Astrology.vn - Bản chất là ý nghĩa của một sự vật nhất định, cái mà tự bản thân nó vốn là như vậy, khác với mọi sự vật khác và khác với những tình trạng hay biến đổi của sự vật do ảnh hưởng của hoàn cảnh này khác.

Khái niệm “bản chất” rất quan trọng đối với mọi hệ thống triết học, đối với việc phân biệt chúng trong việc giải quyết vấn đề: bản chất có quan hệ với tồn tại như thế nào và bản chất của các sự vật có quan hệ với ý thức, tư duy như thế nào. Chủ nghĩa duy tâm khách quan cho rằng tồn tại, thực tại và thực tồn là phụ thuộc vào bản chất các sự vật; bản chất đó được giải thích như là một cái gì độc lập, bất biến và tuyệt đối. Trong trường hợp này, thì bản chất các sự vật cấu thành hiện thực lý tưởng đặc biệt, tự sản sinh ra mọi sự vật và điều khiển chúng (Heghen, Platon). Đối với các khuynh hướng duy tâm chủ quan thì bản chất là vật sáng tạo của chủ thể chiếu bản chất bên ngoài bản thân mình và thể hiện các bản chất đó dưới hình thức các sự vật.

Quan điểm đúng đắn duy nhất là thừa nhận thực tại của bản chất khách quan của các sự vật và sự phản ánh nó trong ý thức. Bản chất không ở bên ngoài các sự vật, mà ở bên trong chúng và thông qua chúng, với tư cách là các đặc tính chỉ yếu chung của chúng, quy luật của chúng. Còn nhận thức của con người thì dần dần nắm được bản chất của thế giới khách quan, ngày càng đi sâu vào bản chất ấy. Hiểu biết đó được dùng để tác dụng ngược trở lại thế giới khách quan nhằm mục đích cải tạo nó trên thực tiễn (so sánh với Bản chất và hiện tượng, hiện thực, thực tại).

Bản chất và hiện tượng

Bản chất và hiện tượng là hai phạm trù triết học phản ánh các mặt yếu tố phổ biến của mọi khách thể và quá trình trong thế giới. Bản chất là toàn bộ những mối liên hệ, quan hệ sâu sắc và các quy luật bên trong quyết định những đặc điểm và khuynh hướng phát triển cơ bản của hệ thống vật chất. Hiện tượng là những sự kiện, đặc tính hoặc quá trình cụ thể, thể hiện các mặt bên ngoài của hiện thực và là hình thức thể hiện và biểu lộ ra của bản chất nào đó. Hai phạm trù bản chất và hiện tượng bao giờ cũng gắn chặt với nhau.

Trong thế giới, không có bản chất nào mà lại không biểu lộ ra bên ngoài và không thể nhận thức được, cũng như không có hiện tượng nào mà lại không bao hàm sự thông tin nào về bản chất. Song, sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng không có nghĩa là sự trùng hợp giữa chúng, vì bản chất bao giờ cũng ẩn dấu dưới cái vỏ hiện tượng bề ngoài, và nó nằm càng sâu thì việc nhận thức nó trong lý luận lại càng khó khăn và lâu dài: nếu hình thức thể hiện bản chất của sự vật trực tiếp đồng nhất với nhau thì mọi khoa học sẽ trở nên thừa. Chỉ có thể nhận thức được bản chất trên cơ sở tư duy trừu tượng và xây dựng lý luận về quá trình được nghiên cứu. Việc nhận thức đó là một bước nhảy vọt về chất từ trình độ nhận thức cảm tính sang trình độ nhận thức lý tính, là gắn liền với việc vạch ra cái chủ yếu và quyết định trong các sự vật, với việc trình bày các quy luật phát triển của chúng. Trong quá trình nhận thức bản chất diễn ra bước chuyển đổi từ chỗ xác nhận và mô tả hiện tượng bề ngoài tới chỗ giải thích nó, vạch ra những nguyên nhân và căn cứ của nó.

Một trong những tiêu chuẩn nhận thức bản chất là khả năng thấy trước được những sự kiện sau này trên cơ sở những quy luật biến đổi đã được xác định rõ của chúng. Có thể coi là đã nhận thức được bản chất nếu như biết được những nguyên nhân phát sinh và những nguồn gốc phát triển của đối tượng nghiên cứu, vạch ra con đường tạo lập nó hoặc tái tạo nó về mặt kỹ thuật, nếu như trong lý luận hoặc trên thực tiễn xây dựng được mô hình xác thực của nó (mô hình hóa) mà những đặc tính của mô hình đó phù hợp với những đặc tính của nguyên bản. Nhận thức được bản chất sẽ tạo được khả năng tách được nội dung khách quan thực sự của hiện tượng ra khỏi cái vẻ bề ngoài của nó, gạt bỏ được yếu tố xuyên tạc và tính chủ quan trong nghiên cứu.

Khi vạch rõ được bản chất, nhiệm vụ của nhận thức chưa phải là đã hết. Cần phải luận chứng và giải thích trên quan điểm nhân quả những quy luật đã được hình thành trước đấy, những quy luật thể hiện bản chất: tại sao các quy luật ấy lại có chính cái bản chất đó, chứ không phải một bản chất nào khác, cái gì quyết định những ranh giới hoạt động của chúng… Giải quyết các vấn đề đó có nghĩa là nhận thức các mối liên hệ qua lại và các quy luật chung hơn và sâu sắc hơn của tồn tại mà do đó các quy luật và quá trình đã tìm ra trước biểu hiện ra dưới dạng những biểu hiện riêng của chúng. Thế là chuyển qua một bản chất sâu hơn, trên những trình độ kết cấu vật chất mới. Trong mối quan hệ qua lại giữa bản chất và hiện tượng bộc lộ những biện chứng giữa tính thống nhất và tính nhiều vẻ. Cùng một bản chất có thể có nhiều biểu hiện khác nhau, cũng như mỗi hiện tượng khá phức tạp đều có thể là hình thức biểu hiện của một số bản chất thuộc những trình độ kết cấu vật chất khác nhau. Bản chất bao giờ cũng ổn định hơn so với hiện tượng là cái vốn có tính cơ động và hay biến đổi. Nhưng rốt cuộc, cả bản chất của mọi hệ thống và quá trình trong thế giới cũng biến đổi phù hợp với sự phát triển chung của tự nhiên. Sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng chỉ là tương đối. Mọi khoa học chỉ đạt được sự chín muồi và hoàn thiện, khi nó vạch ra được bản chất các hiện tượng mà nó nghiên cứu và có khả năng thấy trước được sự biến đổi trong tương lai không những trong phạm vi hiện tượng, mà cả trong phạm vi bản chất nữa. Thuyết không thể biết đã sai lầm khi tách hẳn bản chất ra khỏi hiện tượng, coi bản chất là “vật tự nó” không thể nhận thức được, dường như là không bộc lộ ra trong hiện tượng và nhận thức không thể nào đạt tới nó được. Các nhà duy tâm gán cho bản chất các sự vật cái nội dung tình thần, quan niệm, đồng thời coi nội dung đó là cái thứ nhất so với các vật thể.

(t/h)

Triết Học – ASTROLOGY.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BÁI VẬT GIÁO

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: ẢO TƯỞNG

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: ÂM DƯƠNG

> 12 CUNG HOÀNG ĐẠO: BẢO BÌNH - AQUARIUS (20/01 - 18/02)

> TỬ VI ĐẨU SỐ: Luận Mệnh Vô Chính Diệu

> Solar System Bodies: Saturn

> PHONG THỦY TỔNG HỢP: KHÍ - NGUỒN NĂNG LƯỢNG VŨ TRỤ TRONG KHU VƯỜN