Astrology.vn - Lập trường của Mạnh Tử trước sau vẫn là: đến lúc cùng thì bỏ đất mà chạy để bảo toàn lực lượng. Điều đó phù hợp với sự khôn ngoan trong phép hành quân: “Tam thập lục kế, đào vi thượng sách”. Dĩ nhiên kế này chỉ được sử dụng khi không còn kế nào hơn nữa. Đó là kế cuối cùng. Mặc dầu, Mạnh Tử có nêu ra lập trường của người nào đó, “thà chịu chết, chứ không bỏ đất đai của tổ tiên”, để cho Đằng Văn Công tùy ý chọn lựa. Nhưng Mạnh Tử không chấp nhận lập trường ấy.
15
Đằng Văn Công hỏi rằng: “Đằng là nước nhỏ, có hết sức phụng thờ nước lớn, cũng chẳng khỏi (bị lấn). Như thế, nên làm sao?”
Mạnh Tử đáp rằng: “Ngày xưa Thái Vương ở đất Mân, người Địch xâm lấn. Đem da thú, lụa là, phụng tiến, mà chẳng khỏi bị lấn. Đem chó, ngựa phụng tiến mà chẳng khỏi được. Đem châu ngọc phụng tiến, cũng chẳng khỏi được. Ngài bèn dặn dò các cụ già lịch duyệt, báo cho họ rằng: ‘Lòng ham muốn của người Địch là đất đai của ta thôi. Ta có nghe: Người quân tử không lấy cái để nuôi người (đất đai) mà làm hại người. Các ông lo gì không có vua? Ta sắp bỏ đi.’ Bỏ đất Mân, vượt qua Lương Sơn, ngài lập ấp dưới núi Kỳ mà ở. Người Mân nói: ‘Người có đức nhân không thể bỏ được.’ Họ kéo theo ngài như đi chợ.
“Có người nói: ‘Coi giữ dòng tộc, chẳng được làm theo khả năng của mình; đến chết, cũng đừng bỏ đi.’ Xin vua chọn trong hai lập trường đó.”
Bình lược: Lập trường của Mạnh Tử trước sau vẫn là: đến lúc cùng thì bỏ đất mà chạy để bảo toàn lực lượng. Điều đó phù hợp với sự khôn ngoan trong phép hành quân: “Tam thập lục kế, đào vi thượng sách”. Dĩ nhiên kế này chỉ được sử dụng khi không còn kế nào hơn nữa. Đó là kế cuối cùng. Mặc dầu, Mạnh Tử có nêu ra lập trường của người nào đó, “thà chịu chết, chứ không bỏ đất đai của tổ tiên”, để cho Đằng Văn Công tùy ý chọn lựa. Nhưng Mạnh Tử không chấp nhận lập trường ấy. Ông là một hiền triết, chủ trương biến thông, cố giữ lấy thân mình để tính kế lâu dài về sau; chứ không chấp nhận chết oan uổng, khư khư giữ lấy tiết tháo hư danh, vô ích.
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu