Astrology.vn - Vào thời Chiến Quốc, những bậc trí thức quân tử vẫn có thái độ tự trọng, không chịu đến yết kiến các vua chư hầu nếu không có lời mời tử tế. Mạnh Tử trách Trần Đại đã lầm lỗi; bởi vì bổn phận của bậc quân tử là phải nắn thẳng cho người, đem ngay thẳng đến cho vua, sửa đổi việc chính trị cho dân được hạnh phúc. Chẳng bao giờ kẻ dùng thái độ khom mình hèn nhát mà có thể sửa cho người trở nên ngay thẳng được!
1
Trần Đại nói: “Không yết kiến vua chư hầu, cách thích ứng ấy dường như là tiểu tiết thôi. Nay, một phen yết kiến, nếu gặp cơ hội lớn, thì nên nghiệp vương, gặp cơ hội nhỏ, thì nên nghiệp bá. Vả lại sách Chí có nói: ‘Khom mình một thước mà đứng thẳng tám thước.’ (một tầm) Cách thích ứng ấy dường như có thể chấp nhận được.”
Mạnh Tử nói: “Xưa Tề Cảnh Công đi săn, cho gọi viên quan coi vườn thú bằng lá cờ tinh. Ông ấy không chịu đến, vua muốn đem giết. ‘Người chí sĩ chẳng quên bị chết ở ngòi rãnh; người dũng sĩ chẳng quên bị mất đầu.’
Sao Khổng Tử chọn lấy câu này để nói về ông ấy? Người giữ giá trị thì chẳng phải cách gọi, chẳng ra đi. Còn như người chẳng đợi mời gọi mà đã đi, còn ra làm sao nữa?
“Vả lại, câu ‘Khom mình một thước mà đứng thẳng tám thước’ là nói về lợi. Như để được lợi, thì khom mình tám thước để được cái lợi đứng thẳng một thước, cũng đáng làm ư?
“Ngày xưa, Triệu Giản Tử sai Vương Lương dong xe cho kẻ bề tôi được yêu tên là Hề (Bế Hề). Cuối ngày mà chẳng bắn được một con chim.
Bế Hề trở về trình rằng: ‘Đó là kẻ đánh xe dở trong thiên hạ.’ Có người thuật lại cho Vương Lương. Lương nói: ‘Xin lại đi săn.’ Bị ép uổng rồi sau (Bế Hề) mới chịu. Trong một buổi sáng mà bắn được mười con chim. Bế Hề trở về trình rằng: ‘Đó là kẻ đánh xe giỏi trong thiên hạ.’ Giản Tử nói: ‘Ta sai y giữ chức dong xe cho ngươi.’ Rồi bảo Vương Lương. Lương không chịu, nói rằng: ‘Tôi giữ theo phép tắc mà rong ruổi xe ngựa, cuối ngày mà chẳng bắn được một con; còn cho chạy bậy chạy bạ, thì một buổi sáng bắn được mười con!’ Kinh Thi rằng: ‘Chẳng bỏ mất phép đánh xe, mũi tên buông ra như bức phá.’ Tôi chẳng quen dong xe cho kẻ tiểu nhân. Xin kiếu từ.’
“Người đánh xe còn xấu hổ khi sánh vai với kẻ săn bắn. Sánh vai mà được chim thú tuy chất cao như gò đống, cũng chẳng buồn làm. Ví như phải bẻ cong đạo lý mà đi theo ai đó (vua chư hầu), còn ra thế nào? Hoá ra ngươi lầm lỗi mất rồi, kẻ khom mình chưa từng có khả năng nắn thẳng được người vậy.”
Bình lược: Vào thời Chiến Quốc, những bậc trí thức quân tử vẫn có thái độ tự trọng, không chịu đến yết kiến các vua chư hầu nếu không có lời mời tử tế. Trần Đại là môn đệ Mạnh Tử. Thấy thầy mình có tài đức, nhưng không có cơ hội phát huy, sợ uổng phí mất; cho nên đã khuyên thầy nên bỏ qua thái độ tự trọng dè dặt, một tiểu tiết trong giao thiệp, mà thân hành đến yết kiến các vua chư hầu một phen. Nếu gặp cơ hội lớn, tức là gặp được một vị vua có chí lớn, thì thầy có thể giúp ông ta nên nghiệp vương, ổn định cả thiên hạ. Nếu gặp cơ hội nhỏ, tức là một vị vua tầm thường thì có thể cùng ông ta xây dựng nghiệp bá. Để củng cố ý kiến của mình, Trần Đại còn viện thêm một câu trong Chí Thư ngày xưa nói rằng: “Khom mình một thước mà đứng thẳng tám thước”, tức là chịu khó luồn cúi một chút mà có thể đạt được ý nguyện lớn lao.
Mạnh Tử bác bỏ ngay ý kiến ấy bằng cách đưa ra các ví dụ. Trong ví dụ thứ nhất, câu trong sách Chí đó chỉ nói về lợi. Người chỉ biết cầu lợi thì có thể khom mình chịu hèn kém một chút mà thu được món lợi lớn. Nay bậc quân tử chẳng lẽ chịu hèn kém, bỏ đức tự trọng là cái lợi lớn để thu cái lợi nhỏ là bổng lộc hay sao? Đối với bậc quân tử, giữ phẩm giá thanh cao còn đáng tự hào hơn được lợi ngàn vàng mà bị nhục nhã. Trong ví dụ thứ hai, người đánh xe mà còn biết xấu hổ khi phải sánh vai với kẻ bắn dở; huống chi một hiền triết lại bỏ đạo lý của mình mà đi luồn cúi một ông vua hèn hay sao?
Mạnh Tử trách Trần Đại đã lầm lỗi; bởi vì bổn phận của bậc quân tử là phải nắn thẳng cho người, đem ngay thẳng đến cho vua, sửa đổi việc chính trị cho dân được hạnh phúc. Chẳng bao giờ kẻ dùng thái độ khom mình hèn nhát mà có thể sửa cho người trở nên ngay thẳng được!
(t/h)
Hương Sơn Dã Phu