Astrology.vn - Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và không trừ lĩnh vực nào.

Đạo đức khác với những hình thức điều chỉnh hoạt động cộng đồng khác (pháp quyền, những quy chế hành chính sản xuất, những sắc lệnh nhà nước, những truyền thống dân tộc…) ở phương thức luận chứng và thực hiện những yêu cầu của mình. Trong đạo đức, sự cần thiết xã hội, những nhu cầu, lợi ích của xã hội hoặc của các giai tầng biểu hiện dưới hình thức những quy định và những sự đánh giá đã được mọi người thừa nhận và thành hình một cách tự phát, được củng cố bằng sức mạnh của những “tấm gương” của cộng đồng, của thói quen, phong tục, dư luận xã hội. Cho nên, những yêu cầu của đạo đức mang hình thức bổn phận phải làm không riêng một ai, như nhau đối với tất cả, nhưng không chịu sự ra lệnh của ai cả. Những yêu cầu này có tính chất tương đối bền vững. Chúng khác phong tục đơn giản hoặc truyền thống đã được duy trì bởi sức mạnh của một trật tự đã ổn định, ở chỗ chúng có cơ sở tư tưởng dưới hình thức quan niệm về việc con người phải sống và phải cư xử như thế nào.

Đạo đức khác pháp luật ở một số điểm căn bản. Thứ nhất, việc mỗi người thực hiện những yêu cầu đạo đức là được tất cả mọi người kiểm tra, hơn nữa, uy tín đạo đức của một cá nhân không hề gắn liền với bất kỳ quyền hạn chính thức nào. Thứ hai, việc thực hiện các yêu cầu đạo đức chỉ được phê chuẩn bằng những hình thức tác động tinh thần (nhận xét của xã hội, tán thành hoặc lên án những hành vi đã được thực hiện). Điều này quy định vai trò của ý thức trong đạo đức là tương đối lớn hơn so với những hình thức kiểm tra khác của xã hội; đồng thời, ý thức đó có thể biểu hiện dưới hình thức duy lý của những khái niệm và phán đoán, cũng như dưới hình thức cảm xúc của tình cảm, động cơ, ham muốn.

Bên cạnh ý thức xã hội, ý thức cá nhân cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong đạo đức. Dựa vào những quan niệm đạo đức do xã hội đề ra, lĩnh hội những quan niệm đó trong quá trình giáo dục, với mức độ đáng kể, cá nhân có thể tự điều chỉnh hành vi của mình và tự nhận định về ý nghĩa đạo đức của tất cả những gì diễn ra xung quanh. Nhờ vậy, trong đạo đức, cá nhân thể hiện không chỉ với tư cách là khách thể, mà còn với tư cách là chủ thể có ý thức của sự kiểm tra xã hội, có nghĩa là nhân cách đạo đức.

Vốn là một thành tạo xã hội phức tạp, đạo đức bao gồm hoạt động theo quan điểm nội dung và động cơ của nó (việc mọi người thừa nhận phải cư xử như thế nào đó, hành vi của một tập hợp người, phong tục); những quan hệ đạo đức điều chỉnh hoạt động đó và được biểu hiện trong những hình thức khác nhau của bổn phận, của yêu cầu đối với con người (lương tâm, nghĩa vụ, phẩm cách, tiêu chuẩn đạo đức, trách nhiệm); ý thức đạo đức phản ánh những quan hệ trên ở dạng những quan niệm thích hợp (những tiêu chuẩn, những nguyên tắc, những lý tưởng xã hội và đạo đức, những khái niệm thiện ác, công bằng và bất công). Tất cả những hình thức này của ý thức đạo đức được hợp nhất thành hệ thống được sắp xếp một cách logic cho phép không chỉ quy định, mà còn luận chứng và đánh giá một cách nhất định những hành động đạo đức. Áp dụng vào những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đạo đức hình thành những quy tắc đặc biệt (đạo đức lao động, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức sinh hoạt, đạo đức gia đình…) mà những quy tắc này chỉ hợp thành những lĩnh vực tương đối độc lập có một luận cứ thống nhất của đạo đức.

Đạo đức là một hiện tượng mang tính lịch sử. Xuất hiện vào những trình độ hình thành ban đầu của xã hội loài người, đạo đức được phát triển trong tiến trình biến đổi các quan hệ về kinh tế và các quan hệ xã hội khác, trong tiến trình tiến bộ văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của loài người. Bên cạnh những yếu tố chung cho loài người, đạo đức bao gồm những tiêu chuẩn, những nguyên tắc, những lý tưởng… có tính chất nhất thời về lịch sử và có tính chất của một cộng đồng người cũng như giai tầng cụ thể trong xã hội.

(t/h)

Triết Học – ASTROLOGY.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: CHÍNH TRỊ

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: CƠ SỞ HẠ TẦNG - KIẾN TRÚC THƯỢNG TẦNG

> TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC: BỘ LẠC - BỘ TỘC

> 12 CUNG HOÀNG ĐẠO: BẢO BÌNH - AQUARIUS (20/01 - 18/02)

> PHONG THỦY TỔNG HỢP: NGŨ HÀNH TRONG PHONG THỦY CỦA KHU VƯỜN