Chỉ mục bài viết
21. Cử: Triệu Châu nói: Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi trong nhà.
Niêm: Núi là núi nước là nước, Phật ở chỗ nào?
Tụng: Trên đồ Võng Xuyên xếp thành hình,
Ngày trước Vương Duy được nổi danh.
Uổng phí mực son nơi khó vẽ,
Trong không trăng sáng cùng gió lành.
Ngài “Triệu Châu nói: Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi trong nhà.” Câu này rất dễ hiểu. Đến chùa thấy Phật vàng chúng ta liền quì lạy nhưng Phật vàng để vào lò đúc thì chảy nên không độ được lò đúc, trái lại lò đúc độ được Phật vàng! Phật gỗ thỉnh vào lửa cũng cháy nên không độ được lửa mà lửa độ Phật gỗ. Phật đất gặp nước cũng rã nên không độ được nước. Nay có Phật xi măng cũng không độ được búa! Như vậy những vị Phật đó đều không có khả năng độ, chỉ có Phật thật ngồi trong nhà, chúng ta lại quên. Ngài Triệu Châu nói trắng ra không một chút giấu giếm để cảnh tỉnh những người tu chỉ nặng hình thức bên ngoài, thấy Phật bên ngoài thì tha thiết đảnh lễ cầu khẩn, không đoái đến Phật của mình đang ngồi ở trong. Phật bên ngoài chỉ là Phật vàng, Phật gỗ, Phật đất, còn Phật bên trong mới là Phật thật. Chúng ta tha thiết lễ bái cúng dường Phật bên ngoài, có được phước chỉ là phước sanh diệt, phước thật là trở về Phật thật của mình. Phật là giác. Phật vàng, Phật gỗ không có giác, chỉ Phật của tự tâm mới giác, nhưng thế gian không biết, chỉ biết những Phật bên ngoài, vậy là nhớ bên ngoài mà quên mình.
Niêm: “Núi là núi, nước là nước, Phật ở chỗ nào” mà nói Phật ngồi ở trong? Phật đó đối với cảnh núi là núi, nước là nước, theo tông Lâm Tế là Vô vị chân nhân, người không có ngôi vị, nếu nói ngồi ở trong là hơi kẹt. Thế nên ngài Trần Thái Tông hỏi Phật ở chỗ nào, ý nói Phật thật không có chỗ nơi, nói có chỗ là đã sai rồi.
Tụng:
Trên đồ Võng Xuyên xếp thành hình,
Ngày trước Vương Duy được nổi danh.
Uổng phí mực son nơi khó vẽ,
Trong không trăng sáng cùng gió lành.
Võng Xuyên là phong cảnh đẹp ở huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây.
Vương Duy là một họa sĩ nổi tiếng đời Đường, ông vẽ cảnh Võng Xuyên, đem trưng bày, mọi người đều tán thán nên được nổi danh. Cảnh Võng Xuyên được diễn tả bằng mực bằng son, nhưng Phật thật ngồi ở trong không có hình tướng, dầu tốn bao nhiêu mực, bao nhiêu son cũng không thể vẽ được. Muốn thấy Phật thật phải làm sao? “Trong không trăng sáng cùng gió lành.” Chỉ nhìn trong bầu hư không, thấy trăng sáng rỡ cùng gió mát, là thấy được Phật ở trong. Như vậy Phật ngồi ở trong chỉ là một lối nói chớ chưa đúng lẽ thật, vì nếu còn thấy trong ngoài, thấy chỗ nơi là chưa thấy Phật thật. Ngài Trần Thái Tông khéo dùng hình ảnh gió mát và ánh trăng sáng ngời trong hư không để diễn tả vị Phật không hình tướng, không chỗ nơi nhưng lúc nào cũng trong sáng, cũng làm mát mẻ mọi người.
22. Cử: Triệu Châu nói: Tôi ở Thanh Châu may một chiếc áo vải nặng bảy cân.
Niêm: Trấn Châu củ cải còn thể được,
Thanh Châu áo vải lại phiền người.
Tụng: Một manh áo vải thật lạ thường,
Tùng Thẩm không màng chẳng cất rương.
Trong đây nghĩ nghị chia cân lượng,
Cười ngất nhà đông Mạnh Bát Lang.
Qua bài trên (21) ngài Triệu Châu nói về Phật, chúng ta hiểu được. Trong bài này, khi vị Tăng hỏi thế nào là Phật, thông thường câu đáp là: Người giác ngộ gọi là Phật, nhưng với tư cách nhà Thiền ngài Triệu Châu trả lời: “Tôi ở Thanh Châu may một chiếc áo vải nặng bảy cân.” Khi nghe câu này chúng ta không còn lý lẽ gì để cho tâm đuổi theo. Nó không có một chút ý vị, nhưng những câu như thế trong nhà Thiền lại khen hay. Tại sao? Khi giải thích Phật như thế này v.v... là để người nghe đuổi theo phân biệt suy xét. Nếu đuổi theo phân biệt thì không thấy được Phật, chưa thật hiểu Phật. Hiện nay nếu ai hỏi thế nào là Phật, chúng ta có thể trả lời: Tôi ở Trúc Lâm may chiếc áo vải nặng ba ký. Người nghe thấy như chúng ta trả lời lạc đề, không chút dính dáng với câu hỏi, nhưng sự thật là trả lời rất thiết thực, vì nói như thế thì dứt suy nghĩ, ngay đó là thấy Phật. Sở dĩ chúng ta không thấy Phật vì niệm suy nghĩ phân biệt làm Phật mình bị khuất lấp. Câu trả lời không cho một niệm nào khởi, đó là chỉ Phật rõ ràng, nhưng thế gian không bằng lòng vì thấy khó hiểu quá. Sự thật đâu cho hiểu mà nói khó hay dễ, nghĩa là nghe mà không cho hiểu, nếu nhận định được thì thấy, nhận định không ra thì không biết gì, khỏi suy nghĩ. Đó là câu đặc biệt nên ngài Trần Thái Tông khen.
Niêm:
Trấn Châu củ cải còn thể được,
Thanh Châu áo vải lại phiền người.
Một lần có người tới hỏi ngài Triệu Châu: Thế nào là Phật? Ngài đáp: Ở Trấn Châu củ cải to. Nay Ngài lại đáp: Ở Thanh Châu, áo vải nặng bảy cân, nên lời bình: Nếu nói ở Trấn Châu củ cải to còn có thể được, nay nói ở Thanh Châu áo vải nặng bảy cân thật làm phiền người. Như thế là thầm ý khen.
Tụng:
Một manh áo vải thật lạ thường,
Tùng Thẩm không màng chẳng cất rương.
Trong đây nghĩ nghị chia cân lượng,
Cười ngất nhà đông Mạnh Bát Lang.
Bài tụng rất hay. Nói áo vải nặng bảy cân là một lối nói lạ thường. Chiếc áo quí, Tùng Thẩm (tức Triệu Châu) không cất vào rương lại đem khoe trình cho thiên hạ thấy. Đây là hai câu tán thán ý nghĩa ngài Triệu Châu nói chiếc áo vải nặng bảy cân.
Trong đây nghĩ nghị chia cân lượng,
Cười ngất nhà đông Mạnh Bát Lang.
Mạnh Bát Lang là tên một gã ngốc ở Trung Hoa, thường hay dùng để chỉ những kẻ si ngốc. Nếu nghe câu đáp của ngài Triệu Châu rồi suy nghĩ phân chia cân lượng nặng bảy cân, ba cân v.v... thì quả là một gã ngốc ở nhà đông đáng cho người ta cười ngất.
23. Cử: Vị Tăng hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không? Triệu Châu đáp: Không. Tăng lại hỏi, Triệu Châu đáp: Có.
Niêm: Lấy hai so một.
Tụng: Hỏi ngay ở trước, đáp có không,
Bảo thẳng ngay lời dứt nhóm ngông.
Một đời tự phụ người tài giỏi,
Thế ấy vẫn là chẳng trượng phu.
Trong Ngữ lục ghi có người tới hỏi ngài Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không? Ngài đáp: Có. Người đó liền bẻ lại: Đã có Phật tánh là sáng suốt, minh mẫn, tại sao chui vào đãy da lông lá vậy? Ngài đáp: Vì biết mà cố phạm.
Lại người khác đến hỏi: Con chó có Phật tánh không? Ngài nói không. Người đó lại bẻ: Trong kinh Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng con chó không có Phật tánh? Ngài đáp: Vì nghiệp thức che đậy. Nếu về giáo, tôi giảng rõ những lời này cho quí Phật tử nghe hiểu và tu. Nhưng về Thiền chỉ dùng hai chữ có không, chớ không dẫn lời bẻ lại của người hỏi và lời giải thích của ngài Triệu Châu. Hỏi con chó có Phật tánh không? Đáp không. Những vị tu về thoại đầu chỉ khán chữ không thôi. Lại đưa thêm câu hỏi con chó có Phật tánh không? Đáp: Có. Đây chỉ dùng hai chữ có không.
Niêm: “Lấy hai so một”, tức một là Phật tánh, hai là có và không.
Tụng:
Hỏi ngay ở trước, đáp có không,
Bảo thẳng ngay lời dứt nhóm ngông.
Một đời tự phụ người tài giỏi,
Thế ấy vẫn là chẳng trượng phu.
Người đến tham vấn ngài Triệu Châu, thấy con chó nằm một bên liền chỉ con chó hỏi: Con chó có Phật tánh không? Ngay đó trả lời hoặc có hoặc không. Sở dĩ khi Ngài đáp có, khi đáp không là cốt để ngay lời nói chỉ thẳng cho người si mê biết hầu dẹp sự ngông cuồng chấp có chấp không. Hiện nay đa số chúng ta đều mắc bệnh này, hỏi điều gì đều muốn xác định có hoặc không, nên các Thiền sư dùng phương tiện phá chấp cho chúng ta. Hai câu sau của bài tụng là phê bình ngài Triệu Châu. Trong các Thiền sư đời Đường ai cũng nể Ngài là người lanh lợi nhất, nhưng vẫn còn đáp có, đáp không là làm cho người nghe bị kẹt, như vậy chưa phải trượng phu. Nhưng đây là vì Ngài phá chấp chớ không phải chỉ thẳng.
24. Cử: Triệu Châu nói: Chỗ có Phật chẳng trụ, chỗ không Phật chạy qua gấp.
Niêm: Nước đến thành ao, roi va lằn nổi.
Tụng: Chỗ Phật có không cả hai quên,
Lời này xem lại chưa được toàn.
Sau rốt cầm hoa đưa trở lại,
Chẳng rời tấc bước đến Tây thiên.
Đối với người tu, chỗ có Phật phải nương ở, chỗ không Phật phải rời bỏ đi nơi khác. Nhưng ở đây ngài Triệu Châu nói: “Chỗ có Phật chẳng trụ, chỗ không Phật chạy qua gấp.” Như vậy trọng tâm câu này ở chỗ có Phật và không Phật, cũng là hai bên có và không.
Niêm: “Nước đến thành ao, roi va lằn nổi.”
Nước chảy đọng lại chỗ nào thì nơi đó thành ao hồ. Roi đánh vào da thịt liền nổi lằn. Lời niêm muốn chỉ rõ mỗi khi chúng ta nói có nói không là còn thuộc về duyên, chưa phải là chỗ cứu kính, như duyên nước dồn thành ao hồ, duyên roi đánh vào mình thì nổi lằn.
Tụng:
Chỗ Phật có không cả hai quên,
Lời này xem lại chưa được toàn.
Sau rốt cầm hoa đưa trở lại,
Chẳng rời tấc bước đến Tây thiên.
Chỗ có Phật, chỗ không Phật, hai nơi đó phải vượt qua đừng dính mắc. Lời nói như thế là hay nhưng thật chưa hoàn toàn. Muốn hoàn toàn phải “sau rốt cầm hoa đưa trở lại”, tức là mượn hình ảnh Phật đưa cành hoa cho Tổ Ca-diếp, chỉ cần nhìn cành hoa là thấy được cái chân thật. “Chẳng rời tấc bước đến Tây thiên”, Tây thiên ở bên cạnh chúng ta, không cần tìm kiếm đâu xa. Thiền tông đời Trần hơi nặng về về câu “Tứ mục tương cố” tức là bốn mắt nhìn nhau. Khi đức Phật ở hội Linh Sơn đưa cành hoa lên, Ngài dùng mắt nhìn khắp đại chúng, nhìn đến ngài Ca-diếp, ngài Ca-diếp nhìn Phật mỉm cười. Cười đó là ngộ đạo. Như vậy gọi là bốn mắt nhìn nhau cảm thông trên phương diện đạo đức, cảm thông được muốn chỉ cái gì. Tất cả chúng ta tìm nơi có Phật, nơi không Phật, đó là tìm kiếm bên ngoài, ngay nơi mình có sẵn Phật, Phật đó hiện rõ qua cái nhìn. Chỉ cần nhìn cành hoa, không cần đi bước nào vẫn tới Tây thiên. Đó là điều đặc biệt, đọc mà thấm được mới thấy rất là hay. Ngài Trần Thái Tông không giấu giếm, Ngài chỉ thẳng cho chúng ta biết.
25. Cử: Thủ Sơn đưa trúc bề nói: Bảo là trúc bề tức chạm, chẳng gọi trúc bề tức trái, hãy gọi là cái gì?
Niêm: Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.
Tụng: Trúc bề chạm, trái thật khó phân,
Ngay đó rõ ràng nhắc với người.
Tuy vốn đường bằng bụi không dấy,
Một trường bày hiện gai góc đầy.
Trúc bề là cây thước bằng tre, khoảng chừng ba tấc. Ở Trung Hoa các Thiền sư hay để cây thước tre đó trên bàn, và thường dùng mỗi khi có ai đến tham vấn hoặc trong buổi nói chuyện với chúng.
“Ngài Thủ Sơn đưa trúc bề nói: Bảo là trúc bề tức chạm, chẳng gọi trúc bề tức trái, hãy gọi là cái gì?” Nói phải thì chạm, nói không phải là trái, nói thế nào cho đúng?
Niêm: “Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.” Đưa ra hai bên, nói thế này là sai, thế kia cũng sai nên đừng động đến, động đến ăn ba mươi gậy, vậy phải hành động thế nào chớ không thể dùng ngôn ngữ đối đáp được.
Tụng:
Trúc bề chạm trái thật khó phân,
Ngay đó rõ ràng nhắc với người.
Tuy vốn đường bằng bụi không dấy,
Một trường bày hiện gai góc đầy.
Đưa trúc bề lên nói rằng gọi trúc bề thì chạm mà không gọi trúc bề là trái. Như vậy phải nói thế nào, nói hay không nói? Quí vị phải nhớ câu tứ mục tương cố, đưa lên nói ở đây, mà ý ở kia. Hiểu rồi mới thấy “ngay đó rõ ràng nhắc với người”. Đưa như thế là rõ ràng nhắc chúng ta.
Ngài Thủ Sơn là Thiền sư Tỉnh Niệm, cũng gọi là Niệm Pháp Hoa, đệ tử của ngài Phong Huyệt. Ngài rất thích tụng kinh Pháp Hoa, đi đâu cũng thầm tụng kinh này. Một hôm Sư đứng hầu, Phong Huyệt rơi nước mắt nói: Bất hạnh, đạo Lâm Tế đến ta sắp chìm lặn vậy. Sư thưa: Xem trong một chúng này đâu không có người kế thừa Hòa thượng? Phong Huyệt bảo: Người thông minh thì nhiều, kẻ thấy tánh rất ít. Sư thưa: Như con, Hòa thượng xem thế nào? Phong Huyệt bảo: Ta tuy trông mong ở ngươi đã lâu, vẫn e ngại ngươi đắm mến kinh này (Pháp Hoa) không thể buông rời. Sư thưa: Việc này có thể làm được, mong nghe yếu chỉ ấy.
Phong Huyệt thượng đường kể lại: Nơi hội Linh Sơn đức Thế Tôn đưa cành hoa sen lên rồi dùng mắt nhìn bốn phía, đến ngài Ca-diếp, ngài Ca-diếp nhìn Phật mỉm cười. Khi nói như thế ngài Phong Huyệt đưa mắt nhìn ngài Niệm Pháp Hoa, thấy ngài Phong Huyệt nhìn, bỗng dưng ngài Niệm Pháp Hoa ngộ, Ngài phủi áo đứng dậy đi, ngài Phong Huyệt ném cây gậy trở về phương trượng. Thị giả theo sau hỏi. Phong Huyệt nói: Niệm Pháp Hoa đã hội. Như vậy ngài Thủ Sơn thấy được cái gì? Phải chăng là Tứ mục tương cố. Thế nên Ngài dùng phương tiện đưa trúc bề lên là muốn chỉ tứ mục tương cố nhưng Ngài khéo dùng: nói trúc bề thì chạm, không nói trúc bề thì trái, hãy gọi là cái gì? Chúng ta kẹt trong câu nói, cho là Ngài nói khó hiểu mà không ngờ chỗ Ngài muốn chỉ, muốn nhắc: “Ngay đó rõ ràng nhắc với người.”
“Tuy vốn đường bằng bụi không dấy” là chỉ thẳng, nhưng: “một trường bày hiện gai góc đầy”, tại sao? Vì nói là chạm, là trái làm cho người nghe không có hướng để tìm kiếm, không có mối manh để phăng ra, nên nói “đầy gai góc”!
26. Cử: Tăng hỏi Động Sơn (Thủ Sơ): Thế nào là Phật? Sơn đáp: Trên vách ba cân gai.
Niêm: Gọi một vật lại chẳng trúng.
Tụng: Hỏi Phật thế nào, nói đáp anh,
Động Sơn trên vách gai mấy cân.
Tuy nhiên không có phong trần dính,
Cũng vẫn còn đem cảnh chỉ người.
Động Sơn là ngài Động Sơn Thủ Sơ. Động Sơn Tổ tông Tào Động là Thiền sư Lương Giới. Ngài Thủ Sơ hiệu là Sùng Tuệ, cũng ở tại Động Sơn, đệ tử của Thiền sư Vân Môn. Tăng hỏi Động Sơn: Thế nào là Phật? Sơn đáp: Trên vách ba cân gai. Hỏi thế nào là Phật, thấy trên vách đang treo khoanh gai ba cân nên nói trên vách ba cân gai.
Niêm: “Gọi một vật lại chẳng trúng.” Gọi một vật chẳng trúng, huống là ba cân gai!
Tụng:
Hỏi Phật thế nào, nói đáp anh,
Động Sơn trên vách gai mấy cân.
Tuy nhiên không có phong trần dính,
Cũng vẫn còn đem cảnh chỉ người.
“Tuy nhiên không có phong trần dính”, tức là câu đáp “trên vách ba cân gai” không có dính mắc một chút ý niệm, không còn chỗ để khởi nghĩ, nhưng “cũng vẫn còn đem cảnh chỉ người”, còn chỉ ba cân gai đó cũng là chỉ cảnh.
27. Cử: Tăng hỏi Hòa thượng Hiện Tử: Thế nào là ý Tây sang? Hiện Tử đáp: Mâm rượu trước bàn thần.
Niêm: Nếu chẳng phải sư tử con, đâu khỏi chạy theo khối đất lăn.
Tụng: Chặt đứt cội nguồn không chỗ nương,
Ở đây nhắc lại để anh tường.
Nếu bảo trước thần là Tổ ý,
Khác nào kẻ gọi khố là quần.
Câu “thế nào là ý Tây sang”, trong nhà Thiền hỏi rất nhiều. Nói đủ câu là: thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang, tức là Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa là ý gì, nghĩa là muốn thấy được ý chỉ Tổ Đạt-ma mang đến cho người Trung Hoa. Câu này các Thiền sư đáp mỗi vị một cách, có vị đáp có vị không đáp, như ngài Lâm Tế khi được hỏi câu này Ngài bảo: Đem tọa cụ lại cho ta. Người hỏi đem tọa cụ lại, Ngài liền đánh.
Hiện là con sò, con hến. Vị Thiền sư này không giữ trai giới, Ngài ở gần bờ biển, sáng đi kiếm sò hến ăn, sống qua ngày, tối vào đình ngủ, không ai biết tên, mọi người gọi Ngài là Hiện Tử. Nghe đồn về vị Hòa thượng kỳ lạ này, ngài Lâm Tế mới đến thử, bất chợt chụp vai Ngài hỏi: Thế nào là ý Tây sang? Hiện Tử đáp: Mâm rượu trước bàn thần. Qua câu đáp, ngài Lâm Tế buông ra, Ngài nhận rằng đây quả thật là một Thiền sư.
Niêm: “Nếu chẳng phải sư tử con, đâu khỏi chạy theo khối đất lăn.” Khi hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang, chúng ta hoặc nói thế này hoặc nói thế khác, nhưng Ngài chỉ nói “mâm rượu trước bàn thần”. Câu này là câu nói của sư tử con chớ không phải thường.
Tụng:
Chặt đứt cội nguồn không chỗ nương,
Ở đây nhắc lại để anh tường.
Nếu bảo trước thần là Tổ ý,
Khác nào kẻ gọi khố là quần.
Câu đáp của ngài Hiện Tử là câu nói chặt hết cội nguồn, không còn manh mối để suy nghĩ, không còn lý do để bám, xét. Chặt đứt cội nguồn để nhắc cho mọi người thấy được ý Tổ sư từ Ấn Độ sang là chỗ chưa có niệm suy nghĩ phân biệt dấy lên. Mới nghe câu đáp, chúng ta thấy như không có chỉ nhưng thật là chỉ rất tường tận. Nếu khi đó lại suy gẫm về mâm rượu trước bàn thần là ý Tổ sư thì khác nào kẻ nói khố là quần, nói như thế là sai vì khố và quần khác nhau.
28. Cử: Quốc sư Vô Nghiệp nói: Nếu niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông chưa hết, chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa. Hòa thượng Bạch Vân Đoan nói: Giả sử niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông hết, cũng chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa.
Niêm: Đốt non cần cọp chạy, đập cỏ cốt rắn kinh.
Tụng: Lời này xét lại chí khí khinh,
Đập cỏ cốt là bọn rắn kinh.
Nếu người rành lối Trường An ấy,
Buông thõng tay đi khỏi hỏi trình.
“Quốc sư Vô Nghiệp nói: Nếu niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông chưa hết, chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa. Hòa thượng Bạch Vân Đoan nói: Giả sử niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông hết, cũng chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa.”
Hai vị đều là Thiền sư mà lại nói trái nhau. Đó là tinh thần của cách đối đáp trong nhà Thiền. Nhà Thiền gọi hoạt cú tức là câu sống. Như khi hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang thì đáp “mâm rượu trước bàn thần”, hoặc hỏi thế nào là Phật thì đáp “ba cân gai”. Tại sao? Thẳng đó nhận ra, thấy được nơi mình. Câu sống làm cho người tỉnh liền, nếu không nhận ra cũng được an vì không biết gì thêm.
Nếu hỏi thế nào là Phật, lại đáp Phật là giác ngộ, câu đó gọi là câu chết (tử cú) vì làm cho người nghe suy nghĩ về giác ngộ tức là đi sâu vào cửa tử của vọng tưởng. Vọng tưởng là cửa chết.
Lại còn một lối trả lời làm cho người nghi, lối nói đó cũng khéo. Do nghi nên ôm ấp mãi một ngày nào sẽ ngộ, đó cũng là một lối đặc biệt. Tóm lại có ba câu nói:
1. Câu nói chết người làm cho niệm dứt bặt, đó là một lối đặc biệt.
2. Câu nói để người nghi ôm ấp mãi, không giải quyết được, đó cũng là hay.
3. Câu nói thẳng để người nghe hiểu, gọi là dở. Nhưng thời này người ta chấp nhận dở nên phải nói dở, dù sao có còn hơn không.
Thiền sư Vô Nghiệp là đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Ai đến hỏi câu gì cũng mặc, Ngài chỉ đáp một câu: Chớ vọng tưởng. Như vậy câu chớ vọng tưởng đã nói hết ý nghĩa của sự tu, nhưng nói trắng quá. Nay Ngài lại nói: Nếu người nào còn một niệm phân biệt đây là phàm kia là thánh, dù nhỏ bằng đầu sợi lông, người đó cũng chưa ra khỏi bụng ngựa thai lừa. Nói thế cũng hơi quá đáng. Đó là chưa rời khỏi sanh tử vì còn niệm thì còn sanh tử.
Nhưng Hòa thượng Bạch Vân Thủ Đoan lại nói: Giả sử một niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông hết, cũng chưa khỏi vào bụng ngựa thai lừa. Ai đúng? Ngài Bạch Vân Thủ Đoan nói câu này để làm gì?
Niêm: “Đốt non cần cọp chạy, đập cỏ cốt rắn kinh.”
Câu niêm quá rõ. Vì sợ cọp nên những người đi rừng đốt lửa, cọp sợ không dám lại gần. Như vậy đốt lửa không phải vì lửa cháy, mà vì cho cọp sợ. Cũng như ban đêm, trên những con đường rậm rạp cỏ phủ, muốn cho rắn rít chạy trước khi mình bước chân tới, chúng ta cầm gậy quơ trên ngọn cỏ, đập cỏ không phải vì cỏ mà là để cho rắn chạy. Như vậy việc làm ở đây mà mục đích ở kia.
Tụng:
Lời này xét lại chí khí khinh,
Đập cỏ cốt là bọn rắn kinh.
Nếu người rành lối Trường An ấy,
Buông thõng tay đi khỏi hỏi trình.
Bài tụng này nhắm vào câu nói của ngài Bạch Vân Thủ Đoan: Giả sử không còn một niệm phàm thánh bằng đầu sợi lông cũng chưa ra khỏi bụng ngựa thai lừa. Câu này mục đích để phá chấp của người nghe câu nói của Quốc sư Vô Nghiệp, cho không có một niệm là cứu kính, nhưng còn thấy không tức là còn thấy có, nên còn kẹt trong có không, chưa phải là cứu kính. Thế nên câu này không phải là giá trị thật, là “chí khí khinh”. Chẳng qua là đập cỏ để rắn sợ chớ không phải chỉ lẽ thật. Nếu người thật rành đường về Trường An tức là người đã ngộ đạo rồi thì buông thõng tay mà đi không nghi ngờ, không cần thưa hỏi. Nếu nghe mà khởi nghi tức chưa phải người có khả năng rành đường về Trường An.
Đến đây tôi dẫn câu chuyện ngài Đại Mai Pháp Thường cho quí vị thấy. Ngài đến học với Mã Tổ một thời gian rồi về ở núi Đại Mai. Mã Tổ nghi không biết Ngài ngộ đạo chưa, mới sai một đệ tử khá tới thử xem. Người đó gặp ngài Đại Mai mới hỏi: Ông ở chỗ Mã Tổ được cái gì mà về ở núi? Ngài đáp: Tôi nghe Mã Tổ nói tức tâm tức Phật, tôi liền nhận được rồi về ở núi. Người kia liền nói: Nay Mã Tổ không nói tức tâm tức Phật, mà nói phi tâm phi Phật. Nếu là người chưa biết đường về Trường An, nghe câu nói sau liền nghi là khi trước mình hiểu chưa đúng vì sau này thầy nói khác. Nhưng ngài Đại Mai nói: Mặc ông già nói gì thì nói, tôi chỉ biết tức tâm tức Phật. Người kia về thưa lại Mã Tổ, Mã Tổ ở giữa đại chúng nói: trái mai đã chín, tức là ngài Pháp Thường thật ngộ. Như vậy người ngộ đạo dù ai nói đông nói tây gì cũng không lay chuyển được. Trái lại mới nghe nói thì tin, khi nghe ai nói khác lại khởi nghi, là chưa thật ngộ. Thế nên ngài Trần Thái Tông mới nói: “nếu người rành lối Trường An ấy, buông thõng tay đi khỏi hỏi trình”, vì đâu còn nghi ngờ mà phải hỏi.
29. Cử: Huyền Sa dạy chúng nói: Các bậc Lão túc khắp nơi đều bảo: “Tiếp vật lợi sanh.” Chợt gặp ba hạng người bệnh lại, làm sao tiếp? Người bệnh mù, giơ chùy dựng phất họ chẳng thấy. Người bệnh điếc, nói năng tam-muội họ không nghe. Người bệnh câm, dạy họ nói, nói không được.
Niêm: Khát uống đói ăn, lạnh mặc nóng quạt.
Tụng: Buồn thì ủ rũ, vui tươi cười,
Mũi dọc mày ngang chẳng khác người.
Đói khát lạnh nồng tùy chỗ được,
Đâu nên bất chợt lại sanh nghi.
“Huyền Sa dạy chúng nói: Các bậc Lão túc khắp nơi đều bảo: Tiếp vật lợi sanh. Chợt gặp ba hạng người bệnh lại, làm sao tiếp? Người bệnh mù, giơ chùy dựng phất họ chẳng thấy. Người bệnh điếc, nói năng tam-muội họ không nghe. Người bệnh câm, dạy họ nói, nói không được.” Như vậy làm sao độ ba hạng đó?
Niêm: Khát uống, đói ăn, lạnh mặc, nóng quạt.
Lời niêm có dính với những bệnh mù điếc câm ở trên không?
Tụng:
Buồn thì ủ rũ, vui tươi cười,
Mũi dọc mày ngang chẳng khác người.
Đói khát lạnh nồng tùy chỗ được,
Đâu nên bất chợt lại sanh nghi.
Dù cho không hiện ở mắt, tai và miệng nhưng đâu phải là thiếu vắng, đâu phải có mắt, tai, miệng mới có cái đó. Tuy ba cơ quan không hiển lộ được cái sáng nhưng nơi mình có thiếu nó bao giờ, nên mới dùng các chữ khát uống, đói ăn, lạnh mặc, nóng quạt.
30. Cử: Thụy Nham thường gọi: Ông chủ nhân, tỉnh tỉnh đi, về sau chớ bị người lừa gạt.
Niêm: Khóc đến máu tuôn không chỗ dụng,
Chi bằng ngậm miệng qua xuân tàn.
Tụng: Thụy Nham thường gọi chủ nhân ông,
Lược giỏi cơ sâu cũng chẳng hùng.
Nếu quả thế gian tướng vô địch,
Đợi gì gươm giáo mới là hưng.
Thụy Nham là Thiền sư Sư Nhan ở núi Thụy Nham, ngồi một mình thỉnh thoảng tự gọi ông chủ nhân rồi tự dạ, tự nhắc: Tỉnh tỉnh đi, về sau chớ để người lừa gạt. Thấy như người điên nhưng thật sự chúng ta có bệnh quên, ngồi một lúc là bị ma ngủ hay vọng tưởng gạt, nên nhắc tỉnh tỉnh chớ bị người lừa. Đó là phương tiện để Ngài tự cảnh giác. Hiện nay ngồi lâu bị người lừa dẫn đi chơi thì có các vị giám thiền cầm gậy đánh cho chạy về. Đánh là để không bị người lừa dẫn đi bằng vọng tưởng hay giấc mộng. Có người ngồi một lúc mộng thấy việc này việc kia, đó là đi khá xa nên nhờ gậy đánh liền giựt mình tỉnh lại. Hiểu như thế mới mang ơn người vác gậy đi tuần, nếu không sẽ bực tức khi bị đánh giựt mình.
Niêm:
Khóc đến máu tuôn không chỗ dụng,
Chi bằng ngậm miệng qua xuân tàn.
Khóc đến máu tuôn nhưng cũng không dùng được, chi bằng làm thinh để qua mùa xuân. Hành động của ngài Thụy Nham là hành động thiết tha đối với sự tu hành, nhưng còn gọi, nói chủ khách v.v... thì chưa phải là tuyệt vời, nên ngài Trần Thái Tông hơi chê.
Tụng:
Thụy Nham thường gọi chủ nhân ông,
Lược giỏi cơ sâu cũng chẳng hùng.
Tuy có mưu lược, có cơ sâu nhưng cũng chưa phải hùng.
Nếu quả thế gian tướng vô địch,
Đợi gì gươm giáo mới là hưng.
Nếu là tướng vô địch thì không cần gươm giáo, không cần phải kêu gọi chi cho ồn. Tuy bị chê như vậy, nhưng ngài Thụy Nham sau này cũng là một vị Tổ. Vì mỗi người tự biết bệnh mình, nếu ngồi lâu dễ gục hoặc dễ chạy theo vọng tưởng thì phải tự gọi cho tỉnh. Như vậy đối với ngài Thụy Nham là có lợi, nhưng so sánh với những Thiền sư khác thì thấy hơi ồn, còn nghiêng về hình thức.