Astrology.vn - Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang. Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận. Tan mất tánh chân thường, sai lệch nguồn điều sướng. Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn. Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uổng sức nâng đỡ.

 

NÚI THỨ BA LÀ TƯỚNG BỆNH. Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang. Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận. Tan mất tánh chân thường, sai lệch nguồn điều sướng. Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn. Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông. Tâm sanh bóng quỉ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm. Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước thuốc thang; thân thể hao mòn, nào kẻ Lư Nhân cứu chữa. Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uổng sức nâng đỡ. Bệnh nặng nhiều tháng chẳng lành, nằm liệt nhiều tuần chưa khỏi.

Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm. Gặp khi sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo. Rừng rậm sum sê một trận gió vàng đã lơ thơ; núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền trơ trọi.

            Kệ rằng:

            Âm dương trái vận vốn xoay vần,

            Gieo rắc tai ương đến thế nhân.

            Đại để có thân thì có bệnh,

            Ví bằng không bệnh cũng không thân.

            Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật,

            Lương dược khó mong được sống bền.

            Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,

            Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân.

 

Giảng

 

Núi thứ ba là tướng bệnh. “Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang”, đoạn này diễn tả cảnh già rồi bệnh. Cao hoang là trong hông, trong lồng ngực của mình. Bệnh đến hông ngực thì khó trị, gọi là bệnh nan y.

“Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận.” Khi bệnh thì trong thân phần nào cũng chống trái nhau không an ổn điều hòa.

“Tan mất tánh chân thường, sai lệch nguồn điều sướng.” Tâm tánh người bệnh rối loạn không còn bình thường nữa. Nguồn điều hòa trong cơ thể không còn thông suốt, mà sai lệch đi rồi.

“Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn.” Ngồi đứng đều thấy khó, co duỗi nghe đau đớn vì mang thân bệnh.

“Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông.” Mạng sống lúc bệnh giống như ngọn đèn trước gió, cơn gió mạnh thổi đến đèn tắt ngay (đây chỉ đèn dầu không phải đèn điện). Thân bệnh như hòn bọt nổi, chỉ cần một lượn sóng dập vào thì bể nát. Đoạn này diễn tả tướng bệnh của thân.

Đây nói về tâm bệnh:

“Tâm sanh bóng quỉ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm.” Khi bệnh trầm trọng thì tâm thấy những chuyện lăng xăng ma quái. Cho nên người già khi đau sắp chết, con cháu phải trông ngó chăm nom luôn luôn, nếu không thì nói nhảm, mắt thấy hoa đốm trong hư không.

“Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước thuốc thang; thân thể hao mòn, nào kẻ Lư Nhân cứu chữa.” Thân hình đã gầy yếu có thầy thuốc nào đại tài như Biển Thước để cứu trị hay không? Theo sách Trung Hoa, Biển Thước là thầy thuốc giỏi nhất thời Chiến Quốc, tên là Tần Việt Nhân. Ông học được phương bí truyền của Trường Tang Quân, đem ứng dụng và hốt thuốc giỏi nhất vào thời đó; vì vậy nói đến thầy thuốc giỏi ở Trung Hoa ai cũng biết chỉ có Biển Thước. Lư Nhân là tên khác của Biển Thước.

“Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uổng sức nâng đỡ.” Vì đau nặng nên bạn bè chống gậy đến thăm, anh em ra sức bồng đỡ.

“Bệnh nặng nhiều tháng chẳng lành, nằm liệt nhiều tuần chưa khỏi.” Bệnh lâu ngày không lành, người bệnh nằm chờ chết, cảnh tượng rất là buồn!

“Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm. Gặp khi sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo.” Tướng bệnh được ví như mùa thu trong năm. Thu đến sương lạnh rơi, cỏ cây bắt đầu héo vàng. 

“Rừng rậm sum sê, một trận gió vàng đã lơ thơ; núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền trơ trọi.” Mùa thu gió tây thổi, lá cây trong rừng đều rụng hết. Mới khi nào núi biếc non xanh, giờ đây sương móc vừa sa, lá cây rơi rụng, cành cây chơ vơ, hòn núi trở thành trơ trọi.

            Kệ rằng:

            Âm dương trái vận vốn xoay vần,

            Gieo rắc tai ương đến thế nhân.

            Đại để có thân thì có bệnh,

            Ví bằng không bệnh cũng không thân.

            Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật,

            Lương dược khó mong được sống bền.

            Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,

            Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân.

“Âm dương trái vận vốn xoay vần.” Khí âm dương không đúng thời tiết nên khiến có sự xoay vần bất thường.

“Gieo rắc tai ương đến thế nhân.” Vì âm dương không điều hòa nên con người phải bệnh hoạn.

“Đại để có thân thì có bệnh.” Tất cả người đời có thân đều có bệnh, chớ không riêng ai.

“Ví bằng không bệnh cũng không thân.” Chi bằng đừng có bệnh cũng đừng có thân, nghĩa là không có thân thì không có bệnh. Chỉ có thân không tướng tức là pháp thân mới không bệnh. Còn nhục thân do tứ đại hòa hợp nhất định phải bệnh. Thế nên người tu muốn bỏ nhục thân để sống với pháp thân không tướng.

“Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật, lương dược khó mong được sống bền.” Dù có thuật trường sanh cũng không còn, dù có thuốc hay bao nhiêu cũng không sống mãi. Như các vị tiên ngày xưa luyện linh đơn và các thứ thuốc trường sanh, đâu có vị nào sống mãi đến ngày nay, sống dai lắm chỉ đến vài trăm tuổi là nhiều!

“Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới.” Nếu biết không thoát được cái chết, thì mỗi người chúng ta phải sớm nguyện xa lìa cảnh giới ma, tức là cảnh giới sáu trần đang lôi kéo chúng ta.

“Xoay tâm về đạo dưỡng thiên chân” là xoay tâm trở về với đạo để nuôi dưỡng thiên chân. Thiên chân là cái chân thật không còn sanh diệt, cái đó sẵn có muôn đời, không phải mới tạo nên. Nếu biết xoay tâm về đạo thì thiên chân hiện tiền.

 

Bốn Núi-Tổng Luận > 1.Núi Thứ Nhất–Tướng Sanh > 2.Núi Thứ Hai–Tướng Già > 3.Núi Thứ Ba–Tướng Bệnh > 4.Núi Thứ Tư–Tướng Chết

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4.2): BỐN NÚI - NÚI THỨ HAI - TƯỚNG GIÀ

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4.1): BỐN NÚI - NÚI THỨ NHẤT - TƯỚNG SANH

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (4): BỐN NÚI - TỔNG LUẬN

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.5): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI RƯỢU

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.4): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI VỌNG NGỮ