Astrology.vn - Nhân và nghĩa kết hợp với nhau trong một con người làm nên đức tính lý tưởng của con người có giáo dục, có văn hoá, có lý trí tình cảm quân bình tốt đẹp, thâm hậu, luôn luôn tôn trọng chính mình cũng như tôn trọng tha nhân, xứng đáng là một tạo vật vượt trên muôn vật: con người nhân nghĩa. Người có nhân nghĩa không ích kỷ, không chà đạp, bóc lột người khác, nhận ơn thì đền ơn, sống hoà thuận với mọi người, cùng chia sẻ quyền lợi, chia sẻ mọi nỗi buồn niềm vui để giải trừ đau khổ, cực nhọc trong kiếp nhân sinh.
1
Mạnh Tử ra mắt Lương Huệ Vương. Vua nói: “Thưa ngài, chẳng kể ngàn dặm xa mà đến, chắc sắp có gì làm lợi cho nước ta chăng?”
Mạnh Tử đáp rằng: “Vua cần gì nói đến lợi? Hẳn có điều nhân nghĩa mà thôi. Vua mà nói: ‘Lấy gì làm lợi cho nước ta?’ Quan đại phu nói: ‘Lấy gì làm lợi cho nhà ta?’ Kẻ sĩ, người dân nói: ‘Lấy gì làm lợi cho thân ta?’Trên dưới cùng nhau tranh lợi, thì nước nguy mất.
Trong nước mười ngàn cỗ xe, kẻ giết vua ắt là nhà có một ngàn cỗ xe. Trong nước một ngàn cỗ xe, kẻ giết vua ắt là nhà có một trăm cỗ xe. Cứ mười ngàn lấy một ngàn, cứ một ngàn lấy một trăm, chẳng lấy thế chẳng cho là nhiều (đủ). Ví bằng làm điều nghĩa sau mà làm điều lợi trước, thì chẳng chiếm lấy được chẳng chán .
Chưa có người nhân nào mà bỏ sót người thân của mình. Chưa có người nghĩa nào mà đặt vua mình ra sau. Vua nên nói điều nhân nghĩa mà thôi. Cần gì nói đến lợi?”
Bình lược: Mạnh Tử là một nhà hiền triết, cho nên ông có cái nhìn sâu xa về mọi sự việc hơn những nhà chính trị thông thường. Để phục hưng và xây dựng một quốc gia, ông chú trọng đến giải pháp nền tảng và coi nhẹ những biện pháp nông nổi nhất thời. Bởi vì ông thấy được mối nguy hại tiềm ẩn đằng sau cái mà người đời theo đuổi, tán dương. Lợi có ba nghĩa là: của cải, sắc bén, tiền lời. Nghĩa của chữ lợi là của cải (lợi lộc) được quen dùng nhất. Nhưng của cải lại là đầu mối cho những âm mưu và những khí cụ sắc bén (lợi khí) để tiêu diệt lẫn nhau. Như thế, nghĩa thứ nhất (của cải) đã gắn liền với nghĩa thứ hai (sắc bén); còn nghĩa thứ ba (tiền lời) lại là đầu mối của sự tham lam. Ai đi buôn cũng mong kiếm được nhiều tiền lời (một vốn, bốn lời). Sự nguy hại của lợi đã lộ ra trong những nghĩa ấy.
Nhân và nghĩa kết hợp với nhau trong một con người làm nên đức tính lý tưởng của con người có giáo dục, có văn hoá, có lý trí tình cảm quân bình tốt đẹp, thâm hậu, luôn luôn tôn trọng chính mình cũng như tôn trọng tha nhân, xứng đáng là một tạo vật vượt trên muôn vật: con người nhân nghĩa. Người có nhân nghĩa không ích kỷ, không chà đạp, bóc lột người khác, nhận ơn thì đền ơn, sống hoà thuận với mọi người, cùng chia sẻ quyền lợi, chia sẻ mọi nỗi buồn niềm vui để giải trừ đau khổ, cực nhọc trong kiếp nhân sinh. Đã là người có nhân, không bao giờ bỏ sót người thân của mình; trong đó có cha mẹ, vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn... Đã là người có nghĩa, không bao giờ coi nhẹ vua hay những người lãnh đạo trên mình; người đó biết rằng cần phải tôn trọng cấp trên thì đoàn thể của mình hay quốc gia của mình mới tồn tại vững bền. Do đó, làm vua một nước chỉ nên nói đến điều nhân nghĩa, ra sức làm điều nhân nghĩa để cho mọi người trong nước cũng chú trọng vào nhân nghĩa. Như thế, tất nhiên cái lợi sẽ đến. Cái lợi đến sau nhân nghĩa mới thực là to lớn, bền vững lâu dài; đó là cái lợi chung cho mọi người trong nước.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu