Chỉ mục bài viết
11. Cử: Bá Trượng tái tham Mã Tổ, Mã Tổ hét một tiếng. Bá Trượng đại ngộ.
Niêm: Ngàn mũi nhọn, không bằng một nhát mai cùn.
Tụng: Ngày trước xe thơ chẳng cùng đồng,
Bốn bên dấy loạn tợ đàn ong.
Mã Tổ một phen vung kiếm bén,
Từ đây đường nẻo tin tức thông.
Đây là câu chuyện ngài Bá Trượng tái tham Mã Tổ. Tái tham tức là trở lại tham vấn lần thứ hai. Sở dĩ trở lại tham vấn là lý do như sau: Một hôm Mã Tổ đi dạo, ngài Bá Trượng theo hầu. Thấy một bầy vịt trời bay qua, Mã Tổ hỏi: Đó là cái gì? Sư thưa: Con vịt trời. Mã Tổ hỏi: Bay đi đâu? Sư thưa: Bay qua (tức là bay qua mất). Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi Sư kéo mạnh, đau quá Sư la thất thanh. Mã Tổ bảo: Lại nói bay qua đi. Ngay câu ấy Sư tỉnh ngộ.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy thầy trò như nói đùa nhau. Đi dạo vườn, thấy bầy vịt trời bay ngang trên hư không. Thầy hỏi: Cái gì? Trò đáp: Bầy vịt trời. Lại hỏi: Đâu rồi? Trò phải đáp làm sao? Tất nhiên phải đáp: Bay qua mất. Thầy liền nắm lỗ mũi kéo mạnh một cái, trò đau la thất thanh. Thầy bảo: Lại nói bay qua đi. Như vậy câu nói đó có lý thú gì mà ngay đó ngài Bá Trượng liền tỉnh ngộ? Chúng ta thử lặng tâm xem có thấy được chỗ ngộ của Ngài không?
Trở lại việc trước, khi ngài Bá Trượng làm thị giả cho Mã Tổ, mỗi khi thí chủ đem trai phạn đến, Ngài giở lồng bàn ra, Mã Tổ liền cầm nửa cái bánh đưa lên giữa chúng hỏi: Đây là cái gì? Trải qua ba năm như vậy, thị giả chịu thua không trả lời được.
Nếu chúng ta thưa: Là cái bánh, có trúng chỗ Tổ muốn nói chưa? - Chưa trúng. Qua thời gian ba năm, ngài Bá Trượng đã nuôi dưỡng cái gì rồi. Cho đến hôm nay thầy trò đi dạo vườn, Tổ mới sử dụng thuật bầy vịt trời bay qua, xem như Mã Tổ đã chuẩn bị trước ba năm, đến lúc này Tổ mới sử dụng và ngài Bá Trượng liền được tỉnh ngộ.
Khi ngộ xong trở về phòng thị giả, Sư khóc rất thống thiết. Những người cùng phòng hỏi: Huynh nhớ cha mẹ phải không? Sư đáp: Không. Hỏi: Bị người ta mắng chửi chăng? Đáp: Không. Tại sao khóc? - Lỗ mũi tôi bị Hòa thượng kéo đau thấu xương. Huynh đệ mới hỏi: Có nhân duyên gì không khế hội? Ngài trả lời: Huynh hỏi Hòa thượng đi. Những vị ấy đến hỏi Mã Tổ: Thị giả Hải có nhân duyên gì chẳng khế hội ở trong phòng khóc, xin Hòa thượng vì chúng con nói. Mã Tổ bảo: Y đã khế hội, các ngươi tự hỏi lấy y. Các vị về phòng hỏi: Hòa thượng nói huynh đã hội, bảo chúng tôi về hỏi huynh. Sư bèn cười hả hả. Các vị ấy bảo: Vừa rồi khóc, sao bây giờ cười? Sư đáp: Vừa rồi khóc bây giờ cười. Các vị ấy mờ mịt không hiểu.
Cách tu hành này thật lạ lùng, chúng ta thấy sự diễn tiến rất kỳ đặc. Tổ đưa nửa cái bánh lên hỏi: Đây là cái gì? Ai không biết là cái bánh, tại sao Tổ lại cầm cái bánh hỏi là cái gì, phải trả lời làm sao? Cho nên Ngài ôm ấp mãi việc này trong ba năm. Đến cuối cùng, khi bị Tổ kéo lỗ mũi và bảo: Sao không nói bay qua mất đi? Ngay đó Ngài liền thấy, thấy lỗ mũi hay thấy bầy chim?
Nghe câu chuyện chúng ta cứ mắc kẹt về bầy chim bay hay lỗ mũi bị kéo mạnh. Nhưng chỗ Thiền sư muốn chỉ không phải là chỗ đó. Bầy chim là tướng sanh diệt bên ngoài, lỗ mũi là tướng sanh diệt bên trong. Chỉ có cái không sanh diệt biết được bầy chim mới là quan trọng, đó là chỗ Tổ muốn chỉ. Tuy nhận được nhưng ngài Bá Trượng chưa đủ lòng tin rằng mình ngộ thật, nên về phòng Ngài khóc. Những người đồng phòng mới hỏi lý do, Ngài trả lời: Lỗ mũi tôi bị Hòa thượng kéo đau quá. Hỏi: Có nhân duyên gì không hội nên bị kéo lỗ mũi? Đáp: Huynh đến hỏi Hòa thượng đi. Khi những vị đến hỏi, Mã Tổ bảo: Y đã ngộ rồi, tức là Tổ xác nhận Ngài đã ngộ. Khi ấy Ngài cười hả hả, nghĩa là không còn nghi ngờ nữa. Ngài không tự đến hỏi Tổ mà nhờ các thầy đồng phòng đi hỏi giùm, đó là cái khéo của người xưa, khi được xác nhận Ngài cười to.
Đến hôm sau Mã Tổ vừa lên tòa, chúng nhóm họp xong, Sư bước ra cuốn chiếu. Mã Tổ xuống tòa, Sư theo sau đến phương trượng. Mã Tổ hỏi: Ta chưa nói câu nào, tại sao ngươi cuốn chiếu? Sư thưa: Hôm qua bị Hòa thượng kéo chót mũi đau. Mã Tổ hỏi: Hôm qua ngươi để tâm chỗ nào? Sư trả lời: Chót mũi ngày nay lại chẳng đau. Mã Tổ nói: Ngươi hiểu sâu việc hôm qua. Đó là xác nhận một lần nữa. Sư làm lễ lui ra. Vậy là Ngài trực tiếp được Mã Tổ xác nhận, đó là truyền tâm ấn.
Kỳ sau tái tham, Sư đứng hầu Mã Tổ, thấy phất tử ở góc giường, Sư hỏi: Tức đây dùng, lìa đây dùng? Mã Tổ bảo: Về sau ngươi mở miệng sẽ lấy cái gì vì người? Sư cầm phất tử dựng đứng. Mã Tổ hỏi: Tức đây dùng, lìa đây dùng? Sư để phất tử lại chỗ cũ. Mã Tổ nghiêm chỉnh hét một tiếng, đến ba ngày Sư còn điếc tai.
Đây là lần sau trở lại tham vấn, ngài Bá Trượng thấy cây phất tử, tức là cây chổi quét bụi, để trên bàn, Sư liền chỉ cây phất tử nói: Tức đây dùng hay lìa đây dùng? Nghĩa là tức cây phất tử đó mà dùng hay lìa cây phất tử dùng? Mã Tổ bảo: Về sau ngươi mở miệng sẽ lấy cái gì vì người? Tức là muốn dạy dỗ người thì lấy cái gì để chỉ dạy? Sư cầm cây phất tử dựng đứng, đó là dạy người. Chúng ta mới thấy sở trường của mình nơi vị thầy như thế nào, đến khi dạy người, mình cũng sử dụng thuật đó triệt để. Dựng đứng cây phất tử là chỉ cái gì? Có phải chỉ bầy vịt trời không? Đến khi Mã Tổ hỏi: tức đây dùng hay lìa đây dùng, Ngài liền để cây phất tử lại y chỗ cũ. Mã Tổ nghiêm chỉnh hét một tiếng, ba ngày còn điếc tai. Một tiếng hét đó, trong nhà Thiền gọi là thủ thuật đặc biệt, muôn đời không quên.
Như vậy chúng ta khi tu có tỉnh có thấy, nhưng tỉnh một lúc rồi quên. Muốn nhớ đời đời phải nhờ những thủ thuật hoặc đánh hoặc hét. Mã Tổ hét một tiếng điếc tai ba ngày, làm sao quên được. Nhớ tiếng hét là nhớ cái gì mình thấy, nhớ mãi không bao giờ quên. Thường giảng tới chỗ này, chúng tôi nói đông nói tây quanh co, chớ không có cách nào khác hơn.
Ngài Trần Thái Tông niêm: “ngàn mũi nhọn không bằng một nhát mai cùn”, tức là dù khéo dùng ngàn lời ngàn câu bén nhạy để giải thích cũng không bằng một tiếng hét, cũng như một nhát mai cùn có giá trị hơn cả ngàn mũi nhọn. Qua câu niêm này chúng ta đã thấy được toàn ý của bài.
Tụng:
Ngày trước xe, thơ chẳng cùng đồng,
Bốn bên dấy loạn tợ đàn ong.
Mã Tổ một phen vung kiếm bén,
Từ đây đường nẻo tin tức thông.
“Ngày trước xe, thơ chẳng cùng đồng.” Xe và thơ là hình tướng của chiếc xe cụ thể và hình vẽ trên giấy, tức hình tướng thật và nét vẽ không giống nhau. Thế nên:
“Bốn bên dấy loạn tợ đàn ong.” Khi chưa thấy, chưa sống được lẽ thật, lúc đó tâm chúng ta rối bời lăng xăng như đàn ong vỡ tổ.
“Mã Tổ một phen vung kiếm bén”, kiếm bén của Mã Tổ là tiếng hét.
“Từ đây đường nẻo tin tức thông.” Từ đó đường đi nẻo về và tin tức đều thông suốt.
Bài tụng của ngài Trần Thái Tông tán thán tiếng hét của Mã Tổ đã giúp cho ngài Bá Trượng thông suốt không còn bị chướng ngại nữa.
12. Cử: Quốc sư một ngày gọi thị giả ba lần. Thị giả ba lần dạ! Quốc sư nói: Ngỡ là ta phụ ngươi, ngược lại ngươi phụ ta.
Niêm: Như người uống nước, lạnh nóng tự biết.
Tụng: Dưới trên xướng họa xứng cùng hai,
Ý ấy so đâu biết ngắn dài.
Nhằm trước phơi bày gan ruột sạch,
Trong đây chỉ hứa tự mình hay.
Một hôm Quốc sư Huệ Trung gọi thị giả, thị giả dạ. Ngài gọi như vậy mà không nói thêm câu nào, ba lần gọi, thị giả đều ứng tiếng dạ ba lần. Cuối cùng Ngài nói: Tưởng là ta phụ ngươi, không ngờ ngươi phụ ta. Thị giả dạ ba lần mà phụ thầy ở chỗ nào?
Bài trước Mã Tổ chỉ cho ngài Bá Trượng tâm không sanh diệt qua con mắt. Chúng ta lâu nay thường lầm tưởng mình suy nghĩ mới biết, đâu ngờ thấy đã biết. Nếu thấy mà không biết thì làm sao nói người này trắng người kia đen, người này mặc áo vàng người kia mặc áo xanh. Biết trắng đen, biết xanh vàng mà nói không biết sao được. Nhưng cái biết đó không có suy nghĩ, không một chút máy động, đó mới thật là cái biết của mình. Vì vậy cái khéo của Thiền sư là không nói thẳng, không chỉ thẳng, mà nói từ cái này để chúng ta hiểu qua cái kia. Nhờ vậy chúng ta nhớ mãi.
Ngài Quốc sư Huệ Trung là đệ tử của Lục tổ Huệ Năng, mỗi lần Ngài gọi, thị giả dạ, coi như thầy trò tương ưng, thế mà cuối cùng Ngài nói: Tưởng là ta phụ ngươi, không ngờ ngươi phụ ta. Phụ ở chỗ nào? Không phải thầy gọi trò dạ là đủ, mà Ngài muốn chỉ cái gì khác nữa.
Niêm: “Như người uống nước, lạnh nóng tự biết.” Chỗ mình nhận ra, thấy được, giống như người uống nước lạnh nóng tự biết, khó nói được.
Tụng:
Dưới trên xướng họa, xứng cùng hai,
Ý ấy so đâu biết ngắn dài.
Nhằm trước phơi bày gan ruột sạch,
Trong đây chỉ hứa tự mình hay.
“Dưới trên xướng họa, xứng cùng hai.” Dưới là chú thị giả, trên là ngài Quốc sư Huệ Trung, hai thầy trò xướng họa là thầy gọi trò dạ.
“Ý ấy so đâu biết ngắn dài.” Lấy cái gì so sánh mà biết đây ngắn kia dài, vì nó không phải là cái so sánh.
“Nhằm trước phơi bày gan ruột sạch.” Thầy đã đem hết gan ruột phơi bày cho đệ tử, nếu đệ tử nhận biết thì biết, không thì thôi, chớ không làm sao nói được. Cho nên:
“Trong đây chỉ hứa tự mình hay.” Tự mình biết thôi, chớ cái đó giải bày không được. Chỗ chân thật đó, thầy chỉ một cách hết sức rõ ràng, cũng như đem hết cả gan ruột bày ra, thấy hay không là tự mình chớ không còn cách gì nữa.
Như vậy ngài Huệ Trung muốn trao cho chú thị giả cái gì? Trao cái sẵn có nơi mình, cái biết dạ đó! Gọi biết dạ ở miệng hay ở đâu? Không phải ở miệng.
13. Cử: Đại Qui nói: Câu có câu không như dây leo cây. Sơ Sơn hỏi: Cây ngã dây khô câu về chỗ nào? Đại Qui cười to ha hả!
Niêm: Nước chảy ắt về biển, trăng lặn chẳng rời trời.
Tụng: Sóng lặng yên rồi, trận gió thâu,
Uổng công hướng ngoại khổ tìm cầu.
Khối nghi cười nát thành trăm mảnh,
Từ đó mới phân đá với châu.
Đại Qui tức là ngài Đại An ở Qui Sơn. Ở Qui Sơn có hai vị Tổ nổi tiếng. Vị Tổ trước là ngài Linh Hựu, vị sau là ngài Đại An. Ngài Đại An là vị Tổ nói: Ta ở non Qui ba mươi năm chăn một con trâu.
Ngài Đại Qui nói: Câu có câu không như dây leo cây. Ngài Sơ Sơn hỏi: Khi cây ngã dây khô, câu về chỗ nào? Ngài Đại Qui cười to ha hả. Cười đó là đã trả lời chưa? Chúng ta luôn luôn có bệnh khi mở miệng nói đều kẹt ở hai bên, hoặc có không, hoặc phải quấy, hoặc tốt xấu. Nói có nói không là để chỉ chung cho tất cả những đối đãi.
Ngài Đại Qui muốn nói: Nếu mở miệng nói thuộc về có, không, chẳng khác nào dây bìm bìm leo trên cây, nghĩa là nương cây mà có dây leo, ngài Sơ Sơn bước ra hỏi: Cây ngã dây khô thì câu có câu không về chỗ nào? Tức là hết chỗ nương tựa, hết có hết không thì về đâu? Ngài Đại Qui cười ha hả, không nói thêm lời nào.
Niêm: “Nước chảy ắt về biển, trăng lặn chẳng rời trời.” Niêm thật là khéo. Dù cho tất cả nước trên nguồn đổ ầm ầm, nhưng rốt cuộc đều dồn về biển. Dù trăng có mọc có lặn, nhưng không rời bầu hư không. Như vậy khi đối đãi bặt rồi, nghĩa là nói có nói không đều dứt, thì giống như nước chảy về biển, như trăng lặn vẫn ở trong bầu trời, không về đâu.
Tụng:
Sóng lặng yên rồi trận gió thâu,
Uổng công hướng ngoại, khổ tìm cầu.
Khối nghi cười nát thành trăm mảnh,
Từ đó mới phân đá với châu.
“Sóng lặng yên rồi trận gió thâu”, khi nhìn xuống biển thấy sóng yên lặng thì lúc đó gió đã dừng. Sóng lặng gió dừng là để nói cái thấy hai bên đã hết, giống như cây ngã dây khô lúc ấy câu về chỗ nào?
“Uổng công hướng ngoại, khổ tìm cầu”, đến chỗ đó thì đừng tìm kiếm đâu nữa, tại sao? Vì giống như nước chảy về biển, như trăng chẳng rời trời, tuy thấy khuất nhưng đâu có mất, đừng tìm hỏi về đâu chi cho nhọc.
“Khối nghi cười nát thành trăm mảnh”, khi đang nghi ngờ nó đi về chỗ nào, thì cái cười ha hả của ngài Đại Qui làm cho tan nát khối nghi.
“Từ đó mới phân đá với châu”, tức là từ đó mới phân rành rẽ cái nào thuộc về châu ngọc, cái nào thuộc về đá sỏi, không còn lẫn lộn hỗn tạp nữa.
Tóm lại trong bài tụng này, ngài Trần Thái Tông đã giải thích rõ ràng vấn đề nói có nói không, hay nói phải nói quấy. Sở dĩ tâm chúng ta bất an là vì chạy theo phân biệt đối đãi có không, phải quấy. Khi tất cả những đối đãi dứt bặt thì còn cái gì? Nên nói: “Cây ngã bìm khô, câu về chỗ nào?” Ngài Đại Qui cười to, thấy dường như Ngài không trả lời, nhưng đã có trả lời rồi. Nếu hỏi về chỗ nào mà trả lời là không đúng, nên ngay đó là hét. Thay vì hét, ngài Đại Qui cười to là đủ, đó là đã trả lời mà không mắc kẹt hai bên.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy điểm đặc biệt trong nhà Thiền. Ngài Sơ Sơn tức là ngài Bố Đan, đệ tử của ngài Động Sơn Lương Giới. Khi hỏi: câu về chỗ nào, Ngài Đại Qui cười, ngài Sơ Sơn trách: Con đi đường xa cả ngàn dặm đến đây hỏi Hòa thượng, mà Hòa thượng không trả lời. Ngài Đại Qui liền lấy tiền ra: Thôi cho ông tiền về xe. Ngài Sơ Sơn không ngờ chính cái cười là đã trả lời, còn đòi hỏi chi nữa? Thế nên khi chúng ta đọc sách Thiền đừng suy gẫm, cứ lắng tâm rồi sẽ thấy cái hay thấm thía vô cùng.
14. Cử: Bá Trượng bảo: Thế nào là pháp không vì người nói? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
Niêm: Ngàn Thánh tìm dấu y chẳng được,
Toàn thân ẩn tại đại hư không.
Tụng: Trước đây công án không lệch nghiêng,
Đối diện xem xem hội chăng liền.
Trong ngôi Phật pháp mời chẳng ở,
Đêm về như trước ngủ bờ lau.
Ngài Bá Trượng hỏi: “Thế nào là pháp không vì người nói?” Nghĩa là pháp không vì người nói là pháp gì?
Ngài Nam Tuyền đáp: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.” Đó là pháp không vì người nói.
Niêm: “Ngàn Thánh tìm dấu y chẳng được, toàn thân ẩn tại đại hư không.”
Pháp không vì người nói, dù cho mắt của ngàn vị Thánh tìm dấu vết y cũng không được, tại sao? Vì y không có tướng mạo, biết đâu mà tìm. Toàn thân của pháp đó đang ẩn trong đại hư không, không thiếu vắng.
Tụng:
Trước đây công án không lệch nghiêng,
Đối diện xem xem hội chăng liền.
“Pháp không vì người nói” là một công án rất chu đáo, rất vẹn toàn. Hội hay không hội là ngay nơi đó, đừng suy nghĩ, đừng tìm kiếm nữa.
Trong ngôi Phật pháp mời chẳng ở,
Đêm về như trước ngủ bờ lau.
Nguyên văn chữ Hán là:
Phật pháp vị trung lưu bất trụ,
Dạ lai y cựu túc lô hoa.
Hai câu này thật là đẹp làm sao, đây là hai câu tôi đắc ý nhất.
Khi ngài Bá Trượng hỏi: pháp không vì người nói là pháp gì, Ngài Nam Tuyền đáp: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.” Tâm, Phật, vật đều không phải, vậy là cái gì? Hai câu này diễn tả chỗ đó.
“Lưu bất trụ” là giữ lại, mời lại mà không ở, vì nếu ở thì hoặc là tâm, hoặc là Phật, nhưng chẳng phải tâm, chẳng phải Phật thì đâu còn ở trong ngôi Phật pháp. Cũng như thuở trước, đêm về đến bờ lau ngủ ngon lành, không cần phải có ngôi vị. Đây là diễn tả “ngộ liễu đồng vị ngộ”, nghĩa là ngộ rồi cũng đồng với khi chưa ngộ.
Vì chúng ta đang ở trong cảnh mê, nên Phật mới nói Ngài là giác, mê và giác đối nhau chỉ là phương tiện để chúng ta so sánh mà vươn lên. Còn cái chân thật là tâm không sanh diệt, tâm đó không phải là cái gì hết. Cho nên ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng nói: “Nói một vật tức không trúng.” Nó không phải tâm, không phải Phật, cũng không phải vật, nó không phải là cái gì, nhưng không phải là không có. Nó không ở vị là tâm, là Phật, là pháp, là trí, là đạo, nó không bị lệ thuộc vào những từ ngữ, nhưng trước sau vẫn không thay đổi. Ngày xưa mệt mỏi đến ngủ bờ lau, nay mệt mỏi cũng đến bờ lau ngủ, nghĩa là thuở xưa chưa ngộ, ngày nay ngộ rồi cũng như nhau không khác. Không phải khi xưa mê làm chúng sanh thì mất cái chân thật, ngày nay ngộ làm Phật, làm Bồ-tát mới có cái chân thật. Tỉ dụ khi mê chạy theo ngoại cảnh, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng mắt thấy mà không nhớ cái thấy, chỉ nhớ cảnh nhớ người, tai nghe mà không nhớ cái nghe, chỉ nhớ tiếng hay tiếng dở. Nay ngộ rồi, mắt thấy cảnh không dính với cảnh, tai nghe tiếng không kẹt với tiếng, tức là chúng ta đang sống với cái chân thật. Cái chân thật lúc mê vẫn y nhiên, lúc ngộ cũng vẫn y nhiên, không có thiếu vắng bao giờ, chỉ vì quên hay nhớ nó mà thành mê hay ngộ.
Trong kinh Lăng Nghiêm Phật chỉ rất thấu đáo, đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan: Ông thấy không? Ngài A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, thấy. Đức Phật để tay xuống, lại hỏi: Ông thấy không? Ngài A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, không. Ngài bị Phật quở: Tay là thuộc về cảnh, cảnh bên ngoài khi có khi không, cái thấy của ông có lúc nào vắng đâu! Như vậy đức Phật đã chỉ quá rõ ràng, còn Thiền sư chỉ nói gọn thôi.
Đức Phật lại bảo ngài La-hầu-la đánh chuông và hỏi ngài A-nan: Ông nghe không? Ngài thưa: Bạch Thế Tôn, nghe. Khi tiếng chuông lặng rồi, Phật hỏi: Ông nghe không? Ngài thưa: Bạch Thế Tôn, không nghe. Phật quở thêm một lần nữa: Tiếng chuông khi có khi không, còn cái nghe của ông có lúc nào không đâu. Nếu ông không nghe thì làm sao biết được không có tiếng chuông. Có tiếng chuông thì nghe có, không tiếng chuông thì nghe không, tại sao nói không nghe?
Phật kết luận đó là do mê lầm, chúng sanh quên mình theo vật. Theo vật là quên cái thấy mà theo tay, quên cái nghe mà theo tiếng. Hiện giờ tất cả chúng ta đang quên mình theo vật nên gọi là mê, còn nhớ mình quên vật gọi là giác, thật đơn giản làm sao! Cái chân thật không bao giờ thay đổi, cái nghe cái thấy trước sau như một, nhưng khác nhau chỉ có mê và giác thôi. Mê là theo vật thì bị vật chuyển dẫn đi trong luân hồi, giác là nhớ mình thì được tự do tự tại tức là giải thoát.
Lâu nay chúng ta chỉ biết cái bên ngoài, cho nên bao nhiêu người tu cứ nghĩ muốn thành Phật là phải có thần thông, phải phát hào quang..., như vậy ngồi thiền mới có giá trị, mới có kết quả. Còn ngồi im lặng đếm hơi thở, thấy vọng không theo, sao tầm thường quá, vậy nói tu là tu cái gì? Nhưng không ngờ trọng tâm của việc tu là không đuổi theo sáu trần thì sáu trần không lôi mình trầm luân trong sanh tử, không đuổi theo sáu trần thì được tự do giải thoát. Muốn đừng dính mắc sáu trần thì phải xoay lại nhìn mình, tức là ngồi ngó xuống, nhìn hơi thở, coi niệm dấy khởi thế nào. Biết quay lại mình thì không bị ngoại cảnh chi phối.
Thật ra việc tu hết sức đơn giản, nhưng vì chúng ta không biết nên trở thành phức tạp. Ngồi tu thì muốn có thần thông biết được tâm người để nói cho họ phục, muốn có thần thông mầu nhiệm để thiên hạ quí kính cúng dường, nên trở thành tham danh tham lợi, rồi cũng bị trầm luân. Cái chân thật thì khô khan lạnh nhạt, chân lý lúc nào cũng đơn giản. Còn những chuyện huyền hoặc nhiệm mầu không phải là chân lý, chỉ là những giả tưởng mà thiên hạ lại ham thích, cho nên suốt đời con người bị cuồng loạn trong mê hoặc. Thí dụ chúng ta nhìn cảnh vật ở đây, nhìn quen cũng thấy vui nhè nhẹ. Còn nếu có ai tới tổ chức đóng tuồng hay đóng kịch, cũng cảnh này nhưng đem ra chiếu người ta lại say mê. Vì những cảnh đóng kịch có vui buồn hấp dẫn hơn, còn cảnh thật dù quí đẹp, người ta vẫn xem thường. Cái giả dối lúc nào cũng hấp dẫn, từ lời nói đến hình dáng tô điểm bịp lừa, nên ở đời những gì hoa hòe lừa bịp người ta lại thích. Nhìn kỹ lại cuộc sống ở thế gian đều là trò lừa dối nhau như vậy. Con người đang chạy theo những ảo ảnh giả dối mà không biết lại cho là vui, còn cái chân thật khô nhạt quá nên không có gì hấp dẫn.
Trong ngôi Phật pháp mời chẳng ở,
Đêm về như trước ngủ bờ lau.
Hai câu này dễ thương mà đơn giản làm sao, để nói ngộ rồi đồng với chưa ngộ. Hiểu như vậy mới thấy cái hay của đạo, nếu không, sao thấy nó tầm thường quá.
Hiện nay người tu thường mơ ước thành Phật, thành Tổ ngồi tòa sen báu có phóng hào quang. Nếu thấy tượng Phật không sơn vẽ khéo thì không thích, nên gần đây các Phật tử tô điểm tượng Phật thành môi son má phấn, mày tằm mắt phượng, biến hình tượng Phật thành sở thích của mình, đó là chuyện của người thế gian. Còn chúng ta tu tức là sống trở lại với tâm chưa bao giờ sanh diệt, tâm đó là tâm chân thật của mình. Sống với nó chúng ta mới được giải thoát sanh tử, đó là Phật chớ không có gì lạ.
15. Cử:Nam Tuyền nói: Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo.
Niêm: Uống cạn huyền vi lý, đường về dưới trăng đi.
Tụng: Muôn tiếng trùng lặng, sao Đẩu dời,
Bầu trời trong suốt gợn mây vơi.
Nương tựa gậy lê lên gác ngắm,
Yên yên lặng lặng thật thảnh thơi.
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo.”(vì có chỗ nói: tức tâm tức Phật) Nếu còn thấy tâm, Phật, trí, đạo là thật là còn trong đối đãi. Muốn dứt bặt các đối đãi nên Ngài nói: Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo. Thường khi chúng ta nói đạo là trí tuệ Bát-nhã, nhưng ở đây Ngài nói trí cũng không phải đạo.
Niêm: “Uống cạn huyền vi lý, đường về dưới trăng đi.” Lý huyền vi là Tức tâm tức Phật, lý này phải cho cạn đi, nghĩa là nếu dứt hết những nghĩa lý nhiệm mầu, tâm mình trở về cái chân thật, lúc ấy chúng ta sẽ đi dưới trăng sáng trở về quê hương. Như vậy người khôn ngoan trong nhà đạo khác với người khôn ở thế gian. Ở thế gian ai lý luận giỏi, biện luận tài, cho là người khôn. Còn trong đạo phải bặt những lý luận, khi ấy một mình đi dưới ánh trăng sáng trở về quê hương, hình ảnh này thật đẹp.
Tụng:
Muôn tiếng trùng lặng, sao Đẩu dời,
Bầu trời trong suốt gợn mây vơi.
Canh năm trời gần sáng, tiếng côn trùng lặng im, chỉ một bầu trời trong vắt không một gợn mây.
Nương tựa gậy lê lên gác ngắm,
Yên yên lặng lặng thật thảnh thơi.
Nương gậy bằng gỗ lê, bước lên lầu ngắm nhìn bầu trời trong. Những tâm xao xuyến loạn động đuổi theo lý này ý kia đã dừng bặt, chỉ còn một tâm thanh tịnh, khi ấy chúng ta nhìn thấy cả một bầu trời yên lặng thảnh thơi, không còn gì vướng bận trong lòng. Đó là chỉ chỗ “Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo” vậy.
16. Cử: Sau khi Lâm Tế khai hóa chỉ dùng gậy hét dạy đồ chúng. Vừa thấy Tăng vào cửa liền hét.
Niêm: Mùng năm tháng năm giờ ngọ viết,
Miệng đỏ lưỡi độc tận tiêu trừ.
Tụng: Vào nhà liền hét muốn làm chi?
Dẫn được cháu con tỉnh giấc mê.
Chẳng phải sấm xuân vang một tiếng,
Làm sao vỏ hạt được nẩy mầm.
Đây là cách dạy đồ chúng của Tổ Lâm Tế. Vừa thấy Tăng vào cửa, chưa cần hỏi han gì, Ngài liền hét một tiếng.
Niêm:
Mùng năm tháng năm giờ ngọ viết,
Miệng đỏ lưỡi độc tận tiêu trừ.
Theo tục lệ ông bà ngày xưa, vào ngày mùng năm tháng năm đúng giờ ngọ, viết lá bùa bát quái treo trước cửa nhà, thì tất cả tai nạn đều qua hết. Như vậy để nói một tiếng hét của ngài Lâm Tế giống như lá bùa viết vào trưa ngày mùng năm tháng năm, tiêu trừ được tất cả tai nạn.
Tụng:
Vào nhà liền hét muốn làm chi?
Dẫn được cháu con tỉnh giấc mê.
Tăng vừa bước vào nhà tham vấn liền bị hét. Tiếng hét đó là muốn dẫn con cháu tỉnh được giấc mê. Tại sao? Vì lời nói dù hay khéo đến đâu cũng gợi cho người suy gẫm, còn suy gẫm là chìm trong mê. Một tiếng hét làm giựt mình không còn gì suy nghĩ, chính là để đánh thức giấc mê cho con cháu.
Chẳng phải sấm xuân vang một tiếng,
Làm sao vỏ hạt được nẩy mầm.
Đây là khen ngợi tiếng hét của ngài Lâm Tế vang lên như tiếng sấm cuối xuân, nhờ đó những hạt giống dưới lòng đất từ từ nẩy mầm. Cũng vậy nhờ tiếng hét mà hạt giống Bồ-đề dễ nẩy mầm nơi lòng người.
17. Cử: Nam Tuyền nói: Tâm bình thường là đạo.
Niêm: Lạnh nói là lạnh, nóng nói là nóng.
Tụng: Rìu búa không cần, ngọc trắng tinh,
Đâu do mài giũa để cầu tân.
Đường về chẳng bước nhà vẫn tới,
Trao kẻ trèo non buông thõng tay.
Triệu Châu đến hỏi Thiền sư Nam Tuyền: Thế nào là đạo? Ngài đáp: “Tâm bình thường là đạo.”
Tâm bình thường là tâm gì? Có phải là chúng ta ngồi suy nghĩ trưa nay nấu món ăn gì, chiều nay làm việc gì, không tính chuyện trên trời trên mây, vậy có phải tâm bình thường chưa? - Chưa phải. Tâm bình thường không phải là nghĩ theo chuyện thông thường ở thế gian.
Niêm: “Lạnh nói là lạnh, nóng nói là nóng.” Nói bao nhiêu đó là đủ, nó thế nào nói thế ấy, không nói thêm điều gì, đó là tâm bình thường.
Còn nói lạnh khó chịu quá hay nóng bực bội quá, không phải là bình thường, vì có phiền não gá vào trong đó. Tỉ dụ hôm nào trời lạnh, nói bữa nay trời lạnh là đủ, nếu nói thêm: bữa nay lạnh muốn run, thì đã qua nghĩa khác, vì có gá cái ta trong đó, không còn là sự thật của cái lạnh nữa. Nóng cũng vậy, nếu nói hôm nay trời nóng là đủ, không nói thêm nóng chịu không nổi, muốn nhức đầu, đó là qua ý khác rồi. Nghĩa là lạnh nóng ở ngoài đã đồng hóa với cái ta, nên chúng ta bực bội không thích. Còn nếu lạnh nóng như thế nào nói như thế ấy thì không có gì bực bội khó chịu. Thế nên lời niêm rất là hay: Tâm bình thường là lạnh nói lạnh, nóng nói nóng, đó là đủ rồi.
Hằng ngày tâm chúng ta có bình thường không? Chúng ta làm việc gì cũng muốn như ý, cũng theo sở thích của mình. Thí dụ gần nhất như trong chùa nuôi mấy con chó, tối đến có trộm vào mà chó không sủa. Sáng lại chó bị đánh vì tội không giữ chùa. Vì sao chúng ta không tự trách mình, các con chó đâu có biết gì. Chúng ta nuôi chó thì nuôi, còn sủa hay không là chuyện của nó. Thế nên tất cả những gì chung quanh, chúng ta đều bắt lệ thuộc vào cái ta, và nhìn muôn vật bằng bản ngã phóng đại ra, nên không thấy được lẽ thật. Người tu bắt buộc phải thấy được lẽ thật, phàm làm việc gì, nhìn vật gì cũng qua lẽ thật, không qua bản ngã. Vì bản ngã nên chúng ta luôn luôn có niệm thương niệm ghét, nếu thấy người nào không hợp với bản ngã của mình thì nói người ấy dễ ghét, nếu hợp với bản ngã của mình thì bảo dễ thương. Vậy bản ngã là do huân tập, huân tập cái gì thì nó theo cái ấy. Thí dụ như chúng ta huân tập theo cái nhìn của Đông phương thì thấy người nào có vẻ Đông phương mình ưa, huân tập theo Tây phương thì thấy vẻ gì hợp với Tây phương mình thích. Như vậy ưa thích theo huân tập đâu phải là thật, thế mà suốt ngày chúng ta sống theo huân tập, bị nó chi phối nên chúng ta phiền não khổ đau mãi. Chúng ta tu là phải thấy như thật, tôi đã giảng chữ như thị, tức là pháp của Phật là như thế, không có cái khác, có khác là tại chúng ta tô điểm thêm. Thế nên lạnh nói lạnh, nóng nói nóng.
Tụng:
Rìu búa không cần, ngọc trắng tinh,
Đâu do mài giũa để cầu tân.
Nói tâm bình thường là đạo, nghĩa là đạo đã sẵn trong tâm bình thường, giống như hòn ngọc trắng tinh đã sẵn nơi mình, đâu cần búa rìu đẽo đục mới trắng, cũng không do mài giũa thành mới, vì nó đã sẵn đẹp rồi. Không cần phải đục đẽo mài giũa, mà tu là phải mài giũa, đẽo đục, như thế có mâu thuẫn hay không? Tỉ dụ tượng Phật gỗ phải từ khúc gỗ trầm đục đẽo mới thành, nếu để khúc gỗ y nguyên trên bàn thì đâu có ai quì lạy. Tu là phải mài giũa, tuy ai cũng sẵn tâm bình thường, nhưng chúng ta quen tập theo thói bất bình thường, giống như một người trước kia tỉnh táo sau sanh ra cuồng loạn thì phải chạy chữa thuốc men, để trở lại bình thường. Cũng như vậy, sở dĩ chúng ta phải tu là để đưa tâm mình trở lại bình thường, vì hiện giờ chúng ta ít nhiều gì cũng đang là những kẻ bất bình thường, cần phải nhờ thuốc chữa trị mới lành bệnh.
Tâm bình thường là cái sẵn có, không thêm cái gì mới, chỉ hết bệnh trở về tình trạng bình thường cũ. Nên nói chỗ này không phải trau dồi, mài giũa mà tự nó là ngọc trắng rồi.
Đường về chẳng bước nhà vẫn tới,
Trao kẻ trèn non buông thõng tay.
