Astrology.vn - Thẩm Đồng là bề tôi của vua Tề; nhân chỗ giao tình riêng giữa ông và Mạnh Tử, ông đã hỏi xem có nên đánh nước Yên không. Mạnh Tử cho rằng nên. Những việc bất hợp pháp giả định ở nước Tề, so sánh với việc bất hợp pháp ở nước Yên nào có khác gì nhau. Những việc ấy mà xảy ra ở triều đình nước Tề, thì vua biến thành bù nhìn và nước Tề sẽ rối loạn. Việc ấy xảy ra ở nước Yên, thì Thiên tử nhà Chu biến thành bù nhìn và thiên hạ sẽ rối loạn. Vì thế, nước Yên nên bị trách phạt là việc lặp lại kỷ cương cho thiên hạ.
8
Thẩm Đồng lấy tình riêng hỏi rằng: “Nước Yên có nên đánh chăng?”
Mạnh Tử nói: “Nên. Tử Khối (vua Yên) chẳng được phép trao nước Yên cho người. Tử Chi (một bề tôi nước Yên) chẳng được phép nhận nước Yên ở Tử Khối. Giá như có một viên quan ở đây, ưa thích ông, không báo cáo cho vua mà tự mình trao tước lộc cho ông. Này, lại có kẻ sĩ, cũng không có lệnh vua mà tự nhận tước lộc ở ông; thì có thể được chăng? Sao lại khác biệt ở những trường hợp đó?”
Người nước Tề đánh nước Yên. Có người hỏi (Mạnh Tử) rằng: “Ông khuyên nước Tề đánh nước Yên, có phải chăng?”
Mạnh Tử nói: “Chưa hề. Thẩm Đồng hỏi nước Yên có nên đánh chăng. Ta đáp rằng nên. Do đó mà có chuyện đánh. Người ấy (Thẩm Đồng) mà nói như thế này: Ai có thể đánh được? Ắt ta sẽ đáp rằng: Là Thiên lại (quan của Trời) thì có thể đánh được .
“Nay có kẻ giết người; có người hỏi rằng: kẻ ấy nên giết chăng? Ắt ta sẽ đáp rằng: Nên. Người ấy mà nói như thế này: Ai có thể giết được? Ắt ta sẽ đáp rằng: là quan sĩ sư (phụ trách hình pháp) thì có thể giết được. Nay đem nước Yên đánh nước Yên, sao ta lại khuyên điều ấy chứ?”
Bình lược: Thẩm Đồng là bề tôi của vua Tề; nhân chỗ giao tình riêng giữa ông và Mạnh Tử, ông đã hỏi xem có nên đánh nước Yên không. Mạnh Tử cho rằng nên.
Những việc bất hợp pháp giả định ở nước Tề, so sánh với việc bất hợp pháp ở nước Yên nào có khác gì nhau. Những việc ấy mà xảy ra ở triều đình nước Tề, thì vua biến thành bù nhìn và nước Tề sẽ rối loạn. Việc ấy xảy ra ở nước Yên, thì Thiên tử nhà Chu biến thành bù nhìn và thiên hạ sẽ rối loạn. Vì thế, nước Yên nên bị trách phạt là việc lặp lại kỷ cương cho thiên hạ.
Trong tình thế thời Chiến Quốc lúc bấy giờ, nước Tề cũng vô đạo như nước Yên, vậy thì nước Tề cũng là nước Yên. Chẳng lẽ Mạnh Tử là một hiền triết lại đi khuyên nước Yên đánh nước Yên hay sao? Đâu có sự mâu thuẫn trong tâm tư một hiền triết như thế được.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu