Astrology.vn - Theo Mạnh Tử, người làm vua được hưởng cung điện đẹp đẽ mà dân chúng không được hưởng như vậy, họ sẽ oán trách vua. Tuy rằng việc oán trách ấy không đúng đạo lý, nhưng người làm vua mà chẳng chung vui với dân thì cũng không đúng đạo lý nốt. Nếu vua biết cùng chia vui sẻ buồn với thiên hạ, dân chúng sẽ phấn khởi hợp sức với vua xây dựng nghiệp vương, thì đất nước ắt hưng thịnh.
4
Tề Tuyên Vương đến thăm Mạnh Tử ở Tuyết cung. Vua nói: “Người hiền cũng cảm thấy vui ở đây chứ?”
Mạnh Tử đáp: “Có chứ. Nhưng người thường dân chẳng được hưởng sẽ chê bai cấp trên của họ. Chẳng được hưởng mà chê bai cấp trên thì không đúng. Làm bậc trên của dân mà chẳng chung vui với dân, cũng không đúng. Vui với niềm vui của dân, thì dân cũng vui với niềm vui của mình; buồn với nỗi buồn của dân thì dân cũng buồn với nỗi buồn của mình. Vui cùng thiên hạ, buồn cùng thiên hạ, thế mà không thịnh vượng, chưa hề có vậy.
“Xưa kia, Tề Cảnh Công hỏi Yến Tử rằng: ‘Ta muốn đi chơi ở Chuyển Phục, Triều Vũ, rồi lần theo biển xuống miền nam, xuôi tới xứ Lang Da. Ta phải sửa sang sao mà có thể sánh được với cuộc đi chơi của các bậc tiên vương?’
“Yến Tử đáp: ‘Câu hỏi khéo thay! Bậc Thiên tử đến với vua chư hầu gọi là tuần thú. Tuần thú nghĩa là đi coi khắp cả địa hạt của mình. Vua chư hầu vào chầu Thiên tử gọi là thuật chức. Thuật chức nghĩa là bày tỏ công việc của mình làm. Chẳng có việc gì thì không đi. Mùa xuân thì coi xét việc cày cấy mà ban thêm cho chỗ không đủ (lúa giống); mùa thu thì coi xét việc thu gặt mà trợ giúp cho nơi không đủ dùng. Tục ngữ nhà Hạ nói: ‘Vua ta chẳng dạo chơi, ta nào được tốt lành? Vua ta chẳng dự vui ta nào được giúp đỡ?’ Một cuộc dạo chơi, một cuộc dự vui (của Thiên tử) là làm phép tắc cho các chư hầu.
“Ngày nay không được như thế. Một đám đông ra đi phải dùng lương thực. Đói lại chẳng được ăn; mệt lại chẳng được nghỉ: đành nghé mắt nhìn (ngó lơ) mà gièm pha. Dân chúng bèn nảy âm mưu chống đối. Đã trái lệnh trên (Thiên tử), lại còn tàn ác với dân, ăn uống dường như nước chảy; say sưa, rong ruổi, phóng túng, tàn hoại, làm cho các chư hầu phải lo buồn.
“Buông thả xuôi dòng mà quên trở lại, gọi là say sưa. Buông thả ngược dòng mà quên trở lại, gọi là rong ruổi. Đuổi săn theo thú vật không chán, gọi là phóng túng. Vui say rượu chè không chán, gọi là tàn hoại. Các bậc tiên vương không say sưa, rong ruổi và không có hành vi phóng túng, tàn hoại. Vua hãy mưu nghĩ về hành động của mình.’
“Vua Cảnh Công vui vẻ, loan báo rộng rãi cho cả nước biết, rồi ra đi, trú đóng ở chỗ đất xa kinh thành; thế là bắt đầu khiến cấp thêm cho những nơi không đủ. Vời quan thái sư, nói rằng: ‘Hãy vì ta mà sáng tác một bản nhạc vua tôi cùng hoà vui.’ Thế là bản Chủy Thiều, bản Giốc Thiều được đặt ra. Lời nhạc nói rằng: ‘Vực dậy vua sao mà lầm lỗi? Vực dậy vua là khéo yêu mến vua vậy.’”
Bình lược: Theo Mạnh Tử, người làm vua được hưởng cung điện đẹp đẽ mà dân chúng không được hưởng như vậy, họ sẽ oán trách vua. Tuy rằng việc oán trách ấy không đúng đạo lý, nhưng người làm vua mà chẳng chung vui với dân thì cũng không đúng đạo lý nốt. Nếu vua biết cùng chia vui sẻ buồn với thiên hạ, dân chúng sẽ phấn khởi hợp sức với vua xây dựng nghiệp vương, thì đất nước ắt hưng thịnh. Ngày nay, vua đi chơi là tạo thêm gánh nặng cho dân. Với một đoàn người đông đảo theo hầu vua, tiền hô hậu ủng, thì phải tốn nhiều lương thực. Dân đã đói chẳng đủ ăn, đã mệt chẳng được nghỉ, lại phải cung phụng lương thực cho một đoàn người đông đảo như thế. Cho nên ai cũng chán ngán, nghé mắt mà nhìn, miệng không ngớt gièm pha trách móc. Do đó, trong dân nảy ra những âm mưu khởi loạn, chống đối. Vua đi tuần thú chỉ cốt ngoạn cảnh như vậy đã trái mệnh lệnh Thiên tử (nhà Chu), lại còn đem đến tai họa cho dân; dân không cung phụng đủ thì bị hành hạ.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu