Astrology.vn - Tình trạng tâm không xao động lệ thuộc vào ý chí. Ý chí vững mạnh thì tinh thần an nhiên tự tại, không xao động trước một biến cố nào. Nhưng ý chí lại có liên hệ mật thiết với khí lực. Tuy ý chí là chủ soái, là phần cao cả, khí lực là phần theo sau; khí lực thuộc về thể chất, ý chí thuộc về tinh thần; nhưng thể chất có sung mãn với khí lực dồi dào thì ý chí mới vững bền. Vì thế công phu tu luyện phải bao gồm hai việc đồng thời: giữ gìn ý chí và đừng làm hại khí lực.
2
Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Thầy tham gia vào hàng khanh tướng nước Tề, được thi triển đạo lý, do đó nghiệp bá vương thành tựu, chắc chẳng có gì lạ. Như thế, tâm thầy có xao động không?”
Mạnh Tử nói: “Không. Ta bốn mươi tuổi, tâm chẳng xao động.”
Hỏi: “Như vậy, thì chắc thầy vượt xa Mạnh Bôn rồi?”
Đáp: “Điều đó không khó. Trước ta, Cáo tử tâm đã chẳng xao động.”
Hỏi: “Tâm chẳng xao động, có đường lối nào không?”
Đáp: “Có. Thuật nuôi dũng khí của Bắc Cung Ẩu là chẳng chùng da, chẳng chớp mắt. Đối với một chút khuất nhục với người, hoặc như bị đánh ở chợ búa hay triều đình, ông chẳng chịu nhục trước người mặc áo thô rộng, cũng chẳng chịu nhục trước vị vua có vạn cỗ xe. Ông nhìn một vị vua có vạn cỗ xe bị đâm chết cũng như nhìn một kẻ mặc áo thô bị đâm chết. Ông không sợ các vua chư hầu. Nghe thấy lời nói xấu, ông chống lại ngay.
“Thuật nuôi dũng khí của Mạnh Thi Xá là: ‘Thấy sự thất bại cũng như sự thắng lợi. Ai cân nhắc kẻ địch rồi sau mới tiến lên, toan tính thắng được rồi sau mới vào cuộc; thế là người sợ chốn ba quân. Xá này há có thể chắc thắng sao? Có năng lực chẳng biết sợ mà thôi.’
“Mạnh Thi Xá giống Tăng Tử; Bắc Cung Ẩu giống Tử Hạ. Này, cái dũng của hai người ấy, chưa biết ai hơn. Tuy nhiên, Mạnh Thi Xá giữ được phần trọng yếu.
“Ngày xưa, Tăng Tử bảo Tử Tương rằng: ‘Ngươi thích dũng ư? Ta từng nghe Phu tử (Khổng Tử) nói về đại dũng. ‘Trở lại tự xét mình mà thấy chẳng ngay thẳng, dầu đối với người mặc áo thô rộng, ta chẳng lo sợ sao?
Trở lại tự xét mình mà thấy ngay thẳng, dầu có ngàn vạn con người, ta vẫn đi như thường.’ Cách gìn giữ dũng khí của Mạnh Thi Xá lại không bằng cách gìn giữ điều trọng yếu của Tăng Tử vậy.”
Hỏi: “Dám hỏi cách giữ tâm không xao động của thầy và của Cáo Tử có thể nghe được chăng?”
- “Cáo Tử nói: ‘Cái gì không nói được nên lời, đừng tìm ở tâm; cái gì không tìm được ở tâm, đừng tìm ở khí lực.’ Cái gì không tìm được ở tâm, đừng tìm ở khí lực, điều đó có thể được; cái gì không nói được nên lời, đừng tìm ở tâm, điều đó không thể được. Này, ý chí là chủ sối của khí lực; khí lực là sự sung mãn của cơ thể. Này, ý chí là phần cao cả; khí lực là phần theo sau. Cho nên mới nói: Hãy giữ gìn ý chí, đừng làm hại khí lực.”
- Thầy đã nói: “Ý chí là phần cao cả; khí lực là phần theo sau. Lại nói: Hãy giữ gìn ý chí, đừng làm hại khí lực. Đó là thế nào?”
Đáp: “Ý chí chuyên nhất về đâu, thì tác động đến khí lực; khí lực chuyên nhất về đâu, thì tác động đến ý chí. Nay có người ngã nhào hay chạy mau, đó là do khí lực; trở lại tác động đến tâm.”
- “Dám hỏi: Thầy có những sở trường gì?”
Đáp: “Ta hiểu thấu lời người nói, ta khéo nuôi cái khí thuần nhiên lớn lao của ta.”
- “Dám hỏi: Sao gọi là khí thuần nhiên lớn lao?”
Đáp: “Thật là khó nói. Cái khí ấy rất lớn lao, rất cứng rắn; lấy sự ngay thẳng nuôi nó mà không làm tổn hại, nó tràn đầy cả khoảng trời đất. Cái khí ấy phải kết hợp với điều nghĩa và đạo lý; không thế, nó sẽ hư hoại đi.
“Phải gom góp điều nghĩa, cái khí ấy mới sinh sôi; chẳng phải điều nghĩa lẻ loi (bất chợt) mà thu giữ được nó. Hành động mà chẳng có lòng biết ân hận, khí ấy sẽ hư hoại đi. Cho nên ta mới nói rằng Cáo tử chưa từng hiểu biết điều nghĩa, đã để cho khí ấy (hạo nhiên) ở bên ngoài mình thôi.
“Muốn có việc ấy (nuôi khí hạo nhiên), đừng muốn mau thành; tâm đừng bỏ quên, đừng mong nó lớn mạnh. Đừng giống như người nước Tống kia. Người nước Tống lo lắng về lúa mạ của anh không lớn, nên đã nhấc chúng lên. Trở về với vẻ phờ phạc, bảo người nhà rằng: ‘Hôm nay phát ốm rồi. Ta đã giúp cho mạ chóng lớn.’ Con cái của anh chạy đi xem. Mạ đã khô hết. Những kẻ chẳng giúp cho mạ chóng lớn trong thiên hạ thì ít thôi. Cho nên việc nuôi khí hạo nhiên là vô ích, mà buông bỏ thì giống như là không làm cỏ cho mạ vậy. Giúp cho khí hạo nhiên chóng lớn mạnh thì như nhấc mạ lên vậy; chẳng phải vô ích thì cũng có hại.”
- “Thế nào gọi là hiểu lời người ta nói?”
Đáp: “Nghe lời nói lệch lạc thì biết có chỗ che giấu; nghe lời dâm tình thì biết có chỗ chìm đắm; nghe lời thối thác thì biết có chỗ cùng lý. Những điều ấy sinh ra ở tâm thì có hại cho nền chính trị. Những điều ấy phát khởi ở chính trị thì có hại cho việc làm. Thánh nhân mà sinh khởi trở lại, ắt nhận theo lời ta nói.”
- “Tể Ngã, Tử Cống khéo nói lời biện thuyết. Nhiễm Ngưu, Mẫn Tử, Nhan Uyên khéo nói lời đức hạnh. Khổng Tử bao gồm cả hai, nói rằng: ‘Đối với lời văn hoa, ta chẳng có khả năng.’ Thế thì, thầy (Mạnh Tử) đã là thánh rồi chăng?”
Đáp: “Ôi, sao lại nói thế? Ngày xưa Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: ‘Thầy là Thánh rồi chăng?’ Khổng Tử nói: ‘Thánh, ta chẳng có khả năng. Ta học mà chẳng chán, dạy mà chẳng mỏi.’ Tử Cống nói: ‘Học không chán là bậc trí, dạy không mỏi là bậc nhân. Đã nhân lại trí, thầy là Thánh rồi.’ Này, Thánh, Khổng Tử còn chẳng nhận. Sao lại nói thế?”
- “Ngày xưa, trộm nghe rằng: Tử Hạ, Tử Du, Tử Trương đều được một phần của Thánh nhân; Nhiễm Ngưu, Mẫn Tử, Nhan Uyên được đủ phần thánh mà nhỏ hơn. Dám hỏi thầy là thế nào trong hai loại đó?”
Đáp: “Hãy bỏ qua chuyện đó.”
Công Tôn Sửu nói: “Bá Di, Y Doãn, như thế nào?”
Đáp: “Không cùng đường lối (với ta). Chẳng phải vua mình, không phụng sự; chẳng phải dân mình, không điều khiển. Nước an trị thì tiến; nước loạn lạc thì thối; đó là Bá Di. Vua nào chẳng phải để phụng sự? Dân nào chẳng phải để điều khiển? Nước an trị thì tiến; nước loạn lạc cũng tiến (làm quan); đó là Y Doãn. Có thể nên làm quan, thì làm quan; có thể nên ngừng, thì ngừng; nên ở lâu, thì lâu; nên nhanh chóng, thì nhanh chóng; đó là Khổng Tử. Các vị ấy đều là Thánh nhân đời xưa. Ta chưa có khả năng hành xử như thế. Nhưng điều mong ước của ta là học theo Khổng Tử.”
- “Bá Di, Y Doãn so với Khổng Tử, có ngang hàng chăng?”
Đáp: “Không. Từ khi con người sinh ra đến nay, chưa có ai như Khổng Tử.”
Hỏi: “Vậy các vị ấy có chỗ giống nhau chăng?”
Đáp: “Có. Nếu được làm vua một khoảnh đất trăm dặm, đều có thể khiến các chư hầu vào chầu, thu phục thiên hạ. Làm một điều bất nghĩa, giết một kẻ vô tội mà được thiên hạ thì đều không làm. Đó là chỗ giống nhau.”
Hỏi: “Dám hỏi chỗ khác nhau của các vị ấy.”
Đáp: “Tể Ngã, Tử Cống, Hữu Nhược có đủ trí khôn để hiểu biết Thánh nhân; các ông chẳng chịu ô nhục dua theo điều mình ưa thích.
“Tể Ngã nói: ‘Theo tôi thấy thì Phu tử còn vượt xa vua Nghiêu, vua Thuấn nữa.’
“Tử Cống nói: ‘Nhìn vào lễ tiết thì biết cách cai trị; nghe âm nhạc thì biết đức hạnh; theo dõi một trăm đời, cùng các vị vua của trăm đời, chẳng bao giờ sai. Từ khi con người sinh ra đến nay, chưa có ai như Khổng Tử.’
“Hữu Nhược nói: ‘Há chỉ có một hạng người sao? Kỳ lân đối với con thú chạy, phượng hoàng đối với con chim bay, Thái Sơn đối với gò đống, sông biển đối với vũng nước trên đường, cùng một loại vậy. Bậc Thánh nhân đối với người dân cũng là một loại. Ra khỏi đồng loại, vượt cao hơn quần chúng, từ khi con người sinh ra đến nay, chưa có ai sung mãn bằng Khổng Tử.”
Bình lược: Tâm xao động là tình trạng tinh thần không bình thường, gây ra sự xao xuyến, hồi hộp, hoặc lo lắng sợ hãi, hoặc phấn chấn, tự hào, kiêu căng, hoặc chán nản, thất vọng... Người thường mỗi khi gặp những cảnh ngộ khác thường không thể tránh được tình trạng tâm xao động. Ở đây, Công Tôn Sửu muốn hỏi xem Mạnh Tử có xao động tâm không khi ngồi ở địa vị khanh tướng, đứng trên muôn người, được vua tôn trọng, được các quan đồng triều nể nang. Mạnh Tử cho biết đến tuổi bốn mươi, ông không động tâm nữa. Đó là thành quả của một công phu tu luyện lâu dài và có phương pháp.
Trả lời cho Công Tôn Sửu về phương pháp dưỡng tâm cho khỏi xao động, Mạnh Tử nhắc tới hai người tiêu biểu. Cả hai người đều có dũng khí, không biết động tâm, nhưng có khác nhau: Bắc Cung Ẩu chẳng chịu thua ai, Mạnh Thi Xá chẳng biết sợ dù thua hay thắng. Như muốn tâm không xao động, phải biết nuôi dũng khí. Bắc Cung Ẩu và Mạnh Thi Xá đều có dũng khí phi thường, nhưng đó chỉ là dũng khí của kẻ thất phu. Còn dũng khí của Tăng Tử là dũng khí của bậc hiền nhân quân tử; đó mới là đại dũng.
Tình trạng tâm không xao động lệ thuộc vào ý chí. Ý chí vững mạnh thì tinh thần an nhiên tự tại, không xao động trước một biến cố nào. Nhưng ý chí lại có liên hệ mật thiết với khí lực. Tuy ý chí là chủ soái, là phần cao cả, khí lực là phần theo sau; khí lực thuộc về thể chất, ý chí thuộc về tinh thần; nhưng thể chất có sung mãn với khí lực dồi dào thì ý chí mới vững bền. Vì thế công phu tu luyện phải bao gồm hai việc đồng thời: giữ gìn ý chí và đừng làm hại khí lực. Học làm hiền nhân quân tử trước phải nuôi ý chí cao thượng với nguyện ước trở nên bậc thánh hiền và phục vụ nhân sinh, lại phải giữ gìn thể chất khoẻ mạnh sung mãn, đừng làm điều gì khiến thân thể khí lực suy bại. Khi có ý chí cao thượng chuyên nhất, khí lực không dễ bị phân tán vào những hành vi xấu. Khi thân thể khoẻ mạnh, khí lực sung mãn, ý chí dễ được bảo tồn, không bị cùn nhụt vì bệnh hoạn.
Sau khi nghe Mạnh Tử luận về ý chí và khí lực, Công Tôn Sửu muốn nghe thêm về sở trường của thầy trong công phu tu tập. Sở trường của Mạnh Tử là: hiểu thấu lời người nói (tri ngôn) và khéo nuôi cái khí thuần nhiên lớn lao (thiện dưỡng hạo nhiên chi khí). Số người khôn ngoan biết cách nuôi khí hạo nhiên bằng sự nhẫn nại tiệm tiến lại quá ít. Vì thế số người thành tựu khí hạo nhiên trong nhân loại chẳng có là bao. Đa phần nhân loại đều rơi vào hai cực đoan: một là không nuôi khí hạo nhiên, cho đó là vô ích và hai là nuôi khí hạo nhiên theo cách cấp tốc, muốn mau thành tựu. Cả hai đường lối đó đều không thể giúp con người trở nên hiền nhân quân tử được.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu