Astrology.vn - Những sự tích được dẫn chứng cốt làm cho chúng ta sáng tỏ rằng những người có địa vị ở thế gian như những nhà Nho làm quan, hoặc những vị tu tiên, những vị thần đều hướng về Phật pháp, hướng về thiền, huống là những người thường. Như vậy chúng ta thấy giá trị của người tu thiền hết sức cao quí.
Giảng (tiếp…)
“Hàn Văn Công lại lễ Đại Điên.” Hàn Văn Công tức Hàn Dũ, là một nhà Nho nổi tiếng, người Xương Lê đời Đường, đậu Tiến sĩ. Vì dâng biểu can vua Hiến Tông rước xá-lợi Phật vào cung, nên bị đày đi Triều Châu. Ở đây, Hàn Dũ có viết thơ mời Thiền sư Đại Điên ở chùa Linh Sơn phía tây Triều Châu đến tranh luận về đạo, cùng nhau đi lại nhiều lần, sau qui y Đại Điên. Vậy là một nhà Nho nổi tiếng cũng qui y với nhà Thiền.
“Bùi Công bị đoạt hốt nơi Thạch Sương.” Bùi Công tức là Tướng quốc Bùi Hưu đời Đường. Một hôm Ngài tới chỗ Thiền sư Thạch Sương, ngài Thạch Sương thấy Bùi Công cầm cây hốt trong tay, Ngài mới mượn cây hốt, cầm đưa lên hỏi: Cây hốt này ở trong tay vua gọi là khuê, ở trong tay quan nhân gọi là hốt, bây giờ ở trong tay Sơn tăng gọi là gì? Nếu nói được thì trả, nói không được thì giữ lại. Ngài Bùi Hưu nói không được, ngài Thạch Sương giữ cây hốt lại. Nên nói: “Bùi Công bị đoạt hốt nơi Thạch Sương.”
“Phòng tướng hỏi pháp ở Quốc Nhất.” Phòng tướng tức là Tướng quốc Phòng Huyền Linh, giúp vua Đường Thái Tông dấy nghiệp, làm đến chức Tể tướng. Quốc Nhất tức là Thiền sư Đạo Khâm, người huyện Côn Sơn thuộc Tô Châu. Vua Đường Thái Tông mời Ngài vào cung hỏi đạo, ban cho hiệu là Quốc Nhất Thiền sư. Phòng tướng quốc vẫn tới hỏi đạo với Thiền sư Quốc Nhất.
“Diệu Thiện không nhận phò mã, thành Phật chẳng ngờ.” Đây là câu chuyện Công chúa Diệu Thiện không lập phò mã, chỉ chuyên lo tu hành và thành Phật Quan Âm.
“Lục Tổ mới gặp khách nghe kinh liền tỉnh ngộ.” Lục Tổ nghe khách tụng kinh Kim Cang liền tỉnh ngộ...
“Đạo Thiền nếu không thú vị, Hiền Thánh sao chịu qui y.” Nếu đạo Thiền không có giá trị cao siêu, tại sao nhiều vị có tài, có địa vị cao ở thế gian đều phải theo học?
“Hóa Lâm cảm hóa hai cọp theo luôn.” Theo sử, ngài Hoa Lâm ở dưới hội của Tổ Bá Trượng, là sư huynh của ngài Qui Sơn Linh Hựu. Khi đó Ngài làm thủ tọa và sau vào núi tu, có hai con cọp theo hầu, cọp lớn tên Đại Không, cọp nhỏ tên Tiểu Không. Mỗi khi khách đến, hai con cọp chạy ra mừng, nhưng khách thấy cọp hoảng sợ, Ngài bảo: Đại Không, Tiểu Không có khách đến, ra sau đi. Hai con cọp rón rén bước ra sau.
“Đầu Tử có ba con chim báo sáng.” Ở núi Đầu Tử có hai Thiền sư nổi tiếng, vị đầu tiên là ngài Đại Đồng Đầu Tử, vị sau là ngài Nghĩa Thanh Đầu Tử, thuộc tông Tào Động. “Đầu Tử có ba chim báo sáng” không biết là chỉ vị nào, trong đây không nói rõ.
“Lý trưởng giả giải kinh mà thiên trù dâng cơm.” Lý trưởng giả tức là Lý Thông Huyền đời Đường niên hiệu Khai Nguyên thứ bảy (719), Ngài trước tác bộ Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận bốn mươi quyển, do miệt mài viết kinh cho nên quên cơm, chư Thiên đem cơm dâng cho Ngài.
“Tu-bồ-đề ngồi yên mà Đế Thích tán hoa.” Câu chuyện này được nhắc lại nhiều lần. Ngài Tu-bồ-đề là một trong mười vị đại đệ tử của đức Phật, Ngài là Giải Không đệ nhất. Một hôm Ngài tọa thiền dưới chân núi, ngồi yên lặng, hoa trời rơi xuống rất nhiều. Ngài hỏi: Ai tán hoa đó? Trời Đế Thích thưa: Tôi là trời Đế Thích. Hỏi: Tại sao ông tán hoa? Đáp: Thấy Hòa thượng thuyết pháp hay quá nên tôi tán hoa. Hỏi: Ta chưa từng nói mà sao nói thuyết pháp hay? Trời Đế Thích thưa: Ngài không nói, tôi không nghe, đó là thuyết pháp.
“Đạt-ma một chiếc dép về Tây.” Đây nói về Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa giáo hóa. Sau thời gian chín năm Ngài an nhiên thị tịch, nhục thân nhập tháp tại núi Hùng Nhĩ. Tống Vân (sứ giả Trung Hoa) đi sứ Ấn Độ trở về gặp Ngài tại núi Thông Lãnh tay xách một chiếc dép đi nhanh như bay trở về Ấn Độ (Tây Thiên). Vua nghe việc ấy ra lệnh mở cửa tháp mở quan tài ra, quả nhiên quan tài trống không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ ở chùa Thiếu Lâm... (Theo Sử 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Hoa.) .
“Phổ Hóa rung chuông bay đi.” Trong sử của ngài Lâm Tế, có ngài Phổ Hóa dường như là người điên nhưng thật không phải, cả ngày ra chợ ăn xin lang thang, nhưng Ngài nói nhiều câu rất kỳ đặc. Khi sắp tịch, Ngài nói với người ngoài chợ: Xin quí vị cho tôi vải để may chiếc áo dài. Ngài Lâm Tế nghe nói sai đồ đệ sắm cho Ngài chiếc quan tài. Ngài vác quan tài ra chợ nói: Lâm Tế cho tôi chiếc áo dài rồi, mai tôi tịch ở cửa đông. Ngày mai dân chúng chạy lại cửa đông xem, Ngài nói: Nay tôi chưa tịch, ngày mai tôi tịch ở cửa tây. Như thế hẹn đến ba ngày, mọi người đều chẳng tin. Đến ngày thứ tư, không ai theo xem nữa, Ngài tự chui vào quan tài, mượn người đi đường đậy nắp lại. Khi hay tin, mọi người trong chợ chạy đến xem, giở quan tài ra không thấy thi hài Ngài, chỉ nghe tiếng chuông rung xa dần trên hư không. Cho nên ở đây nói “Phổ Hóa rung chuông bay đi”.
“La-hán đến tham vấn với Hòa thượng Ngưỡng Sơn.” Trong sử ghi rõ có vị Tăng người Ấn từ hư không đến. Ngưỡng Sơn hỏi: Vừa rồi ở đâu đến? Tăng thưa: Ở Tây Thiên. Sư hỏi: Rời Tây Thiên lúc nào? Tăng thưa: Sớm mai. Sư bảo: Sao mà chậm lắm vậy. Tăng thưa: Vì còn dạo núi xem nước. Sư bảo: Thần thông du hí thì chẳng không, Phật pháp của Xà-lê cần trao lại cho Lão tăng mới được. Tăng thưa: Định sang Đông độ lễ Văn-thù, lại gặp Tiểu Thích-ca. Bèn đem sách chữ Phạn bằng lá bối trao cho Sư, làm lễ rồi nương hư không mà đi.
“Nhạc Đế qui y với Thiền sư Tư Đại.” Thiền sư Tư Đại thường ngồi thiền trên núi Nam Nhạc, tức là ngọn núi ở phía nam. Ngài là Huệ Tư, còn gọi là Tư Đại. Một hôm Ngài đang ngồi thiền, có một đoàn người đi ngang, đi đầu là một người rất oai vệ, ăn mặc như một vị quan lớn. Khi đi ngang Ngài, họ tính la to cho Ngài sợ, Ngài sẽ đứng dậy tránh đi, nhưng Ngài vẫn ngồi thiền tự nhiên. Nhạc Đế là vị đi đầu tới bên Ngài quì xuống thưa: Bạch Hòa thượng, nay tôi muốn qui y với Phật. Ngài Tư Đại mới xả thiền làm lễ qui y. Buổi lễ xong, Nhạc Đế thưa: Bạch Hòa thượng, tôi muốn tặng Ngài một vật để làm kỷ niệm, vì tôi là Nhạc Đế, là thần lớn nhất ở núi này. Vị thần năn nỉ mãi, ngài Huệ Tư không chấp nhận. Sau cùng thần nói: Ở xóm dưới chân núi có nhiều người chưa biết đạo, để tôi ám trợ họ lên qui y với Hòa thượng, Ngài có bằng lòng không? Ngài Huệ Tư bảo: Không được. Hỏi: Tại sao? Đáp: Vì qui y là tự người thức tỉnh phát tâm, nếu do sức ám trợ là không đúng pháp Phật. Thần hỏi: Vậy có cái gì để con đền ơn Ngài? Ngài bảo: Ở trước chùa ta cây cối xơ xác, cạnh núi bên kia tùng bá sum sê, nếu được, ông dời những cây bên đó qua dùm ta. Nhạc Đế nhận lời và dặn: Tối nay nếu nghe tiếng sấm sét, Hòa thượng bảo người trong chùa đừng kinh sợ, con sẽ dời cây cối. Đúng tối hôm đó sấm sét ầm ầm nổ vang, sáng ra cây cối xơ rơ biến mất, chỉ có tùng bá sum sê. Đó là câu chuyện “Nhạc Đế qui y với Thiền sư Tư Đại”.
“Cảnh Sơn đến nay vẫn được Long vương thỉnh cúng.” Có nhiều vị trụ trì ở Cảnh Sơn, nhưng đây là chỉ Thiền sư Vô Chuẩn, tức là ngài Phật Giám ở đời Tống. Ngài trụ trì ở Cảnh Sơn, thường được Long cung mời cúng dường.
“Tuyết Phong ngày xưa hay sai người gỗ phá non.” Tuyết Phong Nghĩa Tồn nói: Có những lúc tự có những người bằng gỗ lên núi phá rừng để xây cất chùa.
“Đây là những nguyên do để nghiệm biết, chớ tự khinh mà lui sụt.” Những sự tích được dẫn chứng cốt làm cho chúng ta sáng tỏ rằng những người có địa vị ở thế gian như những nhà Nho làm quan, hoặc những vị tu tiên, những vị thần đều hướng về Phật pháp, hướng về thiền, huống là những người thường. Như vậy chúng ta thấy giá trị của người tu thiền hết sức cao quí chớ không phải tầm thường.
“Chồn hoang còn nghe Bá Trượng nói pháp”. Loài ốc sò vẫn biết hộ kinh Kim Cang. Mười ngàn con cá nghe danh hiệu Phật được hóa làm con trời. Năm trăm con dơi nghe tiếng pháp thảy được làm Hiền Thánh. Mãng xà nghe sám hối được sanh thiên. Rồng nghe kinh mà ngộ đạo. Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm.”
Đoạn này ngài Trần Thái Tông muốn nói loài thú còn có thể nghe kinh tu tiến được, huống nữa là người sao chẳng lo tu.
“Chồn hoang còn nghe Bá Trượng nói pháp.”(Thiền sư Trung Hoa tập I.) Một hôm Tổ Bá Trượng thuyết pháp dạy chúng. Sau thời pháp tất cả mọi người đều lui, chỉ còn một ông già ngồi mãi không đi. Tổ Bá Trượng thấy mới hỏi: Ông người ở đâu, vì sao mãn giờ mà không về? Ông già thưa: Con không phải là người. Tổ hỏi: Vậy ông là gì? Thưa rằng: Con là chồn ở
sau núi này. Khi xưa, một thời con đã làm Tỳ-kheo tăng, nhân có người học đạo đến hỏi: Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không? Con đáp: Không rơi vào nhân quả. Vì trả lời sai lầm, con phải đọa làm thân chồn năm trăm kiếp. Giờ đây con đến nghe pháp, cầu xin Hòa thượng nói cho con một chuyển ngữ để con thoát kiếp chồn. Tổ Bá Trượng bảo: Ông hỏi lại ta đi. Ông già đứng lên hỏi Tổ: Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không? Tổ đáp: Không lầm nhân quả. Ngay đó ông tỉnh ngộ và thưa với Tổ: Ngày mai Hòa thượng đến phía sau núi, bên mé hang có xác con chồn, xin Hòa thượng cho làm lễ táng như một Tỳ-kheo tăng để giúp con. Hôm sau Tổ Bá Trượng dẫn chúng tăng ra sau núi chỗ mé hang gặp xác con chồn vừa chết bèn làm lễ thiêu như một Tỳ-kheo.
Câu chuyện này quan trọng nơi câu trả lời. Người học Phật pháp nông cạn, nghe chư Tổ nói hoặc đọc trong kinh rồi hiểu lầm, khi có người đến hỏi đạo, mình nói sai nên phải đọa. Thế nên tu mà không hiểu thâm sâu lý đạo, rồi nói sai, đó là một họa lớn. Như nói: Người đại tu hành tức là người tu hành đã ngộ đạo, còn rơi vào nhân quả không? Đa số nghĩ mình tu hành ngộ đạo rồi, đâu còn rơi vào nhân quả nữa, cho nên trả lời: Không rơi vào nhân quả. Một câu nói sai lầm phải đọa làm thân chồn năm trăm kiếp. Tại sao? Bởi vì trong giáo lý đạo Phật, nhân quả là nền tảng của pháp hữu vi, tức là của phần tu cơ bản còn trong đối đãi. Vậy trong đối đãi nhân quả là chân lý, cho nên đức Phật luôn luôn dạy mọi người phải hiểu thấu ý nghĩa nhân quả để ứng dụng trong đời tu và trong cuộc sống, thế mới tiến bộ và mới là chánh tín. Nếu nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả, đó là phủ nhận lý nhân quả, nên thành tội phải đọa làm chồn năm trăm kiếp. Đến khi ông già hỏi lại câu đó, Tổ trả lời: Không lầm nhân quả. Không lầm là thấy rõ, biết rõ nhân quả, thế là thoát khỏi kiếp chồn. Đối với nhân quả Phật dạy, người ngộ đạo thấy càng rõ, chớ đâu thể nói không rơi không mắc. Vậy một câu nói đúng chân lý cứu người thoát khỏi kiếp trầm luân, còn câu nói sai làm cho mình phải đọa.
“Loài ốc sò vẫn biết hộ kinh Kim Cang.” Tục truyền, thuở xưa có một người đi biển là một Phật tử chân thành, nên đem kinh Kim Cang theo đọc tụng dưới thuyền. Thuyền chìm, ai nấy bị trôi giạt, bộ kinh cũng bị trôi. Nhưng sau này có người chài lưới vớt được quyển kinh, thì thấy sò ốc bu quanh che kín nên quyển kinh không bị hư hoại. Như vậy loài ngu như sò ốc còn biết quí trọng và bảo vệ kinh.
“Mười ngàn con cá nghe danh hiệu Phật được hóa làm con trời.” Theo điển tích mười ngàn con cá do nghe danh hiệu Phật mà được hóa làm người.
“Năm trăm con dơi nghe tiếng pháp thảy được làm Hiền Thánh.” Trong Tây Vức Ký quyển hai có chép: Bờ biển nam có một cây khô có cái bộng lớn, trong bộng có năm trăm con dơi ở ẩn. Một nhóm thương lữ dừng dưới gốc cây, gặp lúc gió lạnh, nhóm lửa để hơ. Lúc đó có một khách buôn đọc tụng tạng A-tì-đạt-ma, dơi mê nghe kinh nên khi lửa cháy táp tới vẫn cố chịu đựng không bay đi nên phải bị chết thiêu, sau hóa kiếp làm người, được xuất gia học đạo, đồng chứng Thánh quả. Nên nói dơi được làm Hiền Thánh.
“Mãng xà nghe sám hối được sanh thiên.” Mãng xà là con rắn lớn. Chuyện xưa nói vua Lương Võ Đế có một bà phi, ông rất thương quí, nhưng bà có nhiều tật xấu ác đố kỵ, nên khi chết hóa thành con rắn lớn về báo mộng cho nhà vua. Nghe như thế, nhà vua mới mời các Cao tăng đến, xin các Ngài soạn ra bài sám hối gọi là Lương Hoàng Sám, và đọc cho bà phi nghe. Nhờ nghe sám hối, mãng xà hết tội, được sanh lên cõi trời.
“Rồng nghe kinh mà ngộ đạo.” Trong kinh Pháp Hoa nói: Bồ-tát Văn-thù xuống Long cung thuyết pháp, có bà Long nữ tám tuổi nhân nghe pháp mà ngộ đạo. Khi đức Phật nói kinh Pháp Hoa, bà hiện thần thông cho mọi người thấy. Rồng là loài vật nghe kinh còn ngộ đạo thay!
“Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm.” Đây là câu ngài Trần Thái Tông nhắc nhở chúng ta phải cố gắng tu học, tất cả loài chim chồn, sò ốc hay rắn rồng còn biết quí kinh, tu hành đạt đạo, huống nữa chúng ta là người mà không tu được hay sao? Thế mà có nhiều người nghĩ mình nghiệp nặng nên có mặc cảm tự ti, tự khi mình không thể tu nổi. Thật ra, trong tất cả chúng sanh, loài người là trên hết, các chúng sanh kia còn có thể nghe kinh ngộ đạo, loài người nghe kinh há không ngộ đạo được sao?
“Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn, mà không thức tỉnh. Đâu biết tánh giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ. Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia. Chẳng cuộc người Tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được bản tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng. Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tánh thành Phật.”
Đầu tiên Ngài quở “hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời”, nay đòi ăn món này, mai đòi món khác. Nhưng phải làm mới có ăn, nên lo làm lo ăn mãi, hết tháng hết năm, đến tuổi già chết không biết đi về đâu. Suốt đời chỉ lo ăn uống, không làm được điều gì cao thượng hơn. Thí dụ như người đạp xích lô suốt buổi sáng mệt nhoài, tới trưa chiều kiếm được số tiền về nhậu một bữa cho ngon, sáng lại đi đạp xích lô nữa, cứ như thế qua hết một đời!
“Hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn, mà không thức tỉnh.” Có nhiều người hình thức người tu, xem như xuất gia học đạo, mà đi lầm đường lạc lối, không cố gắng tu hành để được giác ngộ, lại làm những điều mê tín dị đoan gây cho bao nhiêu người khác lầm theo, đó là đi đường mê mà không thức tỉnh.
“Đâu biết tánh giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ.” Tánh giác Bồ-đề ai ai cũng tròn sẵn, không có người nào thiếu. Căn lành Bát-nhã người người đều có đủ, không phải người có người không. Vậy mỗi người chúng ta ai cũng sẵn tánh giác, ai cũng đầy đủ trí Bát-nhã, đâu có ai thua ai, tại sao nói người tu được, mình tu không được, người giác mình mê? Điều này chúng ta phải nghĩ xét lại, đừng mặc cảm người là bậc thượng còn chúng ta là bậc hạ, chẳng qua là tỉnh sớm thì giác sớm, tỉnh muộn thì giác muộn mà thôi. Không ai trọn quyền hưởng tánh giác, cũng không ai vô phần. Hiểu rõ như vậy để chúng ta đừng mặc cảm người có tánh giác mà ta không.
“Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia.” Theo bên Nho, đại ẩn là những người trí sĩ tại thành thị mà không ham danh lợi, ở yên tu hành. Tiểu ẩn là những người cũng trí sĩ nhưng ẩn nơi rừng hoang núi vắng, yên giữ ý chí của mình. Về mặt Nho giáo, đại ẩn hay tiểu ẩn đều có thể tu. Về mặt Phật giáo, xuất gia hay tại gia cũng đều tu được. Không phải dành riêng phần tu cho người xuất gia, còn cư sĩ là vô phần, hiểu như vậy là lầm. Tất cả chúng ta đều có tánh giác như nhau, ai cũng có quyền tu, cũng có quyền ngộ, chúng ta chớ có nghi ngờ. Đa số Phật tử hiện nay hay nghĩ: Muốn tu được giải thoát, được giác ngộ là phải xuất gia, còn tại gia không thể nào tu nổi, nghĩ như vậy là sai. Thật ra nếu xuất gia mà tâm phiền não không sạch, niệm thế gian chưa hết thì làm sao giải thoát, làm sao giác ngộ. Nếu là hình thức tại gia mà dứt hết phiền não, buông sạch những niệm thế tục tham sân si thì cũng được giải thoát giác ngộ vậy. Hình thức chỉ là phần phụ, cốt yếu là dứt phiền não, sạch tham sân si, là chúng ta được giải thoát không nghi.
“Chẳng cuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được bản tâm.” Không hạn cuộc đây là tăng kia là tục, chỉ cốt tu và nhận được nơi mình bản tâm thanh tịnh chưa từng sanh diệt. Nhận được bản tâm rồi, tăng tục đều tu được đến chỗ an ổn giải thoát. Trái lại nếu không nhận được dù tăng hay tục cũng trầm luân đau khổ.
“Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng.” Nhìn theo mắt phàm tục thì có kẻ nam người nữ rõ ràng, nhưng bản tánh thanh tịnh chẳng sanh chẳng diệt, không có nam, không có nữ. Nam nữ là giả tướng do nghiệp tạo thành. Thế nên trong kinh Pháp Hoa có đoạn ngài Văn-thù đưa bà Long nữ đến gặp Phật. Ngài Xá-lợi-phất nghi hỏi: Người nữ có năm chướng, tu không được thành Phật, vậy Long nữ là người nữ, lại là loài rồng, làm sao thành Phật? Khi ấy Long nữ đem hạt châu dâng lên Phật, Phật liền nhận lấy. Long nữ hỏi: Tôi dâng hạt châu Phật nhận, việc đó chậm hay mau? Ngài đáp: Rất mau. Long nữ nói: Tôi thành Phật cũng mau như vậy. Ngay đó Long nữ biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ-tát liền thành Phật.
Như vậy Phật là chỉ cho tánh giác, tánh giác không có nam nữ, nam nữ chỉ là giả tướng thôi. Nếu chúng ta chấp tướng rồi sanh niệm phân biệt khen chê khinh trọng, là vì chúng ta không hiểu rõ. Thế nên đừng nói người nam tu được, còn người nữ nguyện tu cho đời sau chuyển nữ thành nam rồi tu tiếp. Còn chấp tướng là chưa nhận được tánh giác của mình. Nam nữ đều có quyền tu, có quyền giác ngộ. Như thời đức Phật tại thế, Tăng chứng A-la-hán, Ni cũng chứng A-la-hán. Câu chuyện khi xưa kể khi nghe Phật sắp Niết-bàn, năm trăm vị Tỳ-kheo-ni xin Phật được Niết-bàn trước vì không thể nhìn đức Phật nhập Niết-bàn. Vị lãnh đạo Ni chúng khi đó là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, tức là Kiều-đàm-di Mẫu. Phật cho phép, năm trăm vị về ngồi kiết già nhập Niết-bàn. Nếu các vị không chứng A-la-hán thì làm sao sanh tử tự tại như vậy. Thế là Tăng chứng A-la-hán, Ni cũng chứng được. Trong nhà Thiền, Tăng ngộ đạo, Ni cũng ngộ được. Ở Trung Hoa có các Thiền sư ni như bà Thiết Ma, bà Liễu Nhiên và cô cư sĩ Linh Chiếu. Ở Việt Nam có Ni sư Diệu Nhân. Vì ai cũng có tánh giác nên Tăng Ni ai cũng có quyền ngộ đạo, nếu hẹn đến đời sau làm thân nam mới tu e muộn quá. Vậy chúng ta nguyện tu giác ngộ ngay đời này không chờ đến kiếp sau.
“Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm.” Phần trên ngài Trần Thái Tông phá chấp tăng tục, nam nữ, đến đây Ngài phá chấp tam giáo Phật, Khổng, Lão. Dù người tu theo giáo nào cũng đều có tánh giác, nếu hướng về tánh giác tu được nhất tâm là đạt đạo. Đừng phân chia đạo này đạo khác rồi chống đối lẫn nhau, gây ra bao nhiêu phiền não. Nếu biết tu thì đều giác ngộ.
“Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tánh thành Phật.” Phản chiếu hồi quang là bốn chữ rất hệ trọng đối với người tu thiền. Hồi quang là xoay ánh sáng trở về, phản chiếu là quay lại chiếu soi nơi mình. Trong kinh Phật cũng như trong sử các Thiền sư có dạy: Sở dĩ chúng ta muôn kiếp mê lầm là vì buông sáu căn rong ruổi theo sáu trần, đó gọi là phóng ra. Hiện giờ kiểm lại có ai không phóng ra chăng? Mắt thấy sắc khen đẹp chê xấu, tai nghe tiếng phân biệt dở hay, dù ai nói lén nói thầm cũng ráng lắng nghe cho kỹ, không chịu bỏ qua. Còn mũi ngửi mùi lạ liền tìm hiểu cho ra mùi gì. Vì thế cả ngày sáu căn rong ruổi theo sáu trần, đó gọi là buông cho chúng chạy ra. Trái lại, nếu chúng ta xoay sáu căn trở về, tức là xoay cái chiếu trở về soi lại thân và tâm mình để tìm ra cái chân thật, đó gọi là hồi quang phản chiếu. Biết thật rõ, hiểu thật kỹ con người mình là cái gì, thân này là mình chăng, tâm suy nghĩ vọng tưởng là mình chăng, rồi tự mình giác ngộ. Thế nên chúng tôi thường nhắc nhở Tăng Ni, người biết phản chiếu hồi quang đâu có rảnh nói chuyện thiên hạ, lúc nào cũng lo nhìn lại mình, nhìn những vọng tưởng của mình. Ai nói gì làm gì đâu có phân biệt để khen chê. Người hay khen chê, hay nói chuyện thiên hạ chắc rằng người đó không có phản chiếu hồi quang, vì người tu nhiều thì đâu có rảnh. Như Thiền sư Lại Toản, Lại là lười biếng, tức là Thiền sư Toản lười biếng. Ngài vào rừng núi cất am để tu, mỗi ngày chỉ bươi củ nần hoặc củ khoai mài đem về nướng hoặc luộc ăn. Vua Đường nghe hạnh của Ngài, biết là người quyết chí tu nên sai sứ đến thỉnh Ngài về triều. Sứ đến, đang nằm trên giường Ngài ngồi dậy, không nói gì đến sứ, lại bên đống lửa bươi kiếm củ khoai mài lột ăn, khoai đang nóng nên nước mũi chảy ròng. Sứ giả thưa: Thỉnh Sư vì con chùi mũi. Ngài nói: Ta đâu có rảnh vì ông mà chùi mũi. Thế thì Ngài không nhớ để ăn, không rảnh để lau mũi, vậy Ngài đang làm gì, vì sao gọi Ngài là lười biếng? Nằm cả ngày lo phản chiếu hồi quang, có rảnh đâu để nhớ chuyện đói, chuyện ăn. Đến khi bị gọi dậy giựt mình, nghe đói bụng Ngài kiếm khoai ăn, sứ thì mặc sứ. Còn chúng ta nghe sứ nhà vua đến thì khúm núm đứng dậy chào hỏi. Như vậy chúng ta thấy người dồn hết tâm lực để phản chiếu hồi quang không rảnh nhớ chuyện bên ngoài. Chúng ta tu là phải quan sát lại xem tâm niệm mình trong sạch hay không, cái gì chân, cái gì ngụy, luôn luôn thấy rõ mình mà không màng chuyện bên ngoài. Người nào thường phản chiếu hồi quang như vậy sẽ kiến tánh thành Phật không nghi. Tóm lại, ngài Trần Thái Tông muốn nói rằng tất cả mọi người ai cũng có thể tu được, nhưng phải luôn luôn phản chiếu hồi quang thì sẽ thấy tánh thành Phật.
Khóa Hư Lục – Rộng Khuyên Phát Tâm Bồ Đề (links): [ 1 ] - [ 2 ] - [ 3 ] - [ 4 ] - [ 5 ]
(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)
Đạo Phật - Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [3]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [2]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (6): RỘNG KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ [1]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [3]
> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (5): NÓI RỘNG SẮC THÂN [2]