Astrology.vn - Mạnh Tử khi đến các vua chư hầu thường có mấy chục cỗ xe theo sau với mấy trăm đệ tử tháp tùng. . Vấn đề ở đây là: ai làm công việc gì cho người khác, người ấy được nuôi ăn. Thợ rừng, thợ mộc... được nuôi ăn vì công việc của họ, chứ không phải vì chí hướng. Người quân tử dạy đạo lý cho người cũng cần được nuôi ăn vì công việc giảng dạy chứ không phải vì chí hướng giữ đạo.
4
Bành Canh hỏi rằng: “Mấy chục cỗ xe theo đằng sau xe thầy, mấy trăm người tháp tùng thầy, khiến cho vua chư hầu phải nuôi ăn, chẳng là thái quá sao?”
Mạnh Tử nói: “Chẳng phải có đạo, thì một giỏ lương thực cũng không nên nhận lãnh ở người. Nếu như giữ được đạo, thì vua Thuấn nhận thiên hạ của vua Nghiêu, đâu có gì thái quá. Ngươi cho là thái quá sao?” Đáp: “Không phải. Nhưng kẻ sĩ không làm việc gì mà ăn, thì không thể được.”
Mạnh Tử nói: “Ngươi mà không chấp nhận trao công đổi việc, đem cái thừa bù cho chỗ thiếu, thì nhà nông sẽ thừa thóc, phụ nữ sẽ thừa vải. Nếu như ngươi chấp nhận sự đổi chác, thì những thợ rừng, thợ mộc, thợ làm bánh xe, đóng xe... đều sẽ nhận được thực phẩm nơi ngươi. Ở đây có người, vào thì có hiếu, ra thì cư xử tốt, giữ đạo của tiên vương để chờ đợi (truyền cho) những kẻ đi học ở thế hệ sau, thế mà chẳng nhận được thực phẩm nơi ngươi. Sao ngươi lại tôn trọng những thợ rừng, thợ mộc, thợ làm bánh xe, đóng xe... mà coi nhẹ bậc nhân nghĩa như vậy?”
Bành Canh nói: “Những thợ rừng, thợ mộc, thợ làm bánh xe, đóng xe... chí hướng của họ là tìm thực phẩm. Người quân tử theo đạo, chí hướng cũng là tìm thực phẩm sao?
Đáp: “Sao ngươi đem chí hướng ra đây làm gì? Người nào làm công cho ngươi, có thể nhận được thực phẩm mà ăn. Vả lại, ngươi cho ăn vì chí hướng hay cho ăn vì công việc?”
Bành Canh trả lời: “Cho ăn vì chí hướng.”
Mạnh Tử nói: “Có người ở đây, phá hoại ngói, vẽ vạch bậy bạ, mà có chí hướng tìm thực phẩm, thì ngươi có cho ăn không?” Đáp: “Không cho.”
Mạnh Tử nói: “Vậy thì ngươi chẳng phải cho ăn vì chí hướng mà cho ăn vì công việc.”
Bình lược: Mạnh Tử khi đến các vua chư hầu thường có mấy chục cỗ xe theo sau với mấy trăm đệ tử tháp tùng. Có lẽ cứ qua một nước lại có thêm người xin theo học, cho nên mới tạo thành một số đông đệ tử như vậy. Cả thầy lẫn trò đều được các vua chư hầu cung phụng thực phẩm. Một đệ tử là Bành Canh cho như thế là thái quá và đem ý ấy thắc mắc với thầy. Mạnh Tử giải thích thêm; người ta sống trong xã hội cần phải có sự trao đổi; đem cái mình có thừa đổi lấy cái thừa của người khác mà mình đang thiếu. Nếu không có sự trao đổi, nhà nông sẽ thừa thóc, phụ nữ sẽ thừa vải; trong khi những kẻ không trồng cấy, không dệt vải sẽ thiếu cơm ăn, áo mặc. Có sự trao đổi, nhà nông sẽ đem thóc thừa đổi lấy giường, tủ, xe ngựa... chẳng hạn; phụ nữ sẽ đem vải thừa đổi lấy đồ trang sức... chẳng hạn.
Mạnh Tử nhấn mạnh rằng đem chí hướng ra nói ở đây là lạc đề. Vấn đề ở đây là: ai làm công việc gì cho người khác, người ấy được nuôi ăn. Thợ rừng, thợ mộc... được nuôi ăn vì công việc của họ, chứ không phải vì chí hướng. Người quân tử dạy đạo lý cho người cũng cần được nuôi ăn vì công việc giảng dạy chứ không phải vì chí hướng giữ đạo. Tóm lại, Mạnh Tử muốn nói rằng: ông và các đệ tử đến các nước chư hầu cốt để giảng dạy đạo lý cho vua quan và dân chúng các nước ấy; các vua chư hầu chiêu đãi ông và các đệ tử chỉ là trả công cho việc giảng dạy đó, chứ không bị thiệt thòi gì. Vì thế, không có gì là thái quá!
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu