Astrology.vn - Trong nhu cầu phân công của xã hội, có người làm vua quan cai trị, có người làm lính bảo vệ biên cương, có người làm thầy dạy học, có người canh tác đất đai sản xuất lương thực, có người chuyên môn nấu nướng để tạo nên những bữa ăn ngon cho mọi người... Trong cuộc phân công đó, có người lao tâm, có kẻ lao lực; công việc nào cũng có cái khó, có cái dễ.
4
Có người tên là Hứa Hành, làm theo lời dạy của Thần Nông, từ nước Sở đến nước Đằng; đặt chân đến cổng thì báo với Văn Công rằng: “Người ở phương xa nghe tin vua thi hành nền chính trị nhân đạo, ước mong nhận được một chỗ ở mà làm dân của vua.” Văn Công cấp cho chỗ ở. Các đệ tử của ông, vài chục người, đều mặc áo lông, bện dép, dệt chiếu để kiếm sống.
Có đệ tử của Trần Lương là Trần Tương, cùng với em là Tân, vác cày và lưỡi cày từ nước Tống đến nước Đằng, nói: “Nghe nói vua thi hành nền chính trị của thánh nhân, vậy cũng là thánh nhân. Chúng tôi mong ước được làm dân của thánh nhân.”
Trần Tương gặp Hứa Hành thì rất vui mừng. Bèn bỏ hết cái học của mình [nơi Trần Lương], mà học theo Hứa Hành. Trần Tương ra mắt Mạnh Tử, nói về học thuyết của Hứa Hành rằng: “Vua nước Đằng thật là vua hiền. Tuy nhiên vua chưa nghe được đạo lý. Bậc hiền với dân đều cày ruộng kiếm ăn; tự nấu ăn sáng chiều mà cai trị. Nay, nước Đằng có các kho lẫm đầy thóc lúa; đó là tàn hại dân để nuôi mình. Sao là bậc hiền được?”
Mạnh Tử nói: “Hứa Tử chắc trồng lúa mà ăn chăng?”
Đáp: “Đúng thế.”
“Hứa Tử chắc dệt vải mà mặc chăng?”
Đáp: “Không phải. Hứa Tử mặc áo lông.”
“Hứa Tử đội mũ chứ?”
Đáp “Đội mũ.”
Hỏi: “Mũ gì?”
Đáp: “Mũ lụa trắng.”
Hỏi: “Tự dệt lấy chăng?”
Đáp: “ Không phải. Đem lúa đổi lấy mũ.”
Hỏi: “Sao Hứa Tử không tự dệt?”
Đáp: “ Có hại cho việc cày cấy.”
Hỏi: “Hứa Tử có lấy nồi đồng, nồi đất thổi nấu, có lấy đồ sắt để cày cấy chăng?”
Đáp: “Đúng thế.”
“Tự làm lấy những thứ ấy chăng?”
Đáp: “ Không phải. Đem lúa đổi lấy những thứ ấy.”
Mạnh Tử nói: “Đem lúa đổi lấy những dụng cụ nấu nướng và cày cấy, không gây điều dữ cho những thợ gốm, thợ đúc; những thợ gốm, thợ đúc cũng đem các dụng cụ của mình đổi lấy lúa, lẽ nào gây điều dữ cho nhà nông sao? Vả lại, Hứa Tử sao chẳng làm thợ gốm, thợ đúc để giữ những đồ gốm, đồ đúc ấy trong nhà mà dùng? Sao phải rắc rối trao đổi với các ngành công nghệ? Hứa Tử không sợ phiền nhiễu sao?”
Đáp: “Làm việc của các ngành công nghệ, lại không thể cày cấy được.”
Mạnh Tử nói: “Vậy thì cai trị thiên hạ, một mình lại có thể cày cấy được ư? Có việc của bậc đại nhân, có việc của kẻ tiểu nhân. Vả lại, thân xác một con người phải cần đầy đủ chức năng của các ngành công nghệ; nếu như tự mình làm lấy mà dùng sẽ khiến cho thiên hạ sống ngoài đường (chạy ngược chạy xuôi) vậy. Cho nên mới nói: ‘Có người lao nhọc tâm trí, có kẻ lao nhọc sức lực. Người lao tâm thì cai trị người khác; kẻ lao lực thì được người khác cai trị. Kẻ được người cai trị thì nuôi người; kẻ cai trị người thì được người nuôi.’ Đó là nghĩa lý phổ thông trong thiên hạ vậy.
“Đương thời vua Nghiêu, thiên hạ còn chưa được bình yên. Nước lụt tràn lan, ngập khắp thiên hạ. Cây cỏ tha hồ sum suê. Chim muông sinh sản đông đúc. Năm giống lúa không thể cho kết quả. Chim muông lấn áp con người. Đường đi của móng chân thú, vết chân chim đan nhau khắp trong nước.
“Vua Nghiêu một mình lo nghĩ, mới cất nhắc ông Thuấn để mở rộng việc cai trị. Vua Thuấn sai ông Ích phụ trách về lửa. Ông Ích dùng lửa mạnh thiêu đốt các núi đầm. Chim muông chạy trốn. Ông Vũ đào khoét chín con sông, khơi sông Tế, sông Đạp cho chảy vào biển; vét sông Nhữ, sông Hán, bới sông Hoài, sông Tứ cho chảy vào sông Giang.
“Sau đó, Trung Quốc mới có thể khai thác kiếm ăn. Trong thời gian ấy, ông Vũ tám năm ở ngoài; ba lần đi ngang qua cửa nhà mình mà không vào. Tuy muốn cày cấy liệu có được chăng? Ông Hậu Tắc dạy dân cấy gặt, trồng tỉa năm giống lúa. Năm giống lúa chín thì dân chúng mới được nuôi nấng.
“Người ta phải có đạo lý; ăn no mặc ấm, ở nhàn mà không được dạy dỗ thì gần giống chim muông. Thánh nhân có sự lo nghĩ, nên khiến ông Tiết làm quan Tư Đồ (phụ trách lễ giáo), lấy luân lý làm người mà dạy dỗ: cha con có tình thân, vua tôi có tình nghĩa, vợ chồng có phân biệt, người lớn trẻ nhỏ có thứ tự, bạn bè có niềm tin nhau.
Ông Phóng Huân (vua Nghiêu) nói: ‘Hãy an ủi, vỗ về, sửa cho chính đính, sửa cho thẳng thắn, giúp rập, nâng đỡ, khiến dân tự thành tựu, lại theo nhau tiến lên bậc đạo đức.’ Thánh nhân lo lắng cho dân như thế, còn rảnh rỗi đâu mà cày cấy?
“Vua Nghiêu lấy việc không mời được ông Thuấn làm mối lo lắng. Vua Thuấn lấy việc không mời được ông Vũ, ông Cao Dao làm mối lo lắng. Này, lấy trăm mẫu ruộng không dễ làm mối lo lắng, đó là nhà nông vậy.
“Lấy của cải phân phát cho người gọi là huệ; lấy điều thiện dạy dỗ người gọi là trung thực. Vì thiên hạ mà mời được người, gọi là nhân. Cho nên đem thiên hạ trao cho người thì dễ, được người vì thiên hạ thì khó.
“Khổng Tử nói: ‘Lớn lao thay ông Nghiêu làm vua! Chỉ có Trời là lớn lao. Vua Nghiêu bắt chước Trời vậy. Bát ngát chừng nào! Dân không thể xưng tụng hết. Xứng đáng vua thay là ông Thuấn. Cao cả chừng nào! Có thiên hạ mà chẳng dính bén điều gì.’ Vua Nghiêu vua Thuấn cai trị thiên hạ, há không dùng hết tâm trí của mình sao? Cũng chẳng cùng tâm trí được vào việc cày cấy nữa.
“Ta nghe nói dùng xứ Hoa Hạ biến đổi xứ man di, chưa nghe nói biến thành man di. Trần Lương sinh ở nước Sở, vui mừng vì đạo lý của Chu Công, Trọng Ni (Khổng Tử), đã lên phương bắc học ở Trung Quốc. Các học giả phương bắc chưa ai có thể đi trước được ông. Ông ấy đáng gọi là nhà trí thức siêu quần. Anh em ông phụng sự (theo học) ông ấy được vài chục năm. Thầy chết, bèn đã phản bội.
“Ngày xưa Khổng Tử mất, ngoài ba năm, các học trò tỏ ra hết lòng; lúc sắp về, vào vái chào Tử Cống, cùng ngoảnh vào nhau mà khóc lóc đến mất cả tiếng; rồi sau mới về. Tử Cống quay lại cất nhà tại chỗ (bên mộ), ở đó ba năm sau mới về.
“Ngày khác, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du thấy Hữu Nhược hơi giống thánh nhân (Khổng Tử) muốn đem việc phụng thờ Khổng Tử mà thờ ông ấy; lại ép buộc cả Tăng Tử. Tăng Tử nói: ‘Không thể được. (cái món đồ) đã giặt ở sông Giang, sông Hán, rồi đem phơi dưới nắng thu, trắng trẻo biết bao, không gì có thể sánh được.”
“Ngày nay, có kẻ man di ở phương nam nói giọng như chim quyết, chẳng phải đạo lý của tiên vương, ông bội phản thầy ông (Trần Lương) mà học theo kẻ ấy (Hứa Hành), cũng là khác với Tăng Tử rồi. Ta nghe nói (có câu tục ngữ) ‘Ra khỏi hang tối, bay lên cây cao’, chưa nghe nói xuống khỏi cây cao mà chui vào hang tối (bỏ Trần Lương theo Hứa Hành).
“Thiên Lỗ Tụng (Kinh Thi) nói: ‘Các Rợ Nhung, Địch bị đánh dẹp; các nước Kinh, Thư bị trừng trị.’ (Lời của Chu Công). Nơi mà Chu Công đánh dẹp đó là nơi ông theo học; đó là biến đổi ra điều chẳng tốt vậy.”
---o0o---
Trần Tương nói: “Theo đường lối của Hứa Tử, giá hàng ở chợ không có hai, trong nước sẽ không có gian tà. Tuy sai một đứa nhỏ năm thước (khoảng một thước tây) đến chợ, chẳng có ai lừa gạt được. Vải lụa dài ngắn bằng nhau, giá sẽ như nhau. Sợi gai, sợi vải, tơ mịn, tơ thô nhẹ nặng bằng nhau, giá sẽ như nhau. Năm giống lúa nhiều ít bằng nhau,
giá sẽ như nhau. Giày dép lớn nhỏ bằng nhau, giá sẽ như nhau.”
Mạnh Tử nói: “Này, loài vật không đều nhau, đó là thực chất của loài vật. Hoặc hơn gấp năm; hoặc gấp mười, gấp trăm; hoặc gấp nghìn, gấp vạn. Ông đem chúng sánh bằng nhau, là gây rối loạn thiên hạ. Dép lớn, dép nhỏ cùng một giá, người ta há làm ra sao? Theo đường lối của Hứa Tử, sẽ khiến làm ra những cái giả trá mà thôi. Sao có khả năng cai trị quốc gia được?”
Bình lược: Bài này thuật lại cuộc đối thoại giữa Mạnh Tử và Trần Tương. Trần Tương trước kia là đệ tử của Trần Lương, một Nho sĩ nổi danh của nước Sở, giờ đây đã bỏ thầy cũ mà đi theo học thuyết của Hứa Hành. Trao đổi với Trần Tương, Mạnh Tử đã kịch liệt phi bác học thuyết Hứa Hành bằng những lý luận xác đáng và đanh thép. Mạnh Tử đã khôn ngoan vạch ra sự sai lầm của học thuyết Hứa Hành bằng cách nêu ra một loạt câu hỏi để cuối cùng cho rằng Hứa Hành không biết đến sự phân công trong xã hội loài người.
Trong nhu cầu phân công của xã hội, có người làm vua quan cai trị, có người làm lính bảo vệ biên cương, có người làm thầy dạy học, có người canh tác đất đai sản xuất lương thực, có người chuyên môn nấu nướng để tạo nên những bữa ăn ngon cho mọi người... Trong cuộc phân công đó, có người lao tâm, có kẻ lao lực; công việc nào cũng có cái khó, có cái dễ. Người lao tâm tuy được kẻ lao lực nuôi, nhưng lại phải đắn đo suy nghĩ, nhiều khi mất ăn, mất ngủ... Kẻ lao lực sau những công việc nhọc nhằn thể xác lại được giấc ngủ ngon lành, tâm trí thảnh thơi.
Học thuyết của Hứa Hành chỉ biết đề cao việc canh nông và đánh đồng tất cả mọi vật là một lý thuyết không tưởng, sai lầm nặng nề, chẳng đáp ứng được nhu cầu tiến hoá và hạnh phúc của nhân loại. Ngoài sai lầm thượng tôn nghề nông, Hứa Hành còn mắc lỗi lầm nặng nữa là muốn đồng nhất giá cả trên thị trường, cho mọi thứ cùng một giá trị. Đánh đồng hết cả là mắc vào cái lỗi mà Trang Tử đã chỉ trích trong Nam Hoa Kinh: Cưa giò hạc cho bằng chân vịt, hay kéo dài chân vịt cho bằng giò hạc; đàng nào cũng khốn khổ.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu