Astrology.vn - Ý tưởng Mạnh Tử được ghi chép trong bài này có thể gom thành ba đề mục: đừng gây phiền hà cho dân, thu thuế chừng mực, giáo dục dân. Nếu ruộng đất được chia cho dân một cách công minh ngay thẳng thì việc thu thuế mới công bằng được. Ruộng đất chia không đều, sẽ có bất công trong dân chúng; đó là đầu mối loạn lạc. Ruộng đất chia đều hợp lý, bổng lộc phát cho các quan chức có chừng mực hẳn hoi, thì việc ổn định đất nước rất đơn giản.
3
Đằng Văn Công hỏi về việc nước. Mạnh Tử nói: “Công việc của dân không thể trì hoãn.
“Kinh Thi rằng: ‘Ngày thì lấy cỏ tranh, đêm thì xe dây thừng; vội vàng leo lên nhà; đầu mùa thì gieo các giống lúa.’
“Đường lối của dân chúng như sau: có của bền vững thì có lòng bền vững; không có của bền vững thì không có lòng bền vững. Ví bằng không có lòng bền vững thì sống buông thả, lệch lạc, phung phí, chẳng có gì không làm. Đến khi bị khép vào tội, rồi sau theo đó đem hành hình; đó là bủa lưới dân vậy. Sao có người nhân ở ngôi vị lại có thể bủa lưới dân như vậy?
“Cho nên bậc vua hiền ắt phải khiêm cung, tiết kiệm, lễ độ với bề dưới, lấy thuế dân có chừng mực thôi.
“Dương Hổ nói: “Làm giàu thì bất nhân; làm nhân thì không giàu.”
“Đời nhà Hạ, dân được 50 mẫu, nộp theo phép cống. Người đời Ân được 70 mẫu, nộp theo phép trợ. Người đời Chu được 100 mẫu, nộp theo phép triệt. Thật ra đều lấy thuế khoảng một phần mười. Triệt nghĩa là thông suốt với nhau. Trợ nghĩa là nhờ cậy lẫn nhau.
“Long tử nói: ‘Trong việc quản trị đất đai, không gì tốt bằng phép trợ, không gì xấu bằng phép cống. Ở phép cống, tính số trung bình trong năm để lấy làm mức thường. Vào năm được mùa, thóc lúa dư dật; có lấy nhiều cũng không tàn ác; chỉ là lấy ít thôi. Vào năm mất mùa, phân bón còn không đủ, lại cố lấy cho đủ số (theo mức thường). Làm cha mẹ của dân mà khiến dân hằn học liếc nhìn, suốt năm lao động cần cù mà không đủ nuôi cha mẹ, lại phải vay mượn mà đóng cho đủ thuế, khiến cho già trẻ phải lăn lóc nơi ngòi rãnh. Sao làm cha mẹ của dân lại như vậy?
“Này, có những nhà truyền đời hưởng lộc, nước Đằng hãy cố thi hành quản trị đất đai cho tốt.
“Kinh Thi rằng: ‘Trời hãy mưa trên công điền của tôi, rồi hãy đổ tràn thoả thuê trên tư điền của tôi!’ Chỉ nhờ sự trợ giúp mới có công điền. Do coi vào đó, nhà Chu cũng dùng phép trợ.
“Hãy thiết lập các loại trường tường, tự, học, hiệu để giáo dục dân. Trường tường nuôi dưỡng những đức căn bản, trường hiệu dạy dỗ kiến thức, trường tự hướng dẫn bắn cung. Đời nhà Hạ gọi là hiệu; đời nhà Ân gọi là tự; đời nhà Chu gọi là tường. Trường học (ở kinh đô), thì cả ba đời (Hạ, Ân, Chu) đều gọi chung như vậy. Tất cả đều để sáng tỏ luân lý làm người. Luân lý làm người sáng tỏ ở bậc trên, đám dân nhỏ nhoi sẽ thân yêu nhau ở dưới.
“Nếu có bậc vương giả ra đời ắt sẽ dùng phép cai trị ấy; thế thì ngài là thầy của bậc vương giả vậy.
“Kinh Thi rằng: ‘Nhà Chu tuy là nước cũ, mệnh của nước ấy lại mới.’ Đó là lời chỉ đến Văn Vương. Nếu ngài ra sức thi hành, ngài cũng được một nước mới.”
---o0o---
Tất Chiến được sai đi hỏi về phép tỉnh địa (chia đất theo chữ tỉnh). Mạnh Tử nói: “Vua của ông định thi hành nền chính trị nhân đạo, nên đã chọn ông mà sai đi; ông nên cố gắng. Này, chính trị nhân đạo ắt khởi đầu từ cách phân chia giới hạn ruộng đất. Chia giới hạn ruộng đất mà không ngay thẳng thì phép tỉnh địa không đều, bổng lộc thóc lúa không công bằng. Vậy nên, những ông vua tàn bạo, những quan lại tham ô lại ắt khinh thường việc phân chia giới hạn ruộng đất. Việc chia giới hạn ruộng đất đã ngay thẳng, thì ruộng đất phân đều, bổng lộc có chừng mực, sự việc có thể ổn định bằng cách đơn giản (ngồi tại chỗ).
“Này đất đai nước Đằng tuy nhỏ hẹp, đều có người quân tử, đều có kẻ thôn dã. Không có quân tử, không ai cai trị kẻ thôn dã; không có kẻ thôn dã, không ai nuôi quân tử.
“Đối với nông thôn, xin lấy một phần chín theo phép trợ; đối với dân ở kinh thành (quốc trung), xin lấy thuế một phần mười. Quan khanh trở xuống được có ruộng tiêu chuẩn (khuê điền). Ruộng tiêu chuẩn được 50 mẫu. Con trai chưa vợ (16 tuổi trở lên) được 25 mẫu.
“Chết thì được chôn cất không ra khỏi làng. Ruộng đất trong làng cùng một khu chữ tỉnh, dân ra vào cùng là bạn của nhau, trông giữ (trộm cướp) cùng trợ giúp nhau, có bệnh tật thì cùng nâng đỡ nhau; trăm họ sẽ thân thiết hoà nhã với nhau.
“Một dặm vuông là một tỉnh; một tỉnh có chín trăm mẫu. Ở giữa là công điền. Tám nhà đều có trăm mẫu tư điền. Tất cả cùng chăm sóc công điền. Việc công làm xong, rồi sau mới dám làm việc riêng; cốt để phân biệt ra những dân ở nông thôn vậy.
“Đó là sách lược đại cương. Nếu như muốn sắp đặt đầy đủ, thì ở tại vua và ông vậy.”
Bình lược: Đằng Văn Công cảm phục Mạnh Tử, cho nên sau khi chính thức lên ngôi, đã hỏi Mạnh Tử về phép trị nước. Ý tưởng Mạnh Tử được ghi chép trong bài này có thể gom thành ba đề mục: đừng gây phiền hà cho dân, thu thuế chừng mực, giáo dục dân.
Ở khía cạnh không gây phiền hà, dân chúng thường xuyên vất vả, đầu tắt mặt tối. Cho nên, một chính quyền tốt không nên gây phiền hà cho dân, tức là không nên bắt dân làm phu không công, hay phục dịch quan quyền. Những việc đó làm trì hoãn công việc hằng ngày của dân. Ở khía cạnh thu thuế có chừng mực, ta thấy tâm lý của dân chúng thường theo đường lối chung là: hễ có của ăn, của dư hay những của cải bền vững như đất đai, nhà cửa, tiền bạc (hằng sản), thì họ cũng có lòng bền vững (hằng tâm), tức là có lương tâm, biết giữ gìn đạo đức, luân lý. Nếu họ là những người vô sản tay trắng, họ dễ sống buông thả, lệch lạc, phung phí, sa đọa, bất cần đời, bạ đâu làm đấy. Vì thế, ở cương vị cầm quyền, nếu cứ bóc lột dân hay để cho dân đói rách; đến khi họ phạm tội cướp của, giết người, rồi đem ra hành hình; đó là một hình thức bủa lưới vây hãm dân. Là một người lãnh đạo nhân đức không thể bủa lưới vây hãm dân như vậy được.
Đề mục tiếp theo của việc trị nước là chính quyền phải chú trọng tới việc giáo dục dân. Ở huyện, ở làng phải thiết lập trường tường, trường tự để dạy dân về đạo đức, lễ nghĩa, tức là những vấn đề nhân bản cần thiết. Cao hơn thì có trường hiệu để mở mang kiến thức và dạy bắn cung để giới trẻ tham gia vào việc bảo vệ, trị an. Ở kinh đô, thì xây dựng trường học, đào tạo bậc quân tử để biết cách cai trị dân chúng. Các trường tường, tự, học, hiệu đều có công dụng chủ yếu là dạy luân lý làm người. Vua quan ở trên sống theo luân lý làm người, thì nhân dân ở dưới cũng sẽ bắt chước mà sống đạo đức, thân ái, hoà nhã với nhau.
Một thời gian sau, Đằng Văn Công lại sai Tất Chiến đến gặp Mạnh Tử để hỏi rõ hơn về phép tỉnh địa. Mạnh Tử giải thích cho Tất Chiến biết phép tỉnh địa chính là sự phân chia giới hạn ruộng đất một cách hợp lý. Nếu ruộng đất được chia cho dân một cách công minh ngay thẳng thì việc thu thuế mới công bằng được. Vì vốn hành động thiếu ngay thẳng, cho nên các vua chúa bạo ngược, các quan lại tham ô rất coi nhẹ và bỏ qua việc phân chia giới hạn ruộng đất. Ruộng đất chia không đều, sẽ có bất công trong dân chúng; đó là đầu mối loạn lạc. Ruộng đất chia đều hợp lý, bổng lộc phát cho các quan chức có chừng mực hẳn hoi, thì việc ổn định đất nước rất đơn giản.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu