Astrology.vn - Biện chứng là khoa học về những quy luật phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Phép biện chứng đã có lịch sử lâu dài trước khi đạt đến quan niệm khoa học, và bản thân khái niệm biện chứng cũng đã nảy sinh trong một quá trình cải biến và thậm chí vượt qua ý nghĩa ban đầu của thuật ngữ này.

 

Thoạt đầu, thuật ngữ này chia nghệ thuật đối thoại và tranh luận: (1) tài năng tranh luận bằng cách hỏi đáp; (2) nghệ thuật phân loại các khái niệm, phân chia các sự vật thành chủng và loại.

Ngay triết học cổ đại cũng đã nhấn mạnh rất nhiều đến tính biến đổi của vạn vật, hiểu hiện thực là một quá trình, làm sáng rõ vai trò của sự chuyển hóa mọi tính chất thành mặt đối lập trong quá trình đó (Hê-ra-clít, một phần nào là những nhà duy vật phái Mi-lê, phái Pitago). Những công trình nghiên cứu như thế vẫn chưa dùng đến thuật ngữ “biện chứng”. A-ri-xtốt coi Dê-nông ở Ê-lê là người phát minh ra biện chứng, người đã phân tích những mâu thuẫn nảy sinh khi thử suy nghĩ về những khái niệm vận động và số nhiều. Bản thân A-ri-xtốt phân biệt “biện chứng” với “phân tích”, coi phép biện chứng là khoa học về những ý kiến có tính xác suất khác với khoa học về chứng minh. Pla-lôn đính nghĩa tồn tại chân thực là cái đồng nhất và cái bất biến, tuy nhiên, ông đã luận chứng những kết luận có tính biện chứng rằng chỉ có thể hình dung các loại tồn tại cao cấp bằng cách coi mỗi loại trong đó vừa hiện tồn vừa không hiện tồn, vừa bằng bản thân nó vừa không bằng bản thân nó, đồng nhất với bản thân nó và chuyển thành “cái khác” của nó. Vì vậy, tồn tại bao hàm các mâu thuẫn: nó là duy nhất và nhiều, vĩnh viễn và tạm thời, bất biến và khả biến, đứng im và vận động. Mâu thuẫn là điều kiện cần thiết để kích thích linh hồn suy tư. Nghệ thuật đó, theo Pla-tôn, chính là nghệ thuật biện chứng.

Trong triết học của xã hội phong kiến-chủ nghĩa kinh viện, người ta bắt đầu gọi logic hình thức, một bộ môn đối lập với tu từ học, là phép biện chứng. Trong thời kỳ phục hưng, Ni-cô-lai Cu-da và Bru-nô nêu lên những tư tưởng biện chứng về “sự trùng hợp của các mặt đối lập”. Trong thời cận đại, bất chấp sự thống trị của “siêu hình học”, Đê-các-tơ và Xpi-nô-da đã đem lại những hình mẫu về tư duy biện chứng. Vào thế kỷ 18 ở Pháp, Rút-xô và Đi-đơ-rô nổi bật lên nhờ những tư tưởng biện chứng phong phú. Rút-xô khảo cứu những mâu thuẫn, coi đó là điều kiện của sự phát triển lịch sử; Đi-đơ-rô, ngoài ra, còn nghiên cứu những mâu thuẫn trong ý thức xã hội đương thời.

Trước Mác, chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức là một giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển phép biện chứng; khác với chủ nghĩa duy vật siêu hình, chủ nghĩa duy tâm ấy không chỉ coi hiện thực là đối tượng của nhận thức, mà còn coi hiện thực là đối tượng của hoạt động. Đồng thời, việc không hiểu rõ cơ sở chân chính, vật chất của nhận thức và của hoạt động của chủ thể đã làm cho những tư tưởng biện chứng của các nhà duy tâm Đức bị hạn chế và sai lầm. Can-tơ là người đầu tiên đã kịch liệt đả kích siêu hình học. Ông đã chỉ ra ý nghĩa của những lực lượng đối lập trong các quá trình vật lý và tinh nguyên, và là người đầu tiên sau Đê-các-tơ, đã đưa tư tưởng phát triển vào sự nhận thức tự nhiên. Trong lý luận nhận thức, Can-tơ phát triển những tư tưởng biện chứng trong học thuyết về “An-ti-nô-mi”. Tuy nhiên, phép biện chứng của lý tính, theo Can-tơ, là một ảo tưởng, và nó bị loại trừ ngay khi tư tưởng quay trở lại những giới hạn của nó, những giới hạn bị hạn chế bởi việc chỉ nhận thức các hiện tượng. Theo sau Can-tơ, Sen-linh phát triển quan niệm biện chứng về những quá trình của tự nhiên.

Phép biện chứng duy tâm của Hê-ghen là đỉnh cao trong sự phát triển của phép biện chứng trước Mác. Hê-ghen “lần đầu tiên đã quan niệm toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần dưới hình thức một quá trình, tức là trong sự vận động không ngừng, biến đổi, cải tạo và phát triển, và cố gắng vạch ra mối liên hệ bên trong của sự vận động và phát triển đó” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tiếng Nga, t.20, tr 23). Kết quả của phép biện chứng của Hê-ghen đã vượt xa cái ý nghĩa mà chính ông đã dành cho nó. Học thuyết của Hê-ghen về việc mọi cái đều tất yếu dẫn đến sự phủ định bản thân mình, bao hàm cái nhân tố cách mạng hóa cuộc sống và tư tưởng; do đó, các nhà tư tưởng tiên tiến coi phép biện chứng của Hê-ghen là “đại số học của cách mạng” (Ghéc-txen).

Chỉ có C.Mác và Ph.Ăng-ghen mới sáng tạo ra được một quan niệm thực sự khoa học về phép biện chứng. Sau khi vứt bỏ nội dung duy tâm của triết học Hê-ghen, hai ông đã xây dựng phép biện chứng trên cơ sở quan niệm duy vật chủ nghĩa về quá trình lịch sử và sự phát triển của nhận thức, trên cơ sở tổng kết những quá trình hiện thực đang xảy ra trong tự nhiên, trong xã hội và tư duy. Trong phép biện chứng khoa học, những quy luật phát triển của tồn tại và của nhận thức được kết hợp một cách hữu cơ, bởi vì những quy luật đó về nội dung là đồng nhất, chỉ khác nhau về hình thức. Vì vậy, phép biện chứng duy vật không chỉ là học thuyết “bản thể luận”, mà còn là học thuyết nhận thức luận, là logic học xem xét tư duy và nhận thức một cách như nhau trong sự hình thành và phát triển, bởi vì các sự vật và hiện tượng là cái mà chúng đang hình thành trong quá trình phát triển, và trong những sự vật và hiện tượng đó đã sẵn có tương lai của chúng với tính cách là xu thế, cái mà chúng sẽ trở thành. Với ý nghĩa đó, cả “lý luận nhận thức” cũng được phép biện chứng duy vật coi là lịch sử khái quát của nhận thức, và mỗi khái niệm, mỗi phạm trù, mặc dù có tính chất phổ biến nhất vẫn mang dấu ấn của tính lịch sử.

Phạm trù chủ yếu của phép biện chứng duy vật là phạm trù “mâu thuẫn”. Trong học thuyết về mâu thuẫn, phép biện chứng duy vật phát hiện động lực và nguồn gốc của mọi sự phát triển; trong đó chứa đựng cái chìa khóa để mở tất cả những phạm trù và những nguyên tắc khác của sự phát triển biện chứng: sự phát triển bằng con đường chuyển hóa những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất, sự gián đoạn của tính tiệm tiến, bước nhảy vọt, sự phủ định thời điểm ban đầu của sự phát triển và sự phủ định bản thân sự phủ định đó, sự lặp lại một số mặt, một số đặc điểm của trạng thái ban đầu trên cơ sở cao hơn. Chính quan niệm như thế về sự phát triển đã phân biệt phép biện chứng với mọi loại quan điểm tiến hóa tầm thường đặc trưng cho những lý luận tư sản và cải lương hiện đại.

Phép biện chứng duy vật là phương pháp triết học nghiên cứu tự nhiên và xã hội. Chỉ theo quan điểm của phép biện chứng mới có thể hiểu được con đường hình thành phức tạp, đầy mâu thuẫn, của chân lý khách quan, mối quan hệ của những yếu tố tuyệt đối và tương đối, ổn định và biến đổi, những sự chuyển hóa từ những hình thức khái quát này sang hình thức khái quát sâu sắc hơn, trên mỗi giai đoạn phát triển của khoa học. Thực chất cách mạng phép biện chứng duy vật, không dung hòa với bất cứ sự trì trệ và bất động nào, làm cho phép biện chứng duy vật trở thành công cụ cải tạo thực tiễn xã hội, giúp tính toán một cách khách quan tới những yêu cầu lịch sử của sự phát triển xã hội, tình trạng những hình thức cũ không phù hợp với nội dung mới, sự cần thiết phải chuyển đến những hình thức cao thúc đẩy sự tiến bộ của loài người. Chiến lược và sách lược đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản được xây dựng hoàn toàn phù hợp với thế giới quan duy vật biện chứng.

(t/h)

Triết Học – ASTROLOGY.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: CÁI BI

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BÊN TRONG và BÊN NGOÀI

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: TÍNH BẤT BIẾN và BIỂU HIỆN BỀ NGOÀI

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN NĂNG LƯỢNG

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: NGUYÊN LÝ BẢO TOÀN