Astrology.vn -thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới.
Hán Tự
天下皆知美之爲美, 斯惡已; 皆知善之爲善, 斯不善已.
故有無相生, 難易相成, 長短相形, 高下相傾, 音聲相和, 前後相隨.
是以聖人處無爲之事, 行不言之教; 萬物作焉而不辭, 生而不有, 爲而不侍, 功成而不居. 夫唯不居, 是以不去.
Hán Việt
Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.
Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ.
Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo; vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư.
Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.
Dịch Nghĩa
Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác.
Là vì “có” và “không” sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và thanh hòa lẫn nhau; trước và sau theo nhau.
Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới.
Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.
Luận Giải
Ngay từ câu đầu, cách hiểu đã khác nhau. Có người dịch là: ai cũng biết cái đẹp sở dĩ đẹp, như vậy là đã “nhập” và cái xấu rồi. Có người dịch là: ai cũng cho cái đẹp là đẹp, chính vì vậy mà có cái xấu của nó.
Chữ hình và chữ khuynh trong câu 2, có người hiểu: hình là so sánh; khuynh là cùng chiều, hoặc chạm nhau, liên đới nhau.
Rồi tới câu 3, từ “vạn vật tác yên…” tới cuối chương, riêng Lưu Tư cho là Lão tử nói về tạo hoá, chứ không phải về thánh nhân. Cũng có lí. Hai chữ cư và khí ở cuối chương, có người dịch là “ở lại” và “bị bỏ đi”; và “công thành nhi bất cư” nghĩa như “công toại (thành) thân thoái”.
Nhưng đại ý ai cũng nhận rằng Lão Tử nói về luật tương đối (sự vật không có gì là tuyệt đối hay xấu, so với cái này thì là tốt, so với cái khác lại là xấu, lúc này là tốt, lúc khác là xấu) và phản đối thói đương thời, nhất là phái Khổng, phái Mặc dùng trí mà phân biệt rõ ràng xấu, tốt, khiến cho người ta bỏ tự nhiên đi mà cầu tốt, bỏ xấu, hóa ra trá ngụy, do đó sinh hại. Ông khuyên ta cứ để cho dân sống theo tự nhiên mà đừng can thiệp (thái độ vô vi), đừng đem quan niệm sai lầm về tốt xấu mà uốn nắn dân (thuật bất ngôn chi giáo), như vậy sẽ thành công mà sự nghiệp sẽ bất hủ vì chính đạo cũng không làm khác (đạo pháp tự nhiên).
Chúng ta để ý: Khổng Tử cũng đã có lần muốn “vô ngôn” và bảo Tử Cống: “Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai?” - Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu? (Luận ngữ)
Luật tương đối trong chương này sau được Trang tử diễn rõ và mạnh hơn trong thiên Tề vật luận.
(t/h)
Đạo Lão - Lão Tử Đạo Đức Kinh - Astrology.vn - About us
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.