Không cần bước đi mà vẫn tới nhà. Có khi Phật và chư Tổ nói: Đường luân hồi xa xôi diệu vợi, muốn trở về thật là khó. Nhưng có chỗ lại nói: Dưới gót chân ông, chớ không đâu xa. Tuy không phải xa mà thật ra cũng không phải gần. Nếu bỏ quên lối về nhà chạy lang thang mãi, dù cho nhà ở gần cũng thành xa. Nếu biết quay trở về thì tuy nói xa, thật ra ở ngay trước mặt, tức là rất gần. Thế nên không cần bước đi đâu, thay vì phóng ra chỉ quay trở lại, đó là trở về; từ chuyên môn gọi là hồi đầu thị ngạn, tức là xoay đầu trở lại là bờ này, là nhà cửa của mình, đơn giản làm sao! Như vậy gần xa là do thói quen, quen phóng ra thì thấy xa, biết xoay trở lại là bờ, chớ không có gì.
“Trao kẻ trèo non buông thõng tay”, không cần bước mà vẫn tới nhà, là chỉ có người trèo non mà buông thõng tay tự tại. Nếu phải vịn từ cục đá, bám từng rễ cây để bò lên thì chắc về nhà phải hơi lâu. Buông thõng tay mà trèo non được thì nhà ở một bên chớ không đâu xa, cách nhìn này thật là hay, thật là cụ thể.
18. Cử: Triệu Châu nói: Mọi người bị mười hai thời sai khiến, Lão tăng sai khiến được mười hai thời.
Niêm: Cậy thế dối người, không nơi căn cứ.
Tụng: Lão này hay khiển mười hai thời,
Rồng dữ cọp hung thảy được thuần.
Cần phương chỉ sắt thành vàng thật,
Chẳng để cho người có việc nghe.
Nhân có vị Tăng hỏi: Trong mười hai giờ dụng tâm như thế nào? Ý muốn hỏi trong mười hai giờ mình phải tu như thế nào cho đúng với tinh thần đạo. Ngài Triệu Châu trả lời: “Mọi người bị mười hai thời sai khiến, Lão tăng sai khiến được mười hai thời.” Như hiện giờ chúng ta có bị mười hai thời sai khiến không, hay là sai khiến được mười hai thời? Nhìn chừng đồng hồ coi mấy giờ, cho đến lúc ngồi thiền cũng nhìn đồng hồ, như vậy từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, chúng ta bị đồng hồ sai khiến, tức là bị mười hai thời sai khiến, còn ngài Triệu Châu sai khiến được mười hai thời.
Niêm: “Cậy thế dối người, không nơi căn cứ.” Ý muốn nói ngài Triệu Châu ỷ mình là người giỏi nên dối người không nơi căn cứ. Niêm như vậy có đúng không? Mười hai thời chỉ là giả định của con người chớ không có thật, làm sao sai khiến nó được?
Tụng:
Lão này hay khiển mười hai thời,
Rồng dữ cọp hung thảy được thuần.
Sai khiến được mười hai thời nghĩa là người đời chạy theo thời gian từng giờ từng phút, còn Ngài không dính mắc gì với thời gian. Nếu suốt ngày không bận bịu với thời gian tức là không trông đợi không mong chờ dù cho rồng dữ cọp hung cũng được thuần thục. Còn chúng ta đang trông đợi mong chờ nên khiển không nổi rồng dữ cọp hung. Sáng mong trưa, trưa đợi chiều, tâm mong chờ là hư dối làm cho mình mệt mỏi. Người không bị thời gian chi phối là người không còn tâm mong chờ, đó tức là tâm chân thật thì rồng dữ cọp hung trong tâm không còn hung hăng nữa.
Cần phương chỉ sắt thành vàng thật,
Chẳng để cho người có việc nghe.
Muốn được diệu thuật chỉ sắt biến thành vàng thì không cho người có việc nghe, tức là ai còn hữu sự thì đừng mong được cái đó. Diệu thuật này chỉ có ở con người vô sự. Chúng ta chẳng những hữu sự mà còn đa sự nữa, nên không được nghe thuật kỳ diệu đó. Tại sao đa sự? Việc trong nhà mình, trong bản thân mình nhớ nghe cũng đã nhiều rồi, mà chuyện hàng xóm đâu đâu cũng muốn nghe, lại kể chuyện năm trên năm dưới cho người khác, như vậy có phải là đa sự không? Vì thế nên cả ngày tâm loạn tưởng điên đảo không phút nào yên. Câu kết luận chỉ cho chúng ta thấy muốn sử dụng được mười hai giờ chỉ có người vô sự, nếu còn đa sự thì không bao giờ sử dụng được.
19. Cử: Tăng hỏi Lâm Tế: Thế nào là vô vị chân nhân? Lâm Tế đáp: Cục cứt khô.
Niêm: Bắn sẻ mất châu, ném chuột nhơ đồ.
Tụng: Vô vị chân nhân cục cứt khô,
Do người Thích tử mất gia phong.
Nhìn xuống xem xem, biết chẳng biết,
Con trâu vào biển dấu vết không.
Ngài Lâm Tế nói: Tất cả chúng ta đều có vô vị chân nhân ra vào ở ngay nơi mặt chớ không đâu xa. Vô vị chân nhân tức là con người chân thật không có ngôi vị, không có chỗ nơi. Câu tôi đã giảng: trong ngôi Phật pháp mời không ở, đó là chỉ người chân thật không ngôi vị.
Nhân có Tăng hỏi: “Thế nào là vô vị chân nhân? Ngài Lâm Tế đáp: Cục cứt khô.” Ngài đáp nghe thô tục quá, sao lại được khen hay? Nói câu đó chúng ta không còn gì để suy nghĩ. Ngay đó tâm mình đã lặng mà mình đâu có biết. Cứ nhớ sao thô quá, đó là khởi vọng tưởng điên đảo, nếu không suy nghĩ là vô vị chân nhân. Thành ra trả lời mà không trả lời gì cả. Hỏi một đàng: Thế nào là vô vị chân nhân? Lại đáp một ngả: Cục cứt khô. Nghe câu đáp, người hỏi dứt hết tâm suy gẫm nghĩ tính, không còn gì so sánh. Câu đáp đó là câu sống (họat ngữ), câu đặc biệt trong nhà Thiền.
Niêm: “Bắn sẻ mất châu, ném chuột nhơ đồ.” Nghĩa là vì chuyện nhỏ như bắn chim sẻ mà mất hạt châu, muốn đuổi chuột làm nhơ đồ quí. Đó là nói câu đáp hơi thô tục một chút.
Tụng:
Vô vị chân nhân cục cứt khô,
Do người Thích tử mất gia phong.
Hỏi vô vị chân nhân, lại đáp cục cứt khô là vì người Thích tử không biết vô vị chân nhân là gì, nên buộc lòng Ngài phải đáp như vậy để họ giựt mình thức tỉnh.
Nhìn xuống xem xem biết chẳng biết,
Con trâu vào biển dấu vết không.
Ngay nơi đó mình nhìn thẳng xem thử có biết hay không. Nếu xem rồi mới thấy chính câu trả lời chỉ cho mình cái chân thật rõ ràng, mà không có gì để suy gẫm, các vọng tưởng mê lầm đều dứt bặt, giống như con trâu nhảy ùm xuống biển không còn một chút dấu vết. Trái lại nếu giải thích vô vị chân nhân là một con người chân thật không ngôi vị, sạch hết những phiền não vọng tưởng v.v... làm người nghe suy gẫm đủ điều, như thế là dẫn họ đi trong mê lầm loạn tưởng.
20. Cử: Triệu Châu nói: Khám phá bà già ở Ngũ Đài Sơn xong.
Niêm: Ngũ nghịch nghe sấm, chẳng cho bịt tai.
Tụng: Khảy móng Đài Sơn hết nói ngoa,
Chẳng phiền bước tới được về nhà.
Can qua chẳng động lòng người phục,
Gươm bén đâu cần ra hộp ngà.
Nguyên câu chuyện như sau: Có bà già ở gần đường đi Ngũ Đài Sơn, một vị Tăng tìm đường lên núi mà nghi không biết có đúng không, gặp bà già mới hỏi: Đường Ngũ Đài Sơn đi lối nào? Bà đáp: Đi thẳng. Tăng vừa đi, bà nói: Khéo, ông Thầy này lại đi thế ấy. Vị Tăng nghe, không hiểu bà muốn nói gì, mới về thưa lại ngài Triệu Châu. Ngài bảo: Để tôi lên khám phá bà già. Ngài đến gặp bà cũng hỏi: Đường nào đi Ngũ Đài Sơn? Bà nói: Đi thẳng. Ngài bắt đầu đi, bà già cũng nói: Khéo, ông Thầy này lại đi thế ấy. Khi trở về, Ngài tuyên bố giữa chúng: Tôi đã khám phá bà già ở Ngũ Đài Sơn rồi. Vậy Ngài khám phá cách nào? Đó là nghi vấn mà lâu nay chúng ta đặt ra.
Niêm: “Ngũ nghịch nghe sấm, chẳng cho bịt tai.” Đây là ý gì? Trong kinh nói: Người phạm tội ngũ nghịch phải đọa địa ngục. Cũng có người nói: Người phạm tội ngũ nghịch có thể bị trời đánh, vì vậy họ rất sợ sấm. Tội ngũ nghịch là: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật ra máu. Nếu phạm tội ngũ nghịch, mà sấm nổ không cho bịt tai, tức là không cho sợ. Ý nói ông Tăng tìm đường lên Ngũ Đài Sơn, ông nghi không biết có đúng đường không, nên hỏi bà già. Nghe bà bảo: đi thẳng, thì ông tin ông đi. Nhưng bà nói: Lại đi thế ấy. Như vậy làm cho người đã nghi lại thêm nghi. Vì có nghi mới hỏi, hỏi rồi lại thêm nghi, giống như người phạm tội ngũ nghịch rất sợ sấm, đó là cái nghi trước. Nhưng khi nghe sấm nổ, không cho bịt tai, lại càng sợ thêm, tức là càng thêm nghi. Đó là thuật khéo của bà già.
Bài tụng nói lên ý của bà và của ngài Triệu Châu:
Khảy móng Đài Sơn hết nói ngoa,
Chẳng phiền bước tới được về nhà.
Chỉ trong khảy móng tay thì bà già ở Ngũ Đài Sơn hết nói ngoa, tức là hết nói gạt để người ta nghi nữa. Vì ngài Triệu Châu nói đã khám phá bà già rồi, không cần suy nghĩ tìm kiếm cũng về tới tận nơi.
Can qua chẳng động lòng người phục,
Gươm bén đâu cần ra hộp ngà.
Thế nên không cần phải có chiến trường mà đã chinh phục được người. Có gươm bén nhưng không cần mở hộp đem ra dùng, mà lòng người đã qui phục.
Tuy ngài Triệu Châu nói khám phá bà già, nhưng sự thật Ngài chỉ hỏi, bà trả lời mà nói đã khám phá rồi là để cho người yên lòng không còn thắc mắc. Đó là chỉ bà già không phải người tầm thường, bà chỉ cho mình đi thẳng. Nhưng chúng ta cứ tưởng đi thẳng là tới Ngũ Đài Sơn, không ngờ bà muốn chỉ thẳng cái mình sẵn có, vị Tăng không biết việc này nên cắm đầu đi thẳng lên Ngũ Đài Sơn. Thế nên bà già nói lại: Khéo, ông Thầy lại đi thế ấy. Đó là lối nói ngoa, không phải nói thật. Nhưng khi ngài Triệu Châu đến thì lời nói ngoa hết, ngay đó liền thấy được nhà. Như thế không cần lý luận, không cần tranh đấu mà đã hàng phục được người, cũng như gươm bén không cần ra khỏi hộp ngà mà giặc giã đều qui hàng. Đó là thuật khéo của ngài Triệu Châu.
Như thế chúng ta mới thấy những bà già bán bánh ở dọc đường khi xưa rất là kỳ đặc, làm các vị Tăng phải mệt đầu. Có nhiều bà già trông rất xoàng xĩnh mà vẫn biết đạo chớ không phải thường. Không phải chỉ có người xuất gia học đạo lâu năm mới hay, đừng tưởng lầm như vậy. Dù ở giai cấp nào hình thức nào, người khéo nhận khéo thấy khéo biết đường về đều là hay cả.
Ngài Trần Thái Tông quả là một nhà vua kỳ đặc, đa đoan việc nhà việc nước mà hiểu đạo hiểu Thiền thật cao siêu. Còn chúng ta hiện nay rảnh rang trăm bề mà thấy đạo cạn cợt ở ngoài da, nghĩ có hổ thẹn không? Càng hổ thẹn chúng ta càng phải noi gương Ngài cố gắng nỗ lực tu hành, đừng để thua kém quá xa.