Astrology.vn - “Biện chứng của tự nhiên” là tác phẩm triết học chưa hoàn thành của F. Engels, xuất bản lần đầu tiên ở Liên Xô (1925). Tác phẩm này gồm một số bút ký (1873-1886) dành cho việc nghiên cứu những vấn đề quan trọng nhất vể phép biện chứng của khoa học tự nhiên.

Engels cho rằng triết học duy vật biện chứng phải dựa trên cơ sở khái quát những kết quả quan trọng của nhất của các khoa học tự nhiên, và các khoa học tự nhiên, đến lượt mình, chỉ có thể phát triển có kết quả trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng. “Biện chứng của tự nhiên” bao hàm một sự nghiên cứu triết học sâu sắc về lịch sử và những vấn đề quan trọng nhất của khoa học tự nhiên, phê phán chủ nghĩa máy móc, phương pháp siêu hình và cả những quan niệm của chủ nghĩa duy tâm và thuyết không thể biết trong khoa học tự nhiên. Là người am hiểu sâu sắc khoa học đương thời, Engels đã chỉ rõ quan điểm siêu hình về tự nhiên đang bị sụp đổ từ bên trong do bản thân sự phát triển của khoa học và buộc phải nhường chỗ cho phương pháp biện chứng như thế nào và các nhà khoa học tự nhiên ngày càng phải chuyển từ tư duy siêu hình  sang tư duy biện chứng ra sao. Engels đã phát triển học thuyết duy vật biện chứng về những “hình thức vận động của vật chất”; căn cứ vào đó, ông đã nghiên cứu các nguyên tắc phân loại các khoa học tự nhiên, đã đưa ra một sự phân loại cụ thể của mình mà ông dùng làm cơ sở cho “Biện chứng của tự nhiên”.

Engels đã nghiên cứu sâu sắc về mặt triết học những quy luật cơ bản trong sự phát triển của khoa học tự nhiên, đã vạch ra tính chất biện chứng của những quy luật đó. Chỉ rõ ý nghĩa của định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, ông đã nghiên cứu nguyên lý thứ hai của nhiệt động học và vạch trần tính chất giả dối của các kết luận cho rằng tuồng như vũ trụ đang đi đến sự chết nhiệt. Engels đã phân tích sâu sắc học thuyết của C. Darwin về nguồn gốc các loài, đã chỉ rõ rằng nội dung chủ yếu của nó – lý luận về sự phát triển – là hoàn toàn phù hợp với phép biện chứng duy vật. Engels đã chú ý rất nhiều đến việc nghiên cứu vấn đề vai trò của “lao động” trong sự hình thành con người, Ông cũng chỉ ra rằng những khái niệm toán học và phép toán phản ánh những quan hệ của các sự vật và các quá trình trong bản thân giới tự nhiên, có những nguyên hình hiện thực của chúng trong tự nhiên, và vạch rõ rằng việc sử dụng lượng biến thiên có nghĩa là đem phép học biện chứng thâm nhập vào toán học.

Trong “Biện chứng của tự nhiên”, Engels nghiên cứu vấn đề mối tương quan giữa ngẫu nhiên và tất yếu, đã bóc trần tính sai lầm của quan điểm máy móc cũng như quan điểm duy tâm, và dựa trên những tài liệu của học thuyết Darwin, đã chỉ rõ bản thân khoa học tự nhiên đang cụ thể hóa những nguyên lý của phép biện chứng như thế nào. Do khoa học có tiến bộ, nên một số phần riêng biệt trong “Biện chứng của tự nhiên” đề cập đến những vấn đề chuyên môn của khoa học tự nhiên, không thể không lỗi thời; song thái độ duy vật biện chứng của Engels đối với việc phân tích những vấn đề của khoa học tự nhiên và việc tổng kết về mặt triết học những vấn đề đó vẫn giữ nguyên những ý nghĩa của nó trong điều kiện ngày nay.

Nhiều nguyên lý của “Biện chứng của tự nhiên” đã dự đoán được sự phát triển của khoa học tự nhiên trong hàng chục năm sau. Tác phẩm này là một mẫu mực của thái độ biện chứng đối với những vấn đề phức tạp của khoa học tự nhiên.

(t/h)

Triết Học – ASTROLOGY.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BIỆN CHỨNG DUY VẬT

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: CÁI BI

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BÊN TRONG và BÊN NGOÀI

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: TÍNH BẤT BIẾN và BIỂU HIỆN BỀ NGOÀI

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN NĂNG LƯỢNG