Astrology.vn - Theo lẽ thường, thiên hạ đều tôn trọng ba điều: tước vị, tuổi tác, đức độ. Một ông vua muốn xây dựng sự nghiệp lớn phải có được người bề tôi đủ tài đức mà chính vua phải tôn trọng như bậc thầy, chẳng dám vời gọi. Muốn hỏi han, mưu tính điều gì, vua phải thân hành đến tận nhà bậc thầy ấy mà hỏi. Như thế mới đúng là biết kính trọng bậc hiền sĩ. Ông vua nào tôn trọng đức hạnh, hiểu đạo lý, ắt phải thực hiện như vậy; nếu không, ông vua ấy không thể làm nên nghiệp vương.
2
Mạnh Tử sắp vào chầu vua. Vua sai người đến nói: “Quả nhân định đến thăm ngài. Nhưng bị bệnh cảm lạnh, không thể gặp gió. Sáng mai sẽ ở triều đình. Chẳng biết quả nhân có thể được gặp ngài chăng?”
Đáp rằng: “Chẳng may tôi có bệnh, không thể vào triều được.”
Hôm sau, ông đi viếng tang ở họ Đông Quách. Công Tôn Sửu nói: “Hôm qua, khước từ vì bệnh. Hôm nay đi viếng tang. E rằng chẳng phải chăng?”
Đáp: “Hôm qua mắc bệnh; hôm nay khỏi. Làm sao mà chẳng đi viếng tang?”
Vua sai người đến thăm bệnh, thầy thuốc cũng đến. Mạnh Trọng Tử (em họ của Mạnh Tử) đáp rằng: “Hôm qua, có lệnh vua; thầy mắc bệnh, không thể vào triều. Nay, bệnh đã thuyên giảm, thầy rảo bước vào triều. Tôi không biết đã tới hay chưa.” Bèn sai mấy người đón ở trên đường, nói: “Xin thầy đừng về nhà, mà hãy vào triều.”
Chẳng đặng đừng, Mạnh Tử phải ngủ đêm ở họ Cảnh Sửu. Cảnh Tử nói: “Bên trong, thì có cha con, bên ngoài, thì có vua tôi; đó là mối luân lý lớn của con người. Cha con chủ về ơn; vua tôi chủ về kính. Sửu tôi thấy vua kính thầy mà chưa hề thấy thầy kính vua.”
Mạnh Tử nói: “Ôi! Sao lại nói thế? Người nước Tề không đem nhân nghĩa nói với vua. Há cho rằng nhân nghĩa chẳng tốt đẹp sao? Trong lòng họ nói: ‘Sao lại nói được nhân nghĩa cho đủ mà nói?’
“Thế thì chẳng có sự bất kính nào lớn hơn. Tôi, chẳng phải đường lối của vua Nghiêu, vua Thuấn thì không dám trình bày trước mặt vua. Cho nên người nước Tề chẳng có ai kính vua bằng tôi vậy.”
Cảnh Tử nói: “Không phải, chẳng phải nói điều đó. Kinh Lễ nói rằng: ‘Cha vời, không dạ suông; lệnh vua vời, không đợi đóng xe.’ Đã sắp vào triều, nghe được lệnh vua mà lại lần lữa không quả quyết (ra đi). Về sự xứng hợp với lễ, dường như tự nhiên không hợp.”
Mạnh Tử nói: “Há nói thế ư? Tăng Tử nói rằng: ‘Nước Tấn, nước Sở giàu có, chẳng thể theo kịp. Họ nương vào giàu có, ta nương vào đức nhân của ta; họ nương vào tước vị, ta nương vào đức nghĩa của ta. Ta nào có ân hận gì?’ Này, há lời ấy là điều bất nghĩa, mà Tăng Tử lại nói sao? E rằng (lời ấy cùng với lời ta) là một đạo lý vậy.
“Thiên hạ đều tôn trọng ba điều: tước vị là một, tuổi tác là một, đức độ là một. Ở triều đình không gì bằng tước vị; ở làng xóm không gì bằng tuổi tác; giúp vua, chăn dân không gì bằng đức độ. Ô, người được một điều, lại khinh thường người được hai điều sao?
“Cho nên, ông vua sắp làm nên sự nghiệp lớn, ắt phải có người bề tôi mà tự mình chẳng dám vời. Muốn có mưu tính gì, thì tìm đến người ấy. Ông vua tôn trọng đức hạnh, vui với đạo lý mà không làm như thế, thì không có sự cộng tác đủ để làm nên sự nghiệp. Cho nên vua Thang đối với Y Doãn, đã học ông, rồi sau mới mời ông làm bề tôi. Vì thế, chẳng lao nhọc mà nên vương. Hoàn Công đối với Quản Trọng, đã học ông, rồi sau mới mời ông làm bề tôi. Vì thế, chẳng lao nhọc mà nên Bá.
“Nay thiên hạ, đất đai bằng nhau, đức độ ngang nhau. Chẳng ai có khả năng vượt trội hơn; không có gì khác là chỉ ưa thích người bề tôi nghe giáo lệnh của mình mà không ưa thích người bề tôi mình phải thụ giáo. Vua Thang đối với Y Doãn, Hoàn Công đối với Quản Trọng thì không dám vời. Quản Trọng còn không thể vời, huống chi người không buồn làm như Quản Trọng ư?”
Bình lược: Theo lẽ thường, thiên hạ đều tôn trọng ba điều: tước vị, tuổi tác, đức độ. Vua có tước vị ở triều đình chỉ là được một điều tôn trọng. Trong khi đó, Mạnh Tử vừa có tuổi tác, vừa có đức độ; tức là Mạnh Tử được tới hai điều tôn trọng. Chẳng lẽ người được một điều tôn trọng là tước vị vua lại đi khinh thường người được hai điều tôn trọng là tuổi tác và đức độ như Mạnh Tử hay sao? Một ông vua muốn xây dựng sự nghiệp lớn phải có được người bề tôi đủ tài đức mà chính vua phải tôn trọng như bậc thầy, chẳng dám vời gọi. Muốn hỏi han, mưu tính điều gì, vua phải thân hành đến tận nhà bậc thầy ấy mà hỏi. Như thế mới đúng là biết kính trọng bậc hiền sĩ. Ông vua nào tôn trọng đức hạnh, hiểu đạo lý, ắt phải thực hiện như vậy; nếu không, ông vua ấy không thể làm nên nghiệp vương.
Vào thời Chiến Quốc lúc ấy, các vua chư hầu đều có đất đai tương đối bằng nhau, thế lực tương tự nhau, đức độ cũng sàn sàn ngang nhau; chẳng ai có tài đức vượt trội hơn. Nhưng sở dĩ không có ông vua nào xây dựng nghiệp vương được, bởi vì họ chỉ ưa thích những bề tôi hoàn toàn nghe lời họ, làm theo ý muốn của họ; chẳng có ông vua nào ưa thích được thụ giáo ai; không ưa thích bề tôi có khả năng làm thầy dạy mình. Do đó, chẳng có ông vua nào nên nghiệp vương, đem thái bình an lạc cho thiên hạ được.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu