Chỉ mục bài viết

 

Giảng

Niêm tụng kệ do ngài Trần Thái Tông biên soạn gồm bốn mươi ba bài, mỗi bài chia làm ba phần: Cử, Niêm và Tụng. Cử là đề ra hay nêu lên một câu chuyện hoặc một câu trong kinh để giải thích. Niêm là rút gọn hay tóm tắt để nói rõ ý nghĩa của vấn đề. Tụng là giải bày thành một bài kệ bốn câu.

1. Cử: Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng Vương cung, chưa ra thai mẹ độ người đã xong.

Niêm: Gươm báu chưa vung, tướng quân đã lộ.

Tụng:  Không có hình hài, chửa rời quê,

            Sớm tối đưa người qua bến mê.

            Cất bước ngao du không xen cách,

            Chẳng cần thuyền gỗ với phao bè.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng Vương cung, chưa ra thai mẹ độ người đã xong.” 

Ngài Trần Thái Tông toát yếu gọn lại: “Gươm báu chưa vung, tướng quân đã lộ.” Nghĩa là người tướng quân chưa hươi gươm chém giặc, mà hình thức tướng quân đã lộ, vì mang giáp đeo kiếm nên biết là tướng quân. Cũng vậy, tuy đức Phật chưa rời trời Đâu-suất đã giáng sanh trong Vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ đã hiển bày thể bất sanh bất diệt.  

            Không có hình hài chửa rời quê,

            Sớm tối đưa người qua bến mê.

Tuy chỉ là pháp thân, chưa có báo thân hay hóa thân, tức là chưa ra đời mà đã độ chúng sanh rồi.         

            Cất bước ngao du không xen cách,

            Chẳng cần thuyền gỗ với phao bè.

Pháp thân trùm khắp không vắng mặt nơi nào, nên không phải chờ có hình thức phao bè mới độ được người. Chính trong thể bất sanh bất diệt là thể độ chúng sanh ra khỏi bến mê.

2. Cử: Thế Tôn mới sanh ra một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói: Trên trời dưới đất chỉ ta tôn quí.

Niêm: Một áng mây trắng che cửa động,

            Đàn chim về tổ thảy quên đường.

Tụng: Đạt-đa mới giáng Tịnh Vương cung,

            Muốn hóa quần sanh tự hiển tung.

            Bảy bước đi quanh chỉ trời đất,

            Bao người con Phật mất gia phong.

Đức Phật vừa ra đời, tay chỉ trời tay chỉ đất nói: Trên trời dưới đất chỉ ta là hơn hết. Nghe hai câu này có nhiều người nghĩ ngã của Ngài to quá.

 Nhớ lại khi xưa tôi đi giảng, có một Phật tử hỏi: Thưa Thầy, thường mỗi bài kệ trong kinh có bốn câu, vì sao ở đây đức Phật chỉ nói hai câu:

            Thiên thượng thiên hạ,

            Duy ngã độc tôn.

Còn hai câu nữa ở đâu? Tôi về tra lại trong kinh A-hàm, mới biết còn hai câu nữa là:

            Nhất thiết thế gian,

            Sanh lão bệnh tử.

Như vậy bài kệ có tất cả bốn câu:

            Thiên thượng thiên hạ,

            Duy ngã độc tôn.

            Nhất thiết thế gian,

            Sanh lão bệnh tử.

Dịch:

            Trên trời duới trời,     

            Chỉ ta hơn hết.

            Tất cả thế gian,

            Sanh già bệnh chết.

“Chỉ ta hơn hết” là hơn chỗ ta là người đã qua khỏi sanh già bệnh chết, còn thế gian vẫn mắc kẹt trong bốn cảnh này. Bên Đại thừa thường dùng hai câu trước bỏ hai câu sau, tại sao? Vì không muốn nói qua khỏi sanh già bệnh chết là hơn hết, tức là không nói người giải thoát sanh tử là hơn hết. Đại thừa nói “Ta là hơn hết”, vì Ta là pháp thân, chớ không phải Ta là thân phàm tục do báo, hóa hiện ra, vì vậy nói Ta hơn hết là đủ rồi, không nói thêm hai câu sau nữa.

Trong kinh Kim Cang có bài kệ bốn câu thường được nhắc đến là:

            Nhược dĩ sắc kiến ngã,

            Dĩ âm thanh cầu ngã,

            Thị nhân hành tà đạo,

            Bất năng kiến Như Lai.

Dịch:

            Nếu dùng sắc thấy Ta,

            Dùng âm thanh cầu Ta,

            Người ấy hành đạo tà,

            Không thể thấy được Phật.

Chữ Ta trong bài kệ không có sắc tướng, không có âm thanh, đó là pháp thân. Pháp thân bất sanh bất diệt là hơn hết, không phải chỉ đức Phật mới có, mà ai ai cũng có, nên nói Ta hơn hết là đủ, không nói thêm nữa.

            Một áng mây trắng che cửa động,

            Đàn chim về tổ thảy quên đường.

Đây là thấy hình thức mà không thấy chỗ về. Hình thức là tay chỉ trời tay chỉ đất nói: Ta là hơn hết. Ai cũng nghĩ Ta là thân này, cho nên không thể nào thâm nhập được lời Phật nói. Ngài Trần Thái Tông dùng hai câu niêm để giải thích: Vì đám mây trắng che cửa động, nên đàn chim quên đường về tổ. Nghĩa là vì lầm chấp thân tứ đại là Ta nên không ai trở về được với pháp thân bất sanh bất diệt.

            Đạt-đa mới giáng Tịnh Vương cung,

            Muốn hóa quần sanh tự hiển tung.

            Bảy bước đi quanh chỉ trời đất,

            Bao người con Phật mất gia phong.

Ngài Tất-đạt-đa vừa giáng sanh ở cung vua Tịnh Phạn, vì muốn giáo hóa quần sanh nên Ngài hiển bày tung tích của mình, là phải đạt được pháp thân. Chúng ta cứ nghĩ Ta là thân này cho nên không ai thấy được chỗ Phật chỉ. Đức Phật đi bảy bước tay chỉ trời, tay chỉ đất nói: Ta là hơn hết, chủ yếu là chỉ thể bất sanh bất diệt nơi mọi người. Vì lầm nhận thân tứ đại là mình nên không ai thấy được pháp thân. Thế nên bao người con Phật quên mất gia phong nhà mình.

3. Cử: Thế Tôn đưa cành hoa, Ca-diếp mặt rạng rỡ mỉm cười.

Niêm: Vén đứng lông mày để mắt xem,

            Tiến lên suy nghĩ cách ngàn non.

Tụng: Thế Tôn nắm dựng một cành hoa,

            Ca-diếp sáng nay được đến nhà.

            Nếu bảo đây là truyền pháp yếu,         

            Về Nam xe Bắc lối càng xa.

Đức Phật nêu lên cành hoa, đưa mắt nhìn đại chúng, ai cũng im lặng, chỉ có ngài Ca-diếp mỉm cười.

“Vén đứng lông mày để mắt xem” là chỉ các bậc lão niên lông mày rủ xuống, phải vén lên nhìn, nếu mỉm cười là đúng. “Tiến lên suy nghĩ cách ngàn non”, vừa khởi niệm suy nghĩ là cách xa ngàn dặm, không bao giờ thấy được.

            Thế Tôn nắm dựng một cành hoa,

            Ca-diếp sáng nay được đến nhà.

Đức Thế Tôn đưa cành hoa nhìn đại chúng, ngài Ca-diếp mỉm cười. Ngay đó đức Phật liền truyền pháp ấn cho Ngài: “Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết-bàn Diệu Tâm..., nay trao cho Ma-ha Ca-diếp.” Phật nói trao Chánh pháp Nhãn tạng mà Ngài có trao cái gì không? Thế nên nói:

            Nếu bảo đây là truyền pháp yếu,

            Về Nam xe Bắc lối càng xa.

Muốn về Nam mà xe hướng đầu đi qua phương Bắc thì càng đi càng xa. Vậy có truyền pháp ấn hay không? Không có mà có. Nếu nghĩ pháp ấn là cái gì từ tay trao cho là không bao giờ hiểu được. Chẳng qua vị thầy muốn chỉ cái đó cho thấy, người đệ tử nhận thấy, sáng lên, biết được ý thầy, vị thầy liền ấn chứng. Vì thế đức Phật đưa cành hoa lên, chư Tổ trong nhà Thiền dựng đứng phất tử, Tổ Bá Trượng chỉ đốm lửa, yếu chỉ đâu có khác. Đó là những điểm đặc biệt trong nhà Thiền.

4. Cử: Ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời.

Niêm: Trừ người quả thật con ta đó,

            Ai kẻ bạo chân vào đường này.

Tụng: Lao quan khó buộc có ai tri,

            Ngôn ngữ đều quên không chỗ y.

            Chẳng phải trong đời con ngựa giỏi,

            Do đâu bất chợt được tiện nghi.

Có một ngoại đạo đến hỏi Phật: Tôi chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời. Đức Phật ngồi lặng thinh. Ngoại đạo tán thán: Thế Tôn vì con mà chỉ chỗ cứu kính. Vậy Phật có nói câu nào không?

            Trừ người quả thật con ta đó,

            Ai kẻ bạo chân vào đường này.

Người nào là con thật của ta mới dám đi đường này, ngoài ra không ai dám cất bước vào.

            Lao quan khó buộc có ai tri,

            Ngôn ngữ đều quên không chỗ y.

Khi đến chỗ cuối cùng, không bị trói buộc, đâu có ai biết được. Tôi xin nhắc lại câu chuyện trong kinh: Có một ngoại đạo đến hỏi Phật: Thưa Thế Tôn, con không hỏi có lời, không hỏi không lời, Thế Tôn dạy cho. Đức Phật ngồi lặng thinh giây lâu. Ngoại đạo nói: Thế Tôn thật là đại từ đại bi, đã chỉ cho con chỗ cứu kính. Khi ngoại đạo đi rồi, Ngài A-nan đứng hầu một bên, ngạc nhiên hỏi Phật: Bạch Thế Tôn, ngoại đạo hiểu gì mà nói câu đó. Phật bảo: Con ngựa hay thấy bóng roi liền chạy. Vì thế trong bài tụng có hai câu:

            Chẳng phải trong đời con ngựa giỏi,

            Do đâu bất chợt được tiện nghi.

Bất chợt là dịch chữ Hán “đặc địa”. Con ngựa hay là nhắc lại câu chuyện trong kinh. Tất cả ngôn ngữ nói ra không phải là cứu kính, tại sao? Vì ngôn ngữ lập trên phương diện đối đãi, chớ không phải tuyệt đối. Như nói trắng là đối với đen, nói tốt là đối với xấu, nói phải là đối với quấy, không có câu nói nào ngoài đối đãi. Thường đến chỗ vượt đối đãi chư Tổ chỉ hét hoặc hư một tiếng mà không nói lời nào. Còn chúng ta cả ngày nói ồn ào, cố gắng nói đến chỗ cứu kính, mà càng nói càng xa. Dù có nói gì cũng ở trong đối đãi phải quấy, hơn thua, còn đối đãi là không phải chân lý. Thế nên chân lý không có ngôn ngữ, ngôn ngữ không có chân lý. Nhưng muốn cho người hiểu chúng ta phải nói, lại còn viết sách nữa, đó đều là mượn những đối đãi để tạm hiểu thôi. Thật ra chỗ cứu kính không có ngôn ngữ, vì ngôn ngữ có hai lỗi: Một là lập trên đối đãi không phải tuyệt đối. Hai là lời nói do khởi nghĩ mới có nên động, còn chân lý là không động, vì thế lời nói không đến được chân lý. Do hai lỗi này nên mất đi cái chân thật. Việc này chỉ có con cháu trong nhà mới biết được.

5. Cử: Thế Tôn lên pháp tòa, Văn-thù bạch chúng rằng:

Quán kỹ pháp Pháp vương, pháp Pháp vương như thế.

Niêm: Khảy khúc Dương Xuân đàn không dây.

            Muôn năm ngàn thuở tiếng nào dứt.

Tụng: Tuy nói câu câu chẳng vết tỳ,

            Giấu sừng đuôi vẫn hiện như ri.

            Nào giống một cành sáo không lỗ,

            Vì anh thổi khúc Thái bình thi.

Thế Tôn lên pháp tòa, Văn-thù bạch chúng rằng: Quán kỹ pháp Pháp vương, pháp Pháp vương như thế. Đây là bạch chùy, tức là đánh kiểng rồi trình bạch với chúng: Quán kỹ pháp của Pháp vương, pháp của Pháp vương như thế. Nói như vậy mới đủ.

            Khảy khúc Dương Xuân đàn không dây,     

            Muôn năm ngàn thuở tiếng nào dứt.

Khảy bản nhạc Dương Xuân với cây đàn không dây, tiếng đàn còn mãi không bao giờ dứt bặt. Nếu tiếng do động mà ra, tức nhiên có sanh phải có diệt. Còn tiếng không động mà có, tiếng đó không bao giờ diệt, nên muôn năm ngàn thuở không bao giờ dứt.

Pháp của Pháp vương như thế, chúng ta hiểu chữ “như thế” ra sao? Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật giảng về “Thập Như Thị”: như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo v.v... tất cả là mười pháp như thế. Pháp của Pháp vương như thế tức là pháp của Phật là như thế, đây là chỉ tướng chân thật của các pháp.

Trong nhà Phật chữ “như thế” có nghĩa rất đặc biệt. Tỉ dụ đây là cái tách. Có người hỏi: Cái tách ra làm sao? Đáp: Cái tách là cái tách, nó như thế. Đáp vậy là đúng như thị. Nếu nói cái tách này xấu là có so sánh với cái tách khác đẹp hơn. Tức là khi trước chúng ta đã thấy một cái tách khác và đem hình bóng của cái tách cũ để đối chiếu với cái tách hiện giờ. Chúng ta luôn luôn dùng hình bóng quá khứ để so sánh với hiện tại, có so sánh là không thấy như thật. Nếu nói cái tách là cái tách, không nói gì thêm, nhìn thấy nó như thế là thấy như thật, đó là nhìn đúng với con mắt nhà Thiền. Nếu nhìn cái tách nói là đẹp là xấu, là nhìn với con mắt phân biệt so sánh, tức không thấy đúng như thật.

Như hiện giờ chúng ta nhìn một người đã có ác cảm với mình khi trước, vừa trông thấy người ấy, chúng ta cảm thấy không vui trong lòng, dù người ấy đang nói những lời tốt lành với bè bạn. Đó là chúng ta nhìn với khuôn cũ sẵn có cho người ấy là xấu, không thể nào tốt được. Giả sử có người có cảm tình với chúng ta khi trước, bị phê bình là xấu là dở, chúng ta liền phản đối và bênh vực ngay. Tại sao? Vì chúng ta nhìn theo hình bóng đẹp khi xưa đã có sẵn nơi chúng ta, nên không thấy đúng như thật về con người đó. Tóm lại, nếu thấy đúng “như thế”, thì khi nhìn một người nào, chúng ta không có gì bực bội chê bai hay bênh vực bào chữa. Vì thế người tu thiền là lột hết những khuôn cũ, những kiến chấp cũ mà thế gian gọi là thành kiến hay định kiến, chỉ thấy con người và sự vật đúng như thật ngay đây và hiện giờ, các pháp như thế nào thấy như thế ấy, chớ không đem khuôn cũ để so sánh với cái mới hiện tại. Thế nên pháp “như thị” rất hay, rất đặc biệt. Tinh thần đạo Phật là thấy tất cả như thật, không theo thành kiến của chính mình hay của những người thân thuộc bạn bè lập ra. Nếu thấy đúng tinh thần “như thị’ thì chúng ta không có phiền não. Trái lại thấy trong so sánh phân biệt thì chúng ta sẽ bực bội rất nhiều. Đối diện với người oán hờn mình, nếu thấy “như thị” thì chúng ta không còn bực tức, nghĩa là không có oán tắng hội khổ. Nếu sống “như thị” thì có người thương hay không có cũng thôi, thì đâu có ái biệt ly khổ. Sống “như thị” thì không khởi niệm mong cầu, thế là không còn cầu bất đắc khổ... Thấy “như thị’ thì tất cả khổ đau theo đó tan hoang như mây khói. Sở dĩ hiện nay bao nhiêu thứ khổ đau dồn dập tới là vì chúng ta sống với hình bóng quá khứ, sống với mong cầu tương lai, chớ không sống với các pháp hiện tại. Những gì trong quá khứ chúng ta cứ nuôi dưỡng, nên khi đối diện với hiện tại, như ý thì vui, trái ý thì buồn, như ý và trái ý là đối với khuôn cũ sẵn có. Dù cho hiện tại có thay đổi chăng nữa, nhưng vì thành kiến nên luôn luôn chúng ta sống trong đau khổ. Nếu sống đúng như thị thì chúng ta sẽ được an lành tự tại, những khổ đau ngang đây chấm dứt.

Như vậy cái thấy đúng “như thị” là cái thấy đạo đức, đâu mất thời giờ để nói chuyện năm xưa, đâu mất thời giờ để so sánh đối chiếu. Sống trong hiện tại, giờ ăn cơm cứ ăn cơm, giờ cuốc đất cứ cuốc đất, như thế chúng ta tránh được bao thứ điên đảo, hoặc của thời quá khứ hoặc của mong đợi tương lai. Thế nên Thiền sư nói: Cây gậy là cây gậy. Đó là nhìn đúng “như thị”. Pháp của Pháp vương như thế, mới nghe dường như đơn giản, kỳ thật khó hiểu làm sao! Song gốc của đạo là ở đây vậy, nên nói tiếng đàn không dây rất tuyệt vời không bao giờ mất.

            Tuy nói câu câu chẳng vết tỳ,

            Giấu sừng đuôi vẫn hiện như ri.

Nếu nói câu nào đều đúng “như thị” thì câu câu đều không tỳ vết. Giấu sừng mà đuôi vẫn hiện, nói như thị mới nghe tưởng như bí mật, nhưng đã bày hiện lẽ thật rồi, đó là giấu đầu mà ló đuôi.

            Nào giống một cành sáo không lỗ,

            Vì anh thổi khúc Thái bình thi.

Như có cành trúc dùng làm ống sáo mà không có lỗ, vì anh thổi khúc sáo Thái bình. Ai sống được như thị sẽ được thái bình an lạc muôn đời. Chúng ta hãy thử sống một ngày “như thị” xem có được thái bình muôn thuở chăng? Vì sống với quá khứ và vị lai cho nên chúng ta thường bất bình nổi sóng. Chúng ta ngồi lại cứ ôn nhớ những chuyện cũ rồi tự mình chuốc khổ, buồn thương giận ghét. Còn sống ngay hiện tại, tất cả như thế, thì đâu có khổ, đó thật là thái bình.

Việc tu hết sức là đơn giản, đâu phải làm những điều gì khó khăn, chỉ thấy đúng như thế thôi, không có so sánh để khen chê thương ghét. Nếu còn so sánh là còn thương ghét, khen chê, nhân đó sanh ra các thứ phiền não. Nếu thấy các pháp đều như thế thì không còn thương ghét khen chê, chẳng phải khúc sáo thái bình là gì? Như vậy tu là cốt đem lại cho mình một cuộc đời bình an vô sự, thanh thản không phiền hà, đó là “như thị”.

6. Cử: Vua nước Kế-tân cầm kiếm, bảo Tổ thứ hai mươi bốn (Tổ Sư Tử) rằng: Thầy được năm uẩn không chăng? Tổ đáp: Đã được. Vua hỏi: Lìa sanh tử chăng? Tổ đáp: Đã lìa. Vua hỏi: Có thể thí cái đầu cho tôi được không? Tổ đáp: Thân còn không phải của ta, huống nữa là đầu! Vua liền chém. Sữa trắng vọt ra, tay vua tự rơi.

Niêm: Đem đầu kề gươm bén,

            Dường như chém gió xuân.

Tụng : Đao bén chém nước cùng xuy quang

                                                            (thổi ánh sáng),

            Việc này nên biết nào ngại gì.

            Báo tin sáng ấy xa khói, sóng,

            Ai biết riêng có nghĩ suy lành.

Đây là câu chuyện Tổ Sư Tử bị vua Kế-tân giết. Ngài Trần Thái Tông niêm:

            Đem đầu kề gươm bén,

            Dường như chém gió xuân.

Vua Kế-tân đưa kiếm chém đầu Tổ dường như chém gió mùa xuân. Tại sao? Vì Tổ đã nói: Thân này còn không phải của ta huống nữa là đầu. Tức là thân này không phải của Ngài, nên khi bị chém đầu, Ngài xem như chém gió xuân, không có dính dáng gì với Ngài cả. Nếu người tu đến được chỗ này là thành Tổ rồi. Còn chúng ta hiện nay, nếu kiếm bén đưa đến gần liền quì lạy van xin tha mạng, là vì chúng ta còn thấy cái ngã quá to, quá nặng, nhưng với Tổ, Ngài thấy cái ngã không còn nữa. Thế nên có bài tụng:

            Đao bén chém nước cùng xuy quang

                                                            (thổi ánh sáng),

            Việc này nên biết nào ngại gì.

Dùng dao bén chém nước hay chém lửa cũng không được, nước và lửa không bị đứt. Dùng miệng thổi ánh sáng mặt trời, ánh sáng cũng không lay động. Như thế cầm dao chém lửa đang cháy, lửa không có vết tích gì, dùng dao chém nước dưới sông, nước cũng không tỳ vết. Đây là nói lên ý nghĩa: Khi vua Kế-tân cầm kiếm chém đầu Tổ Sư Tử, cũng như chém nước chém lửa, cũng như thổi ánh sáng, đối với Tổ không có nghĩa lý gì, nên nói “việc này nên biết nào ngại gì”. Tuy Tổ bị giết mà không có chút gì ngại ngùng hay khó khăn.

            Báo tin sáng ấy xa khói, sóng,

            Ai biết riêng có nghĩ suy lành.

“Xa khói, sóng” tức là bỏ thân nhớp nhúa vô thường. Thân này như khói, như sóng không có giá trị gì. Tuy bị chặt đầu, bỏ thân khói sóng, nhưng vẫn có hiện tượng tốt đẹp, nên nói: “riêng có nghĩ suy lành”, nghĩa là khi ấy Tổ được thảnh thơi giải thoát. Bỏ thân bại hoại vô thường, sống với thể bất sanh bất diệt, thì đẹp biết dường nào, đâu có gì phải lo sợ hay buồn khổ. Thế nên qua lời giảng của ngài Trần Thái Tông chúng ta thấy rõ những gì cần làm, cần tu, chớ không phải chỉ nói chuyện suông, nhất là đối với người tu Thiền.

7. Cử: Đại sư Đạt-ma đến chùa Thiếu Lâm ở Lạc Dương. Chín năm ngồi xây mặt vào vách.

Niêm: Để mắt xem, thôi ngủ gật.

Tụng: Chim bằng vỗ cánh đến Nam Minh (Nam Hải),

            Nối gót luống công muôn dặm trình.

            Đêm trước chỉ tham vui yến tiệc,

            Sáng nay bất giác say men nồng.

Đây là kể lại câu chuyện Tổ Đạt-ma khi đến ở chùa Thiếu Lâm, tại kinh đô Lạc Dương.

“Tổ Đạt-ma đến chùa Thiếu Lâm, chín năm ngồi xây mặt vào vách” để làm gì?

Ngài Trần Thái Tông niêm gọn lại: Để mắt xem, thôi ngủ gật. Tức là ngồi đó nhìn xem, chớ có ngủ gật. Chúng ta đừng tưởng lầm Tổ tiêu cực yếm thế, ngồi xây mặt vào vách, không nói đến ai. Mục đích Tổ ngồi đó là chờ người đủ điều kiện đến để truyền trao chánh pháp. Như vậy đây là một việc làm phi thường, chớ không phải có tánh cách tiêu cực, yếm thế, trốn thiên hạ. Cho nên có bài tụng:

            Chim bằng vỗ cánh đến Nam Minh

(Nam Hải),

            Nối gót luống công muôn dặm trình.

Chim đại bàng một khi vỗ cánh liền tới biển Nam Hải. Nếu bắt chước nối gót theo sau thì luống công vô ích, vì chim vỗ cánh đã bay xa muôn dặm, chúng ta có đi theo cũng không kịp. Đó là nói việc làm của Tổ Đạt-ma giống như chim đại bàng vỗ cánh. Nếu chúng ta bắt chước ngồi xây mặt vào vách như Ngài, chỉ uổng công vô ích, chớ không bao giờ giống Ngài được.

            Đêm trước chỉ tham vui yến tiệc,

            Sáng nay bất giác say men nồng.

Đêm trước chúng ta mê vui trong yến tiệc đến khuya, sáng lại giựt mình thức dậy, mặt trời đã lên cao mà còn say trong men nồng. Hai câu này ý nói: Chúng ta ở trong mê, mà tưởng lầm là giác, cũng như chúng ta bắt chước Tổ ngồi xây mặt vào vách, mà không biết mục đích của Ngài. Đó là bắt chước trong mê, chớ không phải đúng, như thế mê lại thêm mê, không có lợi ích gì.

8. Cử: Nhị Tổ xin Sơ Tổ pháp an tâm. Sơ Tổ bảo: Đem tâm ra ta an cho ông. Nhị Tổ thưa: Con tìm tâm không thể được. Sơ Tổ bảo: Ta an tâm cho ông rồi.

Niêm: Em bé lên ba ôm trống giấy,

            Ông già tám chục mặc áo cầu.

Tụng: Tâm đã không tâm nói với ai,

            Người câm thức mộng mắt tròn xoe.

            Lão tăng dối bảo an tâm đấy,

            Cười ngất bàng quan chẳng tự hay.

Nhị Tổ Huệ Khả xin Sơ Tổ Đạt-ma pháp an tâm. Sơ Tổ bảo: Đem tâm ra ta an cho. Ngài Huệ Khả tìm tâm không được, thưa: Con tìm tâm không được. Tổ bảo: Ta đã an tâm cho ngươi rồi. Như vậy Tổ có an tâm thật hay không? Làm cách gì để an tâm? - Không có một pháp để an tâm. Thế mà Sơ Tổ lại bảo đã an tâm cho ngươi rồi. Đó là nói thật hay không?

            Ngài Trần Thái Tông niêm:

            Em bé lên ba ôm trống giấy,

            Ông già tám chục mặc áo cầu.

Trống giấy là của người lớn khéo đánh mới không bể, lại đưa cho con nít lên ba vỗ thì lủng ngay. Còn ông già tám mươi tuổi lại mặc áo cầu, là áo vẽ hình bông hoa để cho con nít mặc.

Ý ngài Trần Thái Tông nói Tổ Đạt-ma chỉ pháp an tâm cho Tổ Huệ Khả giống như là trao trống giấy cho đứa trẻ lên ba, hay là bắt ông già tám mươi tuổi mặc áo bông vậy. Đây là Tổ Đạt-ma đánh lừa nhưng rất khéo.

            Tụng:

            Tâm đã không tâm nói với ai,

            Người câm thức mộng mắt tròn xoe.

Tâm đã không thật làm sao nói! Cũng như người câm nằm ngủ mộng thấy mình được đãi một bữa tiệc rất ngon, khi thức dậy muốn kể lại cho bạn bè làm sao kể? Chỉ nhìn người rồi trợn tròn đôi mắt, chớ không nói gì được. Cũng như vậy, tâm không thật lại bảo đem ra, làm sao đem. Tâm vọng tự nó dấy lên mình thấy nhưng không nói cho người nghe được, chỉ cho người thấy được, giống như người câm nằm mộng mà bảo kể lại giấc mộng thì không kể được.

            Lão tăng dối bảo an tâm đấy,

            Cười ngất bàng quan chẳng tự hay.

Tổ nói: ta an tâm cho ngươi rồi, đó là một cách nói dối, nhưng dối mà không dối. Người bàng quan không biết được việc này.

Hiện giờ chúng ta có biết Tổ Đạt-ma an tâm bằng cách nào không? Đây là thuật của Tổ, bảo an tâm mà tâm đó hư dối không thật, làm sao an? Tỉ dụ như hiện giờ cái tách cái dĩa có hình tướng để bên cạnh ghế nó sẽ ngã đổ, nếu để giữa bàn bảo đảm là an ổn. Vậy có hình thức mới có chỗ nơi. Còn tâm suy nghĩ vọng tưởng của chúng ta hiện giờ ra sao đang ở đâu? Nó không hình không tướng, muốn an làm sao an? Thế nên Sơ Tổ bảo: Tìm tâm đem ra ta an cho. Nghĩa là ông muốn an cái không hình không tướng, nếu tìm được đem ra đây, thì ta an được. Nhưng ngài Huệ Khả tìm đáo để không được. Khi tìm không được, tức là tâm an mất rồi. Như vậy ngài Huệ Khả tự an tâm mà nói Sơ Tổ an tâm, không phải nói dối là gì? Thế mà chúng ta nghĩ có pháp an tâm thật, đó là người bàng quan không biết gì.

Trọng tâm việc tu là biết xoay lại tìm. Vì tâm vọng không thật, nên một phen tìm lại nó mất tiêu, thế là tự nó đã an rồi. Nói an tâm nhưng thật ra không có tâm nào, không có cách nào để an, chỉ là biết xoay lại soi sáng chính mình, tâm vọng mất đi, đó là an tâm. Đây là điểm đặc biệt trong nhà Thiền, nếu chúng ta không nắm vững, khó mà biết được chỗ này.

 

9. Cử: Ngài Văn-thù thấy cô gái nhập định gần Phật. Ngài đến xuất định không được. Phật sai Bồ-tát Võng Minh đến xuất định được.

Niêm: Đứa con oan gia, mất gia phong ta.

Tụng: Đều cùng xuất định có sơ thân,

            Định ấy nên là chửa chánh chân.

            Nếu thật Hóa công không hậu bạc,

            Xoay vần xuân đến khắp mọi phần.

Đây là câu chuyện dẫn trong kinh: Một hôm đức Phật đang thuyết pháp cho Tăng chúng, có một cô gái đến ngồi gần tòa đức Phật nhập định. Ngài Văn-thù thấy vậy là vô phép, mới dùng thần thông để xuất định cho cô, nhưng không được. Sau đó đức Phật bảo Bồ-tát Võng Minh đến xuất định thì cô mới xuất. Ngài Võng Minh là Bồ-tát mới tu, còn ngài Văn-thù là Bồ-tát Đại Trí, rất là đặc sắc, thế mà Ngài không làm được việc mà một vị sơ cơ làm được. Như vậy định của cô gái có phải là đại định không?

Lời Niêm: Đứa con oan gia, mất gia phong ta. Nếu là định cứu kính chân thật thì người đại trí đã cho xuất được, còn định đó chưa phải là chân thật nên người tu sơ cơ cũng xuất được. Thí dụ như có những Phật tử nghiên cứu Phật pháp khá, đến đây hỏi đạo lý với tôi, khi tôi giảng nói họ nghe họ hiểu. Còn nếu người chưa hiểu Phật pháp chút nào hay hiểu lệch lạc, đến đây hỏi, tôi có nói họ cũng không hiểu. Nhưng khi đến nhà khách, thầy Tri khách nói họ lại hiểu. Vậy những gì cao sâu thì người tu cao nói được, còn những điều thông thường thì người thường nói chuyện vui vui đây kia họ nghe họ hiểu.

            Thế nên có lời bình như sau:

            Đều cùng xuất định có sơ thân,

            Định ấy nên là chửa chánh chân.

Nếu cùng xuất định mà có kẻ sơ người thân thì định ấy chưa chân chánh.

            Nếu thật Hóa công không hậu bạc,

            Xoay vần xuân đến khắp mọi phần.

Nếu thật trời đất không có đối với người sâu, cạn khác nhau thì nơi đâu cũng được mùa xuân. Nhưng vì có hậu bạc, nên mùa xuân không cùng khắp. Đó là để nói định có chân và không chân, không phải định nào cũng đều chân chánh như nhau.

10. Cử: Mã Tổ nói: Từ sau loạn Hồ ba mươi năm, chưa từng thiếu tương muối.

Niêm: Dù cho chẳng phạm mảy may,

            Vẫn là cầm bánh dính tay.

Tụng: Trước kia làm bạn khách rượu trà,

            Quán rượu thường nằm bên cạnh nhà.

            Giả thử khoe khoang người lanh lợi,

            Giữa đường mất áo chịu thôi mà.

Đây là câu chuyện trong sử, Mã Tổ ra đi giáo hóa, trụ ở Giang Tây. Thầy Ngài là Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng cho người tới hỏi: Từ khi rời Tổ Nam Nhạc đến nay, Thầy ở đây truyền bá thế nào? Mã Tổ nói: Từ sau loạn Hồ ba mươi năm, chưa từng thiếu tương muối. Loạn Hồ tức là thời loạn lạc ở Trung Hoa. Sau đó ba mươi năm thì tương muối lúc nào cũng sẵn, không có thiếu. Ý muốn nói từ khi thấy đạo đến nay, lúc nào cũng hiện tiền, không có thiếu thốn.

Niêm:

            Dù cho chẳng phạm mảy may,

            Vẫn là cầm bánh dính tay.

Nói chưa từng thiếu tương muối, nghĩa là khoe ta là người không có thiếu. Như thế tuy không phạm lỗi, nhưng cũng là cầm bánh dính tay, hơi dơ một chút.

            Ngài Trần Thái Tông có lời bình:

            Trước kia làm bạn khách rượu trà,

            Quán rượu thường nằm bên cạnh nhà.

            Giả thử khoe khoang người lanh lợi,

            Giữa đường mất áo chịu thôi mà.

            Trước kia tức là lúc loạn Hồ.

Khoe khoang người lanh lợi là nói Mã Tổ bảo chưa từng thiếu tương muối. Nhưng giữa đường mất áo phải chịu thôi, nghĩa là tuy lanh lợi thật nhưng cũng bị mất áo tìm không được, vậy mới đúng với ý nghĩa cầm bánh dính tay. Nếu tự cho mình không từng vắng thiếu, vẫn là có chút khoe khoang!

 

Phụ chú:

1. Những bài Niêm Tụng này, mới nghe thấy rất khó. Người nghe chỉ có hứng thú trong cái dứt bặt nghĩ tưởng, còn suy gẫm thì không thấy thú chút nào. Nghe rồi mỗi ngày thấm một ít, lâu ngày thành quen, mới biết Thiền rất là quan trọng. Nhiều khi chúng ta nghĩ Thiền nói chuyện đâu đâu không hiểu nổi, dù có hay cũng trở thành không hay. Nếu không hay thì sách vở để lại làm gì cho vô ích? Chúng ta cần phải nhận hiểu đôi chút để nếm được hương vị Thiền mới thấy cái hay của người xưa. Người xưa hiểu và ứng dụng tới đâu, chúng ta ngày nay cũng noi theo gương đó để thực hành. Tuy những bài Niêm Tụng có khô khan nhưng chúng ta cố gắng nghe, rồi sẽ thấm được vị Thiền.

2. Chữ Biết trong đạo Phật

Hôm nay chúng tôi nói thêm về chữ Biết trong đạo Phật để quí vị nghe và nhận định kỹ trước khi bước vào đường tu tập.

Chữ Biết danh từ chuyên môn trong đạo gọi là Tâm. Đức Phật nhìn thấy nơi con người chúng ta có hai loại biết:

            1.- Loại biết do duyên với bóng dáng của sáu trần rồi khởi suy nghĩ phân biệt, đó là cái biết sanh diệt, trong nhà Phật gọi là Vọng tâm.

            2.- Còn cái biết sẵn nơi sáu căn, không do duyên với bóng dáng sáu trần, cũng không do suy nghĩ phân biệt, mà luôn luôn hằng có, đó là cái biết không sanh diệt, trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật gọi là Chân tâm.

Như vậy Chân tâm là cái biết thường hằng không sanh diệt, còn Vọng tâm là cái biết duyên theo bóng dáng sáu trần, cái biết này hư dối, chợt sanh chợt diệt, chợt có chợt không, không phải là thật. Nhưng hầu hết chúng ta đang sống trong cái biết sanh diệt đó. Lúc nào có nghĩ có tính thì gọi là biết, khi không nghĩ không tính tưởng chừng như không biết. Vì thế chúng ta nhận cái biết sanh diệt làm tâm của mình, còn cái biết hằng hữu không sanh không diệt, mình lại bỏ quên, không nhận ra nó. Thế nên đức Phật nói chúng ta cứ mãi đi trong luân hồi sanh tử.

Cái biết duyên theo bóng dáng sáu trần, mà sáu trần là tướng vô thường sanh diệt, nên cái biết cũng là niệm sanh diệt. Bên ngoài chạy theo cảnh sanh diệt, bên trong nhận tâm sanh diệt làm mình, chạy theo hai tướng sanh diệt thì nhất định chúng ta phải đi trong sanh tử luân hồi. Ai cũng như ai đều chấp nhận, đều sống như vậy, cho nên đức Phật bảo: Chúng sanh bị trầm luân trong sanh tử luân hồi.

Hiện nay muốn dứt dòng sanh tử, đức Phật dạy chúng ta phải trở lại cái biết chân thật chưa bao giờ sanh diệt, cái biết đó mới là thật mình, mới là hằng hữu. Vì nó không duyên theo bóng dáng của sáu trần, nên không phải tướng sanh diệt, không sanh diệt thì làm gì có sanh tử luân hồi? Thế nên chúng ta sống trở về với cái biết chân thật là chúng ta biết tu, trở về cái không sanh diệt là chúng ta giải thoát. Thế thì sanh tử hay giải thoát gốc ở nơi mình. Nếu lầm nhận cái biết sanh diệt là mình thì lăn trong sanh tử, nhận cái biết không sanh diệt là mình thì giải thoát sanh tử.

Lâu nay sở dĩ chúng ta quanh quẩn không tìm ra lối đi, vì bị sanh diệt chi phối. Nghiệm cho thật kỹ, mỗi khi chúng ta suy nghĩ, thì cái suy nghĩ là cái biết sanh diệt. Cái suy nghĩ đó luôn luôn kèm theo những hình bóng của trần cảnh, hay ngôn ngữ, mà trần cảnh và ngôn ngữ đều là tướng sanh diệt, nên cái suy nghĩ về hai tướng đó cũng sanh diệt. Thế mà chúng ta cứ mãi sống theo cái sanh diệt, chớ không bao giờ sống với cái thật của mình. Nay muốn giải thoát sanh tử, chúng ta phải dừng cái sanh diệt để nhận ngay nơi mình có cái biết không sanh diệt, đó là chúng ta hướng về con đường giải thoát, trong nhà Thiền gọi là trở về cố hương. Còn đi theo sáu trần để chịu sanh tử, đó gọi là lang thang làm khách phong trần.

Hiễu rõ chỗ này rồi, chúng ta mới biết nhà Thiền nhắm thẳng vào cái gì. Nếu không hiểu, chúng ta thấy các Thiền sư nói những chuyện đâu đâu, rất là vô nghĩa vô lý. Thông thường chúng ta quen câu nói nào cũng phải có nghĩa có lý, tức là có suy gẫm, càng suy gẫm thì càng lăn trong sanh diệt. Thế nên câu nói hay nhất của nhà Thiền là câu nói không suy nghĩ được. Câu nói không suy nghĩ được mà mình nhận ra, thì đó là những câu rất hay, trong nhà Thiền gọi là lời nói sống hay hoạt ngữ. Còn câu nói mà suy nghĩ được nhà Thiền gọi là tử ngữ hay câu nói chết. Hiểu như vậy, khi đi sâu trong tinh thần Thiền tông, chúng ta mới thấm được cái hay. Nếu không, chúng ta nghe nói sao lạ lùng quá, không có một chút ý vị gì, nhưng không ý vị lại được các ngài khen, còn nói có suy gẫm thấy hay lại bị các ngài chê. Đó là chỗ thiết yếu trong sự tu. Nếu tu Thiền mà không nắm vững được lý này, thì không hiểu được đạo Phật. Đạo Phật cốt dạy chúng ta giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ giải thoát là tự nơi mình. Tâm tư lóng lặng, trí tuệ sáng suốt, thấy được lẽ thật thì giác ngộ. Thấy được lẽ thật và sống được với lẽ thật đó, thì chúng ta không bị sanh tử nữa, đó là giải thoát. Gốc của sự tu là ở ngay chỗ này.

Chúng tôi phác họa đại khái để khi nghe các Thiền sư nói chuyện, quí vị không có ngỡ ngàng, không thấy khó khăn. Nếu không thì khi nghe những câu nói vừa vô nghĩa, vừa thô kệch, quí vị nghĩ rằng các Thiền sư nói năng không có gì hay cả, nhưng chính lời thô kệch vô nghĩa lại được khen, còn những lời văn hoa bóng bẩy lại bị chê. Hiểu được như vậy mới thấy chỗ đặc biệt của nhà Thiền.