠI HỌC: CHƯƠNG 3 - MINH ĐỨC 儒道 四書 大學
> ĐẠO NHO - TỨ THƯ - ĐẠI HỌC: CHƯƠNG 2 - CÁCH VẬT CHÍ TRI 儒道 四書 大學
> KINH DỊCH TƯỜNG GIẢI - KINH DỊCH GIẢN YẾU - 64 QUẺ KINH DỊCH 易经 六十四 卦