Astrology.vn - Ba mục tiêu hệ trọng của việc chính trị là: Thứ, Phú, Giáo; trong đó Thứ đứng đầu. Thứ là làm cho dân phát triển đông đúc. Phú là làm cho dân giàu có của cải, đầy đủ tiện nghi. Giáo là dạy bảo dân về đạo đức lễ nghĩa, điều chỉnh phong tục cho tốt đẹp. Một khi đất nước đã dồi dào thực phẩm, tài nguyên củi gỗ thừa thãi, bấy giờ dân chúng được thịnh vượng lên; người sống được nuôi nấng tử tế, kẻ chết được an táng hẳn hoi và trong dân sẽ không còn tiếng than oán nhà nước nữa. Được như vậy, ấy là nền chính trị Vương đạo đã tiến hành.

 

3

Lương Huệ Vương nói: “Quả nhân trị nước đã hết lòng rồi. Hà Nội bị mất mùa, thì dời dân sang Hà Đông, lại đem thóc lúa tới Hà Nội. Hà Đông bị mất mùa, cũng thế. Xem xét sự cai trị của nước láng giềng, không được như dụng tâm của quả nhân. Thế mà dân nước láng giềng không ít hơn; dân của quả nhân không nhiều hơn. Sao vậy?”

Mạnh Tử đáp rằng: “Vua thích chiến trận, xin lấy chiến trận làm thí dụ. Trống nổi râm ran, binh khí giáo kích đã giao đấu. Thế rồi cởi bỏ áo giáp, kéo lê binh khí mà chạy. Có bọn dừng lại sau trăm bước; có bọn dừng lại sau năm chục bước. Lấy bọn năm chục bước cười bọn trăm bước thì thế nào?”

Trả lời: “Không thể cười được. Chẳng qua là không chạy được tới trăm bước thôi. Ấy cũng là bỏ chạy cả.”

Nói tiếp: “Như vua đã biết điều ấy, thì đừng mong dân đông hơn nước láng giềng.

“Nếu không vi phạm vào thời gian nông vụ, thóc lúa không thể nào ăn hết. Nếu không thường xuyên thả lưới vào ao hồ, cá, ba ba không thể nào ăn hết. Búa rìu mà vào núi rừng đúng thời vụ, củi gỗ không thể dùng hết. Thóc lúa cùng với cá, ba ba không thể ăn hết, củi gỗ không thể dùng hết; thế là khiến dân nuôi được người sống, chôn được kẻ chết, không còn sầu oán nữa. Nuôi được người sống, chôn được kẻ chết, không còn sầu oán, ấy là khởi đầu cho nền vương đạo vậy.

“Được năm mẫu đất ở, lấy dâu tằm trồng trọt, thì người năm mươi tuổi có thể được mặc lụa. Những vật nuôi như gà, heo, chó, heo nái mà không mất thời vụ sinh sản, thì người bảy mươi tuổi có thể được ăn thịt. Được ruộng trăm mẫu mà thời vụ đừng bị chiếm đoạt, thì mấy người trong nhà có thể không bị đói ăn. Nếu cẩn thận mở trường huyện, trường làng để giáo dục, bày tỏ nghĩa lý hiếu đễ, thì những người tóc hoa râm không phải vác đội ngoài đường xá. Người bảy mươi tuổi mặc lụa, ăn thịt, dân đen không bị đói, bị rét; thế mà không thịnh vượng, chưa hề có vậy.

“Bọn ‘chó heo’ ăn đồ ăn của người mà không biết kiềm chế, ngoài đường có người chết đói mà không biết phát chẩn. Người ta chết, thì nói rằng: chẳng phải tại ta, tại mùa màng thôi. Thế thì có khác gì kẻ đâm người cho chết lại nói: chẳng phải tại ta, tại binh khí thôi!

“Vua mà không đổ lỗi cho mùa màng, ấy là dân trong thiên hạ sẽ kéo đến vậy.”

Bình lược: Ba mục tiêu hệ trọng của việc chính trị là: Thứ, Phú, Giáo; trong đó Thứ đứng đầu. Thứ là làm cho dân phát triển đông đúc. Phú là làm cho dân giàu có của cải, đầy đủ tiện nghi. Giáo là dạy bảo dân về đạo đức lễ nghĩa, điều chỉnh phong tục cho tốt đẹp. Một khi đất nước đã dồi dào thực phẩm, tài nguyên củi gỗ thừa thãi, bấy giờ dân chúng được thịnh vượng lên; người sống được nuôi nấng tử tế, kẻ chết được an táng hẳn hoi và trong dân sẽ không còn tiếng than oán nhà nước nữa. Được như vậy, ấy là nền chính trị Vương đạo đã tiến hành.

Vương đạo là nền cai trị của các vua hiền ngày xưa, không chỉ chăm chăm mưu cầu phú quý cho gia đình, dòng tộc, mà lấy hạnh phúc của dân làm trọng, lấy sự thái bình an lạc của đất nước làm mục tiêu. Bọn “chó heo” mà Mạnh Tử nói ở đây chính là ám chỉ bọn “tham quan lại nhũng” mà dân chúng thường gọi là “quân cẩu trệ”. Bọn tham nhũng đã ăn hại công quỹ mà nhà vua không biết kiềm chế, kiểm tra; đến nỗi dân chúng khốn cùng. Ngoài đường có người chết đói mà nhà nước không phát chẩn cứu giúp. Tai họa xảy ra cho dân như thế nhưng nhà cầm quyền không chịu nhận lỗi, lại đổ tại mất mùa, thiên tai. Cho dù thỉnh thoảng có bị mất mùa, thì nhà nước phải biết tiên liệu mà sắp sẵn kho dự trữ để cứu tế. Nếu nhà vua biết nhận ra sự sai trái, sự kém cỏi của mình mà chấn chỉnh; bấy giờ dân trong thiên hạ sẽ ùa về qui phục. Làm sao dân không đông đúc, nước không cường thịnh?

(t/h)

Hương Sơn Dã Phu