Chỉ mục bài viết

31. Cử: Tam Thánh nói: Tôi gặp người liền ra, ra thì chẳng vì người. Hưng Hóa nói: Tôi gặp người thì chẳng ra, ra thì vì người.

Niêm:  Một con rùa mù, nửa cặp trạnh què.

Tụng:   Gặp khát tức thì uống nước ngay,

            Nói ăn ngày trọn bụng đói chay.

            Hai bên gươm bén thôi niêm kín,

            Khi khác trẻ con miệng họa này.

Tam Thánh là Thiền sư Huệ Nhiên. Hưng Hóa là Thiền sư Tồn Tương. Hai vị là đệ tử lớn của ngài Lâm Tế. Một vị nói: Tôi gặp người liền ra, ra thì chẳng vì người, một vị lại nói: Tôi gặp người thì chẳng ra, ra thì vì người. Ai nói đúng?

Niêm: “Một con rùa mù, nửa cặp trạnh què.” Trạnh là con ba ba. Nửa cặp cũng là một con. Như vậy một bên là rùa mù, một bên là trạnh què. Vì ra hoặc không ra, vì người hoặc không vì người đều là một bên, chưa phải là cứu kính, nên ngài Trần Thái Tông mới bình: Một con rùa mù, nửa cặp trạnh què.

Tụng:

            Gặp khát tức thì uống nước ngay,

            Nói ăn ngày trọn bụng đói chay.

            Hai bên gươm bén thôi niêm kín,

            Khi khác trẻ con miệng họa này.

Đói thì ăn, khát thì uống, nói làm chi ồn cả ngày mà bụng vẫn đói. Ý Ngài trách là nói “vì người không vì người, ra không ra” chi cho nhiều.

“Hai bên gươm bén thôi niêm kín”, nghĩa là hai vị dùng thuật nói mâu thuẫn nhau giống như hai cây gươm bén niêm kín.

“Khi khác trẻ con miệng họa này”, e khi khác trẻ con liếm nhằm bị đứt miệng, đứt lưỡi. Lối nói này không cho người thấy được lẽ thật, mà chỉ là nói để cho nghi.

32. Cử: Nam Tuyền thấy Đặng Ẩn Phong đến, chỉ tịnh bình nói: Tịnh bình là cảnh, ông không được động đến cảnh.

Niêm: Nói có, nhằm chỗ nào để.

Tụng: Trong gương không nhớp luống tự chùi,

            Dụng hết công phu uổng phí thôi.

            Lặng lặng im im tùy chỗ thích,

            Cơm xong liền đó uống chung trà.

Tịnh bình là cảnh, lại chỉ tịnh bình bảo không được động đến, vậy phải động đến cái nào? Đó là thuật kỳ đặc trong nhà Thiền. Thông thường nghe chỉ đâu chúng ta chạy theo đó là bị gạt.

Niêm: “Nói có, nhằm chỗ nào để.” Nói không được động đến thì cái đó có hay không? Nếu có thì để ở đâu?

Tụng:

            Trong gương không nhớp luống tự chùi,

            Dụng hết công phu uổng phí thôi.

            Lặng lặng im im tùy chỗ thích,

            Cơm xong liền đó uống chung trà.

Bài thơ rất là thâm thúy. Gương không nhớp, không bụi mà lau, thật là uổng công. Như vậy để mặc nó hay sao? Nghĩa là chúng ta nói lau gương là uổng công, nếu nói lau bụi thì đáng công. Hiện nay chúng ta lau gương hay lau bụi? Gương tự sáng, sở dĩ chúng ta không thấy được ánh sáng là do bụi, nay lau sạch bụi thì gương tự sáng. Cũng vậy cái chân thật nguyên là như thế, không có tu, nhưng vì bụi trần che phủ nên phải tu tức là hằng ngày lau bụi tham sân si mạn nghi..., lau sạch rồi thì gương tự sáng. Nếu gương không sáng dù lau hết bụi cũng vẫn không sáng. Bản chất nó là sáng nên nói lau là vô ích.

“Dụng hết công phu uổng phí thôi.” Dù dùng bao nhiêu công phu để chùi gương cũng là uổng phí, nhưng nếu dụng công chùi bụi thì rất đáng công.

“Lặng lặng im im tùy chỗ thích”, nó im nó lặng, tùy duyên tùy cảnh nó hưởng ứng. Hưởng ứng bằng cách nào? “Cơm xong liền đó uống chung trà.” Ăn cơm xong rồi uống trà, việc đó rất bình thường, nhưng chính việc bình thường là cái hiện rõ ràng của tấm gương.

33. Cử: Thạch Đầu nói: Thế ấy chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy thảy chẳng được.

Niêm:  Các hạnh vô thường, tất cả đều khổ.

Tụng:   Câu nói hay khéo đem đến ông,

            Tạm làm mây trắng che cửa động.

            Dù cho toàn được mười phần đúng,

            Vẫn ở giữa đường muôn dặm trông.

“Thế ấy chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy thảy chẳng được.” Nói như vậy nghe khó hiểu làm sao! Thế ấy là khẳng định, chẳng thế ấy là phủ định, thế ấy chẳng thế ấy là khẳng và phủ định, thảy đều không được. Như vậy tất cả sự vật trên thế gian đứng về mặt khẳng định, hoặc phủ định, hoặc gồm cả hai đều không đúng. Tại sao?

Niêm: “Các hạnh vô thường, tất cả đều khổ.” Khẳng định, phủ định hay chung cả hai đều là các hạnh, nên đều là khổ.

Tụng:

            Câu nói hay khéo đem đến ông,

            Tạm làm mây trắng che cửa động.

Câu nói cho ông nghe dù hay dù khéo chẳng khác nào mây trắng che cửa động. Mây che cửa động, bầy chim muốn về tổ không biết đường vào, cũng như lời nói hay khéo phủ mờ chỗ chân thật.

            Dù cho toàn được mười phần đúng,

            Vẫn ở giữa đường muôn dặm trông.

Cả ba câu khẳng định, phủ định hoặc gồm cả hai, dầu được dùng đủ cũng còn ở giữa đường, chưa đến nhà, nên ngài Thạch Đầu bảo cả ba đều không được. Hiểu như thế mới thấy được ý người xưa.

34. Cử: Tăng hỏi: Thế nào là cảnh Giáp Sơn? Sơn đáp:

            Vượn ẵm con về sau núi biếc,

            Chim tha hoa rụng trước non xanh.

Niêm:  Cây gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.

Tụng: Giáp Sơn cảnh vắng không người đến,

            Ngay đó phải nên làm những gì?

            Nếu người thật được đôi mắt sáng,

            Giờ ngọ mặc tình trống canh ba.

            Thí dụ có người đến đây hỏi: Thế nào là cảnh Trúc Lâm?

Đó là hỏi cảnh Trúc Lâm hay hỏi cái gì? Thật ra không phải hỏi cảnh bên ngoài mà muốn hỏi cái gì nơi chúng ta, nếu diễn tả cảnh bên ngoài thì sai.

Ngài Giáp Sơn là Thiền sư Thiện Hội. Thuở trước khi còn ở Kinh Khẩu Ngài giảng cho đồ chúng ở chùa rất đông. Một hôm Ngài lên tòa, ở dưới có Thiền sư Đạo Ngô Viên Trí ngồi nghe. Có vị Tăng bước ra hỏi: Thế nào là Pháp thân? Ngài Thiện Hội đáp: Pháp thân vô tướng. Vị ấy hỏi tiếp: Thế nào là Pháp nhãn? Ngài đáp: Pháp nhãn vô tỳ (không có tỳ vết). Ở dưới ngài Đạo Ngô cười. Khi giảng xong, ngài Thiện Hội đắp y đến thưa với ngài Đạo Ngô: Bạch Hòa thượng, khi tôi đáp lời người hỏi, có chỗ nào không đúng khiến Hòa thượng cười? Ngài Đạo Ngô nói: Nếu là người giảng kinh thì Hòa thượng nói rất đúng, còn nếu là Thiền sư thì chưa có thầy. Nghe như vậy ngài Thiện Hội mới xin ngài Đạo Ngô giới thiệu cho một vị thầy. Ngài Đạo Ngô giới thiệu ngài Hoa Đình Thuyền Tử. Đang là một Giảng sư nổi tiếng mà ngài Thiện Hội từ bỏ tất cả đi tìm ngài Hoa Đình Thuyền Tử. Pháp thân vô tướng, Pháp nhãn vô tỳ đều đúng cả, nhưng tại sao ngài Đạo Ngô cười? Vì dùng tử ngữ như vậy thì biết người học chưa có thầy. Sau khi ngộ, ngài Thiện Hội trở về trụ ở Giáp Sơn, có người hỏi: Thế nào là cảnh Giáp Sơn? Ngài đáp bằng hai câu thơ:

            Vượn ẵm con về sau núi biếc,

            Chim tha hoa rụng trước non xanh.

Niêm: “Cây gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.” Sẵn có cây gậy tùy thân gặp trường thì đùa không sợ té. Đó là lời khen ngài Giáp Sơn khéo, khi có người hỏi cảnh liền diễn tả cảnh cho người nghe.

Tụng:

            Giáp Sơn cảnh vắng không người đến,

            Ngay đó phải nên làm những gì?

            Nếu người thật được đôi mắt sáng,

            Giờ ngọ mặc tình trống canh ba.

Giờ ngọ mà đánh trống canh ba nghe thật trái ngược, nhưng thật người có mắt sáng thì giờ ngọ đánh trống canh ba. Tại sao? Khi Ngài diễn tả cảnh Giáp Sơn vượn bồng con về núi, chim tha hoa rụng trước non..., nếu biết thì đó là hiện tiền. Thế nên dường như tả cảnh mà đã chỉ ra cái chân thật cho người hỏi như giờ ngọ mà đánh trống canh ba tức là nói ở đây mà thấy rõ ở kia.

35. Cử: Tăng hỏi Mục Châu: Một hơi thở tụng hết một tạng kinh không? Châu đáp: Có bao nhiêu bánh đem hết lại đây.

Niêm:  Buông tay đến nhà, chẳng nhọc tiến bước.

Tụng: Một hơi tự khéo tụng tạng kinh,

            Vạch lá tìm cành chẳng nhọc mình,

            Vô biên huyền nghĩa đều hiện rõ,

            Hỏi đến Sơn tăng thảy chẳng minh.

“Tăng hỏi Mục Châu: Một hơi thở tụng hết một tạng kinh không? Châu đáp: Có bao nhiêu bánh đem hết lại đây (có chỗ nói là bánh bao).” Tức là trên bàn có bao nhiêu bánh bao đem hết lại đây, đơn giản làm sao!

Niêm: “Buông tay đến nhà, chẳng nhọc tiến bước.”

Thật là khen đáo để. Buông tay là đến nhà không cần phải nhọc đi bước vào.

Tụng:

            Một hơi tự khéo tụng tạng kinh,

            Vạch lá tìm cành chẳng nhọc mình,

            Vô biên huyền nghĩa đều hiện rõ,

            Hỏi đến Sơn tăng thảy chẳng minh.

Ngài Mục Châu là Trần Tôn Túc, hiệu Đạo Minh, là vị Thủ tọa bảo ngài Lâm Tế đi hỏi Tổ Hoàng Bá ba lần, là một tay cự phách ở hội Tổ Hoàng Bá. Khi ngài về Mục Châu có người đến hỏi: Một hơi thở tụng hết một tạng kinh không? Câu hỏi quá rắc rối. Tôi nhắc lại câu chuyện Tổ Bát-nhã được nhà vua mời dự trai tăng. Đến nơi chư Tăng siêng năng tụng kinh còn Ngài thong dong đi dạo. Vua thấy lạ mới hỏi: Sao Hòa thượng không đi tụng kinh? Ngài đáp: Ta thở ra không dính sáu trần, hít vào không kẹt ấm giới, mỗi ngày ta tụng không biết bao nhiêu bộ kinh. Như vậy nói theo cách của Ngài là một hơi thở tụng hết ba tạng kinh! Chúng ta hiện nay thở ra hít vào dính kẹt đủ điều, nếu thở ra không dính sáu trần, hít vào không kẹt ấm giới thì tự tại biết bao nhiêu! Như vậy dường như không tu mà thật tu, còn cố gắng tụng hết bộ kinh này sang bộ kinh khác, dường như tận lực tu hành nhưng rốt lại chỉ được phước, chớ thật chưa biết chuyển vô minh phiền não trở thành Bồ-đề; vì tham tụng cho hết bộ để được phước nhiều nên vẫn còn phiền não. Trái lại thở ra hít vào mà không dính kẹt gì cả, đó mới thật là tụng kinh.

Đáp câu hỏi của vị Tăng, ngài Mục Châu không nói hết, không nói không, chỉ bảo: Trên bàn có bao nhiêu bánh bao dọn ra ăn. Trả lời thấy như lạc đề nhưng chính đó là điểm hay, nếu vị Tăng biết, là thấy được bao nhiêu tạng kinh rồi. Thế nên lời niêm:

“Buông tay đến nhà, chẳng nhọc tiến bước.” Ngay đó thấy gì nói nấy, không phải suy gẫm tìm kiếm.

Tụng:

            Một hơi tự khéo tụng tạng kinh,

            Vạch lá tìm cành chẳng nhọc mình.

            Vô biên huyền nghĩa đều hiện rõ,

            Hỏi đến Sơn tăng thảy chẳng minh.

Nghĩa là không nhọc nhằn vạch lá tìm cành, mò từng chữ từng câu, nếu không còn dính mắc thì bao nhiêu huyền nghĩa đều hiện rõ. “Hỏi đến Sơn tăng thảy chẳng minh”, hỏi đến chữ nghĩa đều chẳng hiểu rõ nhưng tất cả đều đầy đủ.

36. Cử: Trong hội Lâm Tế, hai vị Thủ tọa nhà Đông nhà Tây gặp nhau đồng thời hét. Tăng hỏi: Lại có chủ khách hay không? Lâm Tế đáp: Chủ khách rõ ràng.

Niêm:  Cũng là vượn trắng nói lăng xăng.

Tụng: Thánh chúa ngày nay cổ hóa phong,

            Bản đồ văn phạm trọn cùng đồng.    

            Bờ cõi xa gần phân rành rõ,

            An dân tế thế nào kể công.

“Trong hội Lâm Tế, hai vị Thủ tọa nhà Đông nhà Tây gặp nhau đồng thời hét. Tăng hỏi: Lại có chủ khách hay không? Lâm Tế đáp: Chủ khách rõ ràng.” Tông Lâm Tế hay phân chủ khách. Hai người gặp nhau hét một lượt thì ai là chủ, ai là khách?

Niêm: “Cũng là vượn trắng nói lăng xăng.”

Nghe Tổ Lâm Tế đáp chủ khách rõ ràng, nên chúng ta phăng tìm xem ai chủ ai khách. Chủ là người hay, khách là người dở, nhưng hai người hét một lượt thì làm sao phân biệt chủ khách. Nếu chúng ta cứ tìm hiểu việc đó, chẳng khác nào nghe vượn trắng nói mà suy nghĩ.

Tụng:

            Thánh chúa ngày nay cổ hóa phong,

            Bản đồ văn phạm trọn cùng đồng.

Vua Thánh muốn vận động người tổ chức lại phong hóa đẹp đẽ cho quê hương xứ sở thì những điều kiện như bản đồ, văn phạm... đều có trách nhiệm chung. Thánh chúa đây là chỉ ngài Lâm Tế, bản đồ văn phạm là chỉ hai ông Thủ tọa cùng hét, nên trọn cùng đồng.

            Bờ cõi xa gần phân rành rõ,

            An dân tế thế nào kể công.

Trong đó đã nói rõ ràng chỗ lợi ích cho chúng sanh, chỗ giáo hóa chân thật đầy đủ. Các Ngài nói nhưng chúng ta đừng phân biệt tìm hiểu, nên tuy có lợi cho chúng sanh mà không kể công. Như vậy chúng ta đừng kẹt trong lời của Tổ Lâm Tế mà phân biệt đúng hay sai, chủ hay khách.

 

37. Cử: Huyền Sa nói: Nếu luận việc này, ví như người chủ một thửa ruộng, đến trong một phạm vi đã bán cho các ông rồi, chỉ còn cái cây ở trung tâm vẫn thuộc về Lão tăng.

Niêm: Biển cả chẳng nạp tử thi.

Tụng: Dù người liễu ngộ ngời ngời tỏ,

            Muôn lự đầu tâm hết lăng xăng,

            Trong đây còn có tơ hào dấy,

            Vào mắt mạt vàng lại xốn xang.

Huyền Sa là ngài Huyền Sa Sư Bị. Việc này là việc ai cũng sẵn có. Nói về việc này thì giống như thửa ruộng lớn khoảnh nào cũng bán cho các ông hết, mỗi người đều có phần, chỉ còn cây giữa trung tâm là phần của ta. Nói như thế là không có giấu giếm gì cả. Chia phần cho tất cả, ai có phần nấy, nhưng cây ở giữa là phần của Ngài, không ai được động đến là thầm chỉ cái đó ai cũng có phần, chớ không phải dành riêng cho người nào.

Niêm: “Biển cả chẳng nạp tử thi.” Những người chết trên biển sớm muộn gì sóng cũng đùa thây vào mé bờ, ý nói chỗ trong sạch không dung cái nhơ nhớp hay nói cách khác là thể không hình tướng không chấp nhận cái có tướng. Cây ở giữa thuộc về Ngài cũng là có tướng.

Tụng:

            Dù người liễu ngộ ngời ngời tỏ,

            Muôn lự đầu tâm hết lăng xăng,

            Trong đây còn có tơ hào dấy,

            Vào mắt mạt vàng lại xốn xang.

Ngài Trần Thái Tông bình rằng: Dù cho ngài Huyền Sa đã ngộ được rõ ràng, nhưng còn nói có cây hay có chỗ nào cũng là còn dính mắc, giống như mắt đang lành mạnh lại có người đem mạt vàng hay mạt ngọc để vào. Tuy mạt vàng quí nhưng mắt không thể dung được. Cũng thế dù nói những lời hay, ý đúng nhưng còn có nơi, có tướng cũng là còn kẹt.

38. Cử: Tăng hỏi Hòa thượng Tư (Hành Tư) về đại ý Phật pháp. Hòa thượng Tư đáp: Ở Lô Lăng giá gạo bao nhiêu?

Niêm:  Bóng trúc quét thềm trần chẳng dấy,

            Vầng trăng xuyên biển nước không tỳ.

Tụng: Lời này quả thật bậc anh linh,

            Gồm hết căn cơ tiếp hữu tình.

            Một hỏi, Lô Lăng gạo giá mấy,

            Hoàn toàn trọn chẳng dính đồ trình.

Tăng hỏi Hòa thượng Tư “đại ý Phật pháp”.

Hòa thượng Tư tức ngài Hành Tư. Câu này ngài Lâm Tế cũng hỏi ngài Hoàng Bá. Vị Tăng này hỏi cũng tương tợ như vậy. Hòa thượng Tư hiền lành nên đáp: Ở Lô Lăng giá gạo bao nhiêu? Nếu nay có người hỏi tôi: thế nào là đại ý Phật pháp, tôi hỏi: ngoài Đà Lạt giá gạo bao nhiêu một ký, quí vị nghe có lạc đề không? Đó là hiền lành chớ còn bạo như ngài Hoàng Bá thì liền đập cho một gậy. Chính ngài Lâm Tế bị ba gậy cũng do câu hỏi này. Câu đáp hiền lành nhưng không còn chỗ để suy gẫm.

Niêm:

            Bóng trúc quét thềm trần chẳng dấy,

            Vầng trăng xuyên biển nước không tỳ.

Câu niêm thật hay. Chúng ta thấy vào xế trưa, những bụi trúc gần chùa rọi bóng trên thềm, gió thổi cành trúc, bóng trúc đong đưa qua lại như quét thềm chùa mà không dấy bụi. Vào đêm rằm chúng ta thấy có vầng trăng dưới đáy biển, nhưng mặt nước không có tỳ vết của vầng trăng xuyên qua vì đó chỉ là bóng mặt trăng. Như vậy bóng trúc hay bóng trăng hiện sờ sờ nhưng không có tác dụng gì thật. Cũng thế câu “ở Lô Lăng giá gạo bao nhiêu” tuy có câu nói mà không một chút dính mắc, chẳng khác nào bóng trúc bóng trăng.

Tụng:

            Lời này quả thật bậc anh linh,

            Gồm hết căn cơ tiếp hữu tình.          

            Một hỏi Lô Lăng gạo giá mấy,

            Hoàn toàn trọn chẳng dính đồ trình.

Câu trả lời của ngài Hành Tư gồm tất cả căn cơ và tỏ rằng Ngài là bậc anh linh. Đáp lại vị Tăng bằng câu hỏi “Lô Lăng giá gạo bao nhiêu” thật không một dấu vết, không một chỗ dính mắc, như trăng đáy biển, như trúc quét thềm, tuy thấy mà không dính dáng. Đó là lời tán thán.

39. Cử: Tăng hỏi Thiền sư Văn-thù: Muôn pháp về một, một về chỗ nào? Văn-thù đáp: Sông Hoàng Hà chín khúc.

Niêm: Nhân khi có trăng đẹp, bất thần qua Thương Châu.

Tụng: Hoàng Hà chín khúc vì nêu ra,

            Chẳng dính đồ trình tự đến nhà.

            Nhiều kẻ ban ngày mở mắt ngóng,

            Đâu hay chim trĩ đến Tân La.

Ở Trung Hoa có hai vị Thiền sư nổi tiếng đều ở chùa Văn-thù là ngài Tuyên Năng phái Hoàng Long và ngài Tâm Đạo phái Dương Kỳ, nên không biết chỉ vị nào.

“Muôn pháp về một, một về chỗ nào”, ý nói muôn pháp từ tâm khởi, vậy tâm về đâu. Câu này trước đã có ngài Thạch Sương hỏi ngài Qui Sơn, ngài Qui Sơn bảo: Trong gạo có sâu. Ngài Văn-thù là một Thiền sư đạt đạo nên khi vị Tăng hỏi câu trên Ngài đáp: Sông Hoàng Hà chín khúc. Sông Hoàng Hà là một con sông lớn thứ hai ở Trung Hoa, gần Bắc Kinh, dài hơn tám ngàn dặm, mỗi ngàn dặm có một khúc quanh nên gọi là sông Hoàng Hà chín khúc. Thí dụ như có ai hỏi tôi: muôn pháp về một, một về chỗ nào, tôi đáp: sông Cửu Long chín cửa, câu trả lời như thế có thú vị không? Câu nói đó để cho người nghe bặt hết những nghĩ suy. Nếu nói cho người suy nghĩ thì gạo có sâu.

Niêm: “Nhân khi có trăng đẹp, bất thần qua Thương Châu”, nghĩa là nhân đêm trăng sáng trời đẹp đi chơi một lúc lạc đến Thương Châu. Hỏi và đáp nghe như có câu hỏi, lời đáp nhưng chẳng qua là trò chơi, không có ý nghĩa để chúng ta phải tìm hiểu.

Tụng:

            Hoàng Hà chín khúc vì nêu ra,

            Chẳng dính đồ trình tự đến nhà.

            Nhiều kẻ ban ngày mở mắt ngóng,

            Đâu hay chim trĩ đến Tân La.

Nói sông Hoàng Hà chín khúc, nếu ngay đó nhận ra thì không cần đi trên đường dài mà tự đến nhà. Trái lại nếu không nhận được, cứ tìm hiểu tại sao hỏi “một về chỗ nào” lại đáp “sông Hoàng Hà chín khúc”, suy gẫm mãi điều đó thì chẳng khác nào kẻ ban ngày ngóng nhìn chim bay trong khi chim trĩ bay đến Tân La vẫn không hay. Thật là vô ích!

40. Cử: Nam Tuyền hỏi Triệu Châu: Ngươi là Sa-di có chủ hay Sa-di không chủ? Triệu Châu đáp: Có chủ. Nam Tuyền hỏi: Thế nào là chủ? Triệu Châu khoanh tay thưa: Hôm nay kính chúc Hòa thượng luôn được muôn phước.

Niêm: Co tay chuyển chùy chẳng đổi gươm,

            Người khéo sử dụng đều được tiện.

Tụng:   Khoanh tay Tùng Thẩm chỉ cho người,

            Chẳng kẹt hai bên chủ tự phân.

            Đâu phải Hoa Lam Hàn lệnh thuật,

            Nào hay khéo nấu rượu Tuân tuần.

Ngài Nam Tuyền đang ngồi trên giường thiền, thấy ngài Triệu Châu đến, lúc đó ngài Triệu Châu còn là một Sa-di khoảng mười mấy tuổi, liền hỏi: Ông là Sa-di có chủ hay Sa-di không chủ? Nay nếu hỏi quí vị như vậy thì quí vị cũng đáp “có chủ”. Nhưng khi hỏi chủ ở đâu thì rất khó diễn đạt. Ngài Triệu Châu liền khoanh tay thưa: “Hôm nay kính chúc Hòa thượng luôn được muôn phước.” Có lạc đề không? Có chủ hay không chủ? Nếu không chủ ai biết nói? Không nói gì đến chủ, chỉ khoanh tay thưa một câu tầm thường mà diễn tả được Sa-di có chủ, nên ngài Nam Tuyền chấp nhận.

Niêm:

            Co tay chuyển chùy chẳng đổi gươm,

            Người khéo sử dụng đều được tiện.

Co tay là khoanh tay, chuyển chùy chẳng đổi gươm là cái gì có sẵn liền sử dụng, không phải đợi có gươm bén mới sử dụng được. Nghĩa là đối với người đang khai chiến, chúng ta có gì thì dùng liền cái ấy không cần phải tìm kiếm gì khác. Nếu người khéo dùng thì ngay đó đều được tiện.

Tụng:

            Khoanh tay Tùng Thẩm chỉ cho người,

            Chẳng kẹt hai bên chủ tự phân.

            Đâu phải Hoa Lam Hàn lệnh thuật,

            Nào hay khéo nấu rượu Tuân tuần.

Ngài Tùng Thẩm chỉ khoanh tay mà đã chỉ được ông chủ nhân cho người, lại không kẹt hai bên.

            Tuân tuần tức là không lâu, chỉ trong giây phút thôi.

            Hàn là Hàn Tương Vũ. Hoa Lam là xứ Hoa Lam.

            Lệnh thuật tức là có thuật khéo nấu rượu.

“Đâu phải Hoa Lam Hàn lệnh thuật, nào hay khéo nấu rượu Tuân tuần.” Nếu không phải là Hàn Tương Vũ ở Hoa Lam thì đâu có thuật khéo chỉ trong mấy phút mà nấu được một nồi rượu. Đó là để tán thán nếu không phải ngài Triệu Châu có tài thì đâu thể ngay câu hỏi đáp lại một cách khéo léo như vậy.

41. Cử: Tăng hỏi Mộc Am: Thế nào là việc của Nạp y (tăng sĩ)? Mộc Am đáp: Dùi châm chẳng vào.

Niêm: Ngồi yên dứt mảy trần, hư không chẳng lối thông.

Tụng:  Cầm thì mịn mượt, ấn thì mềm,

            Trán sắt đầu đồng đụng chẳng xuyên.

            Vốn thật hư không, không gián cách,

            Đêm về như cũ hoa quế thu.

Nạp y là Tăng sĩ. Tăng hỏi Mộc Am: Việc của các Tăng sĩ như thế nào? Ngài Mộc Am đáp: Dùi châm chẳng vào.

Niêm: “Ngồi yên dứt mảy trần, hư không chẳng lối thông.” Ngài Trần Thái Tông khen ngài Mộc Am nói câu đó là ngồi yên mà dứt sạch không còn dính một mảy trần, như hư không không còn lối nào cho người đi.

Tụng:

            Cầm thì mịn mượt, ấn thì mềm,

            Trán sắt đầu đồng đụng chẳng xuyên.

            Vốn thật hư không, không gián cách,

            Đêm về như cũ hoa quế thu.

Việc của chư Tăng, chư Ni, hay việc của Thiền sư như thế nào? Tại sao dùi châm chẳng vào? Vì nó không phải là diện mạo có hình có tướng, làm sao dùi châm được. Chỗ đó cầm thì mịn mượt nhẹ nhàng, ấn thì mềm không khó khăn, nhưng trán sắt đầu đồng đụng chẳng xuyên, không ai chui vào được. Mỗi người tự giữ, không ai chen vào của ai được, đó là điểm kỳ đặc. Hư không không có chỗ hở nên dùi châm chẳng được. Mùa thu đêm về nghe hoa quế thơm, tức là cái đó hiện thực ở thế gian.

42. Cử: Bàng cư sĩ nói: Đây là trường thi Phật, tâm không được đậu về.

Niêm: Tháp nhạn đề tên, không dung giấy trắng.

Tụng:  Áo may trăm mảnh giày cỏ xuyên,

            Thi Phật trong trường đã có tên.

            Nếu bảo tâm không lại ứng cử,

            Chẳng ăn roi vọt cũng ăn thoi.

Câu “đây là trường thi Phật, tâm không được đậu về” là trong bài thơ của ông Bàng Long Uẩn, nghĩa là ai tâm không còn dính mắc thì được đậu.

Niêm: “Tháp nhạn đề tên, không dung giấy trắng.” Ở Trung Hoa vào đời Đường, những người thi đậu Tiến sĩ được ghi tên vào bia ở dưới tháp nhạn tại chùa Từ Ân huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây.

Tên được đề trên tháp nhạn, đó là khắc trong đá chớ không dùng giấy trắng, ý muốn nói “đây là trường thi Phật, tâm không được đậu về” là chỗ chưa ổn.

Tụng:

            Áo may trăm mảnh giày cỏ xuyên,

            Thi Phật trong trường đã có tên.

            Nếu bảo tâm không lại ứng cử,

            Chẳng ăn roi vọt cũng ăn thoi.

Nếu nói tâm không là đậu Phật thì không bị roi đòn cũng ăn thoi đấm. Tại sao? Vì tâm không còn cách một lớp rào: “Vô tâm du cách nhất trùng quan.” Nếu bảo đến đó là xong thì không được vì tâm không là không những niệm khởi lăng xăng, nhưng chỗ đó chưa phải là cứu kính. Khi biết không có niệm lăng xăng, nhưng cái chân thật vẫn hiện tiền thì được, còn chỉ biết cái không mà quên cái hiện tiền thì “không ăn roi vọt cũng ăn thoi”.

43. Cử: Từ Minh hỏi Chân Điểm Hung về đại ý Phật pháp. Chân đáp: Không mây sanh đỉnh núi, có trăng rơi lòng sông. Minh hét, nói: Đầu bạc răng vàng vẫn khởi kiến giải này. Chân rơi lệ, giây lâu nói: Không biết thế nào là đại ý Phật pháp? Minh đáp: Không mây sanh đỉnh núi, có trăng rơi lòng sông. Chân đại ngộ.

Niêm:  Người nhân thấy thì gọi là nhân, người trí thấy thì gọi là trí.

Tụng: Kia đây đồng khảy một cung đàn,

            Cần phải trao cho bạn tri âm.

            Không mây, trăng có tuy đồng đấy,  

            Nào khác núi cao cùng nước sâu.

            Dốt: Trọn ngày theo hồng trần,

            Chẳng biết báu nhà mình.

            Ôi: Buông tay không tựa toàn thể hiện,

            Lão chài thuyền nhỏ đậu hoa lau.

Quí vị thấy lạ không? Khi hỏi thế nào là đại ý Phật pháp thì đáp được một câu rất hay: Không mây sanh đỉnh núi, có trăng rơi lòng sông. Không mà lại sanh, có lại rơi, đó là muốn nói đại ý Phật pháp không dính mắc hai bên có không. Ngài Từ Minh là một tay cừ khôi, chưa vội chấp nhận nên hét nói: Đầu bạc răng vàng vẫn khởi kiến giải này. Nếu là người thật ngộ thì khi bị nói như thế phải có một thái độ, một hành động gì để tỏ rằng câu nói của mình là không sai, nhưng ngài Chân Điểm Hung lại rơi lệ rồi hỏi: Không biết thế nào là đại ý Phật pháp? Thế là nghe người ta nói mình bắt chước nói theo chớ chưa thấy được. Vì vậy ngài Từ Minh liền lập lại: Không mây sanh đỉnh núi, có trăng rơi lòng sông. Chân đại ngộ, tức là được xác nhận nên tin chắc không còn nghi ngờ nữa. Như vậy người xưa có tài biết ai chưa đủ lòng tin thì thử, dù câu nói đúng mà vẫn bẻ lại, khi bị bẻ nếu mình hoảng hốt thì thấy là sai.

Niêm: “Người nhân thấy thì gọi là nhân, người trí thấy thì gọi là trí.”

Cùng một câu mà người chưa ngộ nói vẫn là chưa ngộ, người ngộ nói vẫn là ngộ rồi.

Tụng:  

            Kia đây đồng khảy một cung đàn,

            Cần phải trao cho bạn tri âm.

            Không mây, trăng có tuy đồng đấy,

            Nào khác núi cao cùng nước sâu.

Ngài Từ Minh và Chân Điểm Hung giống như cùng khảy một cung đàn, nhưng âm ba khác nhau vì người có học đàn với người chưa học. Người hiểu và cảm thông được với mình mới đúng cùng một cung đàn nhịp nhàng với nhau. Cả hai người cùng nói một câu nhưng “nào khác núi cao cùng nước sâu”, người trên trời, người dưới vực, khác nhau chỗ ngộ và chưa ngộ.

            Dốt: Trọn ngày theo hồng trần,

            Chẳng biết báu nhà mình.

            Ôi: Buông tay không tựa toàn thể hiện,

            Lão chài thuyền nhỏ đậu hoa lau.

Kết thúc là nếu đi trong cuộc đời, buông thõng tay không dính vào sự vật thì toàn thể hiện tiền, rồi sẽ yên ổn giống như lão chài mệt mỏi đậu thuyền cạnh bờ hoa lau ngủ ngon, lòng không bận bịu.

 

Tóm lại, từ những lời dạy đơn giản gần gũi với Phật tử đến những lời dạy đủ tư cách một Thiền sư của vua Trần Thái Tông cho chúng ta thấy người xưa nói đến nơi, làm đến chốn, không phải như chúng ta chỉ học lóm, nói được làm không được. Tuy sống trong cảnh nhung lụa sang trọng nhưng Ngài không nhiễm không dính, nên người sau thường kết luận các vua đời Trần xem ngai vàng như dép rách, muốn từ bỏ lúc nào cũng được. Đó là điểm đặc biệt của người thật thấy đạo. Trái lại chúng ta hiện nay có chùa khang trang một chút, chùa là của bá tánh mà bỏ cũng không đành. Những lời giảng nói của ngài Trần Thái Tông có giá trị ở chỗ Ngài thấy được và làm được. Khi trở về già, Ngài về động Thái Vi ở gần vùng Hoa Lư, mở mang cho dân làm ruộng lập ấp, đồng thời Ngài tu tại đó, nhưng sử không ghi Ngài xuất gia hay còn tại gia. Những bài nói về ngũ giới, sám hối lục căn là Ngài viết lúc ở tại triều, còn những bài tụng cổ v.v... có lẽ Ngài viết lúc về già. Ở nơi yên tĩnh tu hành, Ngài thâm nhập được nên có cái nhìn sâu sắc, đúng tinh thần của một Thiền sư. Tuy là một vị vua đa đoan trăm công ngàn việc, trong thời đất nước bị ngoại xâm, mà Ngài vẫn tu được, vẫn thấy đạo. Chúng ta phải quí trọng và noi gương Ngài để tự nhắc nhở. Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh rảnh rang, dễ dàng trăm phần, nhận lãnh vài việc nhỏ trong chùa mà than bận quá tu không được. Đó là lỗi tại ai? Đừng trách cảnh mà chỉ buồn vì mình không khéo. Đổ cho hoàn cảnh thì tìm khắp quả đất cũng không có cảnh nào như ý, chỉ chúng ta biết ứng dụng ngay trong cảnh đó, thâm nhập được đạo lý thì nơi nào cũng tu được. Đó là lời nhắc chung cho toàn chúng.

 

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (17): NGỮ LỤC VẤN ĐÁP

> KHÓA HƯ LỤC - (16): NÓI RỘNG MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG

> KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (15): TỰA - KINH KIM CANG TAM MUỘI [2]

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (14): TỰA - BÌNH ĐẲNG SÁM HỐI

> KHÓA HƯ LỤC - (13.7-2): KHÓA LỄ SÁU THỜI SÁM HỐI - SÁM HỐI TỘI CĂN Ý