Astrology.vn - Hẹp hòi cố chấp, khắc nghị thì không hoà mình được với đời; không hoà được thì không có cơ hội để cải tạo xã hội. Người như vậy chỉ giữ được điều thiện cho riêng mình mà không giúp ích được nhiều cho đời. Dễ dãi, xuề xoà thì dễ hoà đồng với mọi người nhưng đôi khi bị người ta khinh nhờn, hay hiểu lầm là a dua vì ham danh, hám lợi. Dễ dãi, xuề xoà quá thì không có uy để điều chỉnh những sự lệch lạc của người đời. Người quân tử trong đạo Nho là người tùy thời cư xử, tùy thời hành động.

 

9

Mạnh Tử nói: “Ông Bá Di, không phải vua xứng đáng, không phụng sự; không phải bạn xứng đáng, không kết bạn. Không đứng trong triều đình của kẻ ác; không nói chuyện với kẻ ác. Đứng trong triều đình của kẻ ác, nói chuyện với kẻ ác giống như mặc áo chầu, đội mũ chầu mà ngồi bên bùn than. Suy từ tấm lòng ghét ấy của ông, nếu như ông đứng với người trong làng mà đội mũ không ngay ngắn, chắc ông bỏ đi mà không quay mặt lại, dường như sắp bị dây bẩn vậy. Thế nên, các chư hầu tuy có gửi văn thư khéo léo đến cho, ông chẳng thèm nhận. Chẳng nhận vì e rằng chẳng thành tựu được sự trong sạch của mình.

“Ông Liễu Hạ Huệ không cảm thấy hổ thẹn với ông vua nhơ nhuốc, không cảm thấy thấp hèn với chức quan nhỏ nhoi. Ra làm quan, ông không giấu tài đức, ắt đem đạo ra thi hành. Nếu bị bỏ sót phải ẩn dật, ông không oán hận. Gặp cảnh khốn khổ cùng cực, ông không lo buồn. Cho nên ông nói: ‘Ngươi là ngươi, ta là ta. Tuy xăn tay áo, cởi trần hay ở truồng bên ta, liệu ngươi làm dây bẩn được ta sao?’ Do vậy, ông đều vui vẻ với mọi người mà chẳng tự đánh mất chính mình. Ai kéo ông dừng lại thì dừng. Kéo ông dừng lại thì ông dừng, vì e rằng việc ra đi chẳng hợp lẽ.”

Mạnh Tử nói: “Ông Bá Di thì hẹp hòi, ông Liễu Hạ Huệ thì dễ dãi (thiếu cung kính). Hẹp hòi và dễ dãi, người quân tử chẳng giống như vậy.”

Bình lược: Để làm sáng tỏ lập trường xử thế của người quân tử, Mạnh Tử nêu ra hai nhân vật thời xưa có cách cư xử khác hẳn nhau: Bá Di, con vua nước Cô Trúc, một hiền nhân cuối đời nhà Ân và Liễu Hạ Huệ, một hiền nhân nước Lỗ ở thời Xuân Thu. So sánh hai ông, chúng ta thấy Bá Di thì hẹp hòi, cố chấp, khắc nghị quá; Liễu Hạ Hụê thì dễ dãi, xuề xoà quá. Hẹp hòi cố chấp, khắc nghị thì không hoà mình được với đời; không hoà được thì không có cơ hội để cải tạo xã hội. Người như vậy chỉ giữ được điều thiện cho riêng mình mà không giúp ích được nhiều cho đời. Dễ dãi, xuề xoà thì dễ hoà đồng với mọi người nhưng đôi khi bị người ta khinh nhờn, hay hiểu lầm là a dua vì ham danh, hám lợi. Dễ dãi, xuề xoà quá thì không có uy để điều chỉnh những sự lệch lạc của người đời.

Thái độ của Bá Di và Liễu Hạ Huệ là hai thái cực mà người quân tử chẳng nên bắt chước. Người quân tử trong đạo Nho là người tùy thời cư xử, tùy thời hành động; khi nào liệu có thể điều chỉnh được chính trị thì tham chính, không thể điều chỉnh được thì rút lui. Ở bất cứ nơi nào, người quân tử cũng giữ đạo lý giữ hoà khí nhưng không a dua, cố gắng nêu gương mẫu nghiêm trang để điều chỉnh lại những sai lệch, khai thông những chỗ bế tắc để cho đạo có thể phát huy được.

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